Huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk là quê hương thứ 2 của anh Nguyễn Ngọc Tùng sau khi anh cất bước ra đi học nghề từ xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Là anh cả trong gia đình có 4 anh em, bố là bộ đội, mẹ là giáo viên, từ nhỏ Tùng đã là người anh yêu thương và biết chăm lo cho em út. Đây cũng là lý do mà cậu chọn thi vào trung cấp điện, Trường Cao đẳng điện lực miền Trung (Hội An, Quảng Nam) mong được sớm thành người thợ lành nghề, kiếm tiền đỡ đần cho bọ mạ (bố mẹ); giúp đỡ em út học tập.
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp, theo lời khuyên của một người bà con, Tùng vào Đắk Lắk tìm việc, rồi xin vào làm việc hợp đồng cho ngành điện lực tỉnh. Đây cũng là quãng thời gian các tỉnh Tây Nguyên triển khai Quyết định 168/2001/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ Định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và Những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, trong đó có nhiệm vụ các tỉnh Tây Nguyên xây dựng xong đường điện đến 142 xã (lúc ấy) chưa có điện đến trung tâm xã, đến năm 2005 đảm bảo trên 70% số hộ dân cư được dùng điện.
Theo đó tỉnh Đắk Lắk cũng triển khai việc kéo điện và hỗ trợ lắp đặt một số thiết bị điện sinh hoạt miễn phí đến từng hộ đồng bào và Công ty Điện lực Đắk Lắk (thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung – CPC) đảm nhận thi công. Ngay sau khi được ký “hợp đồng thời vụ”, Tùng nhận nhiệm vụ triển khai các công việc thi công, lắp đặt, kéo điện vào các buôn làng cho đồng bào vùng cao huyện Cư M'Gar. Đây cũng là thời gian quý báu để anh hiểu hơn, sâu sát hơn với bà con vùng Tây Nguyên nắng gió này.
"Tùng inox" xử lý công việc trong tiết trời "nắng cháy" tháng 4/2024 ở xã Ea Tul, huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk. Ảnh: Đình Toàn
Trước khi gặp Tùng, tôi được nghe Nguyễn Ngô Bảo Ngọc, nam nhân viên điện lực 33 tuổi, người từng làm việc cùng với Tùng ở Điện lực Cư M’Gar nói rằng Tùng là người dành được nhiều thiện cảm và “rất được lòng” đồng nghiệp.
“Ở cơ quan ai cũng quý anh ấy, nhất là sự nhiệt huyết, tỉ mỉ trong công việc. Anh em chúng tôi hay gọi anh ấy là “Tùng inox” là do những rắn rỏi từ làn da cho tới bản lĩnh.”, mặc dù nghe Ngọc chia sẻ như vậy nhưng tôi vẫn bất ngờ khi gặp Tùng. Anh trông “già” hơn so với cái tuổi 42, thậm chí tôi suýt tưởng anh là người đồng bào dân tộc thiểu số, bởi anh hao hao giống người đồng bào từ gương mặt, làn da, dáng vóc.
“Có lẽ làm việc và sống với bà con đồng bào trên này lâu nên mình cũng chịu ảnh hưởng đôi chút” - Tùng cười hiền anh để lộ hàm răng trắng trên gương mặt đen sạm ẩn dưới chiếc mũ bảo hộ ngành điện.
Tùng cười kể 20 năm trước, bà con đồng bào các dân tộc ở huyện Cư M’Gar đều chưa có điện sinh hoạt, đêm xuống bà con thắp đèn dầu là chính. Được bắt điện miễn phí theo “chương trình 168” của Thủ tướng Chính phủ, bà con ai ai cũng phấn khởi. Ngoài việc hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục bắt điện, anh Tùng còn phải chỉ vẽ cho bà con đồng bào việc sử dụng điện sao cho an toàn tiết kiệm; xử lý sự cố khẩn cấp... Thế nhưng là một chàng trai người kinh, chưa được học qua tiếng đồng bào nên ở buôn làng nào Tùng cũng nhờ cậy vào “phiên dịch viên” là các vị buôn trưởng.
“Bản doanh” mà đội của Tùng đóng quân là nhà các buôn trưởng, việc gì cũng bàn bạc và thông qua buôn trưởng để truyền đạt đến bà con. Nhà buôn trưởng do vậy thường là nơi được kéo điện, thắp sáng trước tiên trong buôn để anh em công nhân điện lực làm việc, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ bắt điện của bà con.
