Yêu cầu cao hơn đối với người lao động ngành Du lịch

Mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, Đà Nẵng đang hướng đến việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng được những nhu cầu ngày một cao của khách hàng.

Mong sớm mở cửa DU LỊCH

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng số khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ước đạt gần 36.000 lượt, tăng 16,71% so với 2021, chủ yếu là khách nội địa.

Thông tin du lịch Đà Nẵng khởi sắc khiến nhiều người lao động trong ngành rất mong chờ. Từng là nhân viên lễ tân tại Khách sạn Lotus (Sơn Trà, Đà Nẵng), chị Hoàng Thị Lê Diệu (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) rất vui khi du lịch Đà Nẵng đã bắt đầu khởi sắc trở lại.

Gần 2 năm qua, khi dịch bệnh bùng phát, khách sạn nơi chị Diệu làm việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong 6 tháng đầu tiên chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, lượt khách sụt giảm, khoảng 30% người lao động của khách sạn phải tạm ngưng việc để giảm bớt các chi phí.

Khách sạn cầm cự đến đầu năm 2021, toàn bộ nhân viên trong đó có chị Diệu phải nghỉ làm vì dịch bệnh bùng phát mạnh và không có chi phí để chi trả lương. Mất việc, chị Diệu làm phục vụ tại một quán ăn để trang trải cuộc sống. Hiện tại, chị Diệu đang rất mong chờ thành phố sớm mở lại các hoạt động du lịch để được trở lại với công việc.

“Tôi phụ giúp quán ăn này hơn nửa năm, đã quen việc nhưng vẫn luôn sẵn sàng để trở lại công việc lễ tân. Tôi rất nhớ nghề, bởi bản thân đã gắn bó và được đào tạo với công việc đó”, chị Diệu cho biết.

Yêu cầu cao hơn đối với người lao động ngành Du lịch

TP. Đà Nẵng đón chuyến bay đầu tiên vào mùng Một, Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: XH

Anh Huỳnh Đức (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) mới đây đã ngưng công việc làm thêm của bản thân và quay trở lại nhà hàng, nơi từng gắn bó trước lúc Covid-19 xuất hiện.

“Trước đây, trong thời gian dịch bệnh tôi làm nhân viên giao hàng. Bản thân luôn xác định nếu dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động du lịch tại Đà Nẵng nhộn nhịp, tôi sẽ quay lại với công việc bếp của mình. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhà hàng nơi tôi từng làm việc đã mở cửa hoạt động và có liên hệ với các nhân viên cũ. Hầu hết mọi người đều sẵn sàng trở lại với công việc”, anh Đức cho biết.

Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, thành phố khó có tình trạng thiếu hụt lao động ngành Du lịch, bởi đang có đến 56.000 người lao động. Đối tượng này đang rất mong chờ được trở lại với công việc.

Hơn nữa, khách du lịch không thể quay lại một lúc nhanh nên cùng với tiến độ phục hồi nguồn khách thì các doanh nghiệp cũng sẽ phục hồi nguồn lao động.

“Các doanh nghiệp vẫn rất chủ động trong việc sử dụng nguồn lao động tại chỗ, đồng thời có sự liên lạc với lực lượng lao động cũ khi cần thiết nên chưa cần mở các phiên giao dịch việc làm”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng nhận định.

Tập trung công tác đào tạo

Nhìn chung, ngành Du lịch không quá khan hiếm người lao động. Song, theo ông Dũng, ngành vẫn có sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao. Vì vậy, bài toán đặt ra là công tác đào tạo người lao động ngành Du lịch phải được thực hiện bài bản, chỉn chu.

Yêu cầu cao hơn đối với người lao động ngành Du lịch

“Tận dụng thời gian nghỉ dịch Covid-19, Sở Du lịch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã tổ chức hàng loạt các khóa đào tạo cho người lao động, trong đó bao gồm đào tạo để nâng cao tay nghề và đào tạo chuyển đổi nghề. Mình có thể đào tạo thêm một số nhóm chuyên môn khác để tăng kỹ năng, nghiệp vụ. Nếu người lao động ngày xưa chỉ làm buồng thì nay họ có thể làm qua bồi bàn, hoặc làm bếp,...”, ông Dũng dẫn chứng.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, khách du lịch hiện nay quan tâm hơn đến chất lượng, trải nghiệm và giá trị gia tăng. Vì vậy, các nội dung đào tạo phải được xây dựng rõ ràng, trong quá trình nghỉ dịch, người lao động vẫn được đào tạo để vừa không mất nghề mà vừa nâng cao nghiệp vụ.

“Khách hàng sẽ có những yêu cầu ngày một cao hơn để lựa chọn những dịch vụ tốt hơn. Vì vậy, việc đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của việc tái cấu trúc ngành. Trong quá trình phục vụ cũng cần bổ sung thêm các nhóm kiến thức mới về những dịch vụ đó”, ông Dũng chia sẻ.

Yêu cầu cao hơn đối với người lao động ngành Du lịch

Ký kết thoả thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng và Hội Khách sạn Đà Nẵng trong việc cung cấp nguồn nhân lực và phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm mục đích nâng cao kiến thức thực tiễn cho sinh viên ngành Du lịch. Ảnh: Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ người lao động ngành Du lịch. Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng đã có gói vay vốn cho hàng ngàn hướng dẫn viên để họ vượt qua đại dịch. Việc làm này cũng góp phần giữ nguồn nhân lực để khôi phục lại ngành Du lịch sau khi dịch được kiểm soát. Theo đó, mỗi người sẽ được vay từ 40 đến 100 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 10 năm để duy trì cuộc sống và tự tạo việc làm.

Ngoài ra, LĐLĐ các quận, huyện vẫn dành sự quan tâm cho lực lượng đoàn viên, người lao động ngành Du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch LĐLĐ quận Ngũ Hành Sơn cho biết, thời điểm Tết Nhâm Dần 2022, LĐLĐ quận đã có những chuyến thăm để trao quà hỗ trợ cho người lao động khó khăn làm việc tại các đơn vị du lịch.

“Trong thời gian qua, các cấp Công đoàn quận luôn dành sự quan tâm, thường xuyên có các hỗ trợ, động viên đối với lực lượng đoàn viên, người lao động của ngành Du lịch gặp khó khăn do Covid-19”, ông Minh cho biết.

Về xây dựng các chương trình thu hút khách du lịch, ông Cao Trí Dũng cho biết, đầu năm mới, các thành viên Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã bàn bạc với các doanh nghiệp hội viên và ngành Hàng không để xây dựng kế hoạch xúc tiến, chương trình kích cầu khi du lịch Đà Nẵng trở lại.

Dự kiến sẽ có chương trình kích cầu vào khoảng cuối tháng 2/2022. Kế hoạch của doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh thu hút khách nội địa từ tháng 3 và thu hút khách quốc tế từ tháng 4/2022.

Yêu cầu cao hơn đối với người lao động ngành Du lịch

Thường trực LĐLĐ quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng thăm đoàn viên khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhân dịp Tết Nguyên đán 2022 tại Công ty TNHH Mỹ Phát. Ảnh: LĐLĐ quận Ngũ Hành Sơn

Bài viết: XUÂN HẬU