Hai con người từ xa lạ, được kết nối nhau qua những hoạt động công đoàn; để rồi một tình yêu đôi lứa gắn kết, lung linh nơi miền đất mới và hạnh phúc đơm hoa kết trái từ vòng tay công đoàn.
Chuyến công tác thăm và tặng quà đoàn viên, người lao động tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng (cách trung tâm tỉnh hơn 150 cây số), tình cờ tôi được gặp lại vợ chồng người giáo viên “cắm bản” ngày nào - thầy Lý Seo Vần và cô Đặng Thị Thuý, nay cả hai người vẫn dạy tại ngôi trường năm xưa khi tôi còn công tác tại huyện này - Trường Tiểu học Rô Men.
Giữa niềm hạnh phúc ngập tràn của hiện tại trong căn nhà xây mới khang trang, những ký ức về cái thời “đồng cam, cộng khổ” với người dân buôn làng và mối tình đậm sâu giữa cô gái gốc “Hà thành” với chàng trai người Mông cứ chốc lát lại trở về, xen lấn như vừa mới ngày hôm qua.
“Thấm thoát mà đã ngót hai chục năm rồi anh nhỉ? Hồi đó, anh làm Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện, các anh thường xuyên đến thăm giáo viên tận điểm trường vùng khó khăn, hẻo lánh. Em sẽ không bao giờ quên cái lần hay tin em bị bạo bệnh nằm liệt mấy ngày, các anh đã lội bộ hơn chục cây số đường mòn đến thăm, còn không quên mua theo miếng thịt cho tụi em!” – cô giáo Đặng Thị Thuý xúc động nhớ lại.
Ngày ấy chàng thanh niên người dân tộc Mông Lý Seo Vần cùng bà con dân làng ở tận Lào Cai di dân tự do vào vùng đất hoang hóa tại xã Rô Men, huyện Đam Rông để lập nghiệp và cái tên “Làng Mông” cũng dần được người dân ở đây gọi thành thói quen cho đến tận bây giờ (dù đã được đặt tên là Thôn 5). Mới chỉ học hết Trung học cơ sở nhưng cũng là người “có chữ” nhất, nên Lý Seo Vần được bà con trong làng cắt cử việc “dạy dỗ” con trẻ trong căn nhà tranh tre mới được dân làng dựng tạm nằm chênh vênh bên sườn núi.
Qua nhiều lần chúng tôi phải xắn quần lội bộ, băng đèo vượt suối, đến tận nơi để điều tra, khảo sát số trẻ trong độ tuổi đi học, một điểm trường mới cũng chính thức được thành lập và thầy giáo Lý Seo vần cũng đặc cách được hợp đồng làm giáo viên “cắm bản” ở nơi đây.
Rồi mùa khai giảng mới cũng đến, số học sinh đến lớp học nhiều hơn, một số giáo viên cũng được tăng cường đến điểm trường mới. Cô sinh viên trẻ vừa mới rời giảng đường cao đẳng sư phạm Đặng Thị Thúy là một trong 3 giáo viên tăng cường ngày ấy.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Rô Men (khi ấy làm Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở) nhớ lại, các thầy cô giáo phải chia nhau ra ở nhờ nhà dân, bởi dân làng cũng chỉ mới dựng tạm được mấy phòng học bằng phên vách chưa “che hết cái nắng, chắn hết cái mưa” chứ nói gì đến nhà tập thể.
Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo “cắm bản” khi phải giảng dạy và sinh hoạt trong điều kiện không điện, không đường, không sóng điện thoại, lại thêm ngôn ngữ bất đồng, giao thông trắc trở nhưng không ngăn cách được tình đoàn viên, công đoàn cơ sở đã phát động phong trào “ngày về bản làng”, phân công đoàn viên hằng tuần đến điểm trường “Làng Mông” để sinh hoạt chuyên môn.
