Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở
Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Đầu tháng 1/2022, đang ngồi làm việc tại văn phòng, anh Nguyễn Ngọc Phú (sinh năm 1975), Trưởng phòng Ban quản lý Rừng phòng hộ Hương Thủy, Thừa Thiên Huế nhận được thông tin có một nhóm người cưa đốn cây trong rừng.

“Để tôi đi cùng với anh em”, anh Phú đứng bật dậy nói với Giám đốc Ban quản lý rừng.

“Ở trạm cửa rừng có một đội anh em đang trực trong đó, cứ điện vào để đội đó tiến hành truy quét cũng được”, lãnh đạo Ban trả lời.

“Tôi có kinh nghiệm đi rừng, vào đi với anh em sẽ truy quét hiệu quả hơn”, anh Phú đáp lại rồi ra sân lấy xe máy, chạy vào nơi anh em đang trực để hành quân vào truy quét lâm tặc.

11 giờ trưa, nhóm tuần tra do anh Phú dẫn đầu tiến sâu vào rừng. Những dấu vết trên đường đi đã mờ. Với kinh nghiệm của mình người trưởng phòng cho rằng những kẻ phá rừng đã xóa dấu trên đường đi. Đi thêm chừng vài trăm mét, đến một khúc sông, phía dưới chiếc thuyền của ai đó để lại, cùng một balo.

Kiểm tra balo, chỉ thấy mấy nải chuối xanh, sắn. Anh Phú nói với anh em đừng để bị lừa, đây khả năng là họ đánh lạc hướng mình. Nhóm tiếp tục băng rừng, leo dốc đá dựng đứng theo dấu vết khả nghi.

Đầu năm, trời Thừa Thiên đầm đìa trong mưa, đường trơn trượt. Những bước chân của đội tuần tra phải ghì thật chặt vào đất, đá để khỏi bị trượt. Khi vừa đến nơi, tiếng cưa cọ vào cây vang lên mỗi lúc một gần.

“Bọn chúng sợ bị phát hiện nên chỉ dùng cưa tay. Khi nghe có tiếng động, tôi đã ra dấu cho anh em bám sát, bao vây nhằm bắt bằng được đối tượng”, anh Phú kể.

Khi đội truy quét xiết chặt vòng vây. Hai tên lâm tặc thấy người vội bỏ chạy. Anh Phú từ phía dưới lao lên ôm được chân một đối tượng. Cú lao lên mạnh, chân anh Phú va vào đá. Cảm giác chân khó chịu, người giữ rừng đưa tay sờ xuống thì đầu gối đã bị lệch. “Chân bắt đầu tê, đầu choáng váng. Suýt ngất xỉu”, anh nhớ lại.

Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Băng rừng, vượt suối - Ảnh: NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Kẻ phá rừng bị khống chế. Mọi người sơ cứu, nắn lại chân cho anh Phú. Họ xoay sở tìm đường đưa nạn nhân về. Không có tăng võng để chuyển người. Tên lâm tặc được chỉ định cõng người bị thương ra khỏi rừng. Nhưng, đường dốc đứng, bụi rậm, chân lại duỗi thẳng khó cõng đi được. Một người trong nhóm đành lấy thắt lưng ra cột hai chân anh, đưa lên khỏi mặt đất. Anh Phú chống hai tay ra sau lê lết di chuyển.

Một vài anh em khác đi trước phát quang, dọn đường. Đi được vài mét, phải dừng nghỉ vì đôi tay anh Phú không chịu được sức nặng và đá dăm.

“Anh có sức khỏe, siêng tập gym, thể thao mà đôi lúc chẳng thể chịu được”, người giữ rừng nhớ lại thời khắc anh lết đi bằng tay.

Quãng đường chỉ hơn 2km, nhưng phải mất mấy giờ đồng hồ nhóm mới ra đến nơi. Tên lâm tặc lợi dụng anh em loay hoay chuyển người, luồn rừng bỏ trốn.

Vượt qua thêm một khúc sông bằng thuyền. Chuyến xe đưa người giữ rừng nhập viện. Vợ anh nghe tin đã đứng chờ sẵn ở khoa cấp cứu. Hai bàn tay anh Phú bầm dập, phần mông, bắp đùi tím đen.