Hoàn tất việc bắt điện thắp sáng cho bà con buôn làng này, Tùng cùng đồng đội di chuyển sang buôn làng khác. Quanh năm suốt tháng gắn với buôn làng. Có nơi như ở xã Ea Tar Tùng “đồn trú” hẳn 1 năm với đồng bào để thi công bắt điện đến từng nhà người dân. Ea Tar là xã có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ khoảng 50%, là vùng đất gặp nhiều khó khăn, nhiều tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới xuất phát điểm thấp. Vậy mà cách nay 3 năm, địa phương này đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, đạt cả 19/19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí về điện.
“Khi hay tin xã Ea Tar long trọng làm lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới, lòng mình thổn thức, lâng lâng nhiều cảm xúc khó tả. Nhớ lại 20 năm trước khi kéo từng mét dây điện, lắp đặt từng bảng táp lô, từng cái bóng đèn thắp sáng cho bà con để rồi hôm nay Ea Tar khởi sắc, phát triển thay đổi diện mạo thật sự mình cảm thấy được vui lây.”, anh Tùng tâm sự.
Nếu Đắk Lắk là vùng đất lành thì Nguyễn Ngọc Tùng đã bén duyên ngay từ những ngày đầu bước chân vào ngành điện. Là một công nhân hợp đồng thời vụ, làm việc thường xuyên giữa trời mưa nắng, đồng lương nhận được lại chưa được “đủ đầy” như những công nhân đã biên chế trong ngành điện, nhưng Tùng vẫn nhiệt huyết với công việc. Tôi hỏi thuở ấy điều gì giữ chân anh lại với buôn làng. Tùng cười: “Là tình cảm. Vốn dĩ bà con đồng bào rất hiếu khách, lại thấy mình vất vả mang ánh sáng, nguồn điện đến với họ nên họ càng tôn trọng, quý mến mình hơn. Có lẽ cái tình cảm ấy như động lực để mình làm việc, bên cạnh đồng lương mà mình nhận được”.
Sau 3 năm không quản ngại gian khó, Tùng đã tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm để sau đó, năm 2006 anh thi, trúng tuyển và chính thức làm người công nhân điện lực, được biên chế vào ngành điện thuộc Điện lực Cư M’Gar, Công ty Điện lực Đắk Lắk – đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Tùng kể công tác điện lực trên địa bàn huyện Cư M’Gar khá đặc thù, khác nhiều so với nhiều địa phương khác trong tỉnh. Đó là địa bàn rộng, Cư M’Gar lại là mảnh đất trù phú về trồng cây công nghiệp lẫn nông nghiệp như cao su, cà phê, sầu riêng, thuốc lá, khoai lang, sắn (mì)... Do nhu cầu bơm tưới, sản xuất của các doanh nghiệp cao, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp nên sản lượng tiêu thụ điện cao (doanh thu tiền điện đứng thứ 3 toàn tỉnh, sau phía bắc và phía nam trung tâm thành phố Buôn ma Thuột). Vì vậy nhiệm vụ bảo quản, vận hành lưới điện, đảm bảo cấp điện thông suốt luôn là nhiệm vụ trọng tâm của những công nhân điện lực như Tùng.Đặc thù Cư M'Gar là nhiều tuyến, trạm điện xây dựng phục vụ xản xuất cho các nông trường, nương rẫy nên công nhân điện lực rất vất vả để quản lý, vận hhành. Ảnh: Đ.T
Tuy nhiên do đặc thù nhiều hệ thống lưới điện do các nông lâm trường đầu tư từ lâu, được ngành điện tiếp quản vận hành nên nhiều tuyến điện không đi dọc các tuyến giao thông chính, thông thoáng như quy hoạch sau này, nên việc quản lý, vận hành và xử lý sự cố gặp nhiều khó khăn, vất vả. Đặc biệt, tôi trố mắt khi Tùng kể và đưa cho tôi xem hình ảnh “bằng chứng” về rất nhiều “người bạn bất đắc dĩ” thuộc loài bò sát như rắn, tắc kè, kỳ nhông, sóc và cả khỉ... tử nạn sau khi “xâm nhập trái phép” hệ thống lưới điện và gây ra sự cố gây cháy, chập, đứt dây gây hư hỏng tài sản, gián đoạn cấp điện cho khách hàng.
