Đó là tin nhắn cuối cùng chị Dương – công nhân Công ty CP Ô tô 1-5 nhắn cho tôi, hồi cuối năm 2022. Chị Dương (SN 1974), khi ấy đang chiến đấu với căn bệnh ung thư đã di căn lên não. Người phụ nữ vật lộn với những cơn đau. Cậu con trai thứ hai vừa ra quân, đành gác lại kế hoạch tìm việc, hằng ngày túc trực chăm sóc mẹ. Hai mẹ con quyết định về Thái Nguyên, quê chị, để chị được sống những ngày tháng cuối đời trong vòng tay ruột thịt.
Trước đó hơn một năm, tháng 6/2021, trước cổng Công ty CP Ô tô 1-5 (huyện Đông Anh, Hà Nội) thi thoảng diễn ra một cuộc xuống đường. Hàng chục thợ máy, thợ sơn, thợ bọc vỏ... của nhà máy này tập trung đòi giám đốc trả nợ lương, bảo hiểm xã hội. Băng rôn chữ trắng nổi bật trên tấm phông đỏ chót. Thấp thoáng trong đó, gương mặt chị Dương đã lộ rõ sự mệt mỏi.
Một tối, sau cơn ho, chị hoảng hồn khi nhìn thấy cục máu. Chẳng đặng đừng được nữa, nữ công nhân vay mượn hàng xóm chút tiền đi khám bệnh. 5 ngày sau đó, bác sĩ thông báo chị bị ung thư phổi. Mọi thứ như sụp đổ trước mắt, chị oà khóc nức nở.
Chị Phạm Thị Dương (đeo khẩu trang) trong một lần đi đòi nợ lương, BHXH hồi tháng 6/2021 - Ảnh: CNCC |
Quê ở Thái Nguyên. Chị Dương theo chồng xuống làm việc tại Công ty Ô tô 1-5 hồi 2003. Chị từng kể, ngày đó xin được vào nhà máy ô tô này đã là niềm tự hào lắm. Cuộc sống gia đình cứ yên ả trôi qua, hai con trai dần khôn lớn bằng những đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng. Thế rồi năm 2017 biến cố ập đến. Chồng chị qua đời sau thời gian bị ung thư vòm họng. Chẳng hiểu có phải trùng hợp hay không, nhưng nghe chị kể, mấy công nhân trong khu tập thể nơi chị ở, cũng đều bị K.
Người phụ nữ gạt nước mắt, gắng gượng đứng dậy tiếp tục làm chỗ dựa cho hai con. Nhưng, tháng 9/2020, sau thông báo ngắn gọn từ lãnh đạo Công ty, chị và hơn 100 đồng nghiệp buộc phải nghỉ việc không lương. Lúc ấy thì chị đã bị doanh nghiệp nợ đến 8 tháng lương, nợ cả BHXH. Để duy trì cuộc sống, chị bươn chải đủ nghề, ai thuê gì làm nấy. Sức khoẻ ngày một giảm sút, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn ho kéo dài. Công ty nợ BHXH, không có bảo hiểm y tế, tiền nong chẳng có nên chị cứ khất lần việc đi khám bệnh. Cho đến khi phát hiện thì bệnh tình đã chuyển nặng.
Chị Dương tại nhà riêng, sau một đợt đi xạ trị - Ảnh: Minh Khôi |
Còn nhớ lần đi cùng mấy anh chị em công nhân trong nhà máy tới thăm chị. Chị run rẩy rót nước mời khách. Chiếc mũ xám mỏng trùm kín đầu, che đi mái tóc rụng gần hết sau hai đợt truyền hóa chất. Gương mặt chị tiều tụy, đôi mắt thâm quầng, ầng ậc nước. Chúng tôi nhìn nhau ái ngại.
“Bây giờ em không thể đi cùng các anh chị được nữa rồi. Cuộc sống không biết thế nào, không biết còn sống được bao lâu nữa. Thôi thì mọi việc em nhờ các anh chị tiếp tục đấu tranh”, chị nói. Nước mắt cứ thế bật ra, lăn dài. Chị nghĩ về hành trình của cả một tập thể đi đòi quyền lợi, chưa biết bao giờ mới kết thúc. Chị buồn vì không thể tiếp tục đồng hành cùng mọi người.
