e magazine
19/05/2022 17:44
Đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Thủ tướng: Có an cư mới lạc nghiệp

19/05/2022 17:44

Cơn bão Covid-19 ập đến khiến hàng vạn công nhân vội vã hồi hương trong một hành trình dài thăm thẳm và những giấc ngủ chập chờn nơi vệ đường. Lúc ấy chúng ta mới chợt nhận ra rằng “tài sản của họ có gì ngoài vợ con ngồi đằng sau và cái xe máy chở bao tải quần áo?”.
Kiến nghị với Thủ tướng: Công nhân có “an cư” mới “lạc nghiệp”

Cơn bão Covid-19 ập đến khiến hàng vạn công nhân vội vã hồi hương trong một hành trình dài thăm thẳm và những giấc ngủ chập chờn nơi vệ đường. Lúc ấy chúng ta mới chợt nhận ra rằng “tài sản của họ có gì ngoài vợ con ngồi đằng sau và cái xe máy chở bao tải quần áo?”...

Hơn 2 năm trước, tôi tình cờ gặp Vượng trong xóm trọ nằm cuối con ngõ nhỏ ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Xóm trọ 2 tầng, có 16 phòng, mỗi phòng chưa đến chục mét vuông, tối om và cửa ngoài khép kín bởi người thì đi làm, người còn đang nằm ngủ lấy sức đi ca đêm.

Cũng như các xóm trọ khác ở địa phương, nơi này được gia chủ xây dựng sơ sài, phục vụ công nhân ngoại tỉnh làm việc trong các Khu công nghiệp Thăng Long, Quang Minh. Đặc điểm chung là giá rẻ, chật hẹp, dùng chung nhà vệ sinh và hầu hết không có tiện nghi...

Bà Chúc - mẹ vợ của Vượng khi ấy đang bế đứa cháu ngoại 7 tháng tuổi đứng ngoài cổng. Đó là nơi duy nhất có ánh sáng tự nhiên, thoáng đãng và có... chút niềm vui theo như lời bà nói.

Người phụ nữ quê Hà Nam lần đầu tiên ra khỏi lũy tre làng để nhận một “nhiệm vụ” mà các cụ thường đúc kết: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”. Bà kể, con gái đi làm công nhân vừa hết thời gian nghỉ thai sản nên bà phải bỏ cả ruộng nương để lên Thủ đô trông cháu.

“Lên đây mới biết chúng nó sống khổ quá, ngột ngạt quá. Cả ngày tôi bế cháu ra ra vào vào cho đỡ bí bách. Mời chú vào chơi cho biết”, bà nói với tôi.

Kiến nghị với Thủ tướng: Công nhân có “an cư” mới “lạc nghiệp”

Căn phòng trọ của gia đình Vượng - Ảnh: Ý YÊN

Hơn 4 giờ chiều, Vượng vừa ngủ dậy, tóc tai bù xù và vẫn còn ngồi ngái ngủ trên tấm đệm ngổn ngang chăn, màn, đồ chơi của con gái... Chừng hơn hai tiếng nữa anh bắt đầu vào ca đêm.

Trong căn phòng chật hẹp, lỉnh kỉnh đồ đạc và mùi thức ăn quyện lẫn mùi ẩm mốc, Vượng chia sẻ rất thật: “Em xác định không gắn bó lâu dài ở đây được, hơn 10 năm đi làm không để ra được bao nhiêu. Bây giờ lại phải trang trải nhiều thứ hơn nữa, từ ăn uống sinh hoạt cho gia đình ở đây, lại còn gửi về nuôi một cháu ở quê nữa. Em cũng đang bảo vợ viết đơn rồi, sắp tới xin nghỉ về quê vì ở đây cuộc sống gò bó quá. Mình không có nhà ở đây, mà đi thuê trọ thế này bí bách lắm, trẻ con nó khổ, không phát triển được, bà cũng vất vả. Còn em cũng cố làm thời gian nữa rồi sau cũng phải tính đường về quê làm cái gì chứ chán cảnh này lắm rồi!".

Kiến nghị với Thủ tướng: Công nhân có “an cư” mới “lạc nghiệp”
Kiến nghị với Thủ tướng: Công nhân có “an cư” mới “lạc nghiệp”

Khu vệ sinh chung của xóm trọ công nhân - Ảnh: Ý YÊN

Tại thời điểm đó (2020), Viện Công nhân và Công đoàn tiến hành một cuộc khảo sát, cho biết có tới 66% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ để ở. Trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% công nhân lao động đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan.

