
Đề xuất người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp cả khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật |
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 8 Chương, 55 điều (giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9).
Liên quan mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, tham gia góp ý cho dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên tối thiểu 65% và cho phép Chính phủ điều chỉnh tăng lên tối đa 75% trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh quy mô lớn.
Có ý kiến đề nghị tăng mức hưởng lên 70% nhưng không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng và cứ mỗi 6 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã rà soát và thấy rằng, việc Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư thời gian qua chủ yếu được tích lũy từ giai đoạn trước, do được Ngân sách nhà nước hỗ trợ hằng năm, khi đó, số đối tượng thụ hưởng các chế độ còn ít. Nhưng từ năm 2020 đến nay thì số thu và chi bảo hiểm thất nghiệp hằng năm là cân bằng nhau.
Cùng với đó, nghiên cứu một số quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, tỷ lệ này là 45%. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 12 tuần (3 tháng) trong thời kỳ 12 tháng.
Theo cơ quan thẩm tra, mức hưởng là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế và các mức trợ cấp mà người lao động được nhận khi mất việc làm theo quy định hiện hành. Mức này bảo đảm cho người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống trong thời gian thất nghiệp cho tới khi tìm được việc làm mới.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay cũng phù hợp với nguyên tắc mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng và khả năng cân đối thu chi của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì từ năm 2020 đến nay, số thu và chi bảo hiểm thất nghiệp hằng năm cân bằng nhau). Do vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị được giữ như dự thảo Luật.
Theo quy định tại Điều 39 dự thảo luật, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. |
Đối với đề nghị rà soát quy định về khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan thẩm tra đã rà soát, chỉnh lý nhằm bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, và thống nhất với quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời, bỏ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp do nội dung này đã được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Trong bối cảnh thị trường lao động còn nhiều biến động và người lao động vẫn là đối tượng dễ tổn thương nhất khi mất việc làm, việc giữ nguyên mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm được xem là giải pháp an toàn, ổn định và có cơ sở thực tiễn.
Dù có đề xuất nâng mức hưởng, nhưng thực tế cho thấy khả năng cân đối của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiện chỉ ở mức thu - chi cân bằng. Nếu điều chỉnh tăng trong khi chưa có phương án tăng nguồn thu bền vững, Quỹ có thể đối mặt nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.
Mặt khác, chính sách cần tính đến yếu tố công bằng, hiệu quả và bền vững thay vì chạy theo nguyện vọng ngắn hạn. Việc giữ mức hưởng hiện tại phù hợp với thông lệ quốc tế, không gây áp lực lên quỹ, đồng thời vẫn đủ để người lao động có thời gian tái hòa nhập thị trường lao động.
Tin mới hơn

Người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu được hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm y tế

Trực thuộc Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn vẫn là tổ chức riêng

Tổng Liên đoàn hướng dẫn tổ chức lại bộ máy công đoàn cấp tỉnh, cấp cơ sở
Tin tức khác

Bổ sung 4 trường hợp được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế từ 1/7

Giữ nguyên chế độ, chính sách hiện hành với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp bộ máy

Cán bộ công chức được điều chuyển về xã sẽ hưởng mức lương thế nào?

Từ 1/7: Người lao động theo hợp đồng không chính thức cũng phải đóng bảo hiểm xã hội

Hưởng lương hưu thế nào khi nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178?
