e magazine
26/03/2023 09:54
Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

26/03/2023 09:54

Năm 2022, Hậu Giang đã kêu gọi đầu tư 87 dự án với quy mô đầu tư dự kiến 30.265 ha, với tổng mức đầu tư 48.175 tỷ đồng. Cụ thể kêu gọi 9 dự án vào khu công nghiệp; 7 dự án vào cụm công nghiệp; 21 dự án nông nghiệp; 31 dự án đô thị; 8 dự án du lịch. Tỉnh cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp với khẩu hiệu “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.
Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Nghiêm Xuân Thành chia sẻ: "Trong năm 2022, các chỉ tiêu của Hậu Giang đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, xếp thứ 4 cả nước; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế dần được cải thiện. Theo đó, thành lập mới 896 doanh nghiệp; số doanh nghiệp có hoạt động và kê khai thuế đến nay là 3.150 doanh nghiệp, tăng 393 doanh nghiệp, vượt 6,7% chỉ tiêu đề ra".

Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

Toàn cảnh TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) nhìn từ trên cao.

PV: Thưa đồng chí Bí thư, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025, vậy đồng chí tâm đắc nhất điều gì về kết quả phát triển của Hậu Giang trong nửa đầu nhiệm kỳ qua?

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, nhưng bức tranh kinh tế nước ta có bước phát triển khởi sắc, vượt mục tiêu đề ra, trở thành điểm sáng kinh tế hiếm hoi của thế giới.

Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

Riêng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hậu Giang năm 2022 có sự bứt phá rất ấn tượng. Theo đó, Hậu Giang đã hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu rất trọng yếu như: tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tổng số doanh nghiệp hoạt động; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; GRDP bình quân đầu người đạt kết quả rất tích cực.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao nhất từ trước đến nay với mức tăng 13,94%, đứng đầu vùng ĐBSCL và vươn lên thứ 4 cả nước (tăng trên 30 bậc so với năm 2021).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, giảm tỷ trọng khu vực I, tăng mạnh khu vực II (tăng 6,63%), đưa tỷ trọng khu vực kinh tế công nghiệp lần đầu tiên cao hơn khu vực kinh tế nông nghiệp (29,95% so với 24,06%). Thu nhập bình quân đầu người tăng 19,45% so với năm trước, đạt mức 65,89 triệu đồng/người. Thông qua so sánh với những con số như trên, chúng ta có thể tự hào nói rằng: Hậu Giang đã chứng tỏ được khát vọng, quyết tâm cao độ cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hoàn thành toàn diện và cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang – Nghiêm Xuân Thành trao hoa cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

PV: Như vậy, theo đồng chí Bí thư, những yếu tố nào để Hậu Giang tạo được sức bật ấn tượng đó?

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành: Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 78, ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 đã đem đến luồng gió mới, tạo cơ sở đột phá quan trọng cho khu vực ĐBSCL trong giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá, cải thiện vị trí xếp hạng quy mô kinh tế, thu ngân sách so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng các giai đoạn tiếp theo. Định hướng xây dựng Quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 theo các trục: 1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

Thủ tướng Chính phủ tham quan bản đồ tỉnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hậu Giang 2022.

Hậu Giang xuất phát điểm thấp thì phải nuôi khát vọng lớn. Chính sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã giúp tỉnh nhà đạt được những kết quả rất khả quan. Có nhiều yếu tố tạo nên sức bật ấn tượng cho Hậu Giang, nhưng theo tôi có những nguyên nhân cơ bản làm nên các yếu tố đó là:

Thứ nhất, Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang tiếp tục kế thừa, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, biến khó khăn, thách thức thành động lực để vươn lên; chuyển hóa được truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa và nền tảng từ thành tựu qua 19 năm xây dựng, trưởng thành của tỉnh thành nguồn lực để phát triển.

Thứ hai, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, nên chủ động được nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, lãnh đạo tỉnh luôn bám sát kịp thời diễn biến kinh tế vĩ mô, quán triệt và thực hiện có hiệu quả định hướng của Trung ương.

Thứ tư, công tác tổ chức xây dựng Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới, với hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất.

Thứ năm, hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đồng bộ, quyết liệt, sâu sát, trách nhiệm, bám sát chặt chẽ các nhiệm vụ chính trị, với tinh thần quyết tâm cao, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của tỉnh đề ra. Cùng với đó là sự đồng thuận của Nhân dân và doanh nghiệp, nên tỉnh đã thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

Thủ tướng Chính phủ tham quan khu trưng bày sản phẩm Ocop Hậu Giang tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hậu Giang 2022.

PV: Được biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lần làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào tháng 7/2022, đã đánh giá cao những nỗ lực đổi mới, đột phá vượt bậc của Hậu Giang, đồng thời cũng chỉ ra 2 “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, đó là thiếu hạ tầng chiến lược và chất lượng nguồn nhân lực. Vậy, Hậu Giang có giải pháp gì để khơi thông những “điểm nghẽn” này?