Cô giáo Đặng Thị Thúy với học sinh và đồng nghiệp ở trường. Ảnh: NVCC |
"Nói là sinh hoạt chuyên môn thì không sai nhưng chủ yếu là động viên, chia sẻ kịp thời với những đồng nghiệp ở đây và cũng là dịp công đoàn tiếp tế nhu yếu phẩm để các thầy cô giáo “có thực” mà “vực đạo”, vững lòng bám trụ lại nơi núi rừng hoang sơ ấy. Ngày ấy Thúy mảnh mai, lại bị chứng thiểu năng tuần hoàn não, thường bị hạ canxi đường huyết nên được mọi người quan tâm, thương yêu hơn; không ít lần cô ấy làm cho tập thể giáo viên và học sinh phải “hú vía” vì ngất xỉu ngay trong giờ lên lớp” - cô giáo Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Thấm thoát 3 mùa khai giảng trôi qua, đất mới cũng chẳng phụ người, những cây cà phê đầu tiên mà người dân trồng khi lập làng mới đã lác đác vài chùm hoa trắng. Theo năm tháng, sự quan tâm, chia sẻ của tập thể đoàn viên và công đoàn cơ sở nhà trường đối với giáo viên “cắm bản” ở điểm trường này cứ ngày một đong đầy hơn qua mỗi lần tổ chức các hoạt động chuyên môn, giao lưu, ngoại khóa…
Lòng yêu nghề, mến trẻ cũng ngày một sâu nặng hơn, để những con người từ xa lạ xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và chớm nở, nuôi dưỡng, gắn kết một tình yêu đôi lứa đơn sơ mà thắm đượm, vượt qua những rào cản khác biệt về văn hóa vùng miền giữa cô gái gốc “Hà thành” với chàng trai người Mông nơi bản làng.
Tình yêu ấy thật đẹp và không gì ngăn cách được, bởi họ vừa là đồng nghiệp trong chuyên môn, vừa là tri kỷ trong cuộc sống; và hơn thế nữa, họ đã tìm được ở nhau cùng một chí hướng là nguyện “cắm bản” để “gieo con chữ” khai sáng cho những đứa trẻ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi nơi bản làng xa vắng nơi đây.
“Đám cưới của tụi em lúc bấy giờ đơn giản nhưng tràn ngập hạnh phúc. Lãnh đạo và công đoàn trường thì đứng ra tổ chức, các thầy cô giáo người trang điểm cô dâu, người thắt cà vạt cho chú rể, người trang trí sân khấu, số thì bưng bê, kê dọn… ai nấy cùng vui vẻ chúc phúc cho chúng em” – thầy giáo Lý Seo Vần rưng rưng nhớ lại.
Tôi hiểu cảm xúc của thầy giáo người dân tộc Mông này, bởi đám cưới của anh khi ấy còn là niềm tự hào của cả các em học sinh, phụ huynh và bản làng nơi hai người đã gắn bó.
Và hạnh phúc hơn, khi vợ anh mang thai cũng là lúc công đoàn đề xuất với lãnh đạo trường cho cô được chuyển công tác về điểm trường gần trung tâm hơn, để cô có điều kiện chăm sóc thai nhi. Cũng là gần với khu đất mà vợ chồng anh đã mua được nhờ chắt chiu từ đồng lương và vay mượn thêm của bà con, đồng nghiệp...
Tình yêu và hạnh phúc đơm hoa kết trái từ vòng tay công đoàn mãi được vun trồng để ngày càng tươi thắm hơn. Ảnh NVCC |
Chỉ cho tôi ngôi nhà lợp tôn, vách gỗ, xây đờ mi nằm khiêm tốn bên kia đường, thầy giáo Lý Seo Vần vui vẻ cho biết, ngày ấy biết được vợ chồng thầy có ý định dựng ngôi nhà tre nứa tạm để có chỗ tá túc, công đoàn và lãnh đạo trường đã đề xuất với Công đoàn Giáo dục huyện xem xét và trao tặng nhà “Mái ấm Công đoàn” cho gia đình.
