
Nhà ở xã hội: Chính sách đúng, nhưng vẫn xa tầm tay người lao động |
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để phát triển nhà ở xã hội
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước quan tâm. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn tồn tại hạn chế.
Việt Nam chưa có Quỹ nhà ở quốc gia hoặc mô hình tài chính bền vững; thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không dùng vốn công còn phức tạp, kéo dài; dự án nhà ở xã hội phải qua nhiều bước thủ tục quy hoạch, đầu tư tương tự nhà ở thương mại; quy trình thẩm định giá bán, thuê mua còn chậm; doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chưa được thuê nhà ở xã hội cho nhân viên; thiếu cơ chế đa dạng hóa nguồn lực tạo quỹ đất sạch.
![]() |
Quốc hội nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. |
Do đó, việc xây dựng Nghị quyết thí điểm là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp và hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, đồng thời cân đối thị trường bất động sản.
Thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, mở rộng đối tượng và hình thức tiếp cận nhà ở xã hội
Dự thảo Nghị quyết gồm 14 Điều với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá. Trong đó, thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia là đề xuất quan trọng nhằm tạo nguồn vốn dài hạn, bền vững.
Quỹ sẽ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
Nguồn hình thành Quỹ đa dạng, bao gồm: ngân sách nhà nước, hỗ trợ tự nguyện, đóng góp của tổ chức, cá nhân, tiền thu từ giá trị quỹ đất tương đương để xây nhà ở xã hội, nguồn bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư và đầu tư xây dựng sẽ được rút gọn.
Cụ thể, giao chủ đầu tư đồng thời chấp thuận chủ trương đầu tư: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với nhà ở xã hội) và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (đối với nhà ở cho lực lượng vũ trang, sau khi có thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) được giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án không sử dụng vốn đầu tư công, không qua đấu thầu.
Thời gian thực hiện dự kiến tối đa 75 ngày, cắt giảm khoảng 200 ngày (70%) so với hiện hành. Quan trọng, dự thảo quy định không phân cấp, ủy quyền đối với nội dung này.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất cụ thể nhiều cơ chế chính sách để tạo hành lang pháp lý, cơ chế phát triển nhà ở xã hội, gồm:
Tinh giản thủ tục quy hoạch và xây dựng: Bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Công trình nhà ở xã hội áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình được miễn giấy phép xây dựng. Việc lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu thuộc dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn đầu tư công, tài chính công đoàn, vốn doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Mở rộng đối tượng và hình thức tiếp cận nhà ở xã hội: Doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội của các chủ đầu tư để cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của mình để ở.
Cơ quan soạn thảo nhìn nhận, trong bối cảnh thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành, tổ chức chính quyền hai cấp, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đi xa nơi ở để làm việc, cần có chính sách để tạo điều kiện cho họ có chỗ ở. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa cho phép cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở.
Do đó, Dự thảo Nghị quyết đã bổ sung đối tượng “công chức” và “cơ quan hành chính nhà nước” chịu tác động của việc sáp nhập các đơn vị hành chính vào đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Đa dạng hóa nguồn lực tạo quỹ đất: Dự thảo đề xuất cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực cho địa phương thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Đặc biệt, Dự thảo Nghị quyết không quy định thủ tục hành chính mới, đảm bảo phân quyền toàn diện cho địa phương và các Bộ liên quan, đồng thời đề cao tính bình đẳng, không phân biệt giới, dân tộc trong tiếp cận chính sách.
Cần bổ sung chính sách, cơ chế phòng ngừa tiêu cực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời đưa ra nhiều góp ý quan trọng.
Cụ thể, dự thảo bổ sung một số chính sách mới so với Kết luận của Bộ Chính trị, do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Các chính sách được đề nghị trong dự thảo Nghị quyết đều là những chính sách mới, lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực nhà nước, quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng, tuy cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Do đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội trong dự thảo Nghị quyết.
Về Quỹ Nhà ở quốc gia, tán thành chủ trương thành lập Quỹ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tuy nhiên, cần làm rõ chức năng “đầu tư xây dựng” của Quỹ, vị trí pháp lý của “quỹ nhà ở xã hội” do Quỹ tạo lập, và xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, tăng cường xã hội hóa nguồn vốn.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội là một bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong việc hiện thực hóa mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là đảm bảo chỗ ở cho người thu nhập thấp và công nhân. Các đề xuất mang tính “cởi trói” về thủ tục, nguồn vốn và cơ chế thực hiện, nếu được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống, sẽ tạo ra một luồng sinh khí mới, thúc đẩy mạnh mẽ nguồn cung nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đột phá, việc đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực và thất thoát nguồn lực là yếu tố then chốt. Những ý kiến đóng góp sâu sắc từ cơ quan thẩm tra là cơ sở quan trọng để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo, đảm bảo Nghị quyết khi ban hành sẽ thực sự hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản, đúng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tin mới hơn

Tại sao công nhân hay bị mất ngủ?

Lợi ích kép từ tăng thuế thuốc lá: Cơ hội vàng để bảo vệ sức khỏe và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Những bàn chân công đoàn chưa dừng bước
Tin tức khác

Những gương sáng "Học không bao giờ cùng" ở Lâm Đồng

Những “đóa hoa Tháng 5” ở Lâm Đồng

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

60% công nhân Thủ đô sống chật chội, tạm bợ: Nhà ở xã hội cần bước ngoặt mới

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 1: Hành trình từ bóng tối ra ánh sáng
