e magazine
26/12/2024 13:55
Giải mã thành công của TƯLĐTT ngành Dệt May

26/12/2024 13:55

Công đoàn Dệt May Việt Nam đã thể hiện vai trò nổi bật trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ), đặc biệt qua việc đàm phán và ký kết các Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành.

Giải mã thành công của TƯLĐTT ngành Dệt May

Công đoàn Dệt May Việt Nam đã thể hiện vai trò nổi bật trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ), đặc biệt qua việc đàm phán và ký kết các Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành.

Giải mã thành công của TƯLĐTT ngành Dệt May
Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam tặng quà Tết cho công nhân lao động ngành Dệt May tại Đà Nẵng - Ảnh: CĐ DMVN

Mức lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn

Công đoàn Dệt May Việt Nam hiện quản lý 114 công đoàn cơ sở (CĐCS) với hơn 109.000 đoàn viên, chiếm phần lớn trong tổng số gần 115.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) của ngành. Trong đó, tỷ lệ nữ lao động chiếm khoảng 70%.

Mặc dù ngành Dệt May góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước, song lại đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề quan hệ lao động phức tạp, điều kiện làm việc chưa hoàn hảo, và thu nhập của người lao động còn thấp. Trước những vấn đề đó, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã kiên trì đàm phán, ký kết và thực hiện các TƯLĐTT nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Giải mã thành công của TƯLĐTT ngành Dệt May

Công nhân tại Hội thi "Tìm kiếm thợ giỏi - Gold Tailor Contest" ngành May, tại Công ty CP Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công. Ảnh: CĐ DM VN

Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc Công đoàn Dệt May Việt Nam đã ký kết TƯLĐTT ngành lần thứ 6 vào ngày 11/7/2024, với sự tham gia của 87 doanh nghiệp, chiếm tới 82,7% tổng số doanh nghiệp trong ngành.

Đây là lần ký kết tiếp nối những thành công đáng kể từ các bản TƯLĐTT trước đó, trong đó lần đầu tiên công đoàn ngành thương lượng và ký kết thỏa thuận về mức lương tối thiểu cao hơn lương tối thiểu vùng tới 14%. Ngoài ra, chế độ ăn giữa ca và các hỗ trợ khác cho NLĐ cũng được quy định với mức tối thiểu rõ ràng, bảo đảm quyền lợi cho công nhân ở các vùng, từ 15.000 đồng đến 18.000 đồng cho mỗi bữa ăn.

Các chế độ hỗ trợ khác cũng được mở rộng, như hỗ trợ tiền thuê nhà, trợ cấp khó khăn đột xuất, hay hỗ trợ cho NLĐ nuôi con nhỏ. Đặc biệt, đối với lao động nữ, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích lắp đặt phòng vắt trữ sữa và hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật, nhằm cải thiện môi trường làm việc và giúp đỡ họ trong công việc và cuộc sống…

Giải mã thành công của TƯLĐTT ngành Dệt May

Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân tại Công ty CP Dệt May Nha Trang. Ảnh: CĐ DM VN

Những tiến bộ quan trọng của TƯLĐTT ngành qua các lần ký kết

Qua mỗi lần ký kết TƯLĐTT, Công đoàn Dệt May Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng của các thỏa ước, từ việc đơn giản quy định chế độ cho NLĐ đến việc bổ sung các yếu tố nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân.

Từ lần ký kết TƯLĐTT thứ IV, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã thành công trong việc yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu ngành cao hơn lương tối thiểu vùng một cách tự động mà không phải thương lượng lại khi Nhà nước điều chỉnh mức lương.

Đặc biệt, TƯLĐTT ngành đã bổ sung nhiều chế độ mới, như quy định cụ thể mức ăn giữa ca, các khoản thưởng lễ Tết, thưởng thành tích, và chế độ nghỉ ngơi giữa ca làm việc, góp phần tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho NLĐ.

Giải mã thành công của TƯLĐTT ngành Dệt May

Công đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam tại phiên họp thương lượng TƯLĐTT cấp ngành lần thứ VI, ngày 7/5/2024. Ảnh: CĐ DM VN

Cùng với đó, các đơn vị tham gia TƯLĐTT ngành đều cam kết thực hiện đầy đủ các chế độ này, với kết quả thu nhập bình quân của NLĐ ngày càng được cải thiện, đạt khoảng 9,45 triệu đồng/tháng trong năm 2023. Đồng thời, công nhân ở các đơn vị này cũng nhận được thưởng Tết và tháng lương thứ 13 từ 1 đến 2,5 tháng lương, cho thấy sự cam kết của các doanh nghiệp trong việc duy trì và nâng cao phúc lợi cho NLĐ.

