e magazine
06/11/2020 16:45
Gần Tết, người lao động vẫn “chật vật” đi tìm việc làm

06/11/2020 16:45

Thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, sản xuất phải cho hàng loạt công nhân nghỉ việc. Điều này khiến tình trạng những tháng cuối năm nhiều người phải “chật vật” đi tìm lại việc làm để ổn định cuộc sống.
Gần Tết, người lao động vẫn “chật vật” đi tìm việc làm

Gần tết, người lao động vẫn “chật vật” đi tìm việc làm

***

Thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, sản xuất, nên phải cho hàng loạt công nhân nghỉ việc. Điều này khiến tình trạng nhiều người phải “chật vật” đi tìm lại việc làm để ổn định cuộc sống trong những tháng cuối năm.

“Có tuyển cũng như không”

“Họ có nói nhận không anh?” - chị Nguyễn Thu Huyền (quê Bắc Giang) thấp thỏm hỏi chồng khi thấy anh Long cầm trên tay bộ hồ sơ xin việc bước ra từ Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu thất vọng. Đó là tình trạng chung không chỉ của vợ chồng anh Quân mà còn là của hàng trăm người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh.

Gần Tết, người lao động vẫn “chật vật” đi tìm việc làm

Người lao động mòn mỏi tìm việc tại các bảng thông tin tuyển dụng.

Theo ghi nhận của phóng viên tại KCN Bắc Thăng Long và KCN Quang Minh, trước cửa các công ty, xí nghiệp rất ít nơi treo thông báo cần tuyển lao động. Chỉ có một vài công ty đang tuyển dụng thì đi kèm với đó lại là yêu cầu đòi hỏi về tay nghề và kinh nghiệm.

Anh Quân chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi trước đây làm cùng công ty, nhưng tháng 6 vừa rồi công ty cho nghỉ việc cả trăm công nhân, trong đó có tôi, họ nói tình hình ổn sẽ gọi đi làm lại nhưng đến giờ cũng chưa thấy thông tin gì. Vì thế mấy hôm nay tôi lang thang tìm việc làm mà chưa được”.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Vũ Tiến Tuân gom góp vay mượn của bạn bè được 3 triệu đồng, lặn lội từ Sơn La xuống Hà Nội thuê phòng trọ để tìm việc. Nhưng anh xem “nát” cả bảng tin tuyển dụng gần một tuần lễ mà vẫn chưa tìm được việc, trong khi tiền nhà, ăn ở, chi phí sinh hoạt thì mỗi ngày một vơi dần.

“Thực ra vẫn có nhiều nơi thông báo tuyển người nhưng khi đến liên hệ phỏng vấn thì mình lại nhận được câu trả lời chỉ tuyển nữ hoặc yêu cầu phải có kinh nghiệm, như thế với mình có tuyển cũng như không, tình hình này có khi lại phải về quê thôi”, anh Tuân than thở.

Gần Tết, người lao động vẫn “chật vật” đi tìm việc làm

Bảng tin tuyển dụng KCN Bắc Thăng Long "thiếu vắng" các thông tin tuyển lao động.

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, nên nhu cầu tìm việc làm của người lao động lại càng tăng cao, với mong muốn có một cái Tết no đủ, trọn vẹn.

Như trường hợp của anh T. đã đăng nhiều bài lên nhóm tìm việc làm của tỉnh Hà Nam nhưng vẫn chưa có nơi nào gọi điện phỏng vấn. Anh T. cho biết: “Càng về cuối năm, anh em lao động chúng tôi càng khát việc làm, ở nhà mãi cũng chán nhưng tìm miết mà chẳng có chỗ nào nhận nên cũng chỉ biết ngồi đợi”.

Gần Tết, người lao động vẫn “chật vật” đi tìm việc làm

Tham gia rất nhiều hội nhóm tìm việc làm, thế nhưng anh Thắng vẫn chưa tìm được việc.

Những hệ lụy từ chuyện “đói việc”…

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tác động từ dịch Covid-19, ước tính cả nước có khoảng 30,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó có tới 2,4 triệu lao động mất việc làm. Điều này khiến cuộc sống của công nhân vốn đã khó khăn thì nay càng thêm lao đao.

