e magazine
30/11/2023 07:56
Đề xuất mô hình công đoàn ngành với tên gọi Công đoàn Siêu thị Việt Nam

30/11/2023 07:56

Đã có nhiều công đoàn cơ sở được thành lập trong các chuỗi siêu thị, các siêu thị tại Việt Nam, hoạt động rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, thu hút đông đảo lao động đến làm việc. Tuy nhiên đến nay, mô hình công đoàn các chuỗi siêu thị tại Việt Nam chưa được công nhận là mô hình công đoàn ngành (như Dệt may, Công thương, Y tế...).

Đề xuất mô hình công đoàn ngành với tên gọi Công đoàn Siêu thị Việt Nam

Đã có nhiều công đoàn cơ sở (CĐCS) được thành lập trong các chuỗi siêu thị và các siêu thị tại Việt Nam, thu hút đông đảo lao động đến làm việc. Tuy nhiên đến nay, mô hình công đoàn các chuỗi siêu thị tại Việt Nam chưa được công nhận là mô hình công đoàn ngành.

Thực trạng mô hình công đoàn siêu thị và chuỗi siêu thịLĐLĐ TP Bến Tre tổ chức Lễ thành lập CĐCS và ra mắt Ban Chấp hành lâm thời đối với CĐCS Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Siêu thị BIG C An Lạc tại Bến Tre. Ảnh: Bảo Dung

Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" đã đặt ra nhiệm vụ, yêu cầu đối với Công đoàn Việt Nam:“Thiết kế mô hình tổ chức Công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động, tiếp cận và giải quyết kịp thời các nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động... và xây dựng mô hình hoạt động phù hợp cho công đoàn cơ sở doanh nghiệp có đông đoàn viên…”.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và triển khai Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát mô hình công đoàn trong các chuỗi siêu thị ở Việt Nam.

Qua khảo sát cho thấy, thực tiễn thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn trong các chuỗi siêu thị còn nhiều bất cập, nhất là chưa tìm ra mô hình công đoàn phù hợp để có thể lan tỏa trên toàn quốc. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích thực trạng mô hình công đoàn trong các chuỗi siêu thị tại Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị.

Chuỗi siêu thị được đánh giá là một trong những mô hình kinh doanh có tốc độ phát triển ấn tượng và hấp dẫn tại Việt Nam, thu hút số lượng lớn lao động đến làm việc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 500 siêu thị và các trung tâm thương mại; gần 6000 cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam. Chỉ tính riêng 08 chuỗi siêu thị lớn ở Việt Nam, số lao động đang làm việc khoảng gần 100 nghìn người.

Đã có nhiều CĐCS được thành lập trong các chuỗi siêu thị, các siêu thị tại Việt Nam, hoạt động rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, thu hút đông đảo lao động đến làm việc, nhưng đến nay mô hình công đoàn các chuỗi siêu thị tại Việt Nam chưa được công nhận là mô hình Công đoàn ngành (như Dệt May; Công Thương; Y tế...).

Kết quả, tuy công tác chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động công đoàn sát với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn nhưng lại chồng chéo, xáo trộn nhiều vấn đề trong cùng chuỗi siêu thị. Hoạt động chuyên môn chưa gắn với công đoàn và ngược lại. Hoạt động công đoàn chưa phù hợp với những đặc điểm, đặc trưng của lao động và chuỗi siêu thị, chưa tạo tính liên kết cao, chưa tập hợp được sức mạnh của đoàn viên và người lao động trong chuỗi siêu thị.

Vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra mô hình công đoàn phù hợp với điều kiện phát triển các chuỗi siêu thị ở Việt Nam là cần thiết, có ý nghĩa đối với hoạt động công đoàn ở Việt Nam hiện nay.

Thực trạng mô hình công đoàn siêu thị và chuỗi siêu thị

Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Mạng lưới Công đoàn Quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNI APRO) và Liên hiệp Công đoàn ngành Dệt, Hoá học, Thực phẩm, Thương mại và Dịch vụ Nhật Bản (UA ZENSEN) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn trong chuỗi các siêu thị tại Việt Nam trong điều kiện hiện nay”. Ảnh: Ban Đối ngoại, Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đặc điểm lao động và công đoàn trong các chuỗi siêu thị

Đặc điểm lao động chuỗi siêu thị

Khi nghiên cứu về chuỗi siêu thị, chúng tôi rút ra được các đặc điểm lao động cơ bản sau:

Quy mô lao động lớn, cơ cấu bộ máy chặt chẽ gồm các phòng, bộ phận làm việc, nhóm công việc đảm bảo đủ để vận hành nhịp nhàng, thông suốt, kịp thời và hiệu quả.

