Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cung

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cung

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cung

Năm 2014, vừa học xong chương trình tại Trường Thể dục thể thao Đà Nẵng, chuyên ngành quần vợt, Quang về Huế làm công tác giảng dạy tại Trường Trung cấp Thể dục thể thao Thừa Thiên Huế.

Một buổi sáng, cậu nhận được thông báo “em đi tập huấn về bộ môn bắn cung để sau giảng dạy”. Quang ngớ người ra một lúc nhưng sau đó vẫn gật đầu đồng ý vì đây là một môn mới. Cậu cảm thấy tò mò.

Trường cử đi tập huấn 5 tháng, do môn đó không có ai. “Mình không biết gì nên được cho đi tập huấn để về truyền đạt lại. Kệ, cứ thử sức xem sao”, Quang suy nghĩ khi nhận nhiệm vụ.

Quang lại quay vào Đà Nẵng, tập huấn bộ môn bắn cung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng. Ở đây, có huấn luyện viên trưởng từ Vĩnh Phúc, và chuyên gia Hàn Quốc bổ trợ kiến thức. Từ quần vợt chuyển sang, Quang cảm thấy lạ lẫm. Hai bộ môn không có một sự liên hệ gì với nhau.

Giai đoạn đó Quang cứ nghĩ bình thường “có việc là mừng” nên cậu nhận lời dù không có một chút kiến thức gì về bộ môn. Quang nghĩ đơn giản đây là một môn mới, sẽ gây cho mình sự tò mò, hứng thú, thấy lạ nên đi luôn.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cungLại Đăng Quang (ngoài cùng bên phải) cùng dàn vận động viên bắn cung Thừa Thiên Huế.

Khi vào cơ bản, mọi thứ đối với Quang quá mơ hồ và xa lạ, từ dụng cụ đến các động tác. “Đây là môn tĩnh, những môn mình học đều là môn động, nó luôn có sự linh hoạt trong động tác. Còn với bắn cung chỉ có duy nhất một động tác, nhưng kỹ thuật nó sẽ theo từng giây từng giây. Bài khởi động cũng rất khác nhau”, Quang nhớ lại.

Về chuyên môn, lúc đó, cậu như là một người trợ giảng cho các chuyên gia, vừa hướng dẫn vận động viên của địa phương vừa học hỏi thêm kinh nghiệm.

Khi Quang theo chuyên gia tìm hiểu về bắn cung, cậu cũng chẳng được dạy gì nhiều, mọi thứ phải tự tìm hiểu, mò mẫm.

“Muốn huấn luyện về bắn cung phải biết về nó trong một thời gian rồi mới bắt tay vào huấn luyện được”, lời chuyên gia nhắn với Quang. Cậu hiểu mình phải làm gì để có thể đi xa hơn với bắn cung. Quang học từ những cái đơn giản nhất khi vào bộ môn, cách khởi động như thế nào, lúc nào thì tập với dây cao su. Mọi thứ được Quang ghi chép đầy đủ, tối về nghiên cứu, tìm hiểu.

“Đó là một sự liều lĩnh với bộ môn bắn cung, nhưng tôi vẫn thấy thích thú. Đến giờ thì tôi thấy không hối hận”, Quang cười, nói.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cung

Quang về Huế sau 5 tháng tập huấn. Giữa năm 2015, cậu nhận nhiệm vụ đi tuyển sinh cho bộ môn bắn cung. Kỳ tuyển sinh đầu tiên Quang đi theo những lời giới thiệu của bạn bè, đồng nghiệp.

“Ở trường đó, thấy mấy đứa có dáng dấp tốt, linh hoạt”, những lời giới thiệu chỉ chung chung như vậy, không thêm một thông tin gì khác.

Tại Thừa Thiên Huế, bộ môn bắn cung lúc đó hầu như là số 0 tròn trĩnh. Các câu lạc bộ cho bộ môn này cũng không có. Không ai hình dung ra được bộ môn này như thế nào. Quang chỉ dựa vào những tiêu chí trước đó đã được chuyên gia phổ cập, như chiều cao, ngoại hình, sự năng động, linh hoạt… để tuyển sinh.