Sóc, rắn xâm nhập rồi “tử nạn” sau khi gây sự cố chập, nổ lưới điện tại xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar. Ảnh: N.N.T
Đã không biết bao lần anh Tùng cùng đồng đội phải đối mặt với những người bạn không mời mà đến này. “Đặc thù ở Cư M’Gar là rắn hay bò lên lưới điện vào mùa mưa. Hay như tắc kè, sóc, kể cả khỉ người ta nuôi bị sổng, hoặc khỉ lạc đàn cũng đã từng trèo lên lưới và gây ra sự cố...”, anh Tùng kể. Điện lực Cư M’Gar có lẽ là đơn vị xếp đầu bảng trong 14 đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Lắk về sự cố do các loài bò sát, động vật như chim, sóc, khỉ... gây ra. Đây là điều khiến lãnh đạo cũng như anh em công nhân đơn vị này trăn trở tìm cách khắc phục.Công nhân Điện lực Cư M'Gar xử lý sự cố điện do động vật, bò sát gây ra vào ban đêm trên địa bàn huyện. Ảnh: ĐVCC
Để khắc chế những tác nhân này, cũng như giúp chúng bảo toàn tính mạng, anh Tùng đã nghĩ ra cách là dùng bột trét để bít kín các lỗ trên thân trụ để rắn không thể ẩn náu trong đó. Đối với tắc kè, kỳ nhông, các chiếc “nón tôn” cũng được chế tạo để “đội” vào thân các trụ điện, khi các chú tắc kè bò lên gặp chướng ngại vật này thì “dừng bước”, không thể tiếp cận với lưới điện bên trên.Những chiếc “nón tôn”, “ống nhựa bọc xà” (đánh dấu khoanh tròn) được sử dụng như một kinh nghiệm quý tại Cư M’Gar nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của một số loài bò sát, động vật gây chập, cháy nổ hư hỏng lưới điện. Ảnh: Đình Toàn
Hoặc anh Tùng sáng kiến giải pháp dùng “ống nhựa PVC bọc xà”, làm vật cách điện giữa dây dẫn với xà để hạn chế gây ra cháy, chập, mất điện hư hỏng lưới điện nếu có chim, thú xâm nhập. Cùng với đó, anh Tùng cũng là người sớm đưa ra việc sử dụng thiết bị FCO – cầu chì tự rơi để quản lý vận hành lưới điện. Đây là một loại thiết bị sử dụng cho mạng điện trên không và rẽ nhánh để bảo vệ mạng lưới và các thiết bị điện khi xảy ra sự cố trên mạng, phân lập được phạm vi ngắt điện trong khu vực xảy ra sự cố, không để ảnh hưởng mất điện trên diện rộng khi xảy ra sự cố do động vật hay vật lạ gây ra đối với lưới điện. Những sáng kiến, kinh nghiệm này được áp dụng đã giúp Điện lực Cư M’Gar cải thiện đáng kể tần suất sự cố về điện, giảm thiểu thiệt hại sau sự cố do một số loài bò sát, động vật, chim chóc hay vật lạ gây ra.Công nhân Điện lực Cư M’Gar dưới sự chỉ huy của KS. Nguyễn Ngọc Tùng tiến hành lắp đặt ống nhựa bọc xà ngăn chặn sự xâm nhập của một số loài bò sát, động vật gây chập, cháy nổ lưới điện Ảnh: N.N.T
“Mặc dù nhiều chỉ tiêu, kế hoạch được cấp trên giao đơn vị chúng tôi luôn hoàn thành tốt, nhưng sự nhiều cố chập, cháy mất điện xảy ra, hệ thống ghi lại và mỗi lần như vậy Điện lực Cư M’Gar lại bị trừ điểm thi đua rất thiệt thòi. Nhưng hệ thống nào ghi nhận được nguyên nhân là do rắn, tắc kè, chim sóc, động vật gì đâu?...”, Tùng kể vui.
