e magazine
23/12/2020 16:22
Cuối năm, giám đốc âm thầm bán doanh nghiệp, “đánh bài chuồn” với quyền lợi công nhân

23/12/2020 16:22

Hàng tháng, công ty vẫn trừ lương của công nhân để đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng lại không đóng cho cơ quan BHXH. Cuối năm, công ty không có việc, giám đốc cho công nhân nghỉ không lương, công nhân đi chốt sổ BHXH mới tá hỏa vì lâu nay công ty để nợ BHXH. Cùng lúc đó, giám đốc âm thầm bán công ty cho một người khác, để mặc hàng trăm công nhân khiếu nại đòi quyền lợi khắp nơi…
Cuối năm, giám đốc âm thầm bán doanh nghiệp, “đánh bài chuồn” với quyền lợi công nhân

Hàng tháng, công ty vẫn trừ lương của công nhân để đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng lại không đóng cho cơ quan BHXH. Cuối năm, công ty không có việc, giám đốc cho công nhân nghỉ không lương, công nhân đi chốt sổ BHXH mới tá hỏa vì lâu nay công ty để nợ BHXH. Cùng lúc đó, giám đốc âm thầm bán công ty cho một người khác, để mặc hàng trăm công nhân khiếu nại đòi quyền lợi khắp nơi…

Đó là tình trạng của hơn 500 công nhân làm việc tại Công ty TNHH Mỹ Tú (100% vốn nước ngoài; thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Đáng nói, đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng các chủ doanh nghiệp sau khi gây ra một khoản nợ lương, nợ BHXH rồi âm thầm bán doanh nghiệp, “đánh bài chuồn” với quyền lợi của công nhân nhưng đáng tiếc dường như vẫn chưa có “thuốc đặc trị”!

Công nhân trắng đêm đòi quyền lợi nhưng bất thành

Đêm 16/12, rất nhiều công nhân của Công ty TNHH Mỹ Tú (phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) đã tập trung tại nhà xưởng của công ty để yêu cầu chủ cũ và chủ mới phải làm rõ nghĩa vụ trả lương tháng 12, thưởng Tết và đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho công nhân.

Các công nhân cho biết, từ tháng 5/2020, công ty vẫn trừ lương của công nhân để đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng công ty không đóng cho cơ quan BHXH. Tháng 7 và tháng 8/2020, lấy lý do không có đơn hàng nên phía công ty cho một số công nhân nghỉ không lương. Công nhân mất việc nhưng không được nhận trợ cấp thất nghiệp, không được chốt sổ BHXH theo quy định, trước đó nhiều công nhân ốm đau, thai sản không được giải quyết quyền lợi… tất cả là vì công ty để nợ BHXH kéo dài.

Cuối năm, giám đốc âm thầm bán doanh nghiệp, “đánh bài chuồn” với quyền lợi công nhân
Những ngày cuối năm, công nhân Công ty TNHH Mỹ Tú thức trắng đêm tập trung tại nhà xưởng yêu cầu chủ mới lẫn cũ giải quyết quyền lợi cho họ

Ngày 17/11, giám đốc công ty bắt đầu di dời máy móc ra khỏi nhà xưởng, anh chị em công nhân tìm hiểu thông tin thì được biết giám đốc đã bán doanh nghiệp cho người khác. Đáng nói, bán doanh nghiệp nhưng các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động lại không được giám đốc đả động đến. Lo lắng bị mất quyền lợi, công nhân đã thức xuyên đêm canh giữ, không cho chủ doanh nghiệp tẩu tán tài sản và yêu cầu làm rõ ai là người giải quyết khoản nợ BHXH của công nhân. Mất việc, không lương, không thưởng, nguy cơ mất luôn quyền lợi về BHXH, nhiều công nhân cho rằng “năm nay coi như không có Tết”.

Cuối năm, giám đốc âm thầm bán doanh nghiệp, “đánh bài chuồn” với quyền lợi công nhân

Đến nay, quyền lợi về BHXH của hơn 500 công nhân Công ty TNHH Mỹ Tú vẫn chưa được giải quyết

Cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương xác nhận tính đến tháng 11/2020, Công ty TNHH Mỹ Tú còn nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hơn 9 tỉ đồng. Dù đã được cơ quan BHXH nhắc nhở, đôn đốc nhưng doanh nghiệp vẫn phớt lờ.

Tình trạng tái diễn nhiều năm và chưa có “thuốc đặc trị”

Được biết, vào ngày 4/11/2020, người đại diện theo pháp luật (cũ) của Công ty TNHH Mỹ Tú là ông Guk Seong Ok đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp cho bà Trần Thị Thùy Trang (là người đại diện theo pháp luật mới của công ty). Giá trị chuyển nhượng của bản hợp đồng hơn 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, về khoản nợ BHXH hơn 9