Chấn thương của anh được chẩn đoán thương tật 9%. Phẫu thuật, điều trị và tập vật lý trị liệu bây giờ anh đã trở lại với công việc nhưng sức khỏe đã có dấu hiệu xuống.

Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Vo gạo bên suối - Ảnh: NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Năm 1997, sau khi học xong Đại học Nông lâm Huế, Phú được nhận vào làm tại Lâm trường Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hành trình đi về với rừng bắt đầu từ đây, lúc đó anh vừa tròn 22 tuổi.

Trong chuyến đi tuần rừng đầu tiên, anh Phú đã chứng kiến cảnh một người đồng đội trong lúc băng qua suối bị nước cuốn, cũng may nạn nhân kịp chụp lấy nhánh cây, thoát nguy.

“Đi qua khe mà bất ngờ gặp nước đổ là nguy hiểm cực kỳ”, anh Phú nói. “Anh em mỗi lần qua suối là thường nắm tay nhau, để nhỡ có ai vấp đá ngã hoặc bị nước đẩy thì có người khác để giữ lại”.

Đặc thù công việc luôn đi vào rừng, mỗi chuyến là hành trình kéo dài cả tuần lễ. Đường đi luôn phải trèo đèo, luồn lách trong những bụi gai rậm. Những người giữ rừng phải mang theo xoong nồi, lương thực, thực phẩm, chăn màn… hành lý như vậy rất là nặng.

Vất vả nhất là những lúc vừa mang vác tư trang rồi còn phải trèo qua các dãy núi đá dựng đứng, mùa nắng còn đỡ chứ mưa xuống đường rất trơn, dễ trượt chân.

“Dốc dựng đứng mà trượt chân cái thì xem như xác định..”, người giữ rừng tâm sự.

Những ngày không đi tuần rừng, truy quét, anh và đồng nghiệp được phân công trực ở trạm cửa rừng. Một chiếc lán được dựng lên ở thượng nguồn Tả Trạch. Vách là những tấm ván mục, lợp mái fibro xi-măng. Những khe hở mùa đông gió lùa lạnh đến thấu xương. Mái tôn mùa hè hấp thụ nhiệt như một chiếc lò. Ánh sáng ban đêm được thắp lên leo lét từ đèn dầu. Vào đó là mất luôn thông tin liên lạc.

“Hồi đó đang còn ít người nên mỗi trạm như vậy chỉ có hai anh em. Ở rừng hầu như cả tháng, tầm 10-15 ngày anh em thay nhau để về thăm nhà vài hôm”, anh Phú nhớ lại.

Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Dựng lán giữa rừng trú mưa - Ảnh: NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Một đêm mưa gió, người cùng trực với anh đã về thăm nhà. Anh Phú ở lại trạm một mình. “Đêm tối mà chỉ còn người giữ rừng sâu thì đó là một trải nghiệm khó quên”, người thanh niên trẻ mới vào nghề kể.

Có đêm trời mưa, một mình anh giữ rừng, gió lùa vào làm tắt cây đèn dầu, thắp mãi cũng chẳng đỏ được. Anh ngồi co ro trong góc trại, suy nghĩ: “Sao mình ở thành phố, giờ đi làm lại ở một mình giữa bốn bề núi sông, mưa gió, buồn kinh khủng như vậy”.

Những ý định về việc bỏ nghề đâu đó đã nãy nở trong đầu người giữ rừng trẻ tuổi.

Khi mới vào nghề, anh Phú cũng đã hỏi các anh em đi trước, xác định tư tưởng nhưng không ngờ nó lại cực khổ đến vậy. Ba bốn năm đầu, anh đã nhiều lần lung lay vì quá buồn, cực khổ và nguy hiểm rình rập. Những lúc đó anh Phú cũng chẳng cho gia đình biết, cố gắng bám trụ với nghề vì đã chọn. Nhiều người biết làm bên này vất vả, nguy hiểm họ rủ sang làm việc khác nhưng anh Phú đã chọn ở lại với rừng.

“Giữ rừng, nếu mình quyết liệt bao nhiêu thì họ thù ghét bấy nhiêu. Mình không quyết liệt thì mất rừng, rồi bị khiển trách”, anh Phú tâm sự “Mua chuộc không được thì họ đe dọa”. Đã nhiều lần anh và các đồng nghiệp bị lâm tặc nhắn tin đe dọa, chửi bới.

Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Dựng lán giữa rừng - Ảnh: NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Hành trình đi vào rừng, dựng lán ăn ngủ nếu chỉ nghe kể lại, có thể sẽ khó cảm nhận hết được nỗi thống khổ của anh em. Người viết phóng sự đời thợ kỳ này đã từng băng rừng với đội tuần tra đặt/tháo bẫy ảnh thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Hành trình đi đến nơi dựng lán là 25km, vượt qua 5 con suối lớn, đường đầy gai bụi, trơn trượt.

Một sáng tháng 9/2021, cả đội gồm 7 người bắt đầu cuốc bộ từ một Trạm cửa rừng thuộc xã Phong Mỹ. Họ đi mang vác thức ăn cho vài ngày, chăn mền, tăng võng, bạt che mưa.

Đến nơi khi đã quá chiều, một vài anh em che bạt, cột lại những thanh gỗ để mắc võng. Số khác sửa lại bếp củi, nấu bữa trưa. Khi tấm bạt được che xong, cơn mưa rừng đổ xuống, củi ướt khiến việc đỏ lửa trở nên khó khăn. Mất cả buổi anh em vẫn loay hoay với chiếc bếp. Khói nghi ngút cả một khu rừng, nhưng lửa thì chẳng chịu bùng lên.

Điểm dựng lán nằm trên một quả đồi nhỏ, phía trước là con suối, dưới tán một gốc cây khá lớn. Phía sau một khe nhỏ nhưng không có nước. Chỗ dựng lán được xem địa hình kỹ lưỡng để có xảy ra chuyện gì bất trắc, sẽ có đường rút lui.

Khuôn viên lán chừng 5m2, đủ để treo 7 chiếc võng. Gần 2 giờ chiều, chiếc bếp mới bén lửa, đỏ rực. Người phụ trách nấu nướng lấy thịt, cá hộp chế biến món ăn. Lán cũng đã dựng xong. Một số anh em vệ sinh lại khuôn viên, số khác xuống suối tắm rửa. Trời lúc này hửng nắng.

Bữa cơm trưa được dọn ra. Quanh một khoảnh đất nhỏ bên bờ suối, bữa cơm trong rừng với cá, thịt kho, canh bí đao. “Nhiều lúc ở bờ, ở bụi vậy mà ăn được nhiều hơn ở nhà”, anh em trong đoàn nói vui.

Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Trời càng về chiều, mây đen kéo đến, một lúc sau rả rích mưa. Trời sập tối, khi anh em chuẩn bị bữa cơm trời đổ mưa lớn, chiếc bếp ướt sũng. Mọi người giăng thêm bạt che phía ngoài để có chỗ ngồi nấu. Mưa nước chảy thành dòng. Chiếc bếp lại không chịu đỏ lửa.

“Dễ nhai mì tôm sống quá”, một thành viên đùa.

“Yên đó. Bếp đỏ lửa chừ thôi”, anh Nguyễn Quang Thông - một nhân viên hợp đồng động viên anh em. Trời vẫn mưa lớn. Củi bắt lửa rồi lại tắt ngụm, khói nghi ngút. Hai người thay nhau lấy tấm giấy quạt. Hơn 1 tiếng đồng hồ, bếp lửa mới chịu đỏ.

“Chắc phải đề xuất các sếp đầu tư cho chiếc bếp gas mini, chứ mùa này đi rừng dùng bếp củi cực quá”, Hoàng Tấn Phát, ngồi vừa múc nước dưới suối vừa nói vọng lên.

Bữa cơm tối giữa rừng với ánh đèn pin. Anh em quây quần, chuyền tay nhau cốc rượu cho đỡ lạnh. Trời xung quanh tối như mực. Mưa như trút nước.

Cả đêm, anh em không ai dám ngủ, người đẩy nước đọng trên bạt để tránh bị sập mái che, người rọi đèn pin xuống suối canh mực nước.

Mưa lớn đổ xuống con suối từ chiều nằm dưới thấp trơ ra những hòn đá to, đến khuya đã dâng cao, lênh láng như một dòng sông.

Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: “Muốn giữ rừng thì phải giữ được người”.

Khi Bộ trưởng phát biểu câu đó tại Hà Nội, ở Huế chính quyền cũng đang tiếp nhận thêm 4 đơn xin nghỉ việc của lực lượng giữ rừng. Tính từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2023, đã có 23 người trong lực lượng tham gia bảo vệ rừng ở địa bàn Thừa Thiên Huế xin nghỉ việc. Những tờ đơn xin nghỉ việc vẫn chưa dừng lại đó.

