Đề nghị Thanh tra Lao động vào cuộc vụ nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01

Cục Hàng hải Việt Nam vừa đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh vào cuộc xử lý vụ nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01.

Liên quan đến vụ việc nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01, ngày 23/11/2020, Cục Hàng hải Việt Nam đã có Công văn số 4443/CHHVN-TTHH về việc xử lý trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, ngày 4/6/2020, cơ quan này nhận được đơn kêu cứu của đội ngũ thuyền viên làm việc trên tàu Việt Tín 01. Chủ tàu Việt Tín 01 là Công ty Cổ phần Vận tải Việt Tín (trụ sở chính tại 14 Phan Tôn, phường Đa Kao, Quận 1, TP Hồ Chí Minh).


Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì cuộc họp liên quan đến thuyền viên tàu Việt Tín 01

Ảnh: CHH

Đề nghị Thanh tra Lao động vào cuộc vụ nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01

Thuyền viên kiến nghị việc Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên (trụ sở tại phòng 619, tầng 6, tòa nhà Thành Đạt, số 4 Lê Thánh Tông, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) ký hợp đồng thuê thuyền viên lên tàu Việt Tín 01 từ ngày 10/3/2020 đến ngày 24/3/2020 (thời gian 15 ngày) để đưa tàu đang neo tại khu neo cảng Johor (Malaysia) về Việt Nam.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thuyền viên không thể thực hiện sửa chữa tàu theo đúng kế hoạch. Đội ngũ thuyền viên đã nhiều lần yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên có kế hoạch đưa thuyền viên về Việt Nam. Cục Hàng hải Việt Nam đã nhiều lần có công văn yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động. Đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký kết. Tuy nhiên, Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên đã nhiều lần không thực hiện trách nhiệm, cam kết với người lao động và cơ quan chức năng.

Ngày 14/9/2020, 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 đã được hồi hương trên chuyến bay dành cho công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thuyền viên tàu Việt Tín 01 đã không được chủ sử dụng lao động là Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên thực hiện trách nhiệm trả lương trong 6 tháng làm việc trên tàu (từ tháng 3 – 8/2020) và tiền ăn trong các tháng 6, tháng 8/2020.

Công ty này cũng đã không thực hiện “lời hứa” với Cục Hàng hải Việt Nam là chuyển số tiền 22.000 RM (tiền Malaysia) tương đương với 5.100 USD để đại lý làm thủ tục đưa các thuyền viên tàu Việt Tín 01 về nước. Đồng thời không chi trả chi phí liên quan đến vé máy bay của thuyền viên cũng như chi phí cách ly tại Việt Nam.

Đề nghị Thanh tra Lao động vào cuộc vụ nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01

Công văn của Cục Hàng hải Việt Nam gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CHH

Theo quy định tại Thông tư số 38/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 28/4/2017 hướng dẫn chi phí hồi hương cho thuyền viên thì chủ tàu có trách nhiệm chi trả cho thuyền viên khi hồi hương. Quy định áp dụng với thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam (trừ các tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá) hoạt động tuyến quốc tế quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015.

Chủ tàu có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên hồi hương trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 61 và khoản 1 Điều 66 Bộ luật Hàng hải Việt Nam và thanh toán toàn bộ các chi phí theo quy định. Trường hợp thuyền viên tự thu xếp hồi hương, chủ tàu phải hoàn trả chi phí hồi hương cho thuyền viên.

Chi phí hồi hương thuyền viên do chủ tàu thanh toán bao gồm: Chi phí đi đến địa điểm hồi hương được quy định trong hợp đồng; chi phí ăn, ở của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương (thanh toán chi phí theo hoá đơn thực tế và không vượt quá định mức quy định tại Quyết định 43/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Chi phí hồi hương thuyền viên do chủ tàu thanh toán cũng bao gồm: Tiền lương và trợ cấp đi lại của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu đến thời điểm đến nơi hồi hương; chi phí vận chuyển tối đa 30 kg hành lý cá nhân của thuyền viên đến nơi hồi hương theo hoá đơn thực tế; chi phí chăm sóc y tế cần thiết cho tới khi thuyền viên đủ điều kiện sức khỏe để tới được nơi hồi hương theo hoá đơn thực tế.

