e magazine
16/03/2023 07:32
Hai phương án rút BHXH một lần: Người lao động lo lắng về quyền lợi

16/03/2023 07:32

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định về rút BHXH một lần.
Hai phương án rút BHXH một lần: Người lao động lo lắng về quyền lợi

Hai phương án rút BHXH một lần: Người lao động lo lắng về quyền lợi

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định về rút BHXH một lần.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu ra 2 phương án:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Xoay quanh 2 phương án này, NLĐ cũng bày tỏ nhiều lo lắng vì sợ quyền lợi của bản thân bị thiệt thòi.

NLĐ lo lắng về quyền lợi

Khi được hỏi ý kiến về 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần, anh Nguyễn Văn Hồi (sinh năm 1970, công nhân Nhà máy Dệt Hà Nam, Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội) cho biết tính đến hiện tại BHXH của anh được 15 năm. Nhưng anh vẫn lựa chọn việc đóng BHXH cho đủ thời gian để hưởng lương hưu thay vì việc rút BHXH một lần.

“Nếu NLĐ không có lương hưu, khi không đủ sức khỏe để lao động, thì sẽ rất vất vả. Chỉ có ai ở vào hoàn cảnh không có lương hưu mới hiểu. Mặc dù lương hưu còn thấp nhưng nó vẫn là một khoản cố định hàng tháng để NLĐ yên tâm sau này”, anh Hồi nói.

Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây đối với một bộ phận NLĐ tại khu vực phía Nam, NLĐ có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần.

Chị Hồng (công nhân may) cho biết: “Nếu bị cho thôi việc hoặc công ty không ký tiếp hợp đồng với những người trên 40 tuổi như tôi thì chúng tôi rất khó tìm được việc làm mới. Khi chúng tôi nghỉ việc sẽ rút BHXH một lần để có vốn kinh doanh, buôn bán nhỏ ổn định cuộc sống”.

BHXH một lần

NLĐ tại TP. Hồ Chí Minh tập trung rút BHXH một lần vào cuối năm 2022. Ảnh: T.T

“Nếu không cho tôi rút hết số tiền BHXH một lần mà chỉ rút được một nửa thì số tiền muốn rút không được nhiều, lúc ấy cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Tôi được biết với đề xuất giữ lại 50% là để sau này NLĐ được nhận trợ cấp. Thế nhưng số tiền trợ cấp ấy là bao nhiêu, liệu có giúp NLĐ đủ trang trải cuộc sống sau này không?”, chị Hồng băn khoăn.

Việc đóng BHXH để về già có lương hưu có vẻ xa với nhiều người, bởi phải đủ điều kiện về độ tuổi và năm đóng BHXH. Nếu NLĐ đã quyết định nhận BHXH một lần, họ cũng đã tính toán xem khả năng của mình có đủ điều kiện không, việc họ quyết định rút BHXH một lần cũng được tính toán chuyển đổi nghề nghiệp để lo cuộc sống sau này.

Nhiều ý kiến khác còn cho rằng độ tuổi nghỉ hưu và cách tính lương hưu cũng cần được tính toán phù hợp với từng đối tượng ở nhiều ngành nghề.

Một công nhân trong ngành Dệt may cho biết, tăng tuổi nghỉ hưu cũng là khó khăn đối với nhiều công nhân làm công việc nặng nhọc, môi trường độc hại. Bởi tuổi tác, những căn bệnh nghề nghiệp cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, công nhân này cũng đề xuất giảm thời gian làm việc, vẫn giữ nguyên mức đóng như cũ. Còn với phương án rút BHXH một lần, trường hợp NLĐ rất cần tiền mà không thể xoay xở được phương án khả quan, họ sẽ lựa chọn.

Hơn nữa, với đề xuất chỉ cho rút 50% tổng thời gian đóng BHXH, nhiều chuyên gia lo ngại NLĐ có thể gia tăng rút, không chờ được hưởng lương hưu.

Nhiều nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ lựa chọn phương án rút BHXH một lần.

Thứ nhất, đa số NLĐ làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi NLĐ bị mất việc phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để sinh hoạt hằng ngày, lo con cái học hành, ... Hầu hết lao động trẻ là đối tượng quan tâm đến nhu cầu trước mắt nhiều hơn.

Hai phương án rút BHXH một lần: Người lao động lo lắng về quyền lợi

Lao động trẻ chật vật đi tìm công việc dịp tháng 2/2023.

Với những công nhân sau khi mất việc, việc đầu tiên là họ nhận trợ cấp BHTN để đảm bảo cuộc sống trước mắt, sau đó nghĩ đến đi vay để đảm bảo cuộc sống, chi tiêu gia đình. Giữa việc đi vay và làm thủ tục nhận BHXH một lần, rất nhiều người lựa chọn phương án hai. Có người lựa chọn “thế chấp sổ BHXH”.

Thứ hai, tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, du lịch, vận tải,... trong tình trạng ngừng SXKD hoặc SXKD cầm chừng dẫn đến tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng, số lao động mất việc làm ít có cơ hội hoặc không có cơ hội quay lại tham gia thị trường lao động là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

Bên cạnh đó, việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động còn chưa nghiêm, khiến NLĐ không được hưởng đầy đủ các chế độ, nên họ không muốn gửi gắm niềm tin vào BHXH.