Trong 2 năm từ 2020 đến 7/2022, trên cả nước có hơn 2.300 kiểm lâm, bảo vệ rừng xin nghỉ việc.

Nguyên nhân dẫn đến những người giữ rừng xin nghỉ việc đều chung một lý do: lương thấp, bao quát nhiều việc, nguy hiểm, áp lực, không có thời gian cho gia đình…

“Nếu đến thời điểm này, ai còn trong nghề giữ rừng, thì ít nhất đó cũng là những người yêu nghề, yêu rừng ghê gớm lắm”, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Ông Tuấn, người đi lên từ công việc của một nhân viên bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã rồi kinh qua chức Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Hơn ai hết, ông hiểu được những khó khăn của anh em giữ rừng.

Trong một cái ghi chép gởi đến người viết, ông tâm tư: Nói về cái gian khổ của nghề giữ rừng thì muôn vàn, đó là sự thiếu thốn về đời sống tinh thần lẫn vật chất.

Còn đời sống tinh thần họ chỉ có được 1-2 ngày nghỉ trong tuần được về nhà cùng vợ chăm sóc mảnh vườn và con cái. Một viên chức bảo vệ rừng mới được tuyển dụng, thật lòng mức lương ăn hệ số 2,34 thực nhận sau khi trừ hết bảo hiểm khoảng 3,6 triệu. Nộp tiền ăn trưa và tối hết 500 nghìn/tháng; chi phí ăn sáng, xăng xe tầm 1,7 triệu. Số tiền còn lại dành dụm cho vợ chưa tới 1,5 triệu.

“Tôi hỏi, một người đóng mỗi tháng 500 nghìn đồng cho ngày 2 bữa mua gạo và thức ăn làm sao đủ. Nghe câu trả lời chua chát thì anh em bảo cố gắng tiện tặn rau cháo vậy thôi, còn dành dụm cho gia đình”, ông Tuấn trầm ngâm “Tôi không tính toán được họ ăn gì với mức chi phí 500 nghìn đồng cho 1 tháng”.

Anh Phú và những đồng đội khác mỗi lần đi tuần tra rừng phải bỏ tiền đổ xăng, tiền cơm. Những lúc truy quét lâm tặc, anh em mới có thêm 100 nghìn đồng/người/ngày.

Nhà chức trách luôn đưa ra những chương trình hành động nhằm bảo vệ rừng, tăng độ che phủ. Trong lúc đó, anh em phải bỏ tiền túi để giữ màu xanh cho cánh rừng, những chi phí đáng ra thuộc về cơ chế, trách nhiệm của chính quyền.

Giữ rừng xanh - cuộc vật lộn của người đi kẻ ở

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nói rằng trước tình trạng bảo vệ rừng, nhất là lao động hợp đồng bỏ việc hàng loạt, thì các địa phương đang cố gắng tìm cách giữ chân họ bằng các chính sách hỗ trợ từ ngân sách địa phương hoặc các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng (nước, thuỷ điện, tín chỉ các bon rừng). Tuy nhiên, hiện nay vẫn không có cơ sở pháp lý nào đủ mạnh để có thể thực hiện được việc này, mặc dù rất chính đáng.

Anh Thành mất để lại hai đứa con nhỏ cho ông bà nội. Cái chết của anh trong lúc tuần tra, bảo vệ rừng cũng chẳng được Nhà nước công nhận là liệt sĩ.

Hơn ¼ thế kỷ trong nghề, anh Phú nói rằng đã trải qua không biết bao nhiêu lần gặp nạn khi tuần rừng.

Vụ việc xảy ra đầu năm 2022 là tai nạn kinh hoàng nhất anh từng trải qua, nó cũng chấm dứt hành trình băng núi, vượt suối gần 30 năm của người giữ rừng. “Bây giờ theo cầu thang nếu bước, đi đứng không cẩn thận rất dễ chấn thương lại.”, anh Phú nói “Giờ thì ngồi làm việc tại văn phòng là chủ yếu”.

PHÓNG SỰ CỦA NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Ảnh: NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Video: NGUYỄN ĐẮC THÀNH - TRẦN YẾN - NGUYỄN HẰNG

Thiết kế: AN NHIÊN