Thời điểm chúng tôi tiếp cận vụ việc, Công ty CP Ô tô 1-5 đang nợ lương người lao động và nợ BHXH số tiền 14,9 tỷ đồng. Chỉ đến khi chị Dương được phát hiện mắc bệnh ung thư phổi vào đầu tháng 7/2021, phải nhập viện điều trị, các đồng nghiệp ra sức đấu tranh thì công ty mới trả cho chị 8 tháng lương (vỏn vẹn 24 triệu đồng). Chế độ BHXH của chị Dương vẫn không hề được giải quyết, dù đơn từ kêu cứu các nơi, dù lãnh đạo Công ty hứa hẹn nhiều lần. Đến nỗi, những lời cầu xin Ban lãnh đạo của người công nhân đã ở bước đường cùng cũng rơi vào im lặng. Sự im lặng đáng sợ.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, vào một đêm cuối tháng 9/2021, chị Dương ghìm cơn đau lén ngồi viết bức thư tay gửi Chủ tịch TP Hà Nội – bấy giờ là ông Chu Ngọc Anh. Chị bảo vừa viết vừa sợ con trai phát hiện: “Nó mà biết thì kiểu gì cũng cấm vì sợ phiền phức”.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, nữ công nhân quyết định viết thư ngỏ cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tháng 9/2021 - Ảnh: Minh Khôi
Lần đầu tiên chị cầm bút viết một bức thư, lại gửi cho người mà mình chẳng thân, chẳng quen, cũng chưa bao giờ gặp mặt. Mặc kệ, chị xé mấy tờ lịch, cẩn thận viết nháp ra mặt sau, nét chữ run run, nguệch ngoạc, tẩy xóa. Cuối cùng thì bức thư cũng hoàn thành, chị nắn nót chép lại vào tờ giấy kẻ ly.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đặt bút viết những dòng này gửi tới ông. Có thể coi đây là lời kêu cứu của một công dân thành phố đang ở tận cùng của nỗi đau bệnh tật, bị mất hết quyền lợi về bảo hiểm xã hội, mong ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết.
...
Trong hoàn cảnh khó khăn với chi phí điều trị bệnh vô cùng tốn kém, tôi chỉ biết trông mong vào quyền lợi bảo hiểm xã hội mà tôi đã tham gia. Bản thân tôi trước nay luôn chấp hành đúng các quy định về bảo hiểm xã hội. Hằng tháng, công ty đều khấu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ tiền lương của tôi. Thế nhưng Công ty Cổ phần Ô tô 1-5, nơi tôi làm việc hiện đang nợ tiền bảo hiểm xã hội tới 14,9 tỷ, người lao động chúng tôi mới chỉ được tính nộp bảo hiểm xã hội đến tháng 8/2016. Vì điều này mà tôi bị mất hết các quyền lợi từ bảo hiểm xã hội.
Bây giờ tôi mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, hoàn toàn hết khả năng lao động, phải nằm viện điều trị với chi phí tốn kém mà cũng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
Hơn ai hết, tôi khao khát được sống để trông thấy các con trưởng thành. Thông qua đơn từ, tin nhắn, gọi điện, tôi đã nhiều lần cầu xin Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 giải quyết nợ bảo hiểm xã hội cho tôi được lấy sổ bảo hiểm và thanh toán một lần để có chút tiền tiếp tục chữa bệnh. Thế nhưng họ hoàn toàn im lặng và không có trách nhiệm với quyền lợi mà tôi đáng được hưởng...
Thưa ông! Sau hai đợt hóa trị, tóc tôi đã rụng hết, sức lực đã chẳng còn, lại bị những cơn đau nhức hành hạ. Tôi viết thư này gửi tới ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội, mong ông quan tâm, tiếp tục chỉ đạo để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp không chỉ cho cá nhân tôi, mà cho hàng trăm công nhân Công ty Cổ phần Ô tô 1-5”.
