Hải Dương: Công nhân lao động làm công việc “không chuyên” trong ngày dịch bệnh |
Kể từ khi có ca nhiễm Covid - 19 đầu tiên được ghi nhận tại Công ty TNHH Vietory - Kinh Môn - Hải Dương vào ngày 5/02/2021, đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và đảo lộn mọi thói quen sinh hoạt đời thường của người dân thị xã Kinh Môn nói chung và phường Minh Hòa nói riêng. Đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của công nhân lao động (CNLĐ) trong khoảng thời gian thực hiện cách ly và giãn cách xã hội theo quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. |
CNLĐ làm gì trong thời gian tạm ngừng việc không lương, nghỉ giãn cách xã hội? |
Đối với những đối tượng đang thực hiện cam kết cách ly tại nhà (sau khoảng thời gian cách ly 14 ngày tập trung tại địa phương), trên địa bàn phường Minh Hòa luôn có các cán bộ đi kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở CNLĐ thực hiện cách ly. Vì vậy, nếu muốn làm việc để kiếm thêm thu nhập, CNLĐ chủ yếu bán hàng online trên facebook, zalo,… và nhờ anh chị em trong gia đình ship hàng giúp. Theo chia sẻ của chị Phương, công nhân Công ty Vietory cho hay: “Bản thân mình thuộc trường hợp F2. Sau 14 ngày cách ly tập trung tại địa phương, mặc dù Tết không được về với gia đình, con cái, nhưng chính quyền địa phương, đội ngũ y bác sĩ, anh chị em và gia đình luôn tận tình hỏi thăm, giúp đỡ, động viên tinh thần. Mình thì đang có bầu, tháng 4 là sinh em bé, nhưng thôi, phải cố gắng, tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày theo quy định. Mong sao dịch bệnh qua nhanh, để mọi thứ trở lại bình thường. Chứ mình đã bầu bí, lại sắp sinh, cũng mong muốn làm thêm 1 - 2 tháng kiếm thêm chút tiền để chuẩn bị sinh đẻ. Hiện giờ khó khăn quá, đang cách ly tại nhà nên cũng chẳng làm gì thêm được. Gia đình có mỗi mình đi làm, nên cuộc sống cũng vất vả”. |
CNLĐ ở Hải Dương tranh thủ bán rau, củ, quả để kiếm sống trong thời gian phải tạm ngừng việc không lương. |
Theo bà Phạm Linh Hoa, Phó Chủ tịch phường Minh Hòa, Kinh Môn, phường đã tích cực tuyên truyền, phát động, cổ vũ tinh thần cho CNLĐ đang thực hiện cách ly và tạm ngừng việc ở nhà. Bà Hoa cho biết: “Hiện nay, đã có 197 CNLĐ đã hoàn thành cách ly y tế tập trung tại 02 điểm Trường Tiểu học và THCS Minh Hòa. Các cô, bác, anh chị hoàn thành cách ly về nhà tiếp tục tự theo dõi tình hình sức khỏe của mình, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và tuân thủ 5K của Bộ Y tế. Đồng thời thực hiện theo đúng Thông báo số 127/TB-BCĐ về việc lưu thông qua các chốt kiểm soát trên địa bàn thị xã trong thời gian cách ly xã hội để nhanh chóng khắc phục được tình trạng dịch bệnh”. Bên cạnh đó, đối với những đối tượng không phải thực hiện cách ly, nhưng được doanh nghiệp cho tạm ngừng việc không lương, cuộc sống của họ cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt dịch xảy ra đúng vào thời điểm cận Tết và sau Tết. Họ phải làm nhiều công việc tạm thời, những công việc không chuyên trong thời gian tạm ngừng việc không lương. Điều đáng chú ý, CNLĐ ở đây, mặc dù phần lớn họ không phải mất tiền thuê trọ, nhưng bản thân và gia đình họ chịu hoàn cảnh chung là bị ngừng, nghỉ việc, nghỉ giãn cách xã hội khiến cho họ không có việc làm, không có thu nhập, tác động đến chi tiêu sinh hoạt cơ bản trong gia đình, như: Thực phẩm, nhà ở, các loại chi tiêu cơ bản khác (giáo dục, đi lại, quần áo, sức khỏe,….). Vì vậy, CNLĐ phải cắt giảm chi phí chi tiêu cơ bản đến mức tối thiểu để chống chọi trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa biết lúc nào kết thúc. |
Chị Hoàng Tuyết cho biết: "Từ lúc công ty cho nghỉ việc đến nay, tôi thì con nhỏ, cháu chưa được 1 tuổi, năm hết Tết đến, nhiều khoản phải chi tiêu. Trong thời gian công ty cho tạm ngừng việc không lương, tôi phải tranh thủ đến từng vườn ở các khu đầm để thu mua hoa quả (hồng xiêm, ổi, mít...), tranh thủ lúc con ngủ trưa để đăng lên facebook bán cho mọi người, bán các thứ linh tinh khác như cá khô, trứng, rau, củ, quả,… Có gì bán được là tôi đi thu thập về. Mặc dù vất vả sớm khuya đi lấy hàng, nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu, nhiều lắm được 100 - 120 nghìn đồng/ ngày. Bởi mình bán hàng, giá cả cũng phải tương xứng với thu nhập của mọi người trong giai đoạn Covid-19 khó khăn này, giá cả hàng hóa rẻ lắm, chứ không được như ngày thường”. |
Để có thể kiếm thêm thu nhập, CNLĐ phải làm những công việc không chuyên. Trong ảnh là một số mặt hàng được CNLĐ ở Hải Dương buôn bán trong thời gian này. |
Ngoài việc tham gia buôn bán, nhiều CNLĐ chỉ biết tranh thủ thời gian ở nhà của mình để đi cấy, thu hoạch hành, tỏi, nhổ cỏ,…. cho gia đình hoặc đi làm thuê kiếm thêm chút thu nhập trang trải cho gia đình vì thời gian ngừng việc cũng là thời gian thu hoạch và chuẩn bị vào vụ mới. Bên cạnh đó, CNLĐ còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ người dân giải cứu nông sản do người dân vất vả nuôi trồng nhưng do dịch bệnh nên việc tiêu thụ hàng hóa trở nên khó khăn. |
Công việc không chuyên vất vả nhưng thu nhập lại chẳng được là bao. |
Mong muốn của CNLĐ là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công ty hoạt động trở lại, công nhân tiếp tục được gắn bó với công ty, có việc làm và thu nhập cho họ yên tâm, ổn định cuộc sống hiện tại. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thế nhưng CNLĐ tại địa phương vẫn luôn tin tưởng cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mong muốn doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại, để CNLĐ có thể cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định công việc và có thu nhập. “Giờ anh chỉ muốn đi làm thôi, ở nhà nhiều quá, gần tháng trời. Tiền thì không có, mong công ty sớm hoạt động trở lại để được đi làm, có thu nhập, kể cả thu nhập thấp hơn cũng đỡ. Hiện tại, cả nhà đều ở nhà, không ai được đi làm, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày thì không biết lấy đâu tiền để sinh hoạt. Vì hai vợ chồng là công nhân, con cái ăn học, bố mẹ hai bên thì cũng không có gì,.. Hai vợ chồng đang đợi công ty gọi đi làm trở lại”, anh Trường, công nhân ở Hải Dương tâm sự. |
Điều mong mỏi nhất của CNLĐ lúc này là sớm được trở lại công ty làm việc để có thu nhập. |