e magazine
31/12/2022 21:28
Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

31/12/2022 21:28

Đằng sau câu chuyện truyền cảm hứng của một Đào Việt Anh lạc quan, bất chấp nghịch cảnh sẽ là chưa đầy đủ nếu không kể về sự tận tâm, tinh thần chia sẻ của chị Phương Dung, một cán bộ công đoàn lâu năm của Công ty Điện lực Bình Dương.
Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

Đằng sau câu chuyện truyền cảm hứng của một Đào Việt Anh lạc quan, bất chấp nghịch cảnh sẽ là chưa đầy đủ nếu không kể về sự tận tâm, tinh thần chia sẻ của chị Phương Dung, một cán bộ công đoàn lâu năm của Công ty Điện lực Bình Dương.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

Đào Việt Anh sinh năm 1981, sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã chọn học Trung học Điện lực 1 (nay là Đại học Điện lực). Năm 2003 anh tốt nghiệp rồi vào làm việc tại Công ty Điện lực Bình Dương với vị trí công nhân vận hành lưới điện cao thế. Trước khi trở thành nhân viên vận hành lưới điện chính thức của bộ phận trực trạm, nam công nhân phải theo ca học việc 3 năm và phải vượt qua kỳ thi chức danh rất nghiêm ngặt.

Năm 2010, Đào Việt Anh quen biết cô gái khiếm thị bán vé số. Cả hai gặp nhau trên một chuyến xe buýt anh vẫn thường đi từ nhà tới chỗ làm việc. Xuất phát từ sự thương cảm, anh giúp dắt cô gái lên xe, rồi những cuộc trò chuyện diễn ra, họ cảm mến nhau lúc nào không hay.

“Cô ấy nấu ăn quá ngon”, Việt Anh trả lời khi được hỏi vì sao lại chọn gắn bó với một cô gái khiếm thị. “Không thể tin một người không nhìn thấy gì lại kho gà ngon như vậy? Sao cô ấy lại có thể chiên con cá vàng ươm như thế?”, anh nói thêm.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

Anh Đào Việt Anh - công nhân Công ty Điện lực Bình Dương. Ảnh: TRƯỜNG HÙNG

Nhưng trên hết, sự tận tâm của cô gái khiếm thị dành 3 tiếng đồng hồ cho món thịt cốt lết ướp với chao đã khiến Việt Anh không thể nào quên. Anh nói rằng mình bị hấp dẫn bởi phụ nữ nấu ăn ngon, biết quan tâm chăm sóc người khác, sau cùng mới là hình thức.

Đám cưới diễn ra năm 2010 đã đến như mong đợi của anh. Dù bị gia đình ngăn cản quyết liệt, anh công nhân vận hành lưới điện cao thế vẫn quyết định kết hôn với cô gái mù bán vé số trên xe bus.

Sau ngày cưới, chị thôi bán vé số. Một mình anh gồng gánh nuôi vợ và 3 đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống dẫu vất vả nhưng hạnh phúc.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

Hình ảnh người vợ mù mò mẫm chăm chồng trong bệnh viện cùng lời động viên “anh phải mau khoẻ để về làm đôi mắt cho em” chạm đến trái tim nhiều người. Ảnh: VĂN TÁM

Năm 2019, Việt Anh bị thoát vị đĩa đệm cổ và cột sống nặng, di chứng liệt tứ chi, rối loạn cơ vòng, chỉ còn một tay cử động yếu ớt. Không có tiền trả phí (350.000 đồng/ ngày) cho người chăm nom, người vợ mù mò mẫm chăm chồng trong bệnh viện. Vừa làm chị vừa động viên chồng “anh phải mau khoẻ để về làm đôi mắt cho em”. Công đoàn Công ty Điện lực Bình Dương, chủ trì là chị Phương Dung – Chủ tịch Công đoàn, đã phát động phong trào quyên góp nội bộ để hỗ trợ Việt Anh, đồng thời cắt cử đồng nghiệp giúp đỡ gia đình anh.