Một ngày cuối tháng 4/2024, đội cái nắng nóng gần 400C, tôi theo chân anh Tùng cùng một số anh em công nhân Điện lực Cư M’Gar đi thay thế thiết bị, bảo trì, bảo dưỡng một trạm biến áp tại buôn Kia Nie, xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar. Dù đến gần 12 giờ trưa, thời điểm mà nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, thì tổ công nhân 5 người của đội anh Tùng vẫn miệt mài làm việc. Mặc dù anh em công nhân đều khoác lên mình găng tay, mũ, áo quần... bảo hộ, nhưng ai cũng phải ráng sức làm việc, nỗ lực chống chịu với nắng nóng để sớm cấp điện trở lại cho khách hàng. “Nghề của tụi mình là thế, khi mọi người ở trong nhà thì tụi mình ở ngoài đường, trong nông lâm trường để xử lý sự cố điện là bình thường. Bất kể mưa nắng, sớm khuya, tụi mình phải xử lý sự cố và cấp điện trở lại cho khách hàng một cách nhanh nhất, không quá 2 giờ”, anh Tùng nói.KS. Nguyễn Ngọc Tùng - “Tùng inox” đã hơn 20 năm làm việc, chịu tôi luyện bởi nắng gió Đắk Lắk. Ảnh: Đình Toàn
Huyện Cư M'Gar hiện có trên 173.000 người của 25 dân tộc anh em sinh sống ở 17 xã, thị trấn với nhiều nền văn hóa phong phú, đa dạng. Đây cũng là địa phương có mật độ dân số đông của tỉnh Đắk Lắk, trong đó dân tộc Kinh chiếm 53,9%, Ê Đê: 36,42%, các dân tộc khác 10%. Điện lực Cư M’Gar hiện có 56.000 khách hàng, quản lý 536 km điện trung áp, 638 km đường dây hạ áp cùing trên 800 trạm biến áp... Đây cũng là đơn vị thứ 3 toàn tỉnh về doanh thu bán điện, trong đó sản lượng điện tiêu thụ cho việc bơm tưới, sản xuất, kinh doanh nông sản khá lớn (trong tháng 3/2024 doanh thu chừng 57 tỷ đồng).
Sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cư M’Gar những năm gần đây đặt ra nhiều yêu cầu cho đội ngũ cán bộ, công nhân ngành điện với yêu cầu luôn nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Hơn 20 năm làm việc cho ngành điện, anh Tùng cũng đã kinh qua nhiều vị trí, công việc, từ một công nhân “mang vác, leo trèo, bắt điện”, quản lý, vận hành lưới điện, phát quang, thu tiền điện, thu tiền cước viễn thông điện lực (khi loại hình dịch vụ điện thoại E-com triển khai). Trong khoảng thời gian 10 năm từ 2008 – 2018, anh Tùng làm tổ trưởng tổ điện với 4 thành viên, “chiến đấu” từ tổ điện ở trung tâm huyện cho đến tổ điện ở xã. Mãi đến gần đây, năm 2022 anh mới được “thăng chức” lên Đội phó Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, thuộc Điện lực Cư M’Gar; quản lý điều hành đội quân chủ lực 41 người. Dù ở cương vị nào, Tùng cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt anh luôn động viên anh em đồng nghiệp khéo léo, mềm dẻo và thân thiện khi giao tiếp với khách hàng, nhất là khách hàng là người đồng bào dân tộc thiểu số. “Ở đây bà con buôn mình nếu có sự cố mất điện thì nhờ các anh em công nhân điện lực mà thôi. Khuya sớm gì nghe bà con gọi anh em cũng đến xử lý giúp. Anh em khi nào cũng xử lý nhanh cho bà con. Dù mệt nhọc nhưng anh em điện lực luôn vui vẻ, thân tình”, ông Y.Pun Niê, sống ở buôn Kia Nie, xã Ea Tul, chia sẻ.Anh Tùng thăm hỏi, nắm bắt tình hình sử dụng điện trong mùa nắng nóng năm 2024 đối với bà con xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk. Ảnh: Đình Toàn
Có một cuộc sắp đặt nhân duyên rất thú vị khi “Tùng inox” đến với cao nguyên Đắk Lắk. Số là khi anh mới đến với cao nguyên này, anh sống trong khu tập thể nhỏ của Trạm Điện Cư M’Gar (tiền thân Điện lực Cư M’Gar bây giờ), anh Tùng gặp chị Lê Thị Hương, cô gái có nhiều cái “cùng” như ở cùng tập thể, cùng tuổi, cùng là sinh viên Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (công nhân thí nghiệm điện), cùng quê hương huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và cùng xa quê vào Cư M’Gar đầu quân làm hợp đồng thời vụ với ngành điện. Tình yêu nảy nở giữa họ để rồi năm 2007 anh Tùng chị Hương kết hôn. Năm 2008 hai vợ chồng sinh người con gái đầu lòng, năm 2009 học sinh tiếp người con thứ hai. Gia đình 4 người đi thuê nhà trọ để ăn ở, làm việc. Trong hoàn cảnh ấy anh Tùng vẫn quyết tâm đi học đại học tại chức ngành kỹ thuật điện vào ban đêm tại TP. Buôn Ma Thuột. Sau 4 năm, anh Tùng tốt nghiệp đại học, lấy bằng kỹ sư điện công nghiệp. Gia đình kỹ sư Nguyễn Ngọc Tùng. Ảnh: NVCC
Đặc biệt, năm 2017, anh Tùng là người đoạt giải nhất cuộc thi Thợ giỏi ngành điện tỉnh, sau khi đại diện cho Điện lực Cư M’Gar “đấu” với các đại diện của 13 đơn vị còn lại thuộc Công ty Điện lực Đắk Lắk. Cũng năm ấy anh Tùng ra Đà Nẵng dự thi và đạt thành tích cao, được Tổng Công ty Điện lực miền Trung - EVNCPC công nhận danh hiệu Người thợ giỏi cấp khu vực miền Trung. Với thành tích này, năm 2021, từ người thợ bậc 6, anh Tùng được đặc cách lên thợ bậc 7/7 khi tuổi đời mới ngấp nghé 40 tuổi, một thành tích mà nhiều người thợ, anh em đồng nghiệp ngưỡng mộ.
