e magazine
30/12/2022 19:40
Điểm tựa cho người lao động - Bài 1: Những số phận đổi thay

30/12/2022 19:40

Nữ công nhân Nguyễn Thị Lê (Vĩnh Phúc) có một hoàn cảnh hết sức éo le. Nhưng, nhờ vòng tay bao bọc, nâng đỡ của tổ chức Công đoàn nơi chị làm việc, giọt nước mắt đau khổ đã ngừng rơi và "nếp nhăn phận đời" đã bớt hằn lên gương mặt chị.
Điểm tựa cho người lao động - Bài 1: Những số phận đổi thay

Lời tòa soạn:

Chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Lâu nay, đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng, công đoàn thường làm những việc tạm gọi là “hát hò, hiếu hỷ”, với ý có lẽ là hời hợt bề nổi, chưa chạm đến tầng sâu đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng, những điều thiết thân của đoàn viên, người lao động.

Song, thực tế, công đoàn, bên cạnh chăm lo cho đoàn viên, người lao động trên diện rộng, còn chăm lo từ sớm, từ xa và ở bề sâu. Trong quá trình lăn lộn thực tế, bám sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói của đoàn viên, người lao động, phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn đã phát hiện, giới thiệu, ngợi ca, nhằm cổ vũ, lan tỏa nhiều trường hợp như thế. Đó là những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được cán bộ công đoàn, tổ chức Công đoàn chăm lo rất kịp thời, hiệu quả. Sự chăm lo ấy thường diễn ra trong một quá trình, xuất phát từ sự sâu sát của cán bộ công đoàn và tấm lòng yêu thương, chia sẻ với đoàn viên, người lao động của mình. Và đặc biệt, sự chăm lo ấy đã giúp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn cơ bản khắc phục được những vướng mắc của họ, vươn lên trong cuộc sống theo hướng căn cơ, bền vững.

Có rất nhiều câu chuyện nhân văn về cán bộ công đoàn, tổ chức Công đoàn đã đồng hành, chăm lo, bảo vệ quyền lợi thiết thực, hiệu quả cho đoàn viên, người lao động. Sự chăm lo, bảo vệ ấy giúp đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, cuộc sống của họ có sự chuyển biến, thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực.

Những câu chuyện trong loạt bài của Tạp chí khẳng định: tổ chức Công đoàn đã, đang và mãi mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi xứng đáng gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động.

Đổi thay cuộc đời nữ công nhân bi thương và khắc khổ

Nữ công nhân Nguyễn Thị Lê (Vĩnh Phúc) có một hoàn cảnh hết sức éo le. Nhờ vòng tay bao bọc, nâng đỡ của tổ chức Công đoàn nơi chị làm việc, giọt nước mắt đau khổ đã ngừng rơi và "nếp nhăn phận đời" đã bớt hằn lên gương mặt chị.

Đổi thay cuộc đời nữ công nhân bi thương và khắc khổ

Đến Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc, Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi về nữ công nhân Nguyễn Thị Lê, hầu như ai cũng biết.

Chị được mọi người yêu mến bởi sự hiền lành, chất phác, chăm chỉ làm việc. Ai cũng đồng cảm với những trớ trêu của số phận mà chị phải chịu đựng: sự nghèo khó đến cùng cực khi lập gia đình và sau đó là nỗi đau mất chồng, tài sản còn lại là 3 đứa con thơ, một căn nhà dột nát.

“Hai vợ chồng cô chú ấy thiếu thốn lắm. Lấy nhau xong thì bố mẹ chia cho căn nhà ở riêng. Nói là nhà nhưng thực ra chỉ là một gian bếp nấu, thu dọn lại để ở. Nhà chỉ có mỗi cái giường, không có gì đáng giá. Chỗ đun nấu thì lấy tấm cót quây lại cho qua ngày”, ông Trần Văn Cần, anh chồng chị Lê chia sẻ.

Rồi lần lượt 3 đứa con chào đời. Sau đó, anh và chị cùng xin đi làm công nhân tại Prime Group. Từ đó, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn, có đồng ra đồng vào. Hình ảnh về một căn nhà khang trang hơn thấp thoáng trong niềm mơ ước của hai vợ chồng.

“Hai vợ chồng tôi thấy nhà cửa cũ và dột nát quá. Những ngày mưa nước tràn vào tận trong nhà. Sợ nhất là có rắn rết côn trùng. Xác định là không có tiền nên mỗi năm chúng tôi chuẩn bị một thứ”, chị Lê chia sẻ.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 1: Những số phận đổi thay

Nữ công nhân Nguyễn Thị Lê có hoàn cảnh rất éo le - Ảnh: HOÀNG QUÂN

Khi những viên gạch đầu tiên được chuẩn bị cũng là lúc biến cố lớn ập đến. Tháng 11/2014, anh Nhân chồng chị thường xuyên bị cơn đau đầu hành hạ, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai kết luận anh bị u não.

