e magazine
09/02/2024 17:00
Đồng chí Mai Thành Phương: "Với công nhân Đường sắt, Tết là những ngày bận rộn nhất"

09/02/2024 17:00

Đường sắt là một ngành đặc thù, khi mà nhà nhà đang quây quần bên nhau sắm Tết chuẩn bị đón chào năm mới thì với công nhân ngành Đường sắt, đây lại là những ngày bận rộn nhất.
Giọt nước mắt hạnh phúc của người lao động là động lực của chúng tôi

Đồng chí Mai Thành Phương: "Với công nhân Đường sắt, Tết là những ngày bận rộn nhất"

Trong thời khắc chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí Lao động và Công đoàn có buổi trò chuyện với đồng chí Mai Thành Phương – Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam về kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.

TẾT LÀ NHỮNG NGÀY BẬN RỘN NHẤT

PV: Những ngày này, người lao động khắp cả nước đang chuẩn bị đón một cái Tết ấm áp cùng gia đình. Những anh chị em công nhân lao động ngành Đường sắt sẽ đón Tết như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Mai Thành Phương: Ngành Đường sắt là một ngành đặc thù, khi mà nhà nhà đang quây quần bên nhau sắm Tết chuẩn bị đón chào năm mới thì với anh em công nhân ngành Đường sắt, đây lại là những ngày bận rộn nhất.

Vào những ngày này, Đường sắt phục vụ một khối lượng lớn khách hàng trên khắp cả nước, những chuyến tàu đưa mọi người về quê để kịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, sum họp với gia đình.

Nắm bắt được những yếu tố như vậy, với những công nhân phải trực xuyên Tết thì lãnh đạo ngành cho đến các đơn vị đều hết sức quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần cho anh em.

Cụ thể, tổ chức các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thực đơn phong phú, gói bánh chưng cho anh em ở lại ăn Tết, nhiều đơn vị, ngành còn hỗ trợ tiền ăn cho anh em trong dịp Tết. Điều này giúp anh em yên tâm làm việc.

Giọt nước mắt hạnh phúc của người lao động là động lực của chúng tôiSự quan tâm, động viên của công đoàn giúp anh em công nhân ngành Đường sắt yên tâm làm việc xuyên Tết. Ảnh: CĐCC

Lãnh đạo Tổng Công ty và Công đoàn Đường sắt Việt Nam luôn trăn trở để làm sao với điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn chăm lo tốt nhất cho người lao động mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Hằng năm, lãnh đạo từ Tổng Công ty đến các đơn vị trong các ngày Tết đều đi thăm hỏi, chúc Tết, đồng thời kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở anh em ngoài việc đón Xuân nhưng không được quên nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu.

Những lời thăm hỏi, động viên được Ban Lãnh đạo chuyên môn và Công đoàn gửi gắm tới từng người lao động, cùng với đó là những giỏ quà Tết và tiền mặt (trị giá 500.000 đồng/người). Những bữa tiệc tất niên ấm cúng cũng được tổ chức cho người lao động…

Giọt nước mắt hạnh phúc của người lao động là động lực của chúng tôi

tất cả các điểm ga đều có tết

PV: Kế hoạch chăm lo Tết của công đoàn với người lao động ngành Đường sắt năm 2024 có gì mới so với các năm trước, thưa đồng chí?

Đồng chí Mai Thành Phương: Đối với Đường sắt, việc chăm lo đã là một truyền thống. Năm nào cũng vậy, chúng tôi phối hợp với chuyên môn ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động trong ngành từ rất sớm, trước tết 2 tháng, trong đó có rất nhiều nội dung.

Cụ thể, thứ nhất là ưu tiên trợ cấp cho các đối tượng là người lao động, gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn với các mức hỗ trợ từ 1,5 - 10 triệu đồng, do các đơn vị cơ sở đề xuất lên. Thứ hai là có quà thăm hỏi cho các đối tượng khó khăn trong ngành, hỗ trợ cả về mặt tinh thần để họ đón Tết. Thứ 3 là tổ chức các điểm Tết sum vầy... và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.

Giọt nước mắt hạnh phúc của người lao động là động lực của chúng tôiTất cả các điểm ga đều được công đoàn tổ chức chương trình Tết sum vầy ấm áp. Ảnh: CĐCC

Ngành Đường sắt có hơn 300 ga, ở mỗi ga đều là nơi tập trung đông công nhân lao động các đơn vị, thuộc các hệ như vận tải, cầu đường, thông tin tín hiệu, đầu máy, toa xe… Vì vậy, quan điểm của Tổng Công ty là chọn ga là nơi tổ chức Tết tập trung cho tất cả công nhân lao động Đường sắt; nên tất cả các điểm ga trong toàn ngành, trên các tuyến đều được tổ chức chương trình Tết sum vầy.