Ngoài ra, bản thân từng chuỗi chuỗi siêu thị thường có chiến lược mở rộng phạm vi, quy mô kinh doanh nên nhu cầu sử dụng lao động năm sau thường tăng vọt so với năm trước, có chuỗi siêu thị xây dựng cả chiến lược nguồn nhân lực theo mốc 5 năm và tầm nhìn 10 năm, thậm chí còn dài hơn (trừ những năm qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động nói chung, thị trường lao động trong chuỗi siêu thị tại Việt Nam giảm đáng kể).

Những lao động làm việc trong chuỗi siêu thị có thể được hưởng cùng một chế độ đãi ngộ với cùng chính sách quản lý nhưng địa điểm làm việc khác nhau. Điều này đặt ra những khó khăn trong quản lý nhân sự của chuỗi siêu thị, kể cả hoạt động công đoàn, như: khó tập trung nhân lực khi tổ chức các phong trào thi đua; các hoạt động có tính chất tập trung nhiều lực lượng như hội họp, tập huấn, đào tạo, hội thi, hội thao, hội diễn…

Chênh lệch về trình độ, nhận thức giữa những người lao động: nhân lực làm việc trong chuỗi siêu thị cũng có sự khác nhau rất lớn về trình độ, nhận thức. Ví dụ vị trí quản lý (quản lý ngành hàng; quản lý siêu thị; quản lý nhân lực; quản lý kế hoạch… ) bao giờ cũng đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, tiêu chuẩn cao hơn so với các vị trí việc làm đơn giản như nhân viên bán hàng, thu ngân, quầy, bốc vác... Nhóm đối tượng này đôi khi chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông là đã đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm. Đây cũng là rào cản không nhỏ khi tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, hoặc tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo nâng cao tay nghề, bậc thợ, phát triển nguồn nhân lực để bồi dưỡng bổ sung cho vị trí cao hơn trong chuỗi siêu thị khi cần...

Thời gian làm việc: tùy theo bộ phận làm việc, có bộ phận làm việc theo giờ hành chính, có bộ phận làm việc theo ca, kíp để đảm bảo theo được thời gian mở cửa của chuỗi siêu thị (thường là từ 8h đến 22h, có một số nơi từ 7h đến 22h).

Bộ phận làm việc theo giờ hành chính chủ yếu là bộ phận tổ chức nhân sự, văn phòng hành chính, kế toán, kế hoạch; bộ phận làm việc theo ca, kíp nhằm phục vụ khách hàng liên tục như thu ngân, quầy, bốc vác, tạp vụ, kho… Nhóm này bắt buộc phải làm việc theo sự luân phiên hoán đổi khung thời gian làm việc để nhân viên có thời gian nghỉ ngơi đảm bảo tái tạo sức lao động.

Riêng nhóm bảo vệ an ninh an toàn siêu thị phải trực làm việc 24/24 và thường được bố trí theo 2 đến 3 ca cho một ngày đêm (ca 1 từ 6h - 14h; ca 2 từ 14h - 22h; ca 3 từ 22h - 6h sáng hôm sau) để đảm bảo cho nhân viên đủ sức khỏe để làm việc. Ngoài ra, còn một bộ phận làm việc bán thời gian (khoán công việc, khoán sản phẩm, hợp đồng trọn gói).

Người lao động ít có mối liên hệ, giao lưu giữa các bộ phận: xuất phát từ thời gian làm việc khác nhau giữa bộ phận làm theo giờ hành chính với bộ phận ca, kíp, bộ phận khoán việc, khoán sản phẩm. Từ đó dẫn đến tình trạng có nhiều nhân viên cùng làm việc trong một siêu thị nhưng họ lại ít biết về nhau, điều đó đã làm khó khăn trong việc tập hợp đoàn kết lực lượng, thu hút người lao động tham gia vào các hoạt động công đoàn.

