"Trong dịch bệnh, nhiều người lao động có hoàn cảnh rất đáng thương"

hoàn cảnh công nhân rất đáng thương

Sau hơn 1 tháng cùng chính quyền tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch, khuôn mặt những cán bộ công đoàn, trong đó có ông Nguyễn Văn Cảnh – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang hằn rõ những vất vả, lo toan.

“Công nhân lao động đột ngột rơi vào tình thế khó khăn khi có lệnh phong tỏa nhằm phòng, chống dịch. Phần lớn công nhân không có sự chuẩn bị nên thiếu thốn đủ thứ, trong đó có nhiều người sáng đi làm, tối về nhà riêng nên không mang theo tư trang. Vào thời điểm ngày 18/5, khi lệnh tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp gồm Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê – Nội Hoàng có hiệu lực, hầu hết người lao động đã được trả lương từ đầu tháng nên khi đó phần lớn đã hết tiền, nếu còn chút tiền cũng không thể mua bán do phải cách ly”- ông Nguyễn Văn Cảnh kể lại.

Mỗi hoàn cảnh công nhân trong dịch bệnh đều khiến ông lo lắng. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều công nhân lao động rơi vào hoàn cảnh rất éo le.

Ông kể, có 2 công nhân nữ đến ngày sinh, không kịp đến cơ sở y tế, đã sinh con ngay tại nhà trọ. Rất may là nữ công nhân sinh thường, được người trong nhà trọ giúp đỡ và đã “mẹ tròn con vuông”. Có trường hợp vợ là F0, chồng là F1 đang ở 2 khu cách ly khác nhau, chồng không may tai nạn tử vong, vợ không được gặp lần cuối và càng không thể đưa thi thể chồng về tỉnh Điện Biên an táng. Có người là mẹ đơn thân ở Lạng Sơn, không may tử vong do Covid-19 trong khi con mới 6 tuổi. Hoặc trường hợp hai vợ chồng từ Thái Nguyên xuống làm việc được 15 ngày, chưa tham gia bảo hiểm y tế thì vợ đã mắc bệnh nặng, phải lọc máu, viện phí lên đến hàng chục triệu đồng.

"Trước những hoàn cảnh như vậy, người cán bộ công đoàn như chúng tôi không khỏi thương xót nên đã kêu gọi ủng hộ nhằm san sẻ phần nào với gánh nặng của công nhân lao động" - ông Nguyễn Văn Cảnh tâm tư nói.

"Trong dịch bệnh, nhiều người lao động có hoàn cảnh rất đáng thương"

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Khôi

29 “Siêu thị 0 đồng” Cho công Nhân Lao ĐỘng

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, chăm lo, hỗ trợ người lao động là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Đã làm công tác công đoàn thì phải có tâm. Xuất phát từ tình cảm với công nhân, thấu hiểu khó khăn của họ, tự người cán bộ công đoàn sẽ đặt ra nhiệm vụ cho mình phải nắm được thông tin về họ.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từng ngày, từng giờ, có nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng LĐLĐ tỉnh đã sử dụng zalo, fanpage Công đoàn Bắc Giang một cách nhanh chóng và cung cấp thông tin tin cậy. Ngoài ra, các cấp công đoàn còn tiếp nhận thông tin từ người dân địa phương, chủ nhà trọ, phóng viên và các tình nguyện viên.

Chị Phạm Ánh Tiên (trọ tại xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cùng chồng mắc kẹt trong khu phong tỏa, không liên lạc được với bên ngoài. Chị chia sẻ: " Lúc khó khăn, thiếu lương thực, em đã tìm đến fanpage Công đoàn Bắc Giang. Chỉ 5 phút sau em đã nhận được lương thực, thực phẩm đủ dùng. Không biết nói gì hơn, em rất xúc động và xin cảm ơn Công đoàn đã hỗ trợ".

Để khẩn trương hỗ trợ hiệu quả cho 67.000 công nhân lao động trong các khu nhà trọ, LĐLĐ tỉnh đã thành lập 29 “Siêu thị 0 đồng” ở các thôn có đông công nhân lao động thuê trọ. Tổ chức Công đoàn phối hợp cùng các cấp, các ngành, đoàn thể vận động quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm để bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân và người dân địa phương có khó khăn.

Bên cạnh việc tổ chức “Siêu thị 0 đồng”, LĐLĐ tỉnh đã thành lập Tổ cứu trợ khẩn cấp gồm 21 người, có nhiệm vụ nắm bắt nhanh thông tin về công nhân lao động, phân tích xử lý thông tin và tham mưu các biện pháp hỗ trợ. Thông qua phương thức này, đến nay đã có 3.515 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn như sinh con, thai chết lưu, hết lương thực, thực phẩm… đã được Tổ cứu trợ khẩn cấp phối hợp với lãnh đạo thôn, các tình nguyện viên và chủ nhà trọ hỗ trợ kịp thời.