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành: Hậu Giang đã xây dựng Quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được xem như “kim chỉ nam” cho phát triển bởi đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo xu hướng, bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tác động đến phát triển của tỉnh và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác các địa phương trong cả nước, cùng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cân đối thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Từ đó, đưa ra phương án và giải pháp khả thi phát triển cho từng giai đoạn.

Vì vậy, Quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 không chỉ khắc phục những “điểm nghẽn” mà còn tạo động lực mới để khai thác tiềm năng, thế mạnh, góp phần cho tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững hơn. Đối với phát triển hạ tầng chiến lược đã có phương án kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh với kết cấu hạ tầng quốc gia và vùng. Đối với hạ tầng giao thông, mạng lưới đường bộ qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có 3 tuyến cao tốc; 7 tuyến quốc lộ kết nối với đường tỉnh, đường liên kết Vùng. Đối với hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch trên địa bàn tỉnh hành lang vận tải thủy Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau. Quy hoạch 15 luồng tuyến, 5 cụm cảng, 20 bến hành khách và 4 bến hàng hóa.

Về logistics, giai đoạn 2021 - 2030 quy hoạch trên địa bàn tỉnh 3 trung tâm logistic gồm Trung tâm logistics Mekong; Khu trung tâm logistics Hậu Giang; Khu trung tâm logistics nông sản xuất khẩu Hậu Giang.

Ngoài ra, còn có quy hoạch hàng loạt hạ tầng khác như quy hoạch kết nối về thủy lợi, hạ tầng viễn thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng cấp nước, hạ tầng giáo dục đào tạo và nghề nghiệp, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, hạ tầng lĩnh vực văn hóa, thể thao, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

Lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành tàu du lịch có sức chứa 200 người.

PV: Xin đồng chí cho biết, những đột phá cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu đưa Hậu Giang vươn mình phát triển trong thời gian tới là gì?

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành: Hậu Giang đã lựa chọn 3 đột phá chiến lược, đó là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường; hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ; xây dựng Chiến lược phát triển và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Chú trọng triển khai đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đồng thời, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết tập trung phát triển 4 trụ cột, đó là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch. Trong đó, nông nghiệp là trụ đỡ và công nghiệp có vai trò nền tảng, dẫn dắt, lan tỏa - là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu ngân sách.

PV: Để đạt được đột phá đưa Hậu Giang phát triển, rất cần sự thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Xin đồng chí vui lòng cho biết, quan điểm trong thu hút đầu tư của tỉnh ra sao?

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành: Để thu hút đầu tư thành công phải trên cơ sở bảo đảm được hài hòa 3 lợi ích đó là: người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Với Nghị quyết phát triển 4 trụ cột, tỉnh ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp chế biến nông sản và đầu tư nông nghiệp sinh thái. Tỉnh xác định thu hút đầu tư có chọn lọc, quan điểm rất rõ là các doanh nghiệp sản xuất cần đáp ứng 3 tiêu chí: sử dụng lao động địa phương, đóng góp nhiều cho ngân sách, công nghệ thân thiện môi trường. Đồng thời, tỉnh có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch và doanh nghiệp có thế mạnh, kinh nghiệm đầu tư các khu đô thị lớn.

Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang – Nghiêm Xuân Thành.

PV: Hậu Giang có nhiều thông điệp thể hiện sự đổi mới tư duy phát triển mạnh mẽ. Trong đó, vai trò nổi bật của cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - là người góp công hoạch định và truyền những cảm hứng cho sự phát triển của tỉnh. Tiếp tục vai trò đó, đồng chí có những thông điệp phát triển gì trong năm 2023 này?

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành: Hậu Giang hôm nay có đủ các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, qua kết quả đạt được năm 2022, các yếu tố này ngày càng rõ nét hơn. Nền tảng truyền thống và kết quả ấn tượng năm 2022, cùng với xây dựng hoàn thành Quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây sẽ là xung lực mới, bệ phóng mới cho Hậu Giang phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Tỉnh nhỏ thì khát vọng phải lớn, nhưng con đường vượt tiến không bao giờ bằng phẳng cả. Trong giai đoạn phát triển tới, bên cạnh những thuận lợi, chắc chắn còn nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, tôi mong muốn các ngành, các cấp, mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, thấm nhuần và thực hiện theo lời Bác dạy: Chủ trương một, giải pháp phải mười và quyết tâm phải hai mươi. Toàn Đảng, toàn dân cùng quyết tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, ra sức tiếp tục thi đua thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về cuộc trao đổi này. Chúc Hậu Giang bằng những khát vọng của mình sẽ vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới như kỳ vọng!

Hậu Giang tự tin, tạo xung lực mới, đột phá tăng tốc phát triển

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Ảnh: BHG

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Xem phiên bản di động