Thực trạng mô hình công đoàn siêu thị và chuỗi siêu thị

Công đoàn Mega Market tặng quà nam đoàn viên, người lao động. Ảnh: MM

Lao động trong chuỗi siêu thị thường xuyên biến động: nhân viên làm việc ở các vị trí như quầy, phục vụ, bốc vác, hỗ trợ chăm sóc khách hàng… thường không đòi hỏi quá cao về trình độ, phần lớn là sử dụng lao động phổ thông.

Mặt khác, có nhiều người lao động mặc dù đã qua đào tạo bài bản về trình độ nghề nghiệp nhưng vẫn lựa chọn làm việc ở những vị trí đơn giản này như một công việc tạm thời. Chính vì thế, tỷ lệ lao động bỏ việc, nhảy việc trong các siêu thị khá cao và thường xuyên.

Thêm vào đó, việc bố trí lao động theo ca, kíp đã gây nhiều khó khăn, áp lực cho người lao động, đặc biệt là những lao động đã có gia đình và con nhỏ. Hơn nữa, ở những vị trí công việc này, nhiều siêu thị cũng ưu tiên sử dụng lao động trẻ tuổi hoặc yêu cầu về kỹ năng giao tiếp, ngoại hình, nên những lao động lớn tuổi hơn và ở ngưỡng 35 tuổi trở lên khó đáp ứng yêu cầu và phải rời vị trí để nhường việc làm cho giới trẻ.

Tiền lương, thu nhập, tiền thưởng của người lao động trong chuỗi siêu thị thường thấp, không đảm bảo cuộc sống; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cơ hội thăng tiến ít, chất lượng bữa ăn ca thấp, điều kiện lao động còn có nơi chưa đảm bảo... Tất cả lý do đó đã và đang làm cho người lao động trong các siêu thị biến động, xáo trộn, khó quản lý.

Đặc điểm về mô hình công đoàn các chuỗi siêu thị

Mô hình công đoàn trong các chuỗi siêu thị chịu ảnh hưởng lớn bởi mô hình hoạt động của các siêu thị, đồng thời mô hình công đoàn các chuỗi siêu thị cũng có những đặc điểm riêng, đó là:

Công đoàn các chuỗi siêu thị là tổ chức chính trị - xã hội thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thành lập phù hợp với pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động trong các siêu thị, chuỗi siêu thị.

Đối tượng tập hợp của công đoàn các chuỗi siêu thị là đoàn viên, người lao động làm việc trong các siêu thị, chuỗi siêu thị hoạt động trên phạm vi toàn quốc.

Công đoàn các chuỗi siêu thị là mô hình tổ chức Công đoàn theo ngành nghề, ra đời đáp ứng các yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và quá trình hội nhập quốc tế; mục tiêu đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công đoàn, góp phần giải quyết những bất cập hoạt động công đoàn trong các chuỗi siêu thị, các siêu thị hiện nay.

Đồng thời làm thay đổi nhận thức và hành động của đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn các cấp về tính hiệu quả và lợi ích của mô hình công đoàn các chuỗi siêu thị.

Đây là kênh thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động công đoàn; nâng cao vị thế, vai trò của cán bộ công đoàn, của tổ chức Công đoàn trong các chuỗi siêu thị; xây dựng tổ chức Công đoàn siêu thị, chuỗi siêu thị vững mạnh toàn diện và sát với nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng các chuỗi siêu thị, siêu thị phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Thực trạng mô hình công đoàn siêu thị và chuỗi siêu thị

Đồng chí Trần Minh Hùng (đứng) - Chủ tịch Công đoàn Mega Market tập huấn cho đội ngũ cán bộ CĐCS. Ảnh: MM

Công đoàn các chuỗi siêu thị ra đời nhằm thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động làm việc trong các siêu thị thông qua hoạt động: tham gia quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nội quy, quy chế của siêu thị cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và việc làm bền vững; tăng cường tính liên kết chặt chẽ, hiệu quả; trao đổi và cung cấp thông tin nhanh, thuận lợi để cán bộ, đoàn viên có cơ hội học tập trao đổi kinh nghiệm trong công tác, làm việc…

