“Do đặc thù là doanh nghiệp Nhà nước nên Vietnam Airlines không thể trả lương cho phi công cao như hãng hàng không tư nhân. Nếu bãi bỏ một số chính sách đặc thù cho người lao động (NLĐ) sẽ khiến hãng hàng không quốc gia thêm khó cạnh tranh trong thị trường lao động hiện nay” - ông Lưu Hoàng Minh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, chia sẻ.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kết luận tại buổi giám sát Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Ảnh: ThC
Chia sẻ với Đoàn giám sát thứ sáu của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc giữ chân phi công trong bối cảnh ngày càng nhiều hãng hàng không ra đời, ông Lưu Hồng Minh cho biết: “Vietnam Airlines đã vận dụng chính sách cải cách tiền lương cho phi công nhưng vẫn không theo kịp các hãng hàng không tư nhân.
Thực tế đã xảy ra từ năm 2014 đến nay, tình trạng "chảy máu chất xám" đã diễn ra ở Vietnam Airlines. Nhiều hãng hàng không mới ra đời “quyết lấy bằng được người” bằng chính sách tiền lương và các chính sách khác “hấp dẫn” hơn. Trong khi đó, chính sách của Vietnam Airlines hạn chế vì đặc thù doanh nghiệp Nhà nước: Nhiều về số lượng nhưng ít về khối lượng. Ví dụ về vé máy bay, Vietnam Airlines được phép bán rẻ cho NLĐ nhưng không thể tặng miễn phí cho NLĐ. Còn hãng hàng không tư nhân thì có thể. Thời gian qua đã có một bộ phận phi công rời khỏi Vietnam Airlines”.
Bên cạnh đó, đặc thù của lao động phi công đòi hỏi tiêu chuẩn sức khỏe cao. Trước đây, phi công được hưởng chế độ thưởng an toàn hàng không và suất ăn định lượng. Riêng về suất ăn định lượng, Đoàn bay 919 thực hiện theo quy định của Nhà nước là 170.000 đồng/suất nếu tổ chức nấu ăn, 119.000 đồng/suất nếu quy thành tiền. Đó là mức tiêu chuẩn được tính toán rất kỹ lưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe cho NLĐ trong môi trường làm việc đặc thù.
Đoàn bay 919 tổ chức gặp mặt phi công nước ngoài năm 2019 - Ảnh: ĐB
Tuy nhiên, ngày 03/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg về việc bãi bỏ 71 văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng ban hành. Trong đó, bãi bỏ Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 43/2012/QĐ-TTg quy định về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty Nhà nước. Phi công là đối tượng chịu tác động trực tiếp của Quyết định này.
Góp ý kiến về nội dung này, theo Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines được chọn là đơn vị xây dựng mô hình thí điểm lương mới từ năm 2019. Trước khi Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg được ban hành, Vietnam Airlines đã thực hiện chế độ ăn định lượng áp dụng cho phi công, tiếp viên. Tiền thưởng an toàn hàng không cũng được cụ thể hóa vào Quy chế quản lý, phân phối tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác của Tổng Công ty.
Nhưng khi Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg ra đời, doanh nghiệp không còn cơ sở pháp lý để hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh. Do đó, Vietnam Airlines phải sửa đổi “tiền ăn định lượng” thành “tiền ăn ca”. Và phi công, tiếp viên không được hưởng chế độ bồi dưỡng nặng nhọc độc hại bằng hiện vật. “Tiền thưởng an toàn” cũng chuyển thành “lương an toàn” và không được tính là khoản thu nhập miễn thuế thu nhập cá nhân.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tổng Công ty tạm dừng chi trả tiền lương an toàn hàng không năm 2020. Đối với các công ty con, công ty liên kết trực thuộc, NLĐ được hưởng tiền ăn ca với mức không quá 730.000 đồng/lao động/tháng và không hưởng chế độ bồi dưỡng nặng nhọc độc hại bằng hiện vật.
Công đoàn Đoàn bay 919 thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho phi công. Ảnh: ĐB |
Ông Lưu Hoàng Minh cũng nêu thực tế chưa phù hợp về quy định tham gia BHXH, BHYT với đối tượng phi công.
“Thực tế là BHYT ít phát huy hiệu quả đối với việc chăm sóc sức khỏe phi công. Anh em đi bay thường xuyên. Nếu khám chữa bệnh theo BHYT thì phải xếp hàng chờ đợi tại đúng nơi đăng ký mua BHYT, danh mục thuốc hạn chế. Nên chăng chính sách BHYT không nên bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký mua BHYT cho NLĐ tại cơ sở nhất định. Đồng thời không quy định “cứng” về mức tham gia. Nếu doanh nghiệp có khả năng thì mua càng cao càng tốt vì đó là chăm lo cho sức khỏe của NLĐ” - ông Minh chia sẻ.
Về việc tham gia đóng BHXH, Công đoàn Đoàn bay 919 cũng kiến nghị với Đoàn giám sát thứ sáu của Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất với Chính phủ nên cho phép doanh nghiệp có khả năng thì đóng ở tỷ lệ % cao hơn cho NLĐ. Rất nhiều phi công lương 200 triệu đồng/tháng nhưng chỉ đóng bảo hiểm ở mức 15 triệu đồng, khi về hưu được hưởng 75% lương (tương đương 10 triệu đồng/tháng). Như vậy là bất cập.
Theo ông Minh, bên cạnh các chính sách tiền lương thì việc duy trì các chính sách đặc thù là cần thiết để hãng hàng không quốc gia có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh ngày càng ra đời nhiều hãng hàng không mới như hiện nay.
“Mong Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ xem xét chế độ đặc thù với ngành Hàng không, đặc biệt là về thưởng an toàn hàng không và suất ăn định lượng cho NLĐ” - ông Lưu Hoàng Minh bày tỏ.
Tiếp thu ý kiến của các cấp Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, đặc biệt là về chế độ thưởng an toàn và suất ăn định lượng, đồng chí Vũ Văn Quang - Phó trưởng Ban Chính sách, Kinh tế - Xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đề nghị: “Để giúp Tổng LĐLĐ Việt Nam có những đề nghị xác đáng đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đề nghị các cấp Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để làm rõ hơn sự cần thiết của việc duy trì chế độ thưởng an toàn và suất ăn định lượng đối với doanh nghiệp và NLĐ. Cụ thể, cần chỉ rõ nếu không có chế độ này thì ảnh hưởng như thế nào đến tài sản doanh nghiệp và tính mạng con người, uy tín doanh nghiệp… Đó sẽ là căn cứ để Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, kiến nghị với Chính phủ".
Trong hai ngày 3 - 4/11/2020, Đoàn giám sát thứ sáu của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện giám sát chuyên đề về việc tổ chức phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
Bài: Duy Minh
Ảnh: Duy Minh
Đồ họa: Duy Minh