e magazine
18/10/2020 10:00
Đề xuất giảm 50 - 70% lệ phí hàng hải để hỗ trợ thuyền viên về nước

18/10/2020 10:00

Trước tình hình khó khăn do thuyền viên bị mắc kẹt vì Covid-19, Cục Hàng hải đã đề xuất giảm 50 - 70% lệ phí hàng hải hoặc mức phí, lệ phí để hỗ trợ thuyền viên về nước.
Đề xuất giảm 50 - 70% lệ phí hàng hải hoặc mức phí để hỗ trợ thuyền viên về nước

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, những thuyền viên hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt tại nước ngoài nóng lòng muốn về nước. Nếu tiếp tục kẹt lại trên tàu, quá hạn hợp đồng như hiện nay, sức khỏe thể chất và tinh thần của thuyền viên bị ảnh hưởng rất nhiều. Trước tình hình đó, Cục Hàng hải đã đề xuất giảm 50 - 70% lệ phí hàng hải hoặc mức phí, lệ phí để hỗ trợ thuyền viên về nước.

Đề xuất giảm 50 - 70% lệ phí hàng hải hoặc mức phí để hỗ trợ thuyền viên về nước

Theo số liệu từ Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), hiện có gần một triệu thuyền viên đang làm việc trên khoảng 60.000 tàu chở hàng lớn trên toàn thế giới, trong đó có thuyền viên Việt Nam. Tính đến tháng 8/2020, ước tính hơn 250.000 thuyền viên cần hồi hương. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều nước đã đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế, đóng cửa biên giới, cảng biển và sân bay và ban hành lệnh hạn chế đi lại đối với công dân nước ngoài để hạn chế sự lây lan. Điều đó dẫn đến việc thuyền viên đã hết hạn hợp đồng nhưng không thể về nước, bị kẹt lại ở nhiều nước trên thế giới.

Từ tháng 3/2020 đến nay, ngoài đường hàng không, việc thay thế thuyền viên tại nước ngoài và thay thế thuyền viên tại cảng biển Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với việc thay thế thuyền viên tại nước ngoài, theo quy định, phải có thuyền viên khác sang thay. Tuy nhiên việc đưa thuyền viên từ Việt Nam sang cũng gặp các khó khăn tương tự như đưa thuyền viên về nước, bị kẹt trên tàu mà chưa có hướng giải quyết. Thuyền viên không được hồi hương theo đúng quy định của Công ước Lao động hàng hải (MLC).

Đề xuất giảm 50 - 70% lệ phí hàng hải hoặc mức phí để hỗ trợ thuyền viên về nước

Việt Nam là một trong số các quốc gia đã cho phép thay thế thuyền viên tại cảng biển Việt Nam và tiếp nhận thuyền viên quốc tịch nước ngoài lên bờ chữa bệnh. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng có liên quan về việc giải quyết khó khăn trong việc thay thế thuyền viên tại cảng biển Việt Nam.

Do khó khăn trong việc đặt chuyến bay thương mại đưa thuyền viên hồi hương, một số chủ tàu đã lựa chọn việc thay thế thuyền viên tại các cảng biển Việt Nam. Đối với tàu thuyền vào cảng để bốc dỡ hàng hóa thì rất thuận lợi cho việc kết hợp thay thuyền viên và phương án này đang được chủ tàu lựa chọn để thực hiện. Tuy nhiên, đối với tàu thuyền chỉ ghé vào cảng để thay thuyền viên mà không bốc dỡ hàng hóa thì chủ tàu phát sinh rất nhiều chi phí như: Phí cảng biển, chi phí nhiên liệu, chi phí ngày thuê tàu, phí kiểm dịch…

Đề xuất giảm 50 - 70% lệ phí hàng hải hoặc mức phí để hỗ trợ thuyền viên về nước
Tàu cập Cảng Thị Vải - Cái Mép để dỡ hàng và thay thuyền viên. Ảnh: ST