Lá thư viết tay của chị Dương gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, năm 2021 - Ảnh: CNCC |
Trước khi chị Dương viết thư ngỏ chừng 2 tháng, lãnh đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan và đơn vị liên quan có biện pháp xử lý đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân lao động trong vụ việc nợ lương, bảo hiểm xã hội tại Công ty CP Ô tô 1-5. Nhưng rồi mọi việc vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến.
Chúng tôi đề nghị đăng bức thư ngỏ trên Tạp chí điện tử Lao động và Công đoàn, chị đồng ý. Chúng tôi cũng kêu gọi độc giả có lòng hảo tâm giúp đỡ chị có tiền chữa bệnh, trực tiếp qua tài khoản của chị. Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh – anh Nguyễn Văn Hoa sau khi đọc bài báo của chúng tôi viết về hoàn cảnh chị Dương đã cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Đông Anh tới thăm, động viên, tặng quà hỗ trợ.
Về bức thư tay gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, chị Dương nhờ tôi sang lấy gửi tận nơi. Thư thì đã gửi song đợi mãi chẳng thấy hồi âm. Phải tới tháng 11/2021, sau một loạt bài báo đeo bám vụ việc, Công ty Ô tô 1-5 mới thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội cho chị Dương.
Trong một lần sang thăm chị, chúng tôi được nghe chị kể:
“Nhà tôi cách viện K hơn 30 cây số. Tôi thường tự đi bằng xe máy, đi từ 4 rưỡi sáng cho mát. Mùa đông thì lạnh buốt, trời vẫn còn tối. Thi thoảng mệt quá thì dừng nghỉ. Sang viện sớm mình xếp hàng ít, được truyền thuốc hay chiếu xạ sớm. Ấy nhưng có hôm kiểm tra sức khỏe kém phải ăn, nghỉ cho nó hồi hồi rồi mới làm được. Giai đoạn đầu thỉnh thoảnh mới bị thế, về sau thường xuyên nên tôi thuê trọ luôn bên cạnh viện. Thứ Hai đi, thứ Sáu về, hay hết một phác đồ thì mới về.
Anh hỏi sao con trai cả không đưa mẹ đi? Nó có đấy. Nhưng nó làm xa, tít Sơn Tây, đi lại cả trăm cây số. Ngày nào cũng đi như vậy thì sao chịu nổi. Rồi đi sớm về muộn công ty nào cho. Nó đã bỏ việc một lần để ở nhà chăm mẹ, tôi không chịu. Ở nhà thì sống bằng gì? Ở nhà thì ai nó lấy? Nó có bạn gái rồi, cũng dẫn về nhà rồi, con bé ngoan lắm, tôi sợ nó biết hoàn cảnh thế này thì chắc gì nó chịu cưới.
Tôi đi hết các phác đồ điều trị rồi. Hóa trị rồi. Xạ trị rồi. Bác sĩ nói có loại thuốc gì điều trị kiểu Singapore mỗi liều hơn 2 triệu, cả đợt 60 triệu. Tôi cũng phân vân lắm. Tiết kiệm mãi, tất cả để dành có 60 triệu, mua thuốc thì còn gì cho đám cưới. Nhỡ nhà gái họ đồng ý cưới thì lấy gì lo cho chúng nó. Thôi tôi uống thuốc nam cũng tốt lắm. Vừa rồi có bà chị gửi cho một túi to, uống còn lâu mới hết.
Anh thông cảm nhà tôi hơi tối, hôm trước mưa to hình như sấm sét chập điện tầng trên, hàng xóm cho kéo nhờ đường dây sang, mình chỉ dám dùng sắc thuốc cho đỡ tốn điện của họ. Mà cũng không muốn bật đèn anh ạ! Mắt tôi không chịu được ánh sáng.
