|
Năm 2024, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu quan trọng, thể hiện vai trò then chốt trong việc ổn định quan hệ lao động và chăm lo đời sống người lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. |
Ứng phó với khó khăn, đồng hành với người lao độngNăm 2024, các doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chi phí logistics tăng mạnh, trong khi giá đơn hàng tăng chậm, gây khó khăn trong việc duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng biến động và sụt giảm lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và đời sống của người lao động. Trong bối cảnh này, Công đoàn Dệt May Việt Nam (CĐ DMVN) đã nhanh chóng nhận diện vấn đề và thực hiện các biện pháp đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động. Thực hiện chỉ đạo từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, CĐ DMVN đã tập trung vào công tác chăm lo, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, không để họ bị bỏ lại phía sau trong những thời khắc khó khăn.
|
Đồng thời, các phong trào thi đua lao động sản xuất được phát động mạnh mẽ, khuyến khích người lao động vượt qua thử thách và nâng cao năng suất lao động, từ đó góp phần gia tăng giá trị sản phẩm cho ngành Dệt May. Năm 2024, toàn hệ thống công đoàn không có vụ tranh chấp lao động nào và không xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, cho thấy mối quan hệ lao động ổn định. Một trong những dấu ấn lớn của CĐ DMVN trong năm 2024 là các chương trình chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động. Nổi bật trong số đó là chương trình "Tết sum vầy - Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình". Đặc biệt, CĐ DMVN đã trao tặng hơn 2 tỷ đồng cho 4.825 người lao động khó khăn, bao gồm quà Tết và vé tàu xe cho những người lao động quê xa không đủ điều kiện về thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, công tác cải thiện chất lượng bữa ăn ca cũng được triển khai mạnh mẽ, với mức ăn ca được nâng lên đáng kể, đạt từ 23.500 đến 27.500 đồng/suất tùy theo vùng miền. Các công ty và đơn vị không tổ chức bếp ăn đã hỗ trợ tiền ăn cho NLĐ với mức từ 40 đến 55 nghìn đồng mỗi bữa. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động trong ngành. Đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá, công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động trong ngành Dệt May được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, đặc biệt vào những thời điểm cao điểm như Tháng Công nhân, dịp kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam, và các dịp lễ, Tết cổ truyền. “Tôi cho rằng, nếu chúng ta biết tạo ra những điểm nhấn trong các hoạt động này, sẽ mang lại ý nghĩa sâu sắc và lan tỏa mạnh mẽ hơn. Và các đồng chí đã làm rất tốt công tác này”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định.
|
Thu nhập bình quân đạt kỷ lụcMặc dù ngành Dệt May đối mặt với khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2024 vẫn đạt mức 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023, một tín hiệu tích cực cho toàn ngành. Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động ngành Dệt May đã vượt mốc 10 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với năm 2023. Đây là một kết quả đáng ghi nhận trong điều kiện ngành Dệt May gặp nhiều khó khăn, khẳng định sự nỗ lực của CĐ DMVN trong việc duy trì ổn định đời sống cho người lao động.
|
Ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ: "Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá cao những bước tiến thực chất trong công tác của Công đoàn Dệt May Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay. Cả người sử dụng lao động (NSDLĐ) và đại diện người lao động (NLĐ) đều có nhận thức chung về việc bảo vệ việc làm và phát triển bền vững, xác định rõ ràng mục tiêu chung là giữ vững đội ngũ lao động và khách hàng, hướng đến kết quả đạt được”. Theo ông Lê Tiến Trường, một trong những thành công đáng chú ý là lần đầu tiên trong hệ thống dệt may, mức lương bình quân của người lao động đã vượt mốc 10 triệu đồng/tháng, điều này rất đáng ghi nhận đối với một ngành có quy mô lao động lớn như dệt may Việt Nam. “Tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá cao các hoạt động của CĐ DMVN, đặc biệt là các chương trình mang tính chiều sâu, có giá trị kinh tế cao và khả năng lan tỏa rộng, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị thông qua các ngày hội sáng kiến”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhấn mạnh. Ông Trường cũng cho rằng, khi các mục tiêu được đồng nhất, công đoàn và doanh nghiệp có thể phối hợp tổ chức các chương trình mà công đoàn “không cần phải xin phép”. Đây là một bước tiến quan trọng và có tính bản chất trong hoạt động của CĐ DMVN. “Chúng tôi đã từ bỏ phương án xin - cho trong công tác công đoàn từ năm 2020 đến nay. Công đoàn giờ đây hoạt động bình đẳng với Tập đoàn”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh, đồng thời khẳng định cam kết trên 95% lao động đã ký hợp đồng lao động trong hệ thống sẽ trở thành đoàn viên công đoàn. Năm 2024 sắp khép lại với những dấu ấn của Công đoàn Dệt May Việt Nam, từ việc ổn định quan hệ lao động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, đến việc đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành; tất cả đều là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thể hệ thống công đoàn.
|
Bài viết: MINH KHÔI Ảnh, Video: CĐ DMVN |