
Kết nối sinh viên, người lao động với hơn 2.100 cơ hội việc làm |
Tạo cầu nối thiết thực giữa người lao động và nhà tuyển dụng
Sáng 10/5 tại Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội), trong không khí nhộn nhịp của Phiên giao dịch việc làm lưu động năm 2025, chị Vũ Thị Phương – Trưởng phòng Cung ứng Công ty Xanh SM – kiên trì giới thiệu thông tin tuyển dụng cho từng lượt người lao động ghé thăm gian hàng.
“Chúng tôi đang cần tuyển gấp 1.000 tài xế ô tô điện cho thị trường Hà Nội, ngoài ra còn có hàng trăm vị trí tài xế xe máy – phù hợp với cả sinh viên và người lao động phổ thông,” chị Phương cho biết.
![]() |
Cán bộ tuyển dụng Công ty Xanh SM tư vấn cho người lao động về chế độ làm việc và phúc lợi của Công ty. Ảnh: Thảo Vân. |
Không chỉ mang đến cơ hội việc làm với chế độ chính thức, có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm và đào tạo bài bản, Công ty Xanh SM còn mở hướng tiếp cận mới tới nhóm sinh viên ngoại tỉnh – những người vừa thiếu phương tiện di chuyển, vừa có nhu cầu làm thêm.
“Ngay cả tài xế xe máy cũng được huấn luyện bài bản về tác phong, giao tiếp, cách phục vụ khách hàng – điều mà các hãng xe truyền thống chưa làm được. Xe điện có ưu điểm nhẹ, êm, không mùi xăng dầu và được sạc miễn phí sau 10h, nên chi phí vận hành thấp, tăng thu nhập cho người lao động,” chị Phương cho biết.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt tài xế ô tô có kinh nghiệm. Nhóm tài xế truyền thống chuyển đổi gần như đã bão hòa, trong khi sinh viên – nhóm đối tượng đang được công ty nhắm đến – lại chưa đủ điều kiện về độ tuổi, bằng lái.
“Chúng tôi kỳ vọng phiên giao dịch là kênh truyền thông hiệu quả, giúp tiếp cận đúng đối tượng lao động tiềm năng”, chị Phương chia sẻ thêm.
![]() |
Rất nhiều lao động trẻ tìm hiểu công việc partime tại Công viên nước Hồ Tây. Ảnh: Thảo Vân |
Lần đầu tiên tham gia phiên giao dịch do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, Ngân hàng TMCP Hải Việt Nam (chi nhánh phòng giao dịch Nguyễn Khánh Toàn) mang đến ba vị trí chủ lực: chuyên viên khách hàng cá nhân, giao dịch viên và chuyên viên chăm sóc khách hàng ưu tiên. Mỗi vị trí cần tối thiểu 10 người, với tổng thu nhập có thể lên tới 50 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn Thu – cán bộ tuyển dụng của ngân hàng – đánh giá cao hiệu quả của mô hình phiên giao dịch: “Doanh nghiệp không mất chi phí nhưng vẫn tiếp cận được ứng viên phù hợp, đặc biệt là người lao động đã có kinh nghiệm – điều mà khi tuyển tại các trường đại học chưa thể có”. Từ sự kiện, ngân hàng đã kết nối được với nhiều ứng viên, thậm chí tuyển được ba chuyên viên khách hàng và năm thực tập sinh kinh tế.
“Đây là kênh rất hữu ích. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều phiên để chúng tôi chủ động hơn trong công tác nhân sự,” anh Thu bày tỏ mong muốn tiếp tục đồng hành ở các phiên sau để tăng hiệu quả tuyển dụng.
Người lao động tích cực tìm kiếm cơ hội
Là một trong những người đến từ sớm, anh Lê Việt Hưng (phường Ngọc Khánh, Ba Đình) chia sẻ: “Tôi đến đây theo thông tin từ mẹ – tổ trưởng dân phố. Tôi từng học kế toán, vừa đi nghĩa vụ quân sự về và hiện làm tạm ở mảng vật tư y tế nhưng chưa thấy phù hợp. Phiên giao dịch việc làm là cơ hội để tôi tìm hướng đi mới.”
![]() |
Lê Việt Hưng cho rằng, phiên giao dịch việc làm lưu động là mô hình rất hữu ích vì người lao động được tiếp cận thông tin nhanh chóng, trực tiếp. Ảnh: Thảo Vân |
Dù đã có một năm kinh nghiệm, anh Hưng thừa nhận ngành kế toán đang khó tìm việc, lương thấp, đòi hỏi nhiều kỹ năng xử lý giấy tờ. Anh bày tỏ sự quan tâm tới các vị trí tại Viettel – vừa gần nhà, vừa phù hợp năng lực. Anh cũng đang học thêm bằng lái xe để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. “Điều quan trọng nhất là tìm việc phù hợp với năng lực. Mức lương có thể tăng dần nếu mình cố gắng,” anh chia sẻ với thái độ cầu tiến, nghiêm túc.