Thực trạng mô hình tổ chức và hoạt động của công đoàn trong các siêu thị tại Việt Nam

Mô hình tổ chức Công đoàn trong các chuỗi siêu thị tại Việt Nam có sự đa dạng về hình thức, cách thức tổ chức. Sau đây là một số mô hình tiêu biểu:

Mô hình công đoàn chuỗi siêu thị Co.opMart: Công đoàn Saigon Co.op là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở do LĐLĐ TP Hồ Chí Minh thành lập và quản lý chỉ đạo trực tiếp. Công đoàn Saigon Co.op đang quản lý chỉ đạo trực tiếp 137 CĐCS các siêu thị, trung tâm thương mại trực thuộc, với khoảng 13.000 đoàn viên. Tại các CĐCS có hình thức công đoàn bộ phận, tổ công đoàn. Mô hình tổ chức Saigon Co.op được đánh giá đang phát huy hiệu quả.

Mô hình công đoàn chuỗi siêu thị MM Megamarket: MM Megamarket là loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, có 26 chi nhánh tại 17 tỉnh, thành phố (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Hạ Long, Vinh, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Dương, Biên Hòa, Phan Thiết, Sapa, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên, Tiền Giang), có 3.512 lao động.

Tổ chức Công đoàn được thành lập theo mô hình CĐCS, có 25 CĐCS thành viên, 01 công đoàn bộ phận và 150 tổ công đoàn, với tổng số 2.862 đoàn viên. Mô hình CĐCS MM Megamarket ban chấp hành CĐCS chỉ đạo trực tiếp các CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn. Văn phòng làm việc của CĐCS tại trụ sở chính của chuỗi đặt tại TP Hồ Chí Minh.

Mô hình công đoàn chuỗi siêu thị AEON: AEON là tập đoàn bán lẻ lâu đời của Nhật Bản và rất nổi tiếng tiếng tại nhiều nước trên thế giới. Hiện AEON có 6 Trung tâm thương mại, 37 siêu thị/cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh, thành phố, nhưng phổ biến và phát triển mạnh ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, có 4.200 lao động.

Tổ chức Công đoàn được thành lập sau khi chuỗi siêu thị hoạt động ổn định, là mô hình CĐCS, có 08 công đoàn bộ phận và 107 tổ công đoàn, với tổng số 3.900 đoàn viên. Mô hình CĐCS Aeon do Ban Chấp hành CĐCS chỉ đạo trực tiếp các công đoàn bộ phận, tổ công đoàn, văn phòng làm việc của CĐCS tại trụ sở chính của chuỗi Aeon đặt tại TP Hồ Chí Minh.

Mô hình công đoàn chuỗi siêu thị BigC: Chuỗi siêu thị BigC hoạt động kinh doanh theo mô hình “trung tâm thương mại” hay “đại siêu thị” là hình thức kinh doanh bán lẻ hiện đại đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, BigC có 18 công ty, 63 đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trải dài các tỉnh, thành phố; với 7.000 lao động. Mô hình công đoàn được thành lập gồm 18 công đoàn cơ sở, 63 CĐCS thành viên, tổng số 6.000 đoàn viên.

Do tổ chức Công đoàn cấp trên ở các tỉnh, thành khác nhau thành lập và quản lý chỉ đạo trực tiếp. Mô hình này được đánh giá là khó khăn, phức tạp, bởi trong cùng một chuỗi siêu thị, về chuyên môn do một ông chủ quản lý điều hành nhưng về hoạt động công đoàn thì do nhiều tổ chức Công đoàn cấp trên khác nhau chỉ đạo hoạt động, dẫn đến nhiều nội dung hoạt động không thống nhất với nhiệm vụ chuyên môn của chuỗi siêu thị.

Thực trạng mô hình công đoàn siêu thị và chuỗi siêu thịĐồng chí Đoàn Đức Hân - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu (đứng) khảo sát hoạt động công đoàn chuỗi siêu thị. Ảnh: TGCC

Ngoài ra, mô hình tổ chức Công đoàn ở một số chuỗi siêu thị như Masan; MWG; Lotte; Lan Chi Mart… cũng được thành lập tương tự như mô hình công đoàn ở BigC. Ở các chuỗi siêu thị này cũng do nhiều tổ chức Công đoàn cấp trên ở nhiều tỉnh, thành khác nhau thành lập và quản lý chỉ đạo trực tiếp công đoàn siêu thị đặt tại địa phương. Loại hình công đoàn là CĐCS, có cơ sở thành viên, có công đoàn bộ phận, có tổ công đoàn.

