Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh là Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình, mất ngày 4/4/2019, hưởng thọ 97 tuổi.
|
---------------------------------
Đồng chí hoạt động cách mạng từ năm 1938, kết nạp Đảng năm 1939, tháng 8/1945 là Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí giữ đảm nhận nhiểu công tác như: Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Bình, phái viên Bộ Tổng tư lệnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí là người có công mở đường dây 559, chi viện đắc lực công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 1975, đồng chí giữ nhiều trọng trách như Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí là Uỷ viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; đại biểu Quốc hội khóa I,V,VI, VII, VIII. Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân Công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Theo tư liệu chính thống, được dư luận đồng thuận cao thì cống hiến của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên thể hiện ở những nội dung lớn sau đây. |
Từ năm 1973 đến 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 Quân đoàn chủ lực tham gia chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào; bắn rơi tại chỗ 2.454 máy bay các loại; mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ chiến trường ra hậu phương nuôi dưỡng và đưa hàng ngàn thiếu nhi vượt Trường Sơn ra Bắc học tập; xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki-lô-mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin thông suốt đến các hướng chiến trường; mở 1.400km đường ống xăng dầu, 600 km đường sông… Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn phối thuộc tham gia góp phần vào thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mệnh chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đặc biệt, tuyến đường góp phần quan trọng vào các quá trình thắng lợi của chiến tranh miền Nam nước ta, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) cùng đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (phải). |
Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, đồng chí Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Đồng chí hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho người đã khuất. Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc. Sau Hiệp định Paris tháng 01/1973, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất và đưa ra bàn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước. |
Từ tháng 3/1973, mệnh lệnh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm, sư đoàn trên khắp chiến trường Trường Sơn trải dài trên địa bàn của 7 tỉnh Nam Lào đều tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất mẹ. Nhiệm vụ chi viện chiến trường thời kỳ này là vô cùng to lớn và khẩn trương. Việc cắt ra một lực lượng và phương tiện để làm nhiệm vụ đặc biệt này là một khó khăn rất lớn. Nhưng việc nghĩa thì không thể đừng… Tư lệnh chỉ thị: "Vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá Bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng được...". Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng đã được vạch ra. Đồng chí chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây dựng Nghĩa trang. Với tầm nhìn “đi trước thời đại”, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo các nhà chuyên môn: "Phải thiết kế, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trở thành một địa điểm tâm linh và văn hóa đặc biệt…". Trong thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên vẫn dành thời gian để xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tại Đồi Bến Tắt. Trong không khí khẩn trương của nhiệm vụ giải phóng miền Nam, ngày 24/2/1975, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 10/4/1977. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất trên Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vĩ đại. |
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976, Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Tháng 02/1977, Bộ Chính trị và Chính phủ đã điều Đồng chí sang làm Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng và sau đó 9 tháng được Thủ tướng đề nghị và Quốc hội phê chuẩn lên làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Như vậy khi đất nước có chiến tranh Đồng chí luôn đứng ở tuyến đầu những nơi gian khổ ác liệt. Khi chiến tranh kết thúc với trách nhiệm của người đảng viên, Đồng chí luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Đảng cần. Trên cương vị mới Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ vào công việc và thường xuyên vào Nam ra Bắc để trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo các công trình trọng điểm của quốc gia. Đến tháng 2/1982, đồng chí được Chính phủ điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Thời gian làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục thể hiện được tài năng trong việc quản lý điều hành và tháo gỡ những khó khăn của ngành. Từ năm 1982 lần lượt được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị (khóa V), Ủy viên Bộ Chính trị (khóa VI) và được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ 1986 đến năm 1991. Tâm nguyện ấp ủ lâu nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là biến đường Trường Sơn trong kháng chiến thành con đường chiến lược xứng tầm trong thời bình. Gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết đồng chí hiểu ý nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này trong bảo vệ Tổ quốc. Mong muốn của vị tướng Trường Sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, làm sao khắc phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc… Dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình Xa lộ Bắc - Nam chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh. |
Trọn vẹn cuộc đời của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cống hiến cho Đảng, cho dân, cho nước. Khi đất nước còn trong đêm trường nô lệ, đồng chí đã tham gia cách mạng giành lấy chính quyền về tay Nhân dân, khi đứng trước họa ngoại xâm, đồng chí đã xả thân trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, coi đó là nghĩa vụ của lương tâm và trách nhiệm của công dân, một trách nhiệm nhân văn và cao cả. Cả đến người con trai rứt ruột, đồng chí cũng không dành một sự ưu tiên nào mà vẫn để ra trận trong chiến tranh biên giới phía Bắc sau ngày đất nước thống nhất và đã anh dũng hy sinh, để lại tấm di ảnh lặng thầm trong phòng ngủ của người cha. Đồng chí nén đau thương riêng mà tận tụy lo lắng cho sự nghiệp chung. Sự nghiệp và cuộc đời của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên lấp lánh tấm gương sống động, để lại nhiều dấu ấn trong lòng đồng bào, đồng chí. Chúng ta hãy nghe lời câu chuyện của đồng chí Trường Sơn, lái xe của Văn phòng Chính phủ, người từng nhiều năm gần gũi đồng chí Đồng Sỹ Nguyên để hiểu hơn về một tấm gương cộng sản qua tâm sự gan ruột của vị tướng tài đức ven toàn. “Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, cuộc đời binh nghiệp lại gắn với miền Trung; người dân nơi đây đã bao đời đói khổ vì thiên nhiên, khí hậu khắc nhiệt, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã cạn. Trong kháng chiến người dân miền Trung kiên cường, bất khuất, một lòng theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản, nhà cửa, ruộng vườn để làm đường cho bộ đội qua phục vụ chiến trường. Nay chiến tranh đã qua lâu nhưng họ vẫn quá đói khổ, thành quả của cách mạng họ chưa được hưởng là bao. Khi mở con đường này, ngoài ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng còn là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo... Từ nay một nải chuối, quả cam hay con gà của người dân đem bán cũng có giá trị hơn, một cô gái người dân tộc thiểu số cũng có thể yêu và kết hôn với một chàng trai dưới xuôi…”. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một chiến sĩ cộng sản chân chính và xuất sắc, một con người tận hiến, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, suốt một đời luôn nặng lòng hộ quốc an dân. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội… một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội ta. Đối với tôi, tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến!”. |
PHẠM XUÂN DŨNG Ảnh: X.D - T.L Đồ họa: TRƯỜNG SƠN |