“Tôi suy sụp và khóc hết nước mắt. Bình thường nghe đến ung thư đã “hốt”, giờ chồng mình lại ung thư giai đoạn cuối. Cơ hội sống sót hầu như không có, nhà lại nghèo. Lúc ấy, tôi nghĩ chết theo anh ấy cho xong. Nhưng nhìn 3 đứa con, đứa út mới vừa qua sinh nhật một tuổi, tôi nuốt nước mắt vào trong, phải gắng sống mà nuôi con”, chị trải lòng, đôi mắt ngấn lệ.

Biết chồng không thể qua khỏi nhưng hai vợ chồng vẫn luôn động viên nhau cố gắng vay mượn anh em bạn bè để đi chữa bệnh, không vay được nữa thì bán được gì thì bán, miễn là có tiền.

Nhưng may mắn đã không mỉm cười với chị và các con, tháng 4/2015, chồng chị qua đời. "Mấy mẹ con tôi bơ vơ giữa căn nhà trống huơ trống huếch, chẳng có gì đáng giá. Tôi lo lắng không biết rồi đây 4 mẹ con sẽ sống ra sao”, chị Lê ngậm ngùi.

“Có những hôm tôi sang, thấy có mỗi bát canh rau dền đỏ chan với cơm. Mà cơm có phải cơm trắng đâu, cơm trộn với khoai. Nhà có gì thì ăn nấy. Tôi biết thực tế là mẹ ăn khoai phần lại cơm cho con. Tôi là bác, mỗi lần sang nhìn thấy cảnh này mà rơi nước mắt nhưng mà khi chú ấy đau ốm anh em họ hàng cũng đã hỗ trợ hết mức. Ai cũng khó khăn cả”, ông Trần Văn Cần, anh họ của chồng chị Lê chia sẻ thêm.

Căn nhà nhỏ vốn đã xiêu vẹo, mưa thì dột nát, nay vắng bóng người đàn ông lại càng lạnh lẽo hơn.

Đổi thay cuộc đời nữ công nhân bi thương và khắc khổ

“Ngày chồng chị Lê mất, công đoàn công ty và anh chị em đồng nghiệp đến hỗ trợ gia đình lo tang lễ cho anh mà không ai có thể cầm được nước mắt. Một ngôi nhà cũ nát không còn tài sản gì. 3 đứa con thơ nheo nhóc. Ngoài động viên chị cố gắng, giây phút ấy tôi đã nghĩ mình cần phải làm gì đó giúp cho chị Lê", anh Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc cho biết.

Vào mùa gặt, thấy nhà chị neo người, anh em đoàn viên trong công ty bảo ban nhau trước giờ làm tranh thủ ra đồng gặt lúa, kéo lúa về tận nhà giúp chị.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 1: Những số phận đổi thay

Sự sẻ chia, giúp đỡ của đồng nghiệp giúp chị Lê vơi bớt đi nỗi buồn và những khó khăn - Ảnh: NVCC

3 năm kể từ ngày anh mất chị Lê vẫn chịu thương, chịu khó làm việc để nuôi con. Trong chị vẫn luôn đau đáu về ước mơ xây được một ngôi nhà nhỏ, sạch sẽ, an toàn cho 4 mẹ con.

“Trời mát thì không sao nhưng những ngày nắng nóng thì thực sự kinh khủng. Tôi phải bê chậu nước để trước cái quạt cho bớt nóng cho các con ngủ. Trần nhà tôi che cái bạt xanh vì ngói đã cũ nát. Có lần ngói vụn rơi vào mắt, tôi phải lên bệnh viện để lấy vụn ngói ra”, chị Lê gạt nước mắt.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 1: Những số phận đổi thay

Mái nhà dột nát của gia đình chị Lê - Ảnh: NVCC

Biết được ước mơ của chị, Công đoàn Prime Group hết sức ủng hộ, đồng thời vận động hỗ trợ cho chị xây nhà. “Chúng tôi đã trích 10 triệu đồng từ quỹ Mái ấm công đoàn do cán bộ, đoàn viên đóng góp; đồng thời đề xuất Tập đoàn hỗ trợ 120m2 gạch lát nhà và 120m2 ngói lợp cho chị Lê”, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Prime Vĩnh Phúc chia sẻ.

“Ngoài hỗ trợ tiền, hỗ trợ bằng gạch, ngói, anh em đoàn viên công đoàn còn tranh thủ thời gian trước và sau giờ làm đến làm giúp cho gia đình chị Lê”.