Qua nghiên cứu, chúng tôi đã thấy được sự bất cập về mô hình công đoàn trong các chuỗi siêu thị, đó là: tuy có cùng mục đích kinh doanh bán lẻ, nhưng mô hình tổ chức Công đoàn hình thành ở đây đang là mô hình hỗn hợp, đa dạng, phức tạp, lỏng lẻo, chưa có mô hình thống nhất, dẫn đến một số phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên chưa đồng đều và thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.

Điều này dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động tại cơ sở hiệu quả thấp, chất lượng chưa cao, chưa phát huy được vai trò của tổ chức Công đoàn, nhất là vấn đề thương lượng tập thể, phối hợp hoạt động giữa Ban Chấp hành Công đoàn với phía chủ sử dụng lao động.

Mặt khác, một số CĐCS siêu thị được thành lập, nhưng không có CĐCS thành viên, không có công đoàn bộ phận, không có tổ công đoàn, ở đó Ban Chấp hành CĐCS chỉ đạo điều hành trực tiếp mọi mặt hoạt động công đoàn và đến đoàn viên (mô hình này đang phổ biến, nhưng chủ yếu thuộc các CĐCS có số ít đoàn viên, tuy mô hình siêu thị có các phòng, ban, phân xưởng, chi nhánh nhưng ở đó có số lượng đoàn viên không nhiều nên không thành lập tổ công đoàn hoặc công đoàn bộ phận).

Thực trạng mô hình công đoàn siêu thị và chuỗi siêu thị
Công đoàn Công ty TNHH Thương mại quốc tế và Dịch vụ Siêu thị BigC Thăng Long (Siêu thị BigC Thăng Long) khen thưởng các cá nhân xuất sắc năm 2022. Ảnh: CĐCC

Kết luận

Các chuỗi siêu thị tại Việt Nam đã được thành lập tổ chức Công đoàn, hoạt động của các tổ chức Công đoàn trong các chuỗi siêu thị đa số độc lập không phụ thuộc vào nhau, do các tổ chức Công đoàn cấp trên ở các địa phương khác nhau thành lập, quản lý và trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

Tuy nhiên, cũng có chuỗi siêu thị hoạt động công đoàn được tập trung, phụ thuộc vào nhau theo hình thức CĐCS có các cơ sở thành viên, có công đoàn bộ phận, có tổ công đoàn và do CĐCS tại văn phòng trụ sở chính của chuỗi siêu thị quản lý và chỉ đạo trực tiếp.

Có thể thấy, mô hình công đoàn trong các chuỗi siêu thị hiện nay còn phụ thuộc vào các tổ chức Công đoàn cấp trên khác nhau quản lý chỉ đạo. Từ đó dẫn đến chồng chéo giữa hoạt động công đoàn với chuyên môn. Nội dung hoạt động công đoàn trong cùng chuỗi siêu thị chưa thống nhất, chưa hiệu quả, chưa tập hợp được sức mạnh của người lao động cùng ngành nghề, chưa tạo được tiếng nói chung, tính liên kết ngành nghề còn thiếu.

Vai trò của công đoàn chưa được mạnh, các quan hệ lao động tiềm ẩn và phát sinh phức tạp, phần nào đã ảnh hưởng đến tâm tư của đoàn viên. Việc đề xuất một mô hình công đoàn phù hợp với các chuỗi siêu thị là cần thiết trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam.

Với những số liệu chúng tôi nghiên cứu được, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình công đoàn ngành với tên gọi Công đoàn Siêu thị Việt Nam và cấp dưới là các chuỗi siêu thị (MM Megamarket; Công đoàn AEON; Công đoàn BigC…) và có các CĐCS trực thuộc là các siêu thị thuộc các các công đoàn chuỗi siêu thị này.

ĐOÀN ĐỨC HÂN

Ban Tổ chức, Tổng LĐLĐ Việt Nam

Xem phiên bản di động