Một trong những kết quả quan trọng mà Công đoàn Dệt May Việt Nam đã đạt được là sự ổn định trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp tham gia TƯLĐTT ngành. Trong nhiều năm qua, chỉ có hai vụ ngừng việc tập thể xảy ra, và đều được giải quyết kịp thời, không để xảy ra đình công kéo dài. Sự ổn định này có được một phần lớn nhờ vào việc thực hiện các cam kết trong TƯLĐTT, đồng thời công đoàn cũng đã tạo ra một cầu nối quan trọng giúp giải quyết kịp thời các vướng mắc, nguyện vọng của NLĐ.

Công đoàn Dệt May Việt Nam đã giúp nhiều đơn vị trong ngành giải quyết các vấn đề phát sinh về điều kiện làm việc, thu nhập và phúc lợi. Nhờ đó, mối quan hệ giữa công nhân và doanh nghiệp ngày càng trở nên hài hòa, tạo môi trường làm việc ổn định và lành mạnh.

Giải mã thành công của TƯLĐTT ngành Dệt May

Nữ công nhân nhận quà nhân dịp 20/10. Ảnh: CĐ DM VN

Những khó khăn và thách thức

Mặc dù có những tiến bộ đáng kể, nhưng công tác thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Một trong những vấn đề lớn là số lượng doanh nghiệp tham gia TƯLĐTT ngành còn khá khiêm tốn, chưa phủ kín toàn bộ ngành và chưa mở rộng được ra ngoài hệ thống Công đoàn Dệt May. Việc thiếu mô hình công đoàn cấp trên cơ sở tại các địa phương khiến công đoàn ngành gặp khó khăn trong việc vận động và phát triển đoàn viên tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, như chi phí bảo hiểm xã hội, lương tối thiểu và giá nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp còn e ngại khi phải cam kết thực hiện các chế độ trong TƯLĐTT ngành. Việc thiếu chế tài xử phạt vi phạm cũng khiến cho việc thực hiện các cam kết này chưa hoàn toàn nghiêm túc.

Giải mã thành công của TƯLĐTT ngành Dệt May

Nữ công nhân Xí nghiệp may 11 (Hòa Bình) tham gia sự kiện "Tô cam - Chọn an toàn, vui gắn bó", hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Bình đẳng giới và chiến dịch "16 ngày cam" năm 2024. Ảnh: CĐ DMVN.

Khơi thông nút thắt trong TƯLĐTT

Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam, để nâng cao hiệu quả của TƯLĐTT ngành và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần sớm hoàn tất sắp xếp mô hình tổ chức đối với các công đoàn ngành, trong đó có Công đoàn Dệt May Việt Nam theo hướng tập trung, theo 3 cấp: công đoàn ngành trung ương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở. Mô hình này sẽ giúp công đoàn tăng cường khả năng vận động, phát triển đoàn viên và mở rộng độ bao phủ của thỏa ước.

Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam đề xuất Hiệp hội Dệt May Việt Nam nghiên cứu thành lập các chi hội địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thương lượng và ký kết TƯLĐTT tại các khu vực cụ thể.

Giải mã thành công của TƯLĐTT ngành Dệt May

Không khí ngày 20/10 tại Tổng Công ty May 10-CTCP. Ảnh: CĐ DMVN

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, giảm thiểu các tác động xấu đến sản xuất kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và công đoàn ký kết các thỏa ước có tính ràng buộc cao hơn.

Ngoài ra, cần chú trọng việc hình thành các TƯLĐTT nhóm cho các doanh nghiệp cùng quy mô, địa bàn, và lĩnh vực sản xuất, nhằm tạo ra các điều kiện làm việc phù hợp và tăng tính khả thi đối với các doanh nghiệp tham gia. Việc liên kết với các tổ chức lao động quốc tế cũng cần được đẩy mạnh, giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với các tiêu chuẩn lao động toàn cầu và thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Xem thêm video được quan tâm:

MINH KHÔI

Xem phiên bản di động