Áp lực vì không có thu nhập để phục vụ trang trải cuộc sống, nhiều công nhân đã tìm đến “tín dụng đen” với mức lãi suất “cắt cổ”.

Tìm hiểu quanh KCN Quang Minh, phóng viên được mục sở thị những câu chuyện bi đát từ vay nặng lãi. Mặc dù đang trong ca làm việc nhưng anh Trọng vẫn bị các đối tượng cho vay buộc ra ngoài quán nước để giải quyết vì lý do chậm trả lãi.

Gần Tết, người lao động vẫn “chật vật” đi tìm việc làm

Nhiều công nhân phải tìm đến tín dụng đen như một cách "cứu cánh" tạm thời.

Theo anh Trọng, đợt vừa rồi công ty anh cũng cắt giảm hàng loạt nhân sự, anh may mắn không nằm trong số công nhân bị cho nghỉ việc nhưng tiền lương giảm, cộng thêm không tăng ca nên không đủ nguồn trang trải cuộc sống cho 2 vợ chồng và 1 đứa con nhỏ. Vì vậy anh đã tìm đến các lời chào mời “giải ngân nhanh”.

Anh Trọng cho biết, ban đầu, vợ chồng anh chỉ có ý định vay 5 triệu. Chỉ sau một cuộc điện thoại là họ vui vẻ đưa tiền ngay, trong 5 triệu đó thì bị “cắt phế” 10% ngay từ lúc đưa, cái này gọi là phí dịch vụ chứ không phải lãi, còn tiền lãi thì mỗi ngày đóng 250.000 đồng. “Khi thấy mình có dấu hiệu chậm lãi là bọn nó lộ mặt dọa nạt đủ thứ, khác hẳn với thái độ tươi cười như khi đưa tiền, trốn thì cũng chẳng yên, chúng nó bêu riếu tên vào các nhóm của công ty rồi thì tìm về tận nhà trọ”, anh Trọng ngao ngán vừa nhắn tin cho vợ vừa thở dài.

Anh Trọng cũng chia sẻ thêm, ở đây từng có không ít công nhân bị “nhân viên” của các app cho vay tiền rất “lộng hành” đánh người ngay trước cổng công ty.

Mặc dù hậu quả của việc dính đến “tín dụng đen” là thấy rõ và hiện hữu ngay trước mặt, thế nhưng vì cuộc sống khó khăn đã buộc nhiều người lao động, đặc biệt là nhóm công nhân vẫn phải tìm đến những cách “cứu cánh” tạm thời này.

Bà Nguyễn Mai Hương, Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh Hà Nam cho biết: “Tình hình thiếu việc làm hiện là khó khăn chung trên cả nước chứ không phải của riêng tỉnh. Các công ty nước ngoài giờ tuyển dụng họ đều đi kèm các yêu cầu như biết tiếng Hàn, Nhật và có kinh nghiệm làm việc nên nhóm lao động phổ thông rất khó kiếm việc làm trong thời điểm này”.

Theo kinh nghiệm của bà Hương, để tìm được một công việc ổn định trước tết là rất khó khăn đối với người lao động mới. Có lẽ phải chờ đến sau tết, khi tình hình dịch bệnh ổn định, nhiều công ty tuyển dụng trở lại thì vấn đề khó khăn khi tìm việc làm mới có thể được giải quyết.

Gần Tết, người lao động vẫn “chật vật” đi tìm việc làm

Chỉ có "lác đác" vài công ty treo bảng thông báo tuyển dụng tại KCN Quang Minh.

Mặc dù, tình hình dịch bệnh đang dần ổn định nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó khiến nhiều doanh nghiệp “ngấm đòn” nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.

Trước bài toán khó khăn về xuất khẩu nguồn hàng hóa bị trì trệ, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp cắt giảm nguồn nhân lực và chỉ giữ lại những người đã gắn bó lâu năm. Điều này càng tạo thêm khó khăn, thách thức cho những lao động phổ thông, đặc biệt là nhóm lao động trẻ chưa có kinh nghiệm.

Bài và ảnh: Tùng Nguyễn

Xem phiên bản di động