e magazine
14/02/2022 20:38
Gia đình cán bộ công đoàn gìn giữ, phát huy truyền thống người thợ mỏ

14/02/2022 20:38

“Vợ chồng tôi được sinh ra, lớn lên trên vùng đất mỏ, là cán bộ công đoàn nên luôn ý thức về gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa thợ mỏ” - chị Nguyễn Thị Thư (Công ty Tuyển than Cửa Ông) chia sẻ.
Gia đình cán bộ công đoàn gìn giữ, phát huy truyền thống thợ mỏ

Gia đình cán bộ công đoàn gìn giữ, phát huy truyền thống người thợ mỏ

“Vợ chồng tôi được sinh ra, lớn lên trên vùng đất mỏ, là cán bộ công đoàn nên luôn ý thức về gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa thợ mỏ” - chị Nguyễn Thị Thư (Công ty Tuyển than Cửa Ông) chia sẻ.

Gia đình chị Thư, anh Cường vừa được Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tôn vinh là một trong 85 “Gia đình thợ mỏ tiêu biểu”.

Chị Thư cho biết, ngay từ khi lập gia đình, vợ chồng chị đã thống nhất quan điểm, phân định rõ khoảng thời gian, không gian dành cho công việc cũng như gia đình, không để xâm lấn nhau. Vợ chồng làm cùng công ty nên mọi công việc đều chia sẻ, đồng cảm với nhau.

Công việc thủ kho của chị Thư có tính đặc thù. Bởi lẽ, ngành Mỏ đa dạng chủng loại hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. Có ngày, chị và đồng nghiệp phải cấp phát hàng trăm mặt hàng. Công việc nhiều áp lực, đòi hỏi sự minh bạch, chi tiết và được kiểm soát nghiêm ngặt. Do đó, để làm tốt công việc này, chị phải có trí óc minh mẫn và có một tâm lý vững vàng.

Gia đình cán bộ công đoàn gìn giữ, phát huy truyền thống thợ mỏ

Công đoàn và công ty đến thăm gia đình anh Cường - chị Thư. Ảnh: NVCC

“Công việc ngày càng tăng lên do yêu cầu về tổ chức lao động đáp ứng tình hình mới của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Tổ sản xuất của tôi trước đây có 17 người, nay giảm còn một nửa. Cả tổ đã cố gắng thật nhiều để đáp ứng yêu cầu công việc. Bản thân tôi luôn học hỏi, chia sẻ khó khăn với cấp trên, đồng nghiệp để có được giải pháp tối ưu và sự đồng thuận trong công việc” – chị Thư cho biết.

Điều đặc biệt là chị Thư, anh Cường đều tham gia hoạt động Công đoàn. Chị tham gia hoạt động nữ công tại cơ sở. Chị thích nấu nướng, trang trí, ca hát. Tham gia hoạt động Công đoàn khiến chị có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và niềm vui. Vui nhất là Ban Nữ công đã đề xuất và được công ty thông qua những chính sách chăm lo tốt hơn nữa cho lao động nữ, khiến chị em rất phấn khởi.

Gia đình cán bộ công đoàn gìn giữ, phát huy truyền thống thợ mỏ

Chị Nguyễn Thị Thư trong giờ làm việc. Ảnh: NVCC

Còn anh Cường - chồng chị vừa là một cán bộ kỹ thuật, sửa chữa máy móc, vừa là cán bộ công đoàn. Anh luôn tích cực tham gia tổ chức các hoạt động gắn kết đoàn viên trong công ty. Đồng thời cố gắng làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Là cán bộ công đoàn bộ phận, anh phổ biến nội dung từ công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở đến đoàn viên, người lao động. Đối với anh, một cán bộ công đoàn luôn cần quan tâm, lắng nghe, động viên để người lao động yêu quý nghề nghiệp của mình: Nghề mỏ.

