Ai được 2 hay ai được 4 triệu? Đây có lẽ không phải là vấn đề quyết định trong việc đổi xe máy cũ lấy mới. Đằng sau đó còn cả những nỗi lo về cuộc mưu sinh, đặc biệt là giữa bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đề xuất về việc hỗ trợ 2 – 4 triệu đồng để người dân bỏ xe máy không đạt chuẩn về khí thải (sản xuất trước năm 2002) sắm xe mới của TP Hà Nội đang được nhiều người quan tâm. Không ít băn khoăn được đặt ra, trong đó nổi bật là việc có được đổi bộ phận xe gây ô nhiễm không?
Dự kiến đổi xe máy cũ lấy xe mới với hỗ trợ 2 – 4 triệu đồng là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố” do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo để trình UBND TP Hà Nội.
Xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu tại Hà Nội. |
Xe máy còn là phương tiện mưu sinh của nhiều người. |
Theo đó, chương trình này sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy để phục vụ cho việc đo khí thải trên địa bàn 6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông và Thanh Xuân. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng dự kiến lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn để thí điểm về chương trình đăng ký tham gia đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ với các cơ chế hỗ trợ khác nhau.
Cụ thể, khi người dân đưa xe đến đại lý kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng với dự kiến thí điểm 5.000 xe máy. Ngoài ra, khi người dân muốn đổi xe máy “quá đát”, dự kiến được hỗ trợ 2 – 4 triệu đồng.
Như vậy, nếu người dân Hà Nội muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới thì phải có đủ ít nhất là 2 điều kiện: Chiếc xe đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000), chưa kể đến các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.
Được biết, nguồn kinh phí hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/xe do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ. Như vậy, nếu như làm một phép toán thì có thể thấy, để đổi hết khoảng 2,5 triệu xe máy cũ nát, VAMM cần cung cấp khoản tiền từ 5.000 tỷ đến 10.000 tỷ đồng.
Mục đích của chương trình đổi xe cũ lấy mới này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ảnh hưởng từ khí thải xe máy đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Thế nhưng liệu bài toán này có khả thi? Đấy là còn chưa kể đến việc đổi xe cũ lấy mới có trái với mục tiêu nhằm giảm bớt xe máy, lộ trình cấm xe máy vào trung tâm thành phố mà Hà Nội đang theo đuổi.
Quay trở lại với 2 - 4 triệu đồng hỗ trợ đổi xe, nhiều người tỏ ra băn khoăn. Tại sao lại chỉ từ 2 - 4 triệu mà không phải là từng mức cho từng loại xe? Việc triển khai sẽ ra sao và làm thế nào để biết xe của mình được nhận mức hỗ trợ 2 triệu hay 4 triệu?
“Đi xe máy mới ai mà chả thích”
Đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Hưng (44 tuổi), một người chở hàng thuê ở khu vực Đống Đa – Hà Nội. “Đi xe mới thích lắm, ai chả muốn đổi” – anh Hưng chia sẻ với vẻ mặt ánh lên niềm vui khi được hỏi về chiếc xe mới và lại còn được hỗ trợ 2 – 4 triệu đồng.
Thoạt đầu anh phấn khởi lắm. Thế nhưng khi hỏi về việc có đổi sang xe mới không khi được hỗ trợ số tiền trên, thoáng chút thở dài, anh Hưng bộc bạch: “Mua một chiếc xe máy mới thì lấy đâu tiền mà mua, vì con xe tôi đang đi là “cần câu cơm” hàng ngày. Tiền kiếm được có ngày gặp may là vài trăm nghìn, ngày như hôm nay tôi chưa được cuốc xe nào. Thu nhập một tháng chỉ dao động từ 5 – 6 triệu đồng. Đó là lúc nhiều việc, còn giờ thì giảm nhiều”.
Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt tại một phòng trọ ọp ẹp ở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) với mức thuê khoảng hơn 900.000 đồng/tháng, ăn uống, số còn lại anh đều gửi về quê nhà ở Thanh Hóa để đỡ đần vợ con.
