ĐỐI THOẠI TỐT ĐỂ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VÀ CÔNG NHÂN ĐỒNG CẢM, CHIA SẺ, CÙNG VƯỢT KHÓ
Trong năm 2020, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trên 80% doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
***
Đối thoại tại cơ sở giúp quan hệ lao động hài hòa, ổn định
T
hành phố Hà Nội hiện có tổng số 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, thu hút 649 dự án, trong đó có 333 dự án đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho 161.816 người lao động.
Dịch Covid-19 đang tiếp tục tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, chế xuất của Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp bị hủy, giãn đơn hàng, thiếu nguyên phụ liệu cũng như đơn hàng mới. Một số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp như cho công nhân lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Người lao động lâm vào cảnh thiếu, mất việc làm, đời sống trở nên khó khăn hơn.
Trước những khó khăn do dịch Covid-19, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tập trung làm tốt công tác đối thoại tập thể, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Đối thoại tốt sẽ giúp người sử dụng lao động và người lao động đồng cảm, chia sẻ, vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: “Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2020 là tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc. Tiến hành thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát để đạt đến hết năm 2020 hoàn thành mục tiêu 70% số doanh nghiệp có công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động; hơn 80% doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc”.
Trong năm 2020, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phấn đấu 75% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể. Phấn đấu có ít nhất 45% bản thoả ước lao động tập thể đạt loại B trở lên...
Để thực hiện các mục tiêu trên, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hội nghị đối thoại tại doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại, thương lượng về mức điều chỉnh tiền lương năm theo quy định về mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời chỉ đạo các công đoàn cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, thương lượng, ký kết mới 88 bản thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi cho người lao động.
Mặc dù hiện nay, Khoản 3, Điều 63 Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định thưc hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng/lần, người sử dụng lao động phải chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở để trao đổi, thảo luận các vấn đề về tình hình sản xuất, kinh doanh, điều kiện làm việc, yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động…
Nhưng theo đồng chí Nguyễn Đắc Quân - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam: “Ngoài hội nghị người lao động, công tác đối thoại định kỳ được tổ chức 1 tháng/lần. Người lao động trực tiếp đặt câu hỏi cho Ban Giám đốc Công ty và Ban Chấp hành Công đoàn. Kết quả đối thoại được công đoàn tập hợp, bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi cho người lao động. Từ đó, Ban Chấp hành Công đoàn có cơ sở xây dựng, thương lượng ký kết và giám sát thực hiện thoả ước lao động tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”.
Đối với các vụ ngừng việc tập thể của công nhân lao động, trong đó có vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Hicel Vina và Công ty TNHH ELK Vina (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai), các cấp công đoàn đã trực tiếp tư vấn cho người lao động và công đoàn cơ sở về các chính sách tiền lương, tiền thưởng, tháo gỡ vướng mắc băn khoăn của người lao động. Đồng thời, đề xuất kiến nghị của người lao động tới chính quyền để kịp thời xem xét, giải quyết.
Tăng cường phối hợp với LĐLĐ quận, huyện có khu công nghiệp
Để tăng cường nắm bắt tình hình công nhân lao động, kịp thời giải quyết các vụ việc liên quan đến quan hệ lao động tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội ký phối hợp công tác với LĐLĐ quận, huyện nơi có khu công nghiệp của thành phố đóng trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2024. Các nội dung phối hợp trọng tâm bao gồm: Giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại tại cấp cơ sở.
Theo thỏa thuận, khi xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể tại doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hai bên sẽ cùng trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đồng thời xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Theo đồng chí Phạm Xuân Cương - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh: “Huyện Đông Anh có 178 doanh nghiệp và 35 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành. Trên địa bàn huyện có khu công nghiệp lớn với 89.000 lao động. Việc thực hiện phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội về đối thoại tại cơ sở, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của công nhân lao động theo phân cấp quản lý sẽ giúp công đoàn kịp thời nắm bắt thông tin, kiến nghị với chính quyền đồng cấp điều chỉnh chính sách phù hợp tình hình khu công nghiệp cũng như của địa phương...
“Dịch bệnh đang làm đời sống công nhân lao động, trong đó có người nghỉ luân phiên như tôi gặp nhiều khó khăn, phải chắt chiu từng đồng. Chương trình đối thoại giúp công nhân lao động nói lên tâm tư, nguyện vọng về quyền lợi để được chủ doanh nghiệp tiếp nhận và giải quyết thỏa đáng”.
Chị Trương Thị Kim Oanh - Công ty TNHH Sumi Tomo Heavy Industries
Bài: Thu Uyên
Đồ họa: Hoàng Hà