Đầu năm 2022, Ban quản lý và CĐCS chợ Đông Ba, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ứng dụng mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử (app) “Chợ Đông Ba” vào hoạt động thử nghiệm. Sau gần một tháng hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả rất khả quan. Đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo kinh doanh buôn bán của các tiểu thương. |
Ông Nguyễn Sanh Nghi, Chủ tịch CĐCS Ban quản lý chợ Đông Ba cho biết, trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hộ gia đình trên địa bàn thành phố phải thực hiện cách ly tại nhà, việc tiếp ứng lương thực, thực phẩm theo nhu cầu là rất cần thiết. Nhận thấy được điều đó, CĐCS Ban quản lý chợ Đông Ba đã đề ra và thực hiện phương án tạo app “Chợ Đông Ba”, đưa các sản phẩm có ở chợ lên ứng dụng mua sắm trực tuyến. Tất cả các hoạt động từ điều phối đến đi chợ hộ cho người dân đều do các bạn đoàn viên CĐCS thực hiện. Từ ngày app “Chợ Đông Ba” đi vào hoạt động, hầu hết tất cả các mặt hàng thiết yếu có mặt ở chợ đều được đưa lên app để người dân thoải mái lựa chọn, giá cả phải chăng, niêm yết rõ ràng. Từ gạo, cá, thịt, rau củ quả cho đến mứt, bánh, kẹo... được bố trí, sắp xếp theo từng mục khác nhau, rất dễ dàng để người dân tìm kiếm và mua sắm. Mỗi ngày, đoàn viên phụ trách giao hàng nhận được hơn chục đơn hàng đi chợ hộ. Để đảm bảo chất lượng nguồn hàng trước khi đưa lên app cho người dân chọn lựa, Ban quản lý và CĐCS chợ Đông Ba đã chọn lựa và ký hợp đồng với các tiểu thương ở chợ để cam kết chất lượng cũng như giá cả đúng với niêm yết. Từ đó, bà con sẽ an tâm hơn với sản phẩm đầu ra, cũng như giúp các tiểu thương ở chợ có thể bán hàng trong trường hợp khu vực chợ bị phong tỏa do dịch Covid-19. Anh Nguyễn Văn Nam, đoàn viên CĐCS Ban quản lý chợ Đông Ba, phụ trách đi chợ hộ cho biết, từ ngày app “Chợ Đông Ba” đi vào hoạt động, các đơn hàng đi chợ hộ chủ yếu từ khu vực bị phong tỏa do dịch Covid-19, các hộ dân đang thực hiện cách ly y tế tại nhà trên địa bàn thành phố. Được sự giúp đỡ của các tiểu thương, việc đi chợ hộ của anh rất thuận lợi, hàng hóa luôn được đảm bảo tươi ngon và chất lượng. Thấy người dân vui mừng đón nhận lương thực, thực phẩm anh cũng cảm thấy vui lòng. “Chúng tôi không chỉ trao thực phẩm mà còn trao tình thương và sự sẻ chia với cộng đồng”, anh Nguyễn Văn Nam nói thêm.
Từ việc người dân đi chợ bằng app sẽ giúp giảm số lượng người đến chợ, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, việc đi chợ hộ cho người dân sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các bạn đoàn viên trong CĐCS. Bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba cho cho hay, hiện nay app mới đưa vào sử dụng nên còn nhiều điều cần được điều chỉnh. Đơn vị sẽ tiếp tục vừa làm, vừa thay đổi để app hoàn thiện nhất có thể. Ban quản lý và CĐCS chợ sẽ tiếp tục xây dựng app “Chợ Đông Ba” hoàn chỉnh trở thành một app thương mại buôn bán các mặt hàng đặc sản chất lượng của Huế không chỉ phục vụ khách trong tỉnh mà còn ở cả nước, tránh tình trạng du khách mua phải hàng đắt nhưng kém chất lượng. Đây cũng là cách mà Ban quản lý chợ bảo vệ “thương hiệu” của ngôi chợ truyền thống nổi tiếng xứ Huế. |
Dù chỉ mới đi vào hoạt động gần một tháng nay, việc mua sắm qua app “Chợ Đông Ba” đã được nhiều người dân lựa chọn và phản hồi tốt. Đặc biệt, ngoài các mặt hàng thông thường, để đáp ứng thị trường Tết Nguyên đán, những giỏ quà Tết làm từ bánh kẹo, nước ngọt... được gói thành những giỏ quà Tết bắt mắt rồi chụp ảnh đăng lên app để bán cho người dân. Mỗi giỏ quà Tết có giá từ 300.000 - 600.000 đồng tùy loại.
Những món hàng trong mỗi giỏ quà Tết đều được Ban quản lý và CĐCS chợ Đông Ba thẩm định giá kỹ lưỡng, phải đảm bảo chất lượng, sản phẩm thật tốt. Ngoài những giỏ quà Tết thì trên app “Chợ Đông Ba” còn bán những loại mứt, bánh, kẹo... từ hàng ngoại nhập cho đến hàng truyền thống do tự tay người dân Huế làm ra. Bà Lê Trang, tiểu thương tại chợ Đông Ba chia sẻ, việc bán hàng thông qua app rất tiện lợi cho người mua cũng như người bán, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lượng người đến chợ giảm nhiều khiến doanh thu bán hàng cũng giảm sút. Hi vọng, app “Chợ Đông Ba” sẽ là cầu nối giúp chúng tôi bán hàng rộng rãi ra khắp trong và ngoài tỉnh. Để mở rộng quy mô phục vụ cho người dân cả nước, Ban quản lý và CĐCS chợ Đông Ba đã làm việc với một số công ty ship hàng đi ngoại tỉnh uy tín để có thể phục vụ bà con mua sắm đặc sản Tết Huế ở chợ Đông Ba thông qua ứng dụng thương mại điện tử.
Sớm đưa app “Chợ Đông Ba” vươn xa hơn, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP. Huế cho hay, thành phố sẽ hỗ trợ Ban quản lý và CĐCS chợ Đông Ba để phát triển về công nghệ, quảng bá ứng dụng chợ Đông Ba đến rộng rãi với mọi người dân. Chúng tôi cũng đang xem xét để đưa app “Chợ Đông Ba” vào trong phần mềm Hue-S để mọi người dân ở Huế có thể thuận lợi trong việc đi chợ trực tuyến hơn, sớm hoàn thiện ngôi chợ sử dụng ứng dụng thương mại điện tử đầu tiên ở xứ Huế. Được biết, chợ Đông Ba được Vua Đồng Khánh cho xây dựng từ năm 1887 ở bên ngoài Cửa Chính Đông (nay là Cửa Đông Ba). Đến năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ ra vị trí như hiện nay, đánh dấu một bước phát triển mới của chợ. Đến năm 1987, sau 12 năm ngày giải phóng Huế, chợ Đông Ba được nâng cấp cải tạo với quy mô lớn. Trải qua 123 năm xây dựng và phát triển (1899 - 2022), chợ Đông Ba là một trong những biểu tượng của TP. Huế, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên mảnh đất Cố đô. Đây là ngôi chợ lớn có bề dày lịch sử nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Là trung tâm thương mại, góp phần tích cực và quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là từ năm 1975 cho đến nay. |
Bài và ảnh: Trường Sơn Đồ họa: An Nhiên |