Anh Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, Quỹ Vòng tay nhân ái của Công đoàn Công ty Prime Vĩnh Phúc huy động anh em công nhân lao động hỗ trợ thêm 15 triệu đồng và giúp nhiều ngày công lao động cho chị Lê, từ việc phá dỡ ngôi nhà cũ, đầm nền, đi đường điện, làm mái nhà, …

Từng tí một, bền bỉ như chính nghị lực của chị Lê và từ tấm lòng của công đoàn, căn nhà dần hình thành. Các cán bộ công đoàn, đoàn viên, đồng nghiệp công ty mỗi ngày đều gắng sức để niềm vui của chị và các cháu sớm thành hiện thực.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 1: Những số phận đổi thay

Căn nhà mơ ước của mẹ con chị Lê đã dần thành hình nhờ sự giúp đỡ của Công đoàn Công ty và các đoàn viên - Ảnh: NVCC

“Đêm đầu tiên dọn về căn nhà mới tôi không thể ngủ được, cứ đi ra lại đi vào, đi vào lại ra. Tôi không tin rằng ước mơ của mình có ngày trở thành hiện thực, nhất là khi trụ cột chính trong gia đình đã không còn. Ngôi nhà khang trang được hoàn thành trong tình thương và sự chung tay của tất cả mọi người. Căn nhà mới chứa đựng niềm tin, sự đùm bọc của công đoàn và đồng nghiệp giúp tôi vững tin về tương lai, vươn lên mọi khó khăn của cuộc sống", chị Lê tâm sự.

Đổi thay cuộc đời nữ công nhân bi thương và khắc khổ

Thương mẹ vất vả, em Trần Thanh Hương – con gái chị Lê luôn cố gắng học tập, trong suốt 12 năm học, Hương luôn đạt kết quả cao. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2021, Hương xuất sắc đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn, 8,5 điểm môn Tiếng Anh, 8 điểm môn Toán; trúng tuyển vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Nhưng, nhận được kết quả thi, Hương định không đi học nữa.

“Thấy mẹ vất vả quá, em chỉ mong có thể đi làm kiếm tiền, đỡ đần mẹ nuôi các em”, Hương bộc bạch.

Biết chuyện, Công đoàn Công ty CP Prime Group lại dang rộng vòng tay nhận đỡ đầu và hỗ trợ học bổng cho Hương trong suốt quá trình cháu học đại học.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 1: Những số phận đổi thay

Công đoàn Prime Group trao học bổng cho em Trần Thanh Hương, con gái chị Lê. Ảnh: NVCC

“Qua trang Facebook của trường, chúng tôi biết thông tin cháu Hương đỗ đại học với số điểm cao và có thể sẽ không tiếp tục đi học. Ngay lập tức, chúng tôi làm đề xuất gửi Công đoàn Công ty CP Prime Group nhận đỡ đầu cho Hương trong suốt quá trình cháu học tập tại trường đại học, với mức hỗ trợ hằng tháng bằng 01 lần mức tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ (tương đương 1,490,000 đồng/01 tháng) ở thời điểm hiện tại. Ban Nữ công của Công đoàn Công ty cũng vận động chị em quyên góp thêm được 13 triệu đồng tặng cho cháu Hương nhân dịp cháu nhận giấy báo nhập học”, đồng chí Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Hương nói rằng, mặc dù sinh ra trong gia đình nghèo khó, thiếu thốn nhưng em chưa bao giờ cảm thấy mình thiệt thòi hay thua kém bạn bè. Bởi em biết rằng, ngoài gia đình sẽ còn có các bác, các cô, các chú… cán bộ, đoàn viên công đoàn - những người đã luôn ở bên cạnh và sẵn sàng dang rộng vòng tay, làm điểm tựa vững chắc giúp 4 mẹ con vượt qua khó khăn.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 1: Những số phận đổi thay

Em Trần Thanh Hương, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Trần Yến

Hương cũng chia sẻ dự định sau khi tốt nghiệp, sẽ xin vào công ty nơi mẹ làm việc để báo đáp một phần công ơn mà cô chú công đoàn đã giúp đỡ gia đình.

“Bố cháu mới học hết lớp 5, tôi học hết lớp 7. Cũng mong con cái được học hành nhưng quả thực gánh nặng trên vai tôi lớn quá. Nhờ có công đoàn mà con tôi lại tiếp tục được đi học. 4 mẹ con tôi sẽ chẳng có những ngày tươi sáng như hôm nay nếu thiếu vòng tay của công đoàn”, chị Lê xúc động chia sẻ.

Điểm tựa cho người lao động - Bài 1: Những số phận đổi thay

Hai mẹ con chị Lê đón nhận sự chăm lo của Công đoàn Công ty trong căn nhà mới khang trang - Ảnh: NVCC

Điểm tựa cho người lao động   Bài 1: Những số phận đổi thay

Bài viết: Trần Yến

Video: Nhóm PV

Đồ họa: An Nhiên

Xem phiên bản di động