Năm 2019, anh Tùng được chính thức kết nạp Đảng – điều mà anh thổ lộ rằng, anh muốn nêu gương cho hai người con gái, cuộc sống là chuỗi nỗ lực dù cho anh là một người thợ, người công nhân bình thường. Ngay cả việc học và lấy bằng kỹ sư điện công nghiệp sau 4 năm miệt mài vừa học vừa làm cũng vây, khẳng định mình và nêu gương cho con cái. Và kỹ sư Nguyễn Ngọc Tùng, thành tích đâu chỉ có thế. Hơn 20 năm trong ngành điện lực, một bảng bề dày thành tích liên tục làm dài thêm câu chuyện về người công nhân này.
Liên tục từ năm 2009 đến năm 2023, hầu như năm nào Tùng cũng nhận được bằng khen, giấy khen, khen thưởng từ cấp công ty đến Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh Đắk Lắk, với nhiều lần đạt thành tích, danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Lao động tiên tiến”; “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Gần đây, năm 2021 anh còn là một trong ít nhân viên ngành điện Đắk Lắk được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước khen thưởng vì những thành tích xuất sắc trong công tác...Một số bằng khen, thành tích tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Tùng được trao tặng gần đây. Ảnh: Đ.T
Có lẽ biệt danh “Tùng inox” mà đồng nghiệp dành cho kỹ sư Tùng không chỉ nói về làn da đen sạm do nhào nặn với nắng mưa, mà còn còn là cách ví von về tố chất một người công nhân ý chí được tôi luyện trong thực tế, bản lĩnh can trường rắn rỏi, chịu thách thức mài mòn của thời tiết, môi trường làm việc. Nói về công việc của mình cũng như đồng nghiệp, anh Tùng tâm sự rằng sự gian khó, vất vả của công nhân ngành điện cũng không thua kém ngành nào, nhưng thi thoảng đọc thông tin trên mạng lại thấy buồn. “Có vô số những khó khăn, vất mà tụi mình chỉ làm việc trong thầm lặng. Nhưng đâu đó có nhiều nhận xét, câu nói về ngành mình đọc xong lại thấy chạnh lòng, cảm giác buồn lắm... Nhưng rồi tụi mình cũng động viên nhau cố gắng, hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo cấp điện an toàn, thông suốt.”, anh Tùng tâm sự.Còn ông Ngô Văn Lập, Giám đốc Điện lực Cư M’Gar khi nói về nhân viên cấp dưới của mình, cũng tấm tắc khen: “Anh Tùng là một công nhân, nhân viên trẻ nổi bật ở đơn vị mình. Anh nhiều năm được công nhận là lao động tiên tiến, có nhiều thành tích, cống hiến được Tập đoàn EVN và Tổng công ty - EVNCPC khen, thưởng. Một trong những điều mà mình đánh giá cao là công tác lập kế hoạch và chủ động xử lý công việc của anh Tùng. Anh luôn lập kế hoạch kỹ càng cho mình và đội. Có nhiều lần anh đi làm bên ngoài về cả ngày mệt, nhưng ban đêm anh còn nán lại cơ quan để làm việc, lập, xây dựng kế hoạch cho ngày hôm sau một cách bài bản, khoa học. Xong việc anh mới về nhà... Sự cần mẫn, khoa học và nhiệt huyết là những tố chất mà chúng tôi luôn hài lòng, ghi nhận về một cán bộ của đơn vị như anh Tùng.”.
Phóng sự của ĐÌNH TOÀN
Thiết kế: AN NHIÊN