Tôi bị thế này nhưng không dám nói với thằng út. Sợ nó lo. Hình như thằng anh nó kể với em. Nó gọi điện về tôi bảo có mấy cái u nhỏ, mẹ chữa khỏi rồi. Nó không tin. Còn mấy tháng nữa là hết nghĩa vụ, muốn xin về phép với mẹ, tôi không đồng ý. Thôi cố thêm một chút cho hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đã sao đâu. Mà nó về thì làm việc gì? Hết phổ thông đi bộ đội đã có nghề ngỗng gì đâu? Anh có biết ở đâu có việc gì cho nó làm được không?
Tôi sẽ cố chữa lành bệnh anh ạ! Con tôi còn chưa đâu vào đâu cả. Tôi phải sống để giúp đỡ chúng nó chứ. Rồi còn được bế cháu tôi nữa chứ…”
Nhóm công nhân Công ty CP Ô tô 1-5 hơn 100 người kéo nhau đi đòi nợ lương, BHXH từ tháng 6/2021. Trước đó, họ nhiều lần kiến nghị Ban giám đốc nhưng không được trả lời. Họ lập nhóm zalo, góp tiền in băng rôn, mua nước uống mỗi khi xuống đường. Họ bảo nhau đồng lòng đấu tranh vì lợi quyền đã mất. Địa điểm tập trung là cổng nhà máy, có khi may mắn được vào tận xưởng, nơi họ gắn bó những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Chẳng ai muốn ở vào tình thế như vậy, cực chẳng đã, những người công nhân buộc phải đứng lên tự cứu mình.
Có người như ông Trịnh Văn Tạo, làm thợ bọc vỏ xe ở công ty gần 30 năm, đùng một cái phải nghỉ chờ việc. Chờ mãi cũng chẳng được gọi đi làm lại. Ông từng bị tai nạn, hỏng một mắt, tỷ lệ thương tật 71%. Sau tuổi 52, theo luật ông sẽ đi giám định lần nữa để về hưu trước tuổi. Nhưng công ty nợ BHXH, sổ không được chốt, các thủ tục và quyền lợi bị khóa cứng. Hôm tôi đến nhà, ông lọ mọ lục tìm các giấy tờ cá nhân, rồi buông một tiếng thở dài: “Chẳng biết có còn sống để mà nhận được sổ hưu không?”.
Công nhân tập trung trước cổng nhà máy đòi quyền lợi, năm 2021 - Ảnh: CNCC
Có người như chị Trịnh Thị Lan, quê Hương Khê, Hà Tĩnh, chồng mất 70% sức khỏe vì tai nạn lao động, nuôi 3 con, đi ở nhờ. Mất việc, bị nợ lương, nợ BHXH, chị xoay ra khởi nghiệp với chiếc xe đẩy bánh mì ở ngã tư gần nhà. Vốn liếng chục triệu hoàn toàn vay mượn. Không được trợ cấp khi nghỉ việc. Ốm đau không có bảo hiểm y tế. Gần 20 năm cống hiến và tháng nào cũng trích lương đóng BHXH nhưng chị không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Hơn trăm công nhân Công ty CP Ô tô 1-5 mỗi người một nơi, kéo nhau đi đòi quyền lợi. Trong suốt một năm trời, bất kể nắng hay mưa, cứ có thông báo là đi, mũ nón, đồng phục chỉnh tề. Mọi công việc họ tạm gác sang một bên.
Đấu tranh xuống đường một thời gian, Công ty trả hết nợ lương nhưng nợ BHXH mãi không “xi-nhê”. Công ty thì đưa ra lộ trình “xa vời vợi”, công nhân nghe “hứa” nhiều mất niềm tin, không chấp nhận. Bấy giờ, thành phố Hà Nội đang giãn cách xã hội. Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Vũ Đức Thuật nói sẽ cùng đoàn liên ngành theo dõi thực hiện lộ trình trả nợ BHXH của Công ty CP Ô tô 1-5, “nếu không sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra vào thời điểm thích hợp”.
