
Gần 1.700 cơ hội việc làm tại phiên Ba Đình |
Chỉ trong nửa đầu tháng 5/2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã liên tiếp tổ chức ba phiên giao dịch tại các địa bàn: Ba Vì (17/5), Ba Đình (10/5) và Nam Từ Liêm (11/5).
Tổng cộng, hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động đã được đưa ra, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp từ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại, tài chính – ngân hàng, dịch vụ, giáo dục...
Điểm nổi bật của chuỗi phiên này là phương thức tổ chức lưu động – đưa sàn giao dịch việc làm đến tận địa bàn dân cư. Cách làm này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, đặc biệt là nhóm có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế về di chuyển, tiếp cận thông tin tuyển dụng và định hướng nghề nghiệp.
![]() |
Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm quận Ba Đình (ngày 10/5). Ảnh: Thảo Vân |
Doanh nghiệp tìm nhân sự phù hợp từ các phiên giao dịch
Tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động phổ thông có kỹ năng và lao động trung cấp – cao đẳng, vẫn đang là bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Một trong những nguyên nhân chính đến từ sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động – nơi xu hướng làm việc tự do, online, linh hoạt giờ giấc đang dần chiếm ưu thế trong lựa chọn của lao động trẻ.
Chị Cao Thị Châm – cán bộ tuyển dụng Công ty TNHH TM và sản xuất Đức Minh – cho biết: “Chúng tôi hiện cần tuyển 40 chỉ tiêu, từ công nhân đến quản lý, lương từ 8 đến 17 triệu/tháng. Nhưng việc tuyển không dễ vì nhiều bạn trẻ so sánh đãi ngộ, môi trường làm việc và dễ thay đổi ý định.”
![]() |
Công ty TNHH dệt may TOPMODE tham gia phiên giao dịch việc làm tại huyện Ba Vì. Ảnh: Thảo Vân |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó trưởng phòng Tổ chức Hành chính Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Hà Nội (HASECO) – chia sẻ: “Thương hiệu Công viên Hồ Tây của chúng tôi có uy tín 25 năm nhưng áp lực tuyển dụng vẫn rất lớn do lao động trẻ hiện nay thường ‘nhảy việc’ liên tục. Các phiên giao dịch giúp doanh nghiệp tiếp cận người lao động thường xuyên hơn, nhưng quan trọng là các bạn trẻ cần kiên trì với công việc, ít nhất một mùa vụ để tích lũy kỹ năng.”
Đánh giá về công tác tổ chức, bà Hồng cho biết các phiên giao dịch rất chuyên nghiệp: “Lao động đến phiên đều được sơ tuyển kỹ. Doanh nghiệp được hỗ trợ tuyển dụng và quảng bá hình ảnh. Đây là năm thứ 5 liên tiếp chúng tôi tham gia các phiên giao dịch việc làm cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.”
Không chỉ các ngành sản xuất, dịch vụ truyền thống, lĩnh vực ngân hàng – tài chính cũng chủ động tìm kiếm nguồn nhân lực thông qua sàn giao dịch việc làm. Đại diện Ngân hàng VPBank (chi nhánh Cầu Giấy) cho biết đang tuyển dụng 25–35 vị trí chuyên viên tín dụng.
“Chúng tôi mong muốn tiếp cận các bạn sinh viên sắp ra trường, người mới tốt nghiệp để đào tạo, định hướng. Làm tín dụng các bạn sẽ được trải nghiệm nhiều sản phẩm tài chính như vay tín chấp, thế chấp, bảo hiểm. Tham gia các phiên giao dịch giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí tuyển dụng và có thể tư vấn trực tiếp, xây dựng hình ảnh thân thiện, chuyên nghiệp trong mắt ứng viên...”, đại diện VPBank chia sẻ.
![]() |
Các phiên giao dịch việc làm lưu động không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp mà còn mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động ngay tại địa phương. Ảnh: Thảo Vân |
Gắn kết thị trường lao động với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người dân được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, nhằm trực tiếp góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành.
“Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8% trong năm 2025, thành phố xác định thị trường lao động là một trong những nền tảng cốt lõi. Các phiên giao dịch việc làm chính là công cụ kết nối, hỗ trợ người lao động tìm việc, doanh nghiệp tìm người, góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất và bảo đảm an sinh xã hội,” - ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2025, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 88.000 người – đạt 52,1% kế hoạch năm. Con số này không chỉ minh chứng cho hiệu quả điều hành của chính quyền, mà còn là kết quả của chuỗi hoạt động kết nối việc làm bài bản, kịp thời do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội triển khai.
Có mặt từ sớm để tìm hiểu thông tin về các ngành nghề cũng như cơ hội học tập sau khi tốt nghiệp tại phiên giao dịch việc làm Nam Từ Liêm, em Nguyễn Tất Phú – học sinh Trường THPT Nguyễn Trực (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Em đang có nguyện vọng sang Hàn Quốc, hiện em đang tham khảo thêm thông tin về các trường. Hôm nay em đến đây để lắng nghe các đơn vị tư vấn, giới thiệu và tìm cơ hội phù hợp với nguyện vọng của mình”, Phú nói.
Đánh giá về phiên giao dịch việc làm, Phú cho biết: “Em thấy chương trình rất bổ ích, có nhiều gian tư vấn từ các trường, trung tâm và doanh nghiệp. Mỗi đơn vị đều cung cấp thông tin rõ ràng, chi tiết, giúp học sinh như em có cái nhìn rõ hơn về các lựa chọn sau khi tốt nghiệp”.
Các phiên giao dịch việc làm lưu động không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp mà còn mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động ngay tại địa phương. Với cách làm linh hoạt, thiết thực và sát nhu cầu thực tế, Hà Nội đang từng bước xây dựng một thị trường lao động hiện đại, gắn kết và hiệu quả – nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Thương mại, dịch vụ và công nghiệp chế biến dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng Theo báo cáo tháng 4/2025 của Trung tâm, nhóm ngành thương mại – dịch vụ dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng, chiếm 61,53% tổng chỉ tiêu. Tiếp theo là công nghiệp chế biến – chế tạo (12,7%), xây dựng (12,2%) và giáo dục – đào tạo (4,4%). Các vị trí được tuyển nhiều gồm: nhân viên bán hàng, thu ngân, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật viên, công nhân lắp ráp và vận hành thiết bị. Về phía người lao động, nhóm nghề không yêu cầu trình độ chuyên môn cao như lao động giản đơn, trợ lý văn phòng và công nhân kỹ thuật không bằng cấp chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, Trung tâm cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro việc làm tại các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ như dệt may, điện tử, đồ gỗ… do các yếu tố bất lợi từ chính sách thuế quan quốc tế, ảnh hưởng đến đơn hàng và quy mô sản xuất. |
Mời xem thêm video: Chia sẻ của ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Tin mới hơn

Những năng lực “vàng” AI khó thay thế con người
Tin tức khác

Phiên giao dịch việc làm Ba Vì năm 2025: Kết nối thực chất - kỳ vọng dài lâu

Người trẻ chọn việc gần nhà, doanh nghiệp lo “giữ chân” lao động

Gần 1.700 cơ hội việc làm tại phiên Ba Đình

Doanh nghiệp khó tuyển người phù hợp: Đâu là kênh kết nối hiệu quả?

Khi kỹ năng thực lên ngôi: Doanh nghiệp tìm gì, người lao động cần chuẩn bị ra sao?