Trong khi đó, Nguyễn Anh Bảo Châu – học sinh Trung cấp Kinh tế và Công nghệ Hà Nội – đến với phiên giao dịch việc làm, mong muốn tìm việc part-time tại Công ty PMC nhưng được tư vấn thử sức ở vị trí thực tập sinh. “Đây là cơ hội để em trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, làm nền tảng cho sự phát triển sau khi ra trường vào tháng 6 tới,” Bảo Châu cho biết.
Gần 1.700 chỉ tiêu việc làm, học nghề
Từ câu chuyện doanh nghiệp lớn khát lao động đến nhu cầu việc làm của người trẻ, phiên giao dịch việc làm quận Ba Đình năm nay tiếp tục là cầu nối thiết thực giữa cung và cầu lao động tại Thủ đô.
Bà Phạm Thị Diễm – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình – khẳng định: “Quận luôn xác định công tác giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với an sinh xã hội. Năm 2025 là năm thứ tư quận tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin tuyển dụng, học nghề ngay tại địa phương.”
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch lần này có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gần 1.700 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh. Trong đó, 78% đến từ nhóm ngành thương mại – dịch vụ, còn lại là các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, kỹ thuật…
![]() |
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo thăm các bàn tư vấn, tuyển dụng việc làm. Ảnh: Nguyễn Hải |
Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất với 731 chỉ tiêu (43,8%), tiếp theo là trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật với 602 chỉ tiêu (36,1%). Lao động phổ thông có 335 chỉ tiêu (20,1%). Thị trường rõ ràng đang đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực.
Một tín hiệu tích cực là có tới 347 chỉ tiêu (20,8%) với mức thu nhập hấp dẫn từ 15 triệu đồng trở lên, dành cho các vị trí chất lượng cao, đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn tốt. Về độ tuổi, phiên giao dịch tập trung chủ yếu vào nhóm từ 18 đến 25 tuổi (825 chỉ tiêu, 49,5%) và nhóm 26 - 35 tuổi (538 chỉ tiêu, 32,3%). Ngoài ra, 100 chỉ tiêu xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… cũng mở thêm cánh cửa cho người lao động địa phương.
Sự góp mặt của những tên tuổi uy tín như Công ty cổ phần Kỹ thuật Seen, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Công viên nước Hồ Tây, Công ty cổ phần Takahiro, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông... với các vị trí tuyển dụng đa dạng từ trưởng, phó phòng ban, kỹ sư, nhân viên kinh doanh, giao dịch viên đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm, học viên, sinh viên chuẩn bị ra trường và cả những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.
Kết nối bền vững – Yếu tố quyết định hiệu quả lâu dài
Bên cạnh một số kết quả tích cực bước đầu, một số đại diện doanh nghiệp cũng mong muốn các phiên giao dịch tiếp tục được tổ chức thường xuyên, và đầu tư hơn về khâu kết nối, truyền thông và phân tích nhu cầu cụ thể để tăng tính hiệu quả và bền vững.
Trong bối cảnh thị trường lao động vừa thừa vừa thiếu – người lao động kêu không có việc, doanh nghiệp lại khan nhân lực – những phiên giao dịch việc làm lưu động như ở quận Ba Đình chính là cầu nối quan trọng, giúp các bên nắm được nhu cầu của nhau. Tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, đơn vị tổ chức và doanh nghiệp, mỗi phiên giao dịch sẽ trở thành điểm đến uy tín, thiết thực cho hàng nghìn lao động mỗi năm.
Video: Chia sẻ của cán bộ tuyển dụng VPbank.
Tin mới hơn

Những năng lực “vàng” AI khó thay thế con người

Hà Nội đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động

Phiên giao dịch việc làm Ba Vì năm 2025: Kết nối thực chất - kỳ vọng dài lâu
Tin tức khác

Người trẻ chọn việc gần nhà, doanh nghiệp lo “giữ chân” lao động

Doanh nghiệp khó tuyển người phù hợp: Đâu là kênh kết nối hiệu quả?

Khi kỹ năng thực lên ngôi: Doanh nghiệp tìm gì, người lao động cần chuẩn bị ra sao?

Nữ sinh bị đánh vì “tiền tip”: Rủi ro tìm việc và vai trò "bà đỡ" từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Giao dịch việc làm trực tuyến: Hướng đi chiến lược trong kết nối cung – cầu lao động