Quang ghi lại tên những ngôi trường đã được giới thiệu. Một buổi chiều, cậu chạy xe về Trường Trung học cơ sở Đăng Văn Ngữ, thành phố Huế. Quang trình giấy giới thiệu với nhà trường rồi đi đến các lớp đang có tiết học thể dục để xem xét. Trong một lớp 8 cậu nhìn thấy được 2 bạn nữ có chiều cao tốt, nhanh nhẹn. Quang nói với thầy đứng lớp rồi xin trao đổi riêng với hai bạn nhỏ đã lọt vào “mắt xanh”.

“Thầy ở bên Trường Thể dục thể thao tỉnh, đang đi tuyển sinh cho bộ môn bắn cung. Hai em có muốn tham gia hay không?”, Quang mở lời.

“Bắn cung hả? Em không biết nó là gì cả. Nhưng nếu được, để chúng em thử”, hai bạn học sinh lớp 8 đáp.

Hai bên nhanh chóng đi đến được thống nhất. Quang hẹn hai bạn, nếu đồng ý thì ngày mai lên trường trao đổi thêm và ghi danh tập luyện. Cuộc tuyển sinh chỉ có vậy, hai bên không có một giấy tờ gì, không có một hình thức sơ tuyển gì khác.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cung

Một ngày tập luyện của đội bắn cung Thừa Thiên Huế.

Quang quay về lại trường. Cậu không biết hai bạn này có đến như lời hẹn hay không. Trong đầu chỉ có một suy nghĩ đơn giản, nếu hai em không đến thì sẽ đi trường khác tuyển chọn.

Sáng hôm sau, hai bạn nhỏ đã đạp xe lên đứng chờ dưới cổng trường. Quang ra mở cửa, niềm nở chào đón hai thành viên mới. Mọi người vào tập trung trong căn phòng nhỏ, phổ biến những thứ về lịch tập luyện, về bộ môn bắn cung.

Đợt tuyển sinh năm đó Quang nhận được ba bạn nhỏ là Nguyễn Thị Thanh Nhi, Hồ Xuân Trường, Lê Thị Quyền Anh từ hai ngôi trường khác nhau.

Ngân sách hạn hẹp, chỉ có 1 bạn được hưởng trợ cấp khi tập luyện. Hai bạn của Trường Đặng Văn Ngữ phải hơn 2 tháng sau mới có chế độ. Nhưng đó chưa phải là cái khó khăn mà những bạn nhỏ gặp phải.

Trong 3 bạn cùng được tuyển vào lứa năm đó, Thanh Nhi nổi lên là một vận động viên sáng giá. Khi Quang về trường tuyển sinh, Thanh Nhi nghĩ đơn giản cứ theo cho biết. Cô bé không có một ý nghĩ nào khác xa vời hơn.

“Tôi không nghĩ ngợi gì cả và cũng không chút lăn tăn. Mình hồn nhiên kiểu cứ cầm lên là bắn. Tôi cũng chưa chắc theo bắn cung vì các thầy kiểm tra các chỉ số rất nghiêm mới được lựa chọn”, Thanh Nhi bộc bạch.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cung

Trong 3 bạn cùng được tuyển vào lứa năm đó, Thanh Nhi nổi lên là một vận động viên bắn cung sáng giá.

Nhi mang câu chuyện được chọn vào tập luyện tại trường thể dục thể thao tỉnh kể lại cho gia đình. Bố mẹ cô hết sức ngạc nhiên: “Bắn cung à? Huế làm chi có bắn cung? Bắn cung là môn thể thao như răng hè?”.

Hàng loạt câu hỏi của bố mẹ được đặt ra, Nhi cũng không biết trả lời như thế nào. Cô nói nếu hợp thì theo còn không sẽ về với bố mẹ. Nhi hứa sẽ không để mọi chuyện ảnh hưởng đến việc học văn hóa.

