Đáp ứng nhu cầu “an cư lạc nghiệp” của công nhân lao động

Hiện nay, cùng với việc phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19, số lượng công nhân lao động ngoại tỉnh quay trở lại TP. Đà Nẵng ngày càng đông, khiến nhu cầu về nhà ở tăng cao.

Nhu cầu cao về nhà ở

Đà Nẵng hiện có hơn 27 nghìn lao động ngoại tỉnh (chiếm tỉ lệ khoảng 40%) công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp (KCN). Phần lớn công nhân ngoại tỉnh đang thuê trọ gần các KCN để tiện cho việc đi làm. Với tài chính hạn hẹp, nhiều người lao động chọn sống trong những căn phòng trọ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn.

Từ tháng 10/2020, Dự án Nhà ở Công nhân KCN Hòa Cầm giai đoạn 1 do LĐLĐ TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư với 285 căn hộ được đưa vào sử dụng. Sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh, nhu cầu thuê Nhà ở Công nhân của người lao động lại tăng cao.

Đáp ứng nhu cầu “an cư lạc nghiệp” của công nhân lao động

Nhiều phòng trọ của công nhân thuê với diện tích nhỏ, đã xuống cấp. Ảnh: XH

Vượt hơn 80 cây số đi về mỗi ngày để làm việc tại Công ty TNHH Apple Film Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm), chị Ngô Thị Viên (SN 1990, quê Đại Lộc, Quảng Nam) không nhớ nỗi bản thân đã bao lần phải đối mặt với nguy hiểm trên đường đi.

Chị tâm sự, những ngày đi làm ca sớm và ca tối, quãng đường di chuyển từ nhà đến nơi làm việc trở thành thử thách không hề nhỏ. Vì là mẹ đơn thân, có con nhỏ, chị Viên buộc phải gửi cháu cho bà và đi về mỗi ngày để được chăm sóc con. Nhiều lần chị tìm kiếm phòng trọ đảm bảo an toàn để đón con và mẹ của mình ra Đà Nẵng nhưng vẫn chưa tìm được vì giá phòng trọ quá cao.

Gần đây, khi được Công đoàn Công ty TNHH Apple Film Đà Nẵng giới thiệu về Nhà ở Công nhân KCN Hòa Cầm, chị Viên đã tức tốc làm thủ tục hồ sơ để được thuê nhà.

“Nhiều lần tôi có dự định sẽ đưa mẹ mình và con gái ra thuê trọ ở Đà Nẵng nhưng phòng trọ giá rẻ thì không đảm bảo an toàn. Đến nay, khi được giới thiệu về khu Nhà ở Công nhân, tôi rất mừng. Hy vọng hồ sơ của tôi sẽ được phê duyệt để bản thân có thể yên tâm, gắn bó với công việc lâu dài”, chị Viên tâm sự.

Khu Nhà ở Công nhân tại KCN Hòa Cầm giai đoạn 1 được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2020. Ảnh: XH

Đáp ứng nhu cầu “an cư lạc nghiệp” của công nhân lao động

Cũng trong thời gian chờ duyệt hồ sơ, chị Lê Thị Thúy An (SN 1988, công nhân Công ty TNHH Fujikura Automotive) bày tỏ mong muốn được sớm dọn vào Nhà ở Công nhân.

Thời gian qua, chị An cùng chồng và 3 con nhỏ sống tại căn nhà cấp 4 tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

Căn nhà là nơi che nắng, che mưa cho gia đình chị trong nhiều năm. Tuy nhiên, đến nay ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa. Mùa mưa vừa qua, toàn bộ trần la phông của căn nhà bị mục nát đổ ập xuống, khiến chị An vô cùng lo lắng.

“Bây giờ, chúng tôi chỉ mong sớm thuê được Nhà ở Công nhân để cuộc sống ổn định. Mùa nắng sắp đến, các con của tôi cũng không thể chịu được nắng nóng”, chị An cho biết.

Tạo điều kiện cho công nhân “an cư lạc nghiệp”

Được biết, Nhà ở Công nhân KCN Hòa Cầm hiện có 31 gia đình đang sinh sống. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng đã có sử dụng nơi này là khu cách ly F1, các hộ gia đình sinh sống tại đây phải chuyển ra ngoài. Đến tháng 3 vừa qua, Nhà ở Công nhân không được sử dụng là khu cách ly, người lao động mới được trở lại ở.

Theo ông Trần Văn Biên – Phó Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, đơn vị luôn tạo điều kiện và mong muốn công nhân, người lao động được sớm tiếp cận với Nhà ở Công nhân để "an cư lạc nghiệp".

Đáp ứng nhu cầu “an cư lạc nghiệp” của công nhân lao động

Các phòng cho thuê ở đây có diện tích từ 15 đến19 mét vuông. Ảnh: XH

“Chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp với các đơn vị để tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân, người lao động tiếp cận với Nhà ở Công nhân”, ông Biên cho biết.

Là đơn vị trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê nhà, trong thời gian qua, LĐLĐ TP. Đà Nẵng đã tích cực đôn đốc các bên tiếp tục giới thiệu hồ sơ thuê nhà và trình ký 9 hồ sơ, hơn 30 hồ sơ đang được đề nghị bổ sung theo đúng quy định.

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP. Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh, ngay sau khi thành phố ngừng việc sử dụng Nhà ở Công nhân là khu cách ly, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các buổi họp để tháo gỡ khó khăn cho người lao động và xem xét lại các đối tượng thuê nhà phù hợp.

“Với vai trò của mình, LĐLĐ cũng tổ chức họp với các cơ quan liên quan như: Cục Thuế TP. Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để tìm cách tháo gỡ các bước. Trước mắt, LĐLĐ TP. Đà Nẵng tiếp tục thông tin để giới thiệu công nhân và người lao động vào ở. Sắp đến sẽ hướng đến việc mở rộng các đối tượng công nhân, người lao động nằm ngoài KCN nhưng làm việc cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, nếu có nhu cầu sẽ xem xét cấp chỗ ở”, Chủ tịch LĐLĐ TP. Đà Nẵng cho biết.

Đáp ứng nhu cầu “an cư lạc nghiệp” của công nhân lao động

LĐLĐ TP. Đà Nẵng đang tích cực giới thiệu với nhiều công nhân có nhu cầu được tiếp cận với Nhà ở Công nhân. Ảnh: XH

Hiện LĐLĐ TP đã yêu cầu công đoàn cơ sở có hướng dẫn cụ thể về việc làm hồ sơ thuê nhà cho công nhân lao động đã ký hợp đồng trên 12 tháng để trình các cơ quan rà soát và phê duyệt.

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng vướng mắc lớn nhất khiến Nhà ở Công nhân vẫn còn trống nhiều là diện tích phòng còn nhỏ (chỉ từ 15 đến 19 mét vuông). Trên thực tế, nếu công nhân sinh sống với gia đình sẽ gặp khó khăn.

“Sắp tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc giới thiệu để tiếp cận đối tượng công nhân còn trẻ, chưa lập gia đình vì ở diện tích như vậy sẽ phù hợp”, đồng chí Nguyễn Duy Minh cho biết.

XUÂN HẬU