Nhưng theo ông Lương Quyết Thắng - Thuyền trưởng tàu Việt Tín 01, số tiền mà 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 bị nợ bao gồm: tiền lương từ ngày 25/3/2020 đến 31/8/2020 là 1.112.813.000 đồng. Tiền ăn mà công ty nợ thuyền viên là 94.922.000 đồng. Tiền vệ sinh dầu là 20.000.000 đồng. Tiền điện thoại là 6.000.000. Tổng số tiền công ty còn nợ thuyền viên là 1.233.735.000 đồng.

Sau khi về nước, 12 thuyền viên đã đi cách ly tập trung tại Nha Trang (Khánh Hòa). Hết hạn cách ly và có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, các thuyền viên đã trở về nhà.

Giấy ra viện của ông Lương Quyết Thắng - Thuyền trưởng tàu Việt Tín 01

Ảnh: ThC

Đề nghị Thanh tra Lao động vào cuộc vụ nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01

Ông Lương Quyết Thắng bị suy tim, phải cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Ngoài nguyên nhân do tuổi tác còn một nguyên nhân nữa là do việc phải suy nghĩ, lo lắng kéo dài nhiều tháng khi mắc kẹt trên tàu Việt Tín 01 ở Malaysia.

Theo ông Thắng, toàn bộ thuyền viên tàu Việt Tín 01 đều có gia cảnh hết sức khó khăn. Thuyền viên nhận lời đi tàu để có tiền trang trải cuộc sống. Không ngờ sau khi sang đến Malaysia thì xảy ra dịch bệnh. Cuộc sống trên tàu của anh em thiếu thốn trăm bề. Suốt trong thời gian mắc kẹt tại Malaysia, thuyền viên không được doanh nghiệp trả lương. Gia đình thuyền viên ở nhà không có tiền để trang trải cuộc sống. Có thuyền viên trẻ tuổi vợ sinh con nhỏ nên rất khó khăn.

Nay dù trở về nhà, thuyền viên vẫn bị doanh nghiệp “phớt lờ” chuyện trả lương. Một số thuyền viên không thể chờ đợi được đã đi xin việc làm. Tất cả thuyền viên đều mong mỏi được trả lương, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đang tới gần.

Trong các cuộc họp bàn phương án giải quyết vấn đề nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01, ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định: “Công ty cổ phần Vận tải Việt Tín hiện vẫn đang là chủ tàu Việt Tín 01, do vậy vẫn phải chịu trách nhiệm với con tàu và các thuyền viên trên tàu theo quy định của pháp luật về hàng hải. Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên là đơn vị ký hợp đồng với các thuyền viên, thợ sửa chữa và điều động nhân lực này xuống tàu, chịu trách nhiệm trực tiếp về sự an toàn, chế độ chính sách liên quan đến các thuyền viên và thợ sửa chữa trên tàu Việt Tín 01”.

Đề nghị Thanh tra Lao động vào cuộc vụ nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01

"Thay mặt thủy thủ tàu Việt Tín 01, tôi xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan của Bộ Ngoại Giao, Cục Hàng hải Việt Nam, Liên đoàn Công nhân vận tải thế giới (ITF) để chúng tôi được hồi hương. Chúng tôi mong muốn được thanh toán tiền lương để đảm bảo cuộc sống".

Ông Lương Quyết Thắng - Thuyền trưởng tàu Việt Tín 01. Ảnh: ThC

Do vậy, căn cứ vào các quy định của pháp luật về lao động, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh xem xét, xử lý trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động theo đúng quy định và có biện pháp để đơn vị sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người lao động.

Bài viết: Duy Minh

Ảnh: ST