Người nhà Nhi đồng ý để cô bé theo cho thỏa lòng. Các buổi tập của Nhi và các bạn theo lịch học ở trường cấp hai. Nếu học sáng, các bạn sẽ tập chiều. Nhưng cũng có những buổi thầy và trò tập luyện cả vào ban đêm. Mấy năm liền ròng rã như vậy, Nhi chưa vắng mặt buổi nào. Cứ có lịch, cô bé và các bạn lại đạp xe lên trung tâm tập luyện.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cungThời điểm Nhi và các bạn bắt đầu đến với bắn cung cũng là khi bộ môn này mới manh nha ở Huế. Mọi điều kiện hết sức ngặt nghèo, chỉ tập chay thời gian dài và tập với dây cao su. Đụng đến đâu cũng thấy khó, sân bãi phải tập ké bên đội bóng. Nhiều lúc thầy trò đang tập lại bị đuổi. Những đứa trẻ đôi lúc đã thấy mất hứng thú, Quang phải vừa làm công tác huấn luyện, vừa động viên các em.

Nhi chính là điểm sáng nhưng thực tế con đường không bằng phẳng, không như những nơi có điều kiện đầy đủ để theo bộ môn. Cô bé xinh xắn, dong dỏng cao, nước da rám nắng đã nhiều lần đấu tranh tư tưởng.

"Đi tiếp hay dừng lại?" - những suy nghĩ thoáng qua trong đầu cô bé.

Lúc đầu mới tới thấy mấy chị cầm cung kéo, Nhi rất thích. Cô suy nghĩ “không biết bao giờ mình mới kéo được cây cung như thế này”. Nhưng khi bước vào môi trường hoàn toàn mới lạ, cô nhận ra nó rất nhiều gian khổ.

Bản thân Nhi cũng từng nhiều lần có ý định từ bỏ. Những lúc như vậy, gia đình là điểm tựa để cô tiếp tục nghiệp thể thao. Bố mẹ động viên. Bạn bè, thầy cô khuyên nhủ. Nhi lại lao vào tập luyện.

Khi Thanh Nhi có cung để tập thì bộ dụng cụ lại chưa đạt chuẩn. Cô vẫn cố gắng tập để được tham dự các giải quốc gia. Và thành tích cao nhất của em là đạt chuẩn Cấp 1.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cung
Gia đình là điểm tựa để Thanh Nhi tiếp tục nghiệp thể thao.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cungĐầu năm 2017, Nhi được triệu tập vào đôi tuyển Bắn cung trẻ quốc gia ở Trung tâm Thể dục thể thao Cần Thơ.

Thấy được tiềm năng phát triển của Thanh Nhi, Ban Huấn luyện đội tuyển trẻ Bắn cung đã thay đổi cung tốt để tập, nhưng tên bắn thì địa phương phải tự trang cấp.

“Họ điện ra bảo Nhi rất có năng lực, phải có được bộ cung tốt để em phát triển tối đa”, Quang kể lại. Nhưng một bộ tên lúc đó có giá 13 triệu đồng. Trường thì vẫn còn phân vân về việc đầu tư cung tên cho Nhi. Quang phải chạy khắp nơi, xoay mọi cách để đầu tư cho Nhi. Mỗi bộ cả cung và tên bắn có giá hơn 100 triệu đồng.

“Môn này tốn kém nhiều quá, trường cũng không có kinh phí nhiều để đầu tư. Các môn thể thao trọng điểm sẽ được quan tâm hàng đầu”, có những lúc Quang ngồi một mình suy nghĩ “làm thế nào cho các vận động viên có dụng cụ để tập luyện được tốt nhất”.

Quang đem câu chuyện bày tỏ với Ban Giám hiệu nhà trường. Họ đi đến quyết định trang cấp dụng cụ để đầu tư cho Thanh Nhi và các vận động viên đang tập luyện tại địa phương.

Sự nổi trội, tự tin của cô gái trẻ trong tập luyện cũng là một phần an ủi cho Quang. Nhi và thầy từng bước vượt qua những khó khăn đó. Cô đã đặt nền móng, tạo nên cú hích về mặt thành tích cho bắn cung Huế.

Năm 2018, lần đầu Nhi tham gia giải tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Ngày đưa lính đi thi, Quang chỉ dặn: “Em cứ bắn hết sức, có huy chương hay không, không quan trọng. Bắn cho họ biết thực lực của mình”.

Kỳ Đại hội kết thúc, Thanh Nhi lấy được tấm Huy chương Đồng, đó là bước ngoặt lớn từ sự nỗ lực trong gian khó của thầy và trò. Nó là thành quả đầu tiên và đem lại niềm tin cho hướng đi mà thầy trò kiên định. Một bộ cung mới đạt tiêu chuẩn được Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Thể dục thể thao Huế trang cấp thêm cho vận động viên.