Năm nay có một điểm mới là chúng tôi đã chọn 12 điểm ga khó khăn, hẻo lánh, đèo dốc, vùng sâu vùng xa, thiếu thốn, ít người qua lại, không có điều kiện sinh hoạt tốt như tại các thành phố lớn để tổ chức chương trình.

Trên tất cả các điểm ga thì ở đâu cũng là công nhân Đường sắt, những đối tượng hằng ngày phải đảm bảo công việc ở những nơi khó khăn, thiếu thốn như vậy thì lại càng phải quan tâm hơn nữa. Nhất là một ga mới tại khu vực Hàm Cường Tây, tỉnh Bình Thuận, nơi hẻo lánh, thưa người, thiếu thốn nhiều thứ nhưng người lao động được biết đến Tết Sum vầy.

Video: Công nhân Khu ga Kim Lũ (Quảng Bình) hát tại chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ", 2024.

Ngoài ra, còn có rất nhiều hoạt động khác như tặng quà cho anh em trực Tết, vừa là kiểm tra tình hình anh em làm việc, vừa là động viên tinh thần anh em. Một nét truyền thống nữa của Đường sắt là Tết sẽ có những chuyến tàu đi xuyên qua giao thừa, lãnh đạo Tổng Công ty cũng đã phân công chuyên môn cùng công đoàn ra tiễn những chuyến tàu, động viên anh em, chúc anh em và quý khách thượng lộ bình an.

Năm nay chúng tôi cùng Tổng Liên đoàn phát hành chương trình hỗ trợ vé cho công nhân trong ngành về quê đón Tết. Những tấm vé ấy được ưu tiên cho những đồng chí thường xuyên phải trực Tết, ít có điều kiện về quê. Mỗi anh em lao động khó khăn có 2 vé để về thăm gia đình. Điều này giúp lưu giữ những nét truyền thống nhưng cũng có những nét mới trong hoạt động chăm lo để anh em yên tâm trực tết, gắn bó và cống hiến. Cũng vì đặc thù của ngành, nên không chỉ hỗ trợ vé để về trong Tết mà hết Tết, anh em có thể dùng vé đó để về quê thăm người thân, gia đình.

những giọt nước mắt hạnh phúc khi được quan tâm

PV: Sau mỗi chuyến đi, có kỷ niệm nào làm đồng chí nhớ nhất?

Đồng chí Mai Thành Phương (cười): Kỷ niệm thì nhiều lắm vì ngành Đường sắt luôn có những truyền thống về tình cảm rất sâu sắc. Năm 2023, Đường sắt có nhiều tín hiệu tích cực về việc làm cũng như thu nhập của người lao động, tuy nhiên cuộc sống anh chị em công nhân vẫn còn khó khăn.

Với quan điểm tổ chức Tết tại các điểm ga xa xôi, chúng tôi lắng nghe tâm sự của anh em. Có người 38 năm làm trong ngành, lần đầu tiên được Tổng Công ty tổ chức Tết tại chính nơi họ làm việc làm họ rưng rưng nước mắt. Những giọt nước mắt hạnh phúc này của anh em công nhân chính là động lực để chúng tôi tiếp tục có những đổi mới trong các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động những năm tiếp theo.

Với những anh em công nhân ở vùng xâu vùng xa, trách nhiệm chăm lo chung không chỉ riêng ai đã trở thành truyền thống tốt đẹp của ngành, anh em lao động được quan tâm bằng những bữa ăn tại chỗ, đồng lương cũng được quan tâm, sau Tết anh em được bố trí nghỉ ngơi để về với gia đình.

Giọt nước mắt hạnh phúc của người lao động là động lực của chúng tôiNhững ngày cận Tết là những ngày bận rộn nhất đối với công nhân ngành Đường sắt khi đưa mọi người về quê sum họp với gia đình. Ảnh: Phan Nguyên

Còn một truyền thống tốt đẹp nữa đó là những anh em ở gần thay nhau trực Tết cho những anh em ở xa, có nhiều anh em nhường xuất nghỉ của mình cho những anh em khó khăn để họ có thời gian nhiều hơn dành cho gia đình.

Chúng tôi cũng như các anh em công nhân ngành Đường sắt nhiều năm không được đón giao thừa ở nhà. Cũng có suy nghĩ buồn nhưng hơn hết là chúng tôi mang lại niềm vui, sự tận tâm phục vụ hành khách trên mỗi chuyến tàu về quê hương, sum vầy bên gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Năm nay, chuyến tàu đón giao thừa xuất phát từ ga Hà Nội sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Hội đồng thành viên, Công đoàn Đường sắt. Tại những chuyến tàu đặc biệt này, anh chị em công nhân đều được thăm hỏi, tặng quà, chúc anh em công nhân cùng hành khách lên đường thượng lộ bình an.

Xin cảm ơn đồng chí về những chia sẻ trước thềm năm mới!

*Video: Đồng chí Mai Thành Phương chia sẻ kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân lao động ngành Đường sắt.

MINH ANH - VĂN QUÂN

Xem phiên bản di động