Đằng đẵng 8 tháng trời, người thân duy nhất chỉ có cán bộ công đoàn và các đoàn viên cơ sở thay nhau chăm sóc anh theo lộ trình điều trị tại 3 cơ sở y tế ở TP. HCM và Bình Dương.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

Nhờ sự chăm sóc, hỗ trợ của cán bộ công đoàn và các đoàn viên trong Công ty, sức khỏe của anh Đào Việt Anh dần hồi phục - Ảnh: TRƯỜNG HÙNG

Suốt thời gian ấy, công đoàn bộ phận đã ra vào bệnh viện thăm nom, giúp đỡ, cùng với nỗ lực tập luyện, anh hồi phục một cách thần kỳ, tiếp tục làm đôi mắt cho người vợ.

Gặp chúng tôi trong một ngày giữa tháng 12/2022, khi vừa về từ đợt hiến máu tình nguyện của Công ty, Việt Anh cho biết, “nếu trời cho sức khoẻ cứ ổn định như thế này, mình sẽ hiến máu suốt đời để trả cái ơn lớn mà mình và gia đình nhận được từ công đoàn, từ đồng nghiệp và xã hội”.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

Một buổi đi chơi của gia đình của Đào Việt Anh. Ảnh: NVCC

Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

Phía sau sự phục hồi thần kỳ của Đào Việt Anh là câu chuyện về tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm của một cán bộ công đoàn. Với chị, Đào Việt Anh luôn là một người em, người đồng nghiệp có cuộc đời nhiều gian khó nhưng luôn lạc quan với tất cả lòng nhiệt tình dành cho cuộc sống. Đó là chị Đoàn Thị Phương Dung - Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Bình Dương.

Ở chị Dung toát lên vẻ dễ gần và tình cảm của một cán bộ công đoàn chuyên trách nhiều năm. Từ lĩnh vực chuyên môn là kế hoạch kỹ thuật, báo cáo thống kê, chị Dung tham gia hoạt động công đoàn và các đoàn thể...

Hiện chị là Phó chủ tịch Công đoàn kiêm Trưởng ban Nữ công, kiêm Trưởng ban Đời sống chính sách pháp luật, Trưởng ban thi đua. Chị Dung cũng phụ trách cả mảng Văn phòng Công đoàn, kể cả công tác thi đua hay là công tác đoàn vụ cả từ soạn thảo văn bản, đóng dấu, phô tô tài liệu cho đến chuyển gửi công văn... Tóm lại là chị làm cả, vì “sau khi trải qua vài cuộc tinh giảm biên chế trên diện rộng thì giờ ở đâu cũng thiếu người, nhiều việc, mình phải thông cảm với lãnh đạo, với ban giám đốc”.

Với 1.225 đoàn viên, vị Phó chủ tịch Công đoàn chuyên trách làm việc với tinh thần “đặt mình trong hoàn cảnh của người ta để thông cảm, để thấu hiểu và chia sẻ. Nếu chỉ ở xa và điều hành thì anh em người ta sẽ không thích, không ủng hộ. Làm công đoàn cần nhất là sự ủng hộ của anh em đoàn viên”. Theo chị chia sẻ, khác với công tác chuyên môn có chế tài để hoạt động và điều hành, hoạt động công đoàn phải gần gũi sâu sát với anh em, nắm được tâm tư nguyện vọng của họ để đồng cảm, đồng hành. “Nói họ nghe, nghe rồi họ thấu hiểu, có thấu hiểu thì họ mới đồng hành với mình. Cũng như hiểu tâm lý, hiểu mong muốn và hiểu những cái khó của lãnh đạo, của cấp trên thì công việc mới dễ dàng”.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

Chị Đoàn Thị Phương Dung - Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Bình Dương (phải) - Ảnh: NVCC

Nhờ những kinh nghiệm khi còn làm Trưởng ban Nữ công, Bí thư Đoàn Thanh niên, khi ở trong Ban chấp hành Công đoàn nên sau này mỗi lần xây dựng kế hoạch kinh phí cho hoạt động công đoàn, chị cứ trình sếp là được duyệt. Đồng nghiệp trêu: “Dung ơi mày "ăn chơi" quá, mày "phá tiền" quá, nhưng mà sếp cho mới ghê. Mai mốt mày tổ chức gì nhớ chừa phần cho chị tham gia với nha!”.