Gia đình Vượng là điển hình của bộ phận lớn công nhân nhập cư có tay nghề nhưng chưa lúc nào an tâm về lựa chọn nghề nghiệp của mình, mà lý do chính là vấn đề nhà ở.

Hầu hết phải ở tạm, sống tạm, mong kiếm chút vốn để sau chục năm trở về quê xây, sửa lại cái nhà, mở một cửa hàng nho nhỏ buôn bán, hoặc bắt đầu một công việc mới để duy trì cuộc sống, nuôi dạy con cái…

Kiến nghị với Thủ tướng: Công nhân có “an cư” mới “lạc nghiệp”

Nhiều đứa trẻ lớn lên trong không gian chật hẹp của xóm trọ công nhân - Ảnh: Ý YÊN

Hai năm qua, dịch Covid-19 như một “cơn bão” càn quét làm chao đảo đời sống công nhân lao động. “Cơn bão” ập đến khiến hàng vạn công nhân vội vã hồi hương trong một hành trình dài thăm thẳm và những giấc ngủ chập chờn nơi vệ đường. Lúc ấy chúng ta mới chợt nhận ra rằng “tài sản của họ có gì ngoài vợ con ngồi đằng sau và cái xe máy chở bao tải quần áo?” - như lời TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

Tôi nhắn tin cho Vượng, em nói khỏe, vừa rồi nghỉ công ty để về quê với vợ con. Vượng tính vay mượn tiền để mua cái xe tải chở hàng nhưng giá xăng dầu tăng cao quá, sợ “không ăn thua”.

Hơn chục năm làm việc, Vượng là công nhân có tay nghề cao tại một công ty lắp ráp phụ tùng xe máy của Nhật Bản, thế mà bây giờ bỏ việc về quê, coi như làm lại từ đầu, lý do duy nhất là không thể an cư nơi phố thị.

Nghị quyết 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: “Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí, xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập”. Trong khi đó, cả nước hiện chỉ có hơn 200 dự án nhà ở dành cho công nhân, chưa thể đáp ứng được nhu cầu rất bức thiết hiện nay.

Có nhiều vấn đề được đặt ra để giải quyết câu chuyện này như chế độ ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định về quỹ đất dành cho nhà ở công nhân trong khu công nghiệp..., và trên hết là sự quan tâm, chỉ đạo, tháo gỡ quyết liệt của Chính phủ.

Có như vậy, các dự án nhà ở xã hội, các thiết chế về nhà ở cho công nhân lao động mới được "khơi thông", đẩy nhanh tiến độ; công nhân lao động mới “an cư lạc nghiệp”, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có như vậy mới góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới - như quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 02-NQ/TW.

Thực hiện Kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2022, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến đề xuất tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.

Để chuẩn bị nội dung Chương trình, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn nắm bắt, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân lao động khu công nghiệp với Đảng, Nhà nước.

Các nhóm vấn đề gồm: Công tác chăm lo bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động (nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, nơi khám chữa bệnh, tín dụng cho công nhân…); việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp cho công nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để công nhân nỗ lực trong lao động sản xuất, cống hiến, xây dựng, phát triển đất nước; các sáng kiến, đề xuất, hiến kế của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động phát triển đất nước, thực hiện khát vọng dân tộc.

Là tiếng nói của công nhân lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn mở diễn đàn “Đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Thủ tướng”, mong nhận được ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động.

Chúng tôi mong muốn, qua diễn đàn này, công nhân lao động có điều kiện để thẳng thắn đề xuất, kiến nghị và những nguyện vọng, mong ước gửi đến người đứng đầu Chính phủ.

Thời gian nhận bài viết tham gia diễn đàn: từ ngày 16/05 đến hết ngày 21/5/2022.

Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ: tapchidientu.laodongcongdoan@gmail.com

Ý YÊN

Diễn đàn “Đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Thủ tướng” Diễn đàn “Đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Thủ tướng”

Tạp chí Lao động và Công đoàn mở ra diễn đàn “Đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Thủ tướng”.

Diễn đàn "Đề xuất, kiến nghị của CNLĐ gửi đến Thủ tướng": Mong muốn được tăng lương Diễn đàn "Đề xuất, kiến nghị của CNLĐ gửi đến Thủ tướng": Mong muốn được tăng lương

Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng leo thang hiện nay, công nhân lao động (CNLĐ) đều mong muốn được tăng lương tối thiểu ...

Một số vấn đề kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Một số vấn đề kiến nghị Thủ tướng Chính phủ

Sau đại dịch Covid-19, đời sống công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được Nhà nước, Công đoàn nhìn nhận ...

Xem phiên bản di động