"Trong dịch bệnh, nhiều người lao động có hoàn cảnh rất đáng thương" "Trong dịch bệnh, nhiều người lao động có hoàn cảnh rất đáng thương"Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang chuyển hàng hóa để đưa đến "Siêu thị 0 đồng" cứu trợ công nhân. Ảnh: Minh Khôi

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiếp cận công nhân rất khó khăn. Với số công nhân trong các khu vực giãn cách xã hội, cán bộ công đoàn không thể vượt qua các chốt kiểm dịch mà phải phối hợp với người trong thôn, xóm đó. Với các trường hợp là F0, F1 đang trong khu cách ly thì càng không tiếp cận được do yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch bệnh.

Do vậy, để hỗ trợ cho công nhân là F0, F1, LĐLĐ tỉnh phải liên lạc với cán bộ công đoàn cơ sở, kế toán của công ty (nhiều người trong số này cũng thuộc diện F0, F1 hoặc F2) để có được số tài khoản ATM của từng công nhân. Qua đó LĐLĐ tỉnh chuyển số tiền hỗ trợ vào tài khoản của họ.

"Chúng tôi đã tổ chức quyên góp, trích kinh phí công đoàn để mua bổ sung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm để hỗ trợ trên 22.000 công nhân lao động diện F0, F1 cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại 18 cơ sở điều trị Covid–19 và 301 khu cách ly tập trung.

LĐLĐ đã vận động cán bộ, đoàn viên làm trên 7 tấn muối lạc, hàng vạn chai nước ép hoa quả, tổ chức nấu cơm cung cấp các suất ăn tại các khu cách ly. Chúng tôi đã tham mưu Tỉnh ủy, đề xuất UBND tỉnh tạo điều kiện miễn tiền ăn cho các đối tượng F0, F1. Vì vậy, công nhân lao động bớt đi nhiều khó khăn, yên tâm điều trị, bảo đảm sức khỏe để sẵn sàng trở lại công ty làm việc khi đủ điều kiện" - ông Nguyễn Văn Cảnh cho biết.

"Trong dịch bệnh, nhiều người lao động có hoàn cảnh rất đáng thương"

Ông Nguyễn Văn Cảnh bày tỏ những lo lắng khi dịch bệnh chưa biết đến bao giờ mới kết thúc và khi nào doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại. Hiện tỉnh Bắc Giang đã cho phép 123 doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhưng mới có hơn 80 doanh nghiệp đón được hơn 5.300 công nhân vào làm việc. Trước khi dịch bùng phát, 169 doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp đón gần 200.000 công nhân. Nên lượng lao động này trở lại làm việc chưa thấm tháp vào đâu.

Một số lượng rất lớn công nhân lao động chưa có công ăn việc làm, chưa biết khi nào mới được quay trở lại làm việc để đảm bảo thu nhập, cuộc sống. Trong khi đó, công nhân không có nhiều tích lũy. Chi tiêu tốn kém, trong cậy tất cả vào lương. Khi không có việc làm, không có thu nhập, cuộc sống của họ sẽ càng khó khăn.

"Việc trước mắt chúng tôi lo lắng là làm sao cung cấp đủ hàng hóa cho các “Siêu thị 0 đồng”. Theo tính toán, mỗi ngày, để đảm bảo nhu cầu ăn tối thiểu của 67.000 công nhân khu nhà trọ và khu cách ly cần phải có trên 20 tấn gạo và 5 tỷ đồng thực phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, người dân trong các khu giãn cách xã hội cũng rất khó khăn do dịch bệnh kéo dài đã hơn một tháng, nhiều nhà đã hết lương thực, thực phẩm dự trữ, rất cần được hỗ trợ.

Lượng hàng hóa quyên góp được cũng chỉ đảm bảo trong 10 – 15 ngày. Để duy trì “Siêu thị 0 đồng”, chúng tôi phải trích nguồn kinh phí công đoàn để mua hàng hóa chuyển vào. Các ngành, đoàn thể có hỗ trợ thêm. Khi nguồn kinh phí công đoàn không đảm bảo được, chúng tôi sẽ đề xuất với UBND tỉnh trích ngân sách duy trì hàng hóa “Siêu thị 0 đồng” để hỗ trợ công nhân nói riêng, nhân dân nói chung".