“Thật là hạnh phúc và đáng trân quý biết nhường nào, vì số tiền 14 triệu đồng thời điểm bấy giờ chúng em chưa bao giờ dám mơ tới. Càng hạnh phúc hơn khi được các đoàn viên công đoàn trong trường cùng góp sức, mỗi người mỗi việc, thế là ngôi nhà cũng nhanh chóng được hoàn thành, kịp dọn vào nhà mới đón cháu trai đầu lòng” – thầy giáo Lý Seo Vần kể lại.
Câu chuyện về những kỷ niệm đẹp, mộc mạc và êm đềm như tình yêu của hai người giáo viên cùng chí hướng ấy cứ mênh mang, theo ký ức mà chảy về như dòng suối mát. Cũng qua những lời bộc bạch ấy, tôi càng cảm kích hơn khi biết rằng, khi con trai bắt đầu vào lớp 1 là lúc cô giáo Đặng Thị Thúy lại tình nguyện xin quay trở lại gắn bó với điểm trường “Làng Mông” đến tận bây giờ để tiếp tục cùng chồng ngày ngày “gieo con chữ” cho lớp lớp trẻ em người dân tộc thiểu số.
Tôi cũng thán phục ý chí tự học vươn lên của đôi vợ chồng nhà giáo ấy, khi biết rằng họ đã có chặng đường hơn chục năm trời vừa nuôi con nhỏ, vừa giảng dạy, lại vừa theo học các lớp chuẩn hóa, rồi nâng cao, trong điều kiện cô giáo Đặng Thị Thúy vẫn phải điều trị bệnh u tuyến giáp và giờ đây cả hai người đều đã có bằng Đại học sư phạm Tiểu học để phục vụ công tác được tốt hơn, đạt danh hiệu giáo viên giỏi và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Và càng trân quý hơn khi tập thể đoàn viên và tổ chức Công đoàn ở đây luôn dang rộng vòng tay che chở, bao bọc cho những đoàn viên ngay từ khi mới đến nhận công tác, hay những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, tiếp thêm nghị lực để họ vươn lên.
Gia đình nhỏ của thầy Lý Seo Vần và cô Đặng Thị Thuý. Ảnh: NVCC |
Tôi càng vui mừng và hạnh phúc hơn khi ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn” mình được đại diện trao tặng cách đây đã ngót hai chục năm, nay vẫn giữ được lửa ấm tình công đoàn. Bởi như tâm sự của cô giáo Đặng Thị Thúy: “Khi dọn qua ở ngôi nhà mới này, cũng có vài người ngỏ ý muốn mua lại ngôi nhà cũ nhưng vợ chồng em đã bàn tính kỹ lưỡng và quyết định rồi, chúng em giữ lại ngôi nhà ấy vừa là kỷ niệm riêng tư, vừa giữ lại “Mái ấm Công đoàn”. Vài năm trước còn có giáo viên mới về trường thì dành cho các thầy cô ở tạm; bây giờ các thầy cô đã có nhà riêng thì chúng em cho học sinh ở xa đến ở mà đi học để cha mẹ chúng yên tâm”.
Chia tay gia đình cô giáo Đặng Thị Thúy và những người đoàn viên công đoàn nơi đây, giữa những câu chuyện về quá khứ và hiện tại như còn đang dang dở. Nhưng tôi tin tưởng rằng, dù giờ đây điểm trường “Làng Mông” đã được xây dựng khang trang, có đường bê tông đến tận nơi, dù cho đời sống của những người giáo viên và nhân dân nơi đây có nhiều điều tốt đẹp hơn…song tình yêu và hạnh phúc đơm hoa kết trái từ vòng tay công đoàn ở nơi đây mãi được vun trồng để ngày càng tươi thắm hơn.
ĐỖ THIỆM Đồ họa: TRƯỜNG SƠN |