Giúp nhau một miếng khi khó

Những ngày qua, cuộc sống của nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) tại khu vực bị phong tỏa trên địa bàn TP Đà Nẵng gặp không ít khó khăn. Điểm tựa tinh thần cho họ trong thời điểm này chính là sự chia sẻ, hỗ trợ của chính quyền và các cấp công đoàn.

Những cảnh đời trong khu phong tỏa

Mấy năm nay, bà Trần Thị Kim Lan, 43 tuổi, quê Quảng Nam phải làm thời vụ ở nhiều nhà máy tại Đà Nẵng để có thu nhập. Nhưng hơn 1 tháng qua, các nhà máy chế biến thủy sản, nơi bà làm công nhân vệ sinh phải tạm ngừng hoạt động, bà mất việc.

Giữa tháng 7, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị người dân địa phương đang sinh sống tại TP Đà Nẵng không nên về quê trong lúc này (nếu về thì phải cách ly).

Bà Lan trong nhà trọ tại khu phong tỏa (phường Thọ Quang).

Giúp nhau một miếng khi khó

Bà Lan quyết định ở lại tìm việc khi nghe tin con gái trúng tuyển Đại học. Chưa tìm được công việc mới thì Đà Nẵng có lệnh dừng hoạt động tại các công trình xây dựng để chống dịch Covid-19. Chồng bà Lan là phụ hồ cũng chính thức thất nghiệp. Hai vợ chồng sống trong căn phòng trọ chỉ hơn 10m2 tại phường Thọ Quang, là khu vực phong tỏa cứng của thành phố. Số tiền tích góp ít ỏi còn lại, hai vợ chồng gửi hết về quê để lo việc nhập học cho 2 đứa con.

“Ở trong khu phong tỏa cứng, mình không thể ra ngoài được. Muốn mua nhu yếu phẩm thì viết giấy để chính quyền đi chợ giúp nhưng hai vợ chồng còn chút tiền, chỉ dám mua mì tôm và cá khô. Lo nhất là 14 ngày tới mình không xoay xở được tiền. Có được đi chợ thì cũng không có tiền để mua”, bà Lan chia sẻ.

Giúp nhau một miếng khi khó

Khu vực phường Nại Hiên Đông cũng là khu vực phong tỏa cứng.

Đồng cảnh ngộ, bà Võ Thị Hương, 65 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông cho biết lúc dịch “êm êm”, bà bán mỗi ngày được 100 tờ vé số, đủ tiền ăn và thuê trọ. Dịch đến, lại ở trong khu phong tỏa, bà Hương phải tằn tiện từng đồng. Bữa cơm những ngày qua của bà Hương quanh đi quẩn lại chỉ là mớ rau lang cắt sau nhà và quả trứng. Biết được hoàn cảnh của bà Hương, chủ trọ cũng tạm thời chưa thu tiền phòng.

Mong muốn lớn nhất của những người lao động khó khăn như bà Lan, bà Hương lúc này là sự hỗ trợ của các cấp chính quyền.

Khi nghe bà Trần Thị Tín, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) lập danh sách những hộ có hoàn cảnh khó khăn, bà Lan rưng rưng xúc động.

“Mọi sự hỗ trợ để chúng tôi vượt qua những ngày phong tỏa này đều rất đáng quý”, bà Lan chia sẻ.

Cũng theo bà Tín thì Tổ công nhân tự quản có hơn 150 NLĐ sinh sống, phần lớn là người Quảng Trị, Quảng Nam, có cả đồng bào người Cơ Tu.

“Công nhân ở đây chủ yếu làm việc tại các công ty đông lạnh và phụ hồ. Hầu hết đều thất nghiệp khi nhà máy, công trình đóng cửa. Họ chấp hành cách ly y tế, nhưng ai cũng sợ đói, cần nhất là gạo, đồ ăn, dầu, mắm để nấu ăn qua bữa. Là Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản nên tôi thường xuyên cập nhật danh sách để gửi lên phường chờ hỗ trợ”, bà Tín nói.

Đồng hành cùng người lao động

Trước tình hình trên, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh & Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các trường hợp cần hỗ trợ. Đối với NLĐ không có hợp đồng lao động bị mất việc làm như giáo viên mầm non tư thục, người bán vé số, cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình..., sẽ nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần/người. Riêng hướng dẫn viên du lịch được nhận mức 3,71 triệu đồng/lần/người.

NLĐ trong khu phong tỏa vui mừng nhận được sự hỗ trợ của các cấp công đoàn.

Giúp nhau một miếng khi khó

Vừa qua, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh đã trao 100 suất quà cho đại diện các gia đình đoàn viên, NLĐ trong khu vực phong tỏa Chung cư Làng Cá Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.

Phần quà là các nhu yếu phẩm thiết yếu gồm gạo, mì gói, rau, củ... Ông Minh cho biết, LĐLĐ TP Đà Nẵng sẽ trao 3.550 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng nhằm đồng hành cùng đoàn viên, NLĐ đang sống trong các vùng cách ly ở TP Đà Nẵng.

Theo kế hoạch, các suất quà sẽ được các Tổ trưởng Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản chuyển đến NLĐ theo danh sách.

Giúp nhau một miếng khi khó

Công đoàn Khu CNC và các KCN Đà Nẵng phối hợp với LĐLĐ TP Đà Nẵng trao hỗ trợ cho một công ty đang thực hiện “3 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, Công đoàn Khu CNC và các KCN Đà Nẵng phối hợp với LĐLĐ TP cũng đến thăm, trao hỗ trợ cho 16 công ty đang thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn. LĐLĐ TP Đà Nẵng động viên công nhân, NLĐ vượt qua những thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt để gắn bó với doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

“LĐLĐ TP Đà Nẵng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp “3 tại chỗ” phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu trong sinh hoạt cho công nhân. Nhất là trong điều kiện phòng chống dịch trong bối cảnh một số tỉnh, thành ở phía Nam đã phát sinh nhiều ca dương tính nguy hiểm, mức độ lây lan lớn” – Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng cho biết.

Hỗ trợ tiền mặt cho 127.000 người dân trong vùng phong tỏa

Từ ngày 4/8, UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) bắt đầu chi hỗ trợ cho khoảng 127.000 người dân (khoảng 31.000 hộ) đang thực hiện cách ly y tế, với mức hỗ trợ 40.000 đồng/nhân khẩu/ngày.

Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách và nguồn tài trợ ủng hộ phòng chống dịch tại địa phương. Ông Hoàng Sơn Trà – Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, nếu căn cứ theo quy định thì đối tượng được thụ hưởng là người khó khăn, tuy nhiên đây là tình huống đặc biệt nên tất cả người dân đều được nhận mức hỗ trợ chung để yên tâm ở nhà chống dịch.

Bài viết, ảnh: Xuân Hậu