Lên Hà Nội được gần 3 năm, mua tạm một chiếc xe cũ nát với giá khoảng 2 triệu, anh Hưng chia sẻ, “con ngựa sắt” là “cần câu cơm” của anh ở đất Thủ đô. “Mua xe mới mà chở hàng thế này thì xót lắm! Nếu như bắt buộc phải đổi xe thì đến lúc đó thì tính tiếp, còn bây giờ tôi không có đủ tiền để đổi xe. Dù cho hỗ trợ 4 triệu thì 16 triệu còn lại để mua xe mới tôi biết lấy đâu ra. Cuộc sống giờ khó khăn, có ngày chẳng có người thuê mướn làm gì cả”, vừa nói anh Hưng vừa đưa mắt nhìn dòng xe tấp nập di chuyển trên đường vào giờ tan tầm.
Để mưu sinh ở Hà Nội, ai thuê gì anh Hưng cùng những người bạn của mình (gọi vui là “bạn hàng”) đều không nề hà, từ chở đất (với giá từ 10.000 – 15.000/bao đất) đến bốc vác hàng hóa, chuyển đồ..., nói chung là ai thuê gì làm nấy vì có việc bây giờ là quý.
Những chiếc xe cũ không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. |
Giữa việc lựa chọn được hỗ trợ sửa sang lại chiếc xe cũ nát đang đi cho đỡ khói, động cơ “ngon” hơn với việc mua một chiếc xe mới tinh, anh Hưng chia sẻ: “Đi xe mới tinh mà chở hàng thì phí lắm, sợ mất trộm nữa. Còn sửa sang lại xe thì theo tôi là được”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Lâm (40 tuổi, Thanh Hóa) tâm sự: “Nếu như việc đổi xe cũ nát lấy xe mới để hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường ở Hà Nội thì tôi tán thành. Nhưng cho dù được hỗ trợ 2 – 4 triệu thì nguồn tiền lớn để mua một chiếc xe mới khoảng 20 triệu thì tôi không có, vượt quá khả năng với người lao động như chúng tôi”.
Còn ở góc độ người sử dụng lao động, chủ của một cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng, anh Lương (Trần Quý Cáp, Hà Nội), cho biết: “Tôi cũng nghe qua về đề xuất đổi xe này rồi. Hỗ trợ 2 – 4 triệu rất hay, nhưng chừng ấy chỉ đủ mua con xe máy ‘Tàu’ thôi, chứ xe tầm 20 triệu thì tiền đâu để bù vào”.
Không chỉ là 16 hay 18 triệu bù vào, đó còn là chuyện sinh kế lâu dài.
Anh Lương giải thích: “Việc mình đi xe mới thì khác nhưng những người thợ mà mình thuê chở hàng họ có biết quý và giữ gìn chiếc xe không. Chở hàng như gạch, xi măng, cát... rất nặng chưa kể là việc di chuyển ngang dọc trên các tuyến phố, việc có phương tiện để cho anh em chở đỡ nhọc đã là cả một sự cố gắng lớn của những người chủ như chúng tôi. Hơn nữa, việc trang bị vài chiếc xe mới tinh để chở hàng là không đơn giản và cũng sợ bị mất trộm. Mặc dù dặn dò anh em chở hàng di chuyển với tốc độ vừa phải nhưng không phải ai cũng nghe theo”.
Chở hàng nặng, đôi khi còn lạng lách trên đường nên việc đi xe mới không phải là lựa chọn của những cơ sở vận chuyển vật liệu xây dựng trên phố. Họ vẫn chọn gắn bó với những chiếc xe “xuống cấp”, dù biết xe mới hay hơn nhưng cuộc sống mà, tiền để trang trải với điều kiện làm việc buộc họ phải làm như vậy. Còn khi đã “bắt buộc” phải đổi xe thì hầu hết đều có chung một đáp án giống nhau: “Đến lúc đó thì tính tiếp, giờ được lúc nào hay lúc ấy”.
Đổi xe máy cũ để sắm xe mới là chủ trương rất tốt. Tuy nhiên, không phải vấn đề “liệu có khả thi?” này chỉ nằm ở con số 2 hay 4 triệu, mà đằng sau đó còn là cả câu chuyện về sinh kế lâu dài của những người lao động tự do.
Chưa biết sắp tới sẽ ra sao, nhưng trước mắt họ vẫn chọn gắn bó với chiếc xe “cần cầu cơm”.
TCVN 6438:2018 do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. |
Bài: Minh Hằng
Ảnh: Khuê Anh Tùng
Đồ họa: Việt Tuấn