Truyền thống văn hóa thợ mỏ là giá trị quý báu mà vợ chồng chị Thư - anh Cường luôn trân trọng, giữ gìn. Truyền thống ấy được truyền lại từ cha mẹ của hai người - những công nhân mỏ.

“Bố mẹ tôi đến Quảng Ninh làm thợ mỏ từ thập niên 60 của thế kỉ trước. Thấy bố mẹ yêu và gắn bó với nghề cho đến tuổi nghỉ hưu, được Đảng, Nhà nước, Tập đoàn, công ty, Công đoàn quan tâm, tôi đã quyết tâm theo nghề này khi mới ra trường” – anh Cường cho biết.

Gia đình cán bộ công đoàn gìn giữ, phát huy truyền thống thợ mỏ

Gia đình hạnh phúc của anh Cường - chị Thư dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: NVCC

Trong ký ức của chị Thư và anh Cường, màu đen lấp lánh của than cũng như nỗi vất vả của cha mẹ càng khiến anh chị yêu quý mảnh đất và công việc này. Khu phố mỏ cũng đầy ắp kỉ niệm, là nơi anh chị lớn lên, gặp gỡ rồi nên duyên vợ chồng.

“Từ nhỏ, tôi đã thấy cha mẹ làm việc rất vất vả và được thấy những hòn than đen. Màu đen của hòn than đã lấp lánh trong tâm trí tôi theo suốt những năm tháng học xa nhà. Nghĩ đến Quảng Ninh, người ta nghĩ ngay đến vùng đất của người thợ mỏ. Đó là niềm tự hào để tôi có động lực phấn đấu trong mỗi giai đoạn của cuộc đời và trong công việc” – chị Thư kể.

Chị Thư, anh Cương luôn mong muốn các con lớn lên hiểu truyền thống “Kỷ luật – Đồng tâm” của người thợ mỏ để trân trọng, phát huy.

“Vợ chồng tôi luôn nêu cao tinh thần của người thợ mỏ trong gia đình. Có nhiều lần con gái hỏi về người thợ mỏ, nghề mỏ. Không ngờ câu chuyện của tôi lại trở thành nguồn cảm hứng để con viết những bài văn cảm động về người thợ mỏ, được thầy cô đánh giá cao. Trao truyền lại những giá trị văn hóa thợ mỏ là trách nhiệm tự thân mà vợ chồng tôi luôn tự dặn mình. Chúng tôi coi cha mẹ là lăng kính để các con soi vào, tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp đó và truyền lại cho thế hệ sau” – chị Thư chia sẻ.

Gia đình cán bộ công đoàn gìn giữ, phát huy truyền thống thợ mỏ
Chị Thư (ngoài cùng, bên trái) trong giờ làm việc. Ảnh: NVCC

Ông Đỗ Văn Tăng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Tuyển than Cửa Ông cho biết, công ty có hơn 3.000 đoàn viên, người lao động. Điều đặc biệt là vợ chồng anh Cường - chị Thư đều là cán bộ công đoàn, tích cực đóng góp xây dựng tổ chức công đoàn và đơn vị.

Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, địa chất khắc nghiệt. Tuy nhiên, công ty đã áp dụng giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao thu nhập cho người lao động. Bình quân thu nhập của người lao động đạt trên 9.000.000 đồng/người/tháng. Công đoàn, Công ty đã tặng quà và chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động bằng tiền mặt và hiện vật. Chuẩn bị vào năm học mới, Công đoàn hỗ trợ mỗi gia đình có con trong độ tuổi đi học 500.000 đồng…

"Sự quan tâm của Công đoàn và công ty đã góp phần bồi đắp hơn nữa tình yêu nghề, ước mong xây dựng doanh nghiệp phát triển, gia đình hạnh phúc ở người lao động, cụ thể như gia đình chị Thư – anh Cường" - ông Đỗ Văn Tăng cho biết.

-

Bài viết: HÀ VY

Xem phiên bản di động