Nghe tin kế hoạch tổ chức các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam về nước tạm dừng, nhiều thuyền viên ở nước ngoài mắc kẹt vì Covid-19 đã hụt hẫng. Vì “nguy cơ” họ phải đón Tết Nguyên đán ở nơi xa lạ và kéo dài thời gian làm việc trên tàu là có thật. |
Sáng ngày 2/12, ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, kế hoạch triển khai 33 chuyến bay/tuần từ ngày 1/12 đến 15/1/2021 do các hãng hàng không đề xuất đã tạm dừng sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế vì liên quan đến phòng, chống Covid-19. Kế hoạch này mới được Cục Hàng không Việt Nam gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) lấy ý kiến, chưa được cấp phép bay. Do đó, trong thời gian tới, công dân Việt Nam muốn về nước sẽ liên lạc với các Đại sứ quán để có vé trên các chuyến bay giải cứu. Sau khi nhập cảnh, công dân sẽ thực hiện cách ly tại cơ sở do quân đội quản lý. Mỗi tháng sẽ có 10 chuyến bay giải cứu công dân từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan về. |
Dự báo, vào dịp Giáng sinh năm nay và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2021, lượng người Việt ở nước ngoài có nhu cầu về quê là rất lớn. Trong đó, đội ngũ thuyền viên tàu vận tải biển mắc kẹt ở nước ngoài đang nóng lòng hồi hương. Từ đầu tháng 4/2020, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay thương mại tới các nước. Các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam được thực hiện theo sự cho phép của cơ quan chức năng. |
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống (ngày 1/12). Ảnh: Quang Hiếu. |
Bà Nguyễn Thị Thương - Phó trưởng Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết: "Có những thuyền viên ở nước ngoài rời tàu từ ngày 29/3/2020 và tạm thời ở khách sạn để đi chuyến bay về Việt Nam ngày 01/4/2020. Tuy nhiên, ngày 29/3/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 2915/BGTVT-VT về tiếp tục Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, không có chuyến bay quốc tế đi - đến Việt Nam từ 00h00 ngày 30/3/2020". Sau đó, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc cách ly toàn xã hội từ 00h00 ngày 01/4/2020. Vì vậy, các thuyền viên này mắc kẹt ở nước ngoài từ ngày 01/4/2020. |
Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đặt chỗ trên các chuyến bay do Chính phủ bảo lãnh phải được Đại sứ quán Việt Nam ở các nước xét duyệt theo thứ tự ưu tiên. Thuyền viên không nằm trong danh sách đối tượng được ưu tiên nên rất ít thuyền viên có được vé. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống (ngày 1/12). Ảnh: QH |
Trong tháng 9/2020, Chính phủ cho phép nối lại chuyến bay thương mại đến 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, các hãng chỉ được đón khách một chiều từ Việt Nam đi, chưa đón khách chiều ngược lại do chưa có quy trình kiểm soát dịch với người nhập cảnh. Số chuyến bay thương mại hạn chế khiến các chủ tàu và thuyền viên khó thực hiện việc thay thế theo quy định của Công ước Lao động Hàng hải (MLC). Theo quy định của Công ước thì thời gian làm việc tối đa trên tàu của thuyền viên không quá 12 tháng. Ngày 1/12, do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại đón khách về Việt Nam, chỉ thực hiện chuyến bay giải cứu những người khó khăn, thực sự cần thiết. Chính phủ sẽ xem xét mở lại đường bay thương mại từ nước ngoài vào dịp thích hợp. |
Theo thống kê của các Cảng vụ Hàng hải, hiệp hội, doanh nghiệp vận tải biển, từ đầu năm 2020 đến nay có 2.145 sỹ quan, thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài vì Covid-19 cần được hỗ trợ hồi hương. Phần lớn thuyền viên bị mắc kẹt đã làm việc trên tàu biển nước ngoài trên 15 tháng, quá hạn nhiều tháng so với hợp đồng lao động. Các chủ tàu cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa người sang thay thế. |
Công dân Việt Nam về nước tại sân bay Cần Thơ. Ảnh: ST Lựclượng chức năng kiểm tra y tế và lấy mẫu xét nghiệm người dân khu vực BN 1347 sinh sống (phường 3, quận 6, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ |
Anh Bùi Tuấn Anh – một thuyền viên làm việc trên tàu quốc tịch châu Âu may mắn mua được vé về nước cho biết: “Để có được tấm vé trên chuyến bay nhân đạo đối với thuyền viên khó khăn hơn nhiều so với lao động bình thường. Lý do là thuyền viên phải làm việc trên tàu. Do tàu chạy từ quốc gia này sang quốc gia khác, không nằm tại một nơi cố định nên nếu muốn đăng ký với Lãnh sự quán để được bay về thì thuyền viên phải thực hiện thủ tục phức tạp hơn rất nhiều. Có thuyền viên dù đã có vé nhưng vào thời điểm máy bay khởi hành thì tàu không còn ở cảng của quốc gia đó nữa”. Ngoài ra, việc nhiều quốc gia triển khai giải pháp kiểm soát dịch bệnh nên hạn chế chuyến bay thương mại, hạn chế nhập cảnh, không cấp visa cũng khiến thuyền viên bị mắc kẹt nhiều hơn. Tin tạm dừng kế hoạch khai thác các đường bay thương mại sẽ khiến nhiều thuyền viên hụt hẫng. Việc mắc kẹt tại nước ngoài đối với thuyền viên có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của họ. Công việc thì áp lực. Tâm lý căng thẳng có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho họ. Tình trạng mệt mỏi của thuyền viên sẽ đe dọa sự an toàn của ngành hàng hải. Để hỗ trợ thuyền viên hồi hương, Cục Hàng hải đã có văn bản tổng hợp vướng mắc khó khăn, đề xuất giải pháp gửi Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, đề xuất Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2020 quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định đối với tàu thuyền vào cảng thay thế thuyền viên trong thời gian dịch bệnh mà không thực hiện bốc dỡ hàng hóa thuộc đối tượng được miễn các khoản phí, lệ phí hàng hải hoặc được giảm 50 - 70% mức phí, lệ phí theo quy định. Cục Hàng hải Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho chủ tàu Việt Nam trong việc đưa thuyền viên cách ly với mức chi phí phù hợp khả năng chi trả của doanh nghiệp. Điều đó sẽ đưa các thuyền viên được thay thế tại các cảng biển khi các chuyến bay hạn chế. |
Duy Minh Ảnh: Quang Hiếu, ST Đồ họa: Duy Minh |