Đầu năm 2019, Nhi lại được đưa đi huấn luyện thi đấu ở Trung tâm Thể dục thể thao Cần Thơ. Ở đây, với những quy định nghiêm ngặt, mỗi tuần, Nhi chỉ được phép dùng điện thoại một lần.

Cuối tháng 3, ông nội Nhi qua đời. Cả nhà không thể liên lạc với cô vì chưa đến thời điểm Nhi được dùng điện thoại. Bố Nhi phải nhờ thầy Quang để báo tin. Nhi sụp đổ khi nghe thông báo.

Ông nội là người thương Nhi nhất. Lúc ông ra đi, cháu gái không kịp nhìn người ông thân thương của mình lần cuối. Ông nội mất, cô hết động lực. Về chịu tang ông xong, Nhi nói với gia đình không muốn vào lại nữa.

Cô muốn từ bỏ mọi thứ để ở bên gia đình. Bố mẹ quát. Nhi mới tỉnh người vì lời hứa năm xưa với ông nội. Cô xách ba lô lên đường dù trong lòng người nặng trĩu.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cung

Vượt qua những khó khăn thuở sơ khai của bắn cung Thừa Thiên Huế, Nhi đã đem về thành tích không chỉ cho tỉnh nhà mà cả Tổ quốc.

Đầu tháng 4 năm đó, Nhi tham dự Giải cung thủ xuất sắc toàn quốc ở Hà Nội và lần đầu tiên trong đời, Nhi giành Huy chương Vàng. Mẹ cùng các cô gọi vào chúc mừng rồi bảo: “Ông nội giúp con đó”.

Bốn tháng sau, cung thủ xứ Huế đoạt Huy chương Vàng ở giải vô địch các đội mạnh quốc gia, đồng thời phá kỷ lục quốc gia tồn tại 12 năm của đàn chị Nguyễn Thị Hương (Bắc Cạn).

Thanh Nhi phá kỷ lục với 352 điểm ở nội dung 30m cung 1 dây, hơn đúng 1 điểm. Ở giải Cung thủ xuất sắc toàn quốc 2022, Nhi tạo sự bứt phá khi đoạt cùng lúc 5 Huy chương Vàng ở nội dung cá nhân cung 1 dây.

Cô vận động viên sinh năm 2001 bước ra đấu trường quốc tế với tấm Huy chương Vàng cung thủ xuất sắc châu Á 2022 và Huy chương Bạc SEA Games 31 tại Việt Nam. Những thành tích đó là minh chứng cho khả năng, ý chí của Thanh Nhi. Nó cũng là thành quả của quãng thời gian dài đằng đẵng những khó khăn, thử thách với bắn cung xứ Huế.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cungKhi Thanh Nhi chưa có thành tích, bộ môn bắn cung ở Huế đang còn nằm ghép chung với môn Judo. Hiện tại, Nhi đang tích cực tập luyện nhằm chuẩn bị cho giải Vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia sẽ diễn ra tại Huế và hai giải khác là Vô địch các đội mạnh Bắn cung quốc gia và Vô địch Bắn cung quốc gia.

Lại Đăng Quang bây giờ vẫn đang theo dõi những bước đi của Nhi ở trên Đội tuyển bắn cung quốc gia. Cậu lúc nào cũng dặn “cứ bắn cho nó tỏa ra hết thực lực của mình”.

Vị huấn luyện viên trẻ giờ đã có kinh nghiệm trong tuyển sinh, Quang cười bảo: “Đợt tới nếu tuyển sinh, mình sẽ làm từng vòng để chọn người cho bộ môn. Không may rủi như thời bé Nhi nữa”.

Hai “kẻ liều” bước chân vào bộ môn bắn cung

Sự kiên trì, liều lĩnh cùng tài năng, cái duyên của Quang và Nhi đã đem lại những thành công bước đầu cho bộ môn bắn cung.

Phóng sự của Nguyễn Đắc Thành - Alex Tran

Ảnh: NVCC - Nguyễn Đắc Thành