Niềm vui người lao động nhận lương bị nợ từ Công ty - Ảnh: CNCC
Nhóm công nhân bàn nhau đi kiện, cử 5 người đại diện đứng đơn, rồi nhờ cả luật sư vào cuộc. Chúng tôi trong vai trò cơ quan báo chí, hứa sẽ đồng hành, cứ có tình tiết mới là lên bài, đồng thời tư vấn hết sức có thể. Tiếp sau đó là những cuộc đối thoại giữa hai bên, do hòa giải viên Tòa án Nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức.
Trước sức ép liên tục, đầu năm 2022, lãnh đạo Công ty CP Ô tô 1-5 chốt lộ trình đóng BHXH, cứ 6 người/đợt/tháng. Nhóm công nhân đồng ý phương án, thống nhất danh sách chốt sổ theo thứ tự ưu tiên: về hưu, ốm đau, thai sản và các hoàn cảnh khó khăn trước. Dự kiến hết tháng 9/2023 những thành viên cuối cùng sẽ được chốt sổ.
Có lần phía công ty chậm giải quyết so với lộ trình đã đưa, nhóm công nhân lại kéo đến nhà máy tạo sức ép, yêu cầu trả lời bằng văn bản. Trong đoàn đi có cả những người đã được chốt sổ. Thấy lạ, ông Phó Tổng giám đốc Công ty gọi vào phòng hỏi: “Các anh chị còn vướng mắc gì nữa mà đến đây?”. Một người trả lời: “Chúng tôi đến đây vì quyền lợi của anh chị. Còn một người thiệt thòi, chúng tôi còn đến”.
Hai tuần trước, tôi có dịp sang Đông Anh gặp gỡ một vài anh em công nhân Công ty Ô tô 1-5. Câu chuyện nợ lương, BHXH giờ đây đã được giải quyết. Họ vẫn bám nghề cơ khí, tiếp tục tham gia BHXH để có lương hưu sau này. Trong câu chuyện, mọi người nhắc đến chị Dương. Chị mất hồi tháng 3/2023 ở Thái Nguyên, chôn cất ở đó. Trước khi chị mất, cậu con trai cả kịp cưới vợ, dù đám cưới không rình rang. Những ngày cuối đời, chị cũng kịp bế cháu nội. Còn cậu thứ hai cũng đã tìm được một công việc, thỏa nguyện ước của mẹ lúc còn sống.
Gần đây, một số anh chị em công nhân lại đến BHXH huyện Đông Anh đòi được tiền ốm cho chị Dương theo chế độ. Số tiền không lớn, được chuyển về tài khoản con trai chị. Họ buồn bã nói: “Cả đời làm lụng, đến lúc mất rồi mới được lĩnh tiền ốm”.
Thông tin về tình hình lao động, việc làm những tháng đầu năm 2023, bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Theo báo cáo từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023, có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 lao động. Có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh, thành nợ hơn 74 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,4 triệu đồng/ người. Đến nay đã giải quyết gần 18 tỷ đồng tiền lương của 486 người lao động; chưa giải quyết hơn 56 tỷ đồng tiền lương của 5.493 người lao động. |
Công ty nợ lương, người lao động phải làm sao để lấy lại tiền? Công ty không trả lương người lao động và cố tình nợ lương, người lao động có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình bằng cách sau: Cách 1: Yêu cầu công ty Người lao động có thể trực tiếp gửi yêu cầu đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương. Cách này ít tốn kém nhất, tuy nhiên nếu công ty đã cố tình nợ lương người lao động một thời gian dài thì việc gửi yêu cầu trực tiếp ban lãnh đạo giải quyết có thể khó khăn hơn. Cách 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trường hợp công ty từ chối giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì căn cứ theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết. Cách 3: Khởi kiện tại Tòa án Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án. Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án. Căn cứ khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. (theo Lê Bửu Yến. https://thuvienphapluat.vn/) |
PHÓNG SỰ CỦA TRẦN DUY PHƯƠNG - MINH KHÔI Ảnh & Video: MINH KHÔI, CNCC, TRẦN YẾN, NGUYỄN HẰNG Đồ hoạ: AN NHIÊN |