Lập kinh phí dự trù việc gì, chị luôn đắn đo cân nhắc có ích lợi gì cho người lao động, có giúp họ tốt hơn, vui hơn và thoải mái hơn không? Câu trả lời là “có” thì chị mới bắt tay vào thực hiện. Cái khó của người làm công đoàn đôi khi cũng lại bắt đầu từ chính sự hiểu. Dù rất muốn tổ chức nhiều hơn những phong trào như hội thao, sức khoẻ, giúp người lao động giảm tải áp lực, căng thẳng trong công việc, tái tạo năng lượng để làm việc với năng suất cao hơn nhưng nếu tổ chức sự kiện huy động nhiều nhân sự thì sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Nhưng cũng nhờ “hiểu” nên mọi việc luôn được giải quyết thấu tình đạt lý.

Ngành điện vất vả, đôi khi anh em không thoải mái, chị lại rỉ rả tâm sự để người lao động vững tâm đồng hành gắn bó với công ty. Công việc áp lực, mức lương không quá cao nhưng bù lại công ty có những chế độ chăm sóc và bảo vệ người lao động rất tốt. Không dừng lại ở việc chăm lo cho đời sống anh em đoàn viên công đoàn của mình, chị còn thấu hiểu những số phận không may mắc bệnh nan y, hiểm nghèo. Đó là lí do mà chị Dung vận động lập Quỹ "Tương trợ xã hội". Đây là quỹ từ nguồn đóng góp tự nguyện của người lao động, với mức đóng là 20.000 đồng/tháng/người. Nếu người lao động bị bệnh hiểm nghèo thì chi 50 triệu đồng, hoặc người lao động qua đời thì chi 50 triệu cho gia đình. Nếu không may người lao động mắc bệnh nan y thì mức thăm nom cũng được một năm 2 lần, mỗi lần 15 triệu đồng. Những cán bộ đóng góp lâu năm khi về hưu thì được quỹ trích ra khoản trợ cấp 10 triệu đồng.

Ý tưởng lập Quỹ này xuất phát từ việc nghĩ đến người bệnh và gia đình người bệnh, với mong muốn tạo được sự yên tâm chữa trị cao nhất nơi họ. Trường hợp của Việt Anh, ngoài chế độ theo quy định, chị Dung đã trực tiếp huy động sự đóng góp của anh em toàn cơ quan được gần 100 triệu đồng để giúp chi trả viện phí thuốc men điều trị. Theo chị Dung: “Người lao động bị bệnh thì gia đình phải tốn kém tiền bạc, tâm sức lo lắng, chăm sóc cạn kiệt sức lực. Nếu công đoàn mình hỗ trợ kịp thời thì sự hỗ trợ mới thiết thực. Việt Anh hồi phục nhanh chóng là niềm vui của chị cũng như tổ chức Công đoàn. Với chị thì đó chính là phần thưởng”.

Khi câu chuyện của anh công nhân ngành Điện đoạt giải thưởng “Vòng tay Công đoàn” do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức, chị Dung cũng chính là người đứng sau lo toan sắp đặt để Việt Anh có thể lên chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời ra tới Thủ đô.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 3: Người dệt cổ tích giữa đời thường

Anh Đào Việt Anh lên sân khấu nhận quà trong cuộc thi "Vòng tay Công đoàn" do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức - Ảnh: TRƯỜNG HÙNG

Hỏi chị “vì sao lại chọn công việc đi sớm về khuya, đi làm cả trong ngày nghỉ, và những khi công việc yêu cầu, nhưng lại phải vắng mặt trong cả những sự kiện lớn của gia đình?”, chị trả lời “vì công việc đã chọn mình”. Làm công đoàn, theo chị, không thể chỉ làm bằng tình cảm quý mến đơn thuần, làm công đoàn là làm vì trách nhiệm với cơ quan, với tập thể, với lãnh đạo cấp trên và với cả những đồng nghiệp đã luôn ở bên và ủng hộ mình.

Hiện nay mức lương của Đào Việt Anh là 11 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này, để chi trả cuộc sống của một gia đình có người vợ khiếm thị và ba con nhỏ đang tuổi đến trường không thể nói là thoải mái, dễ dàng. Nhưng Việt Anh cho biết, “gia đình mình đã ra khỏi "tâm bão", hiện chỉ còn "áp thấp". Nhưng có Công ty, có tổ chức Công đoàn và những người đồng nghiệp, anh không còn mong muốn gì hơn ngoài sức khoẻ để nuôi dạy ba đứa con trưởng thành”.

Bài viết: Phạm Thuỷ

Ảnh: Trường Hùng, NVCC

Đồ họa: An Nhiên

Xem phiên bản di động