"Trong dịch bệnh, nhiều người lao động có hoàn cảnh rất đáng thương"

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã vượt qua đỉnh dịch. Điều đó thực sự rất đáng vui mừng nhưng không có nghĩa là dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn. Mỗi ngày vẫn phát sinh hàng trăm ca F0 là công nhân trong khu cách ly, phong tỏa và lẻ tẻ vẫn có ca phát hiện trong cộng đồng.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang có quyết tâm chính trị rất lớn: Phấn đấu đến ngày 21/6 không có ổ dịch mới, cơ bản khống chế ổ dịch tại các khu công nghiệp. Nhưng để dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới không thể trong một sớm một chiều.

"Do đó, bên cạnh sức ép về sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, về sức khỏe và về kinh tế, chúng tôi đang phải chịu thêm sức ép về công tác hậu cần. Làm thế nào để đảm bảo trang thiết bị, phương tiện, hóa chất phục vụ điều trị và phòng, chống dịch; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho công nhân và người dân trong các khu cách ly. Làm thế nào để công nhân sớm trở lại làm việc, sớm kiện toàn lại đội ngũ cán bộ hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp" - ông Nguyễn Văn Cảnh trăn trở.

"Trong dịch bệnh, nhiều người lao động có hoàn cảnh rất đáng thương"

Anh Vũ Quân - cán bộ công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức Công đoàn giao phó mặc dù bản thân là F0

"Trong dịch bệnh, nhiều người lao động có hoàn cảnh rất đáng thương"

LĐLĐ tỉnh Hải Dương hỗ trợ công nhân lao động tỉnh Bắc Giang

Khi các doanh nghiệp ngừng hoạt động, công nhân mỗi người một nơi, tâm lý hoang mang lo sợ. Mạng lưới công đoàn cơ sở gần như tê liệt. Để giúp cho công nhân lao động, cán bộ công đoàn từ tỉnh đến LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn Khu công nghiệp đã trực tiếp tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, tổ tuyên truyền, tổ giám sát, tổ hậu cần, tổ cứu trợ khẩn cấp.

"Anh em làm việc không có ngày nghỉ; một số cán bộ công đoàn từ ngày dịch bùng phát đến nay chưa được về nhà. Anh em rất vất vả, lo toan, vận chuyển, bốc vác, đưa hàng đến công nhân lao động, trong khi nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Nhưng chúng tôi có nguồn lực từ hệ thống Công đoàn. Cho đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã 3 lần hỗ trợ công nhân lao động tỉnh Bắc Giang tiền mặt và nhu yếu phẩm cần thiết. LĐLĐ tỉnh Bắc Giang rất may mắn khi Tổng LĐLĐ Việt Nam cho xây trụ sở Công đoàn Khu công nghiệp nên anh em có chỗ làm việc và nơi ăn, ở, sinh hoạt khi tham gia chống dịch. Anh em cán bộ công đoàn rất phấn khởi khi được Tổng LĐLĐ Việt Nam kịp thời ban hành quyết định hỗ trợ.

LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn Tổng công ty, Tập đoàn... đều chung tay hỗ trợ và là hậu phương vững chắc cho chúng tôi tham gia chống dịch" - ông Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ.

Đặc biệt vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen cho LĐLĐ tỉnh Bắc Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, khen thưởng của Tổng LĐLĐ Việt Nam và của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa động viên rất lớn để các cán bộ công đoàn tiếp tục dấn thân trên con đường chăm lo, sát cánh cùng đoàn viên, người lao động, nhất là khi người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất.

"Trong dịch bệnh, nhiều người lao động có hoàn cảnh rất đáng thương"

Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch. Ảnh: Thu Chinh

“Mẹ đỡ đầu” của hàng trăm thiên thần nhỏ tại Bắc Giang “Mẹ đỡ đầu” của hàng trăm thiên thần nhỏ tại Bắc Giang

Trong số hàng chục nghìn công nhân mắc kẹt tại các khu công nghiệp vì dịch bệnh, có nhiều mẹ bầu trải qua những tuần ...

Bình Dương: Lại có thêm nhiều công nhân nghi nhiễm Covid-19 Bình Dương: Lại có thêm nhiều công nhân nghi nhiễm Covid-19

Ngày 18/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết vừa ghi nhận thêm 12 trường hợp dương tính với Covid-19. Trong ...

Những bữa ăn ca đặc biệt của công nhân trong nhà máy “3 tại chỗ” Những bữa ăn ca đặc biệt của công nhân trong nhà máy “3 tại chỗ”

Trở lại làm việc đã hơn 12 ngày, chị Thân Thị Thảo (28 tuổi, quê ở xã Trung Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ...

Bài viết: Duy Minh