Theo quy định tại Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 và Thông tư số 90/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải, tàu thuyền vào cảng để thay thuyền viên không thuộc đối tượng được miễn phí cảng biển (phí tải trọng, phí bảo đảm an toàn hàng hải, phí neo đậu…), mà áp dụng bằng 70% mức phí theo quy định. Với mức quy định này thì phí cảng biển vẫn rất lớn, do vậy một số chủ tàu đã phải từ chối việc đưa thuyền viên về nước do phát sinh nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, chi phí cách ly tại các tỉnh khác nhau, một số nơi thu phí thấp theo mức quy định, nhưng một số nơi thu phí rất cao tùy thuộc vào địa điểm và điều kiện cách ly. Theo báo cáo của doanh nghiệp, một số địa phương không đủ chỗ cho việc cách ly tập trung đã dùng khách sạn làm nơi cách ly với chi phí cao, với tổng thời gian cách ly là 14 ngày thì số tiền chủ tàu phải bỏ ra cho thuyền viên thực hiện cách ly là rất lớn. Đây cũng là một áp lực về tài chính cho chủ tàu trong công tác đưa thuyền viên hồi hương.

Bà Trần Thị Cẩm Hà - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế - Inlaco Saigon cho biết: “Chủ tàu biển đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa thuyền viên hết hạn hợp đồng rời tàu vì đại lý dịch vụ báo phí quá cao. Nhiều đại lý báo rằng khu cách ly hết chỗ nên thuyền viên phải cách ly ở khách sạn với phí rất cao khiến chủ tàu phản ứng mạnh. Thêm vào đó, nếu không cập cảng để làm hàng, các chủ tàu chịu “thiệt đơn, thiệt kép” với đủ loại phí neo, vào luồng...”.

Đề xuất giảm 50 - 70% lệ phí hàng hải hoặc mức phí để hỗ trợ thuyền viên về nước

Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư số 261/2016/TT-BTC để tiếp tục tạo điều kiện cho các thuyền viên được thay thế đúng quy định. Theo đó quy định đối với tàu thuyền vào cảng thay thế thuyền viên trong thời gian dịch bệnh mà không thực hiện bốc dỡ hàng hóa thuộc đối tượng được miễn các khoản phí, lệ phí hàng hải hoặc được giảm 50-70% mức phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư nêu trên; Có ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho chủ tàu Việt Nam trong việc đưa thuyền viên cách ly thuyền với mức chi phí phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Thời gian qua, lượng thuyền viên thay thế tại cảng biển Việt Nam (bao gồm thuyền viên Việt Nam là việc trên tuyến quốc tế, thuyền viên nước ngoài đến thời hạn thay thế) nhiều nhất tập trung tại một số cảng biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Quảng Trị, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại Hải Phòng, từ tháng 2/2020 đến ngày 31/7/2020 giải quyết cho 832 thuyền viên quốc tịch Việt Nam và 130 thuyền viên quốc tịch nước ngoài; tại Quảng Ninh, từ 01/3/2020 đến 4/8/2020 giải quyết cho 569 thuyền viên trong đó có 404 thuyền viên Việt Nam và 165 thuyền viên nước ngoài; tại Vũng Tàu, từ 1/3/2020 đến 3/8/2020 giải quyết cho 514 thuyền viên; tại Quảng Trị, từ đầu năm đến ngày 03/8/2020 giải quyết cho 3.914 thuyền viên nhập cảnh từ Trung Quốc về cảng biển Cửa Việt; tại TP Hồ Chí Minh, từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2020 giải quyết cho 1.011 thuyền viên.

“Mong chính quyền xúc tiến hoạt động để hỗ trợ thuyền viên về nước bằng đường hàng không và cảng biển. Tàu mình mang quốc tịch Anh. Hãng tàu của mình có hàng trăm con tàu hoạt động khắp thế giới. Có lần tàu đi qua cảng Việt Nam mà không cập bến, thật sự cảm xúc rất hụt hẫng như bước đến cửa nhà mà không thể về” – anh Tạ Trần Châu Phong (Kiên Giang) chia sẻ.

Bài: Duy Minh
Ảnh: ST
Đồ họa: Duy Minh

Xem phiên bản di động