Hai phương án rút BHXH một lần: Người lao động lo lắng về quyền lợiDoanh nghiệp không có đơn hàng dẫn đến nhiều NLĐ bị mất việc.

Thứ ba, thiếu sự liên kết, hỗ trợ chính sách BHTN. Mục tiêu của chính sách này là duy trì việc làm cho NLĐ (hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp). Nếu thực hiện tốt chính sách BHTN cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để NLĐ có thể yên tâm ổn định cuộc sống, thay vì tìm đến BHXH một lần như là một công cụ tài chính để vượt qua tình trạng khó khăn trước mắt.

Thứ tư, niềm tin của NLĐ vào hệ thống BHXH có dấu hiệu giảm sút. Khả năng tiếp cận thông tin chính thống của NLĐ còn hạn chế, trong khi các nguồn tin không chính thống đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý của NLĐ.

Thứ năm, quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu dẫn đến nhiều bất cập. Chẳng hạn như, đa số NLĐ khi nghỉ việc mới chỉ có từ 3 tháng đến dưới 1 năm đóng BHXH sẽ rất khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu; NLĐ 45 hoặc 50 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH khó có cơ hội hưởng lương hưu. Điều kiện này cùng với những khó khăn trong việc tìm kiếm, duy trì việc làm ở khu vực chính thức đã khiến NLĐ nản lòng trong quá trình theo đuổi, đóng góp BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng trong cách tính mức hưởng BHXH một lần cho những năm từ năm 2014 trở đi cũng có tác động đến việc hưởng BHXH một lần của NLĐ.

NLĐ chọn rút BHXH một lần – Lợi hay hại?

BHXH Việt Nam cho biết, NLĐ nhận BHXH một lần sẽ không được các khoản trợ cấp dành cho người hưởng lương hưu, quyền lợi cũng sẽ hạn chế hơn rất nhiều. Cụ thể, NLĐ sẽ không được hưởng 4 khoản tiền nếu rút BHXH một lần, gồm:

Thứ nhất là lương hưu. NLĐ tham gia đóng BHXH đủ 20 năm, khi hết tuổi lao động, đủ điều kiện nhận sẽ được hưởng các quyền lợi về lương hưu. Lương hưu được hưởng hàng tháng. Mức lương hưu cũng không cố định suốt đời, mà được điều chỉnh tăng theo điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi.

Thứ hai là không được cấp thẻ BHYT miễn phí. Chi phí y tế chiếm tỷ lệ lớn trong đời sống người cao tuổi. Khi đó, BHYT là thiết yếu, đặc biệt cho người đang được hưởng lương hưu.

Ngoài ra, người hưởng lương hưu đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến với loại thẻ này sẽ được quỹ BHYT thanh toán đến 95%, người bệnh chỉ phải đồng chi trả 5%. Trong khi nếu tham gia BHYT hộ gia đình thì chỉ được quỹ này thanh toán ở mức cao nhất là 80% chi phí khám chữa bệnh.

Thứ ba là thân nhân không được hưởng trợ cấp tử tuất. NLĐ nghỉ việc, rút BHXH một lần, không đảm bảo quá trình tham gia BHXH, chẳng may qua đời, thân nhân sẽ không được hưởng khoản này.

Hai phương án rút BHXH một lần: Người lao động lo lắng về quyền lợiAnh Phạm Văn Tuyến - chồng nữ công nhân Công ty Haprosimex qua đời do căn bệnh ung thư máu nhận được tiền tử tuất của vợ từ BHXH huyện Gia Lâm.

Luật BHXH năm 2014 quy định, nếu người đang hưởng lương hưu hoặc chưa đến tuổi nghỉ hưu mà đóng BHXH 15 năm trở lên (chưa rút BHXH một lần) chẳng may qua đời thì có tối đa 4 người thân được nhận trợ cấp hàng tháng với mức bằng 0,5 tháng lương cơ sở cho mỗi người. Nếu thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tử tuất hằng tháng bằng 0,7 tháng lương cơ sở.

Mức trợ cấp hằng tháng này dành cho những người thân, người phụ thuộc vào họ như: con cái (chưa đủ 18 tuổi), vợ/chồng, cha mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có trách nhiệm nuôi dưỡng…

Ngoài ra, nếu rút BHXH một lần, không may qua đời, người thân cũng không được nhận tiền mai táng phí. Luật BHXH năm 2014 quy định, NLĐ đóng BHXH đủ 12 tháng trở lên, người đang hưởng lương hưu, người đang bảo lưu quá trình tham gia BHXH (nghỉ việc nhưng không rút BHXH một lần) mà qua đời thì thân nhân lo mai táng cho họ sẽ được nhận trợ cấp mai táng.

Khoản tiền trợ cấp mai táng được cơ quan BHXH thanh toán một lần cho thân nhân của người lao động với mức bằng 10 tháng lương cơ sở. Hiện tại, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp mai táng là 14,9 triệu đồng. Từ ngày 1/7 tới đây, khi lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp mai táng cũng tăng lên thành 18 triệu đồng.

BHXH Việt Nam khuyến cáo NLĐ nên cân nhắc kỹ và nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động, đặc biệt khi thời gian tới điều kiện về số năm đóng BHXH để được nhận lương hưu sẽ giảm từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, và định hướng còn 10 năm.

MINH ANH

Đồ họa: Hải Yến

Xem phiên bản di động