e magazine
26/09/2020 10:00
Dấu mốc phát triển vĩ đại của giai cấp công nhân, công đoàn Việt Nam

26/09/2020 10:00

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công không chỉ dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mà còn là dấu mốc vĩ đại đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của giai cấp công nhân (GCCN) và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Từ đây, GCCN, tổ chức Công đoàn Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới.
Dấu mốc phát triển vĩ đại của giai cấp công nhân, công đoàn Việt Nam

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công không chỉ dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mà còn là dấu mốc vĩ đại đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của giai cấp công nhân (GCCN) và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Từ đây, GCCN, tổ chức Công đoàn Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới.

***

1. Vai trò của công nhân - công đoàn trong Cách mạng tháng Tám

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: Giai cấp vô sản ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng chỉ phát triển và chỉ có thể phát triển bằng con đường công đoàn, bằng sự tác động qua lại giữa công đoàn và đảng của GCCN, chứ không thể bằng con đường nào khác.

Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và về công nhân, công đoàn nói riêng vào điều kiện Việt Nam. Năm 1927, trong cuốn Đường Kách mệnh, Người đã khái quát vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn, đồng thời đặt nền móng về lý luận cho sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

GCCN Việt Nam năm 1945 chỉ có 200 nghìn người, song đã đi đầu trong các phong trào cách mạng, cùng Công hội Đỏ (Công đoàn Việt Nam) đồng hành với dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng vùng lên giành tự do, độc lập trong Cách mạng tháng Tám. Sau đó tiếp tục tham gia các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống xâm lược, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN, đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử từ khi đất nước đổi mới đến nay.

Dấu mốc phát triển vĩ đại của giai cấp công nhân, công đoàn Việt Nam

2. Sự trưởng thành của GCCN, Công đoàn Việt Nam

GCCN, Công đoàn Việt Nam sinh ra và trưởng thành từ một nước nông nghiệp, vốn là thuộc địa của thực dân, đế quốc nhưng do sớm tiếp thu lý luận, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đấu tranh của phong trào cộng sản, công nhân và công đoàn quốc tế, có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nên đã không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng quan trọng, nòng cốt trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN ở Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, nếu trước 1986, nước ta có khoảng 3,38 triệu công nhân, chiếm 16% lực lượng lao động xã hội; thì đến cuối 2015 tăng lên 12.856,9 nghìn người, chiếm 14,01% dân số và 23,81% lực lượng lao động xã hội. Trong đó, có 1.371,6 nghìn công nhân làm việc trong doanh nghiệp nhà nước (chiếm 10,67%); 7.712,2 nghìn công nhân làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 59,99%); 3.772,7 nghìn công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 29,34%)1.

Không chỉ tăng về số lượng, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, GCCN còn nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp. Kết quả thống kê cho thấy, nếu so với năm 2005, lao động qua đào tạo chỉ chiếm 12,5% tổng số lao động thì đến năm 2010 tăng lên 14,6% và đến 2016 tăng lên 20,6%. Nếu phân theo ngành nghề, tỷ lệ công nhân được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến tăng từ 13,4% năm 2010 lên 18,5% năm 2016; lĩnh vực xây dựng tăng từ 12,6% năm 2010 lên 14,0% năm 2016; lĩnh vực dịch vụ vận tải tăng từ 33,6% năm 2010 lên 55,2% năm 2016; lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng từ 79,3% năm 2010 lên 83,1% năm 2016 2.

Cùng với GCCN, Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Tính đến hết năm 2019, cả nước có hơn 10,5 triệu đoàn viên, sinh hoạt tại hơn 126 nghìn công đoàn cơ sở.

Công nhân, công đoàn đã, đang và luôn là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, củng cố khối liên minh GCCN, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. GCCN là lực lượng chủ yếu vận hành, sử dụng những phương tiện, công cụ sản xuất hiện đại, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dấu mốc phát triển vĩ đại của giai cấp công nhân, công đoàn Việt Nam
Dấu mốc phát triển vĩ đại của giai cấp công nhân, công đoàn Việt Nam
Công nhân, công đoàn đã, đang và luôn là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước.

3. Phát triển GCCN và Công đoàn Việt Nam hiện nay

Trải qua chặng đường vẻ vang hơn 90 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được rèn luyện và vượt qua nhiều thử thách, các thế hệ công nhân và Công đoàn Việt Nam đã không ngừng sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng chiến đấu và cống hiến cho công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngày nay, GCCN đã trở thành một lực lượng hùng mạnh, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước. Tổ chức Công đoàn không chỉ là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ mà còn là tổ chức để tập hợp, giáo dục CNVCLĐ phấn đấu vì lý tưởng XHCN, vì sự phồn vinh của đất nước.

Trong bối cảnh mới của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với việc chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của GCCN, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng GCCN, đặc biệt là các nội dung trong Nghị quyết số 20-NQ/TW (khóa X).

Dấu mốc phát triển vĩ đại của giai cấp công nhân, công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và lợi thế đang có, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, tập trung đổi mới đồng bộ cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để hoàn thành tốt vai trò tổ chức đại diện cho GCCN và NLĐ, đồng thời là thành viên tích cực trong hệ thống chính trị Việt Nam: “Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, giữ vững vai trò hạt nhân trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân và những NLĐ”3.

Công đoàn cần tham mưu hoàn thiện và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của GCCN trong quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc thực hiện hiệu quả chính sách việc làm cho công nhân.

Cần đổi mới nội dung và hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và hiểu biết pháp luật cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuyên truyền, giáo dục, giúp đoàn viên, NLĐ nâng cao nhận thức về giai cấp, về Đảng, về chế độ, về tổ chức Công đoàn, về sứ mệnh của GCCN Việt Nam. Giáo dục, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức chính trị, kiến thức pháp luật, giữ vững bản lĩnh, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội cho đoàn viên, NLĐ.

Từ khi đổi mới đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ CNVCLĐ trong cả nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng và quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, nỗ lực vươn lên trong lao động, giữ vai trò quyết định thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, phong trào công nhân, hoạt động của Công đoàn Việt Nam còn có những hạn chế, bất cập, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục đổi mới hoạt động, từng bước nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cùng với đó, tích cực quan tâm chăm lo đảm bảo lợi ích chính đáng cho đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX”. Thực tiện tốt chương trình “Tết Sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, hoạt động của Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng lao động và những chương trình do công đoàn cơ sở phát động.

Đào Đình Thưởng - Học viện Chính trị Khu vực I.

Đỗ Thái Huy -Trường Chính trị Lê Hồng Phong.

***

Tài liệu tham khảo:

- V.I. Lê nin, Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000.

- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2005.

- Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2005, 2013, 2016, Nxb Thống kê, HN.

Chú thích:

1, 2. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2005, 2013, 2016, Nxb Thống kê, HN, 2006, 2014, 2017.

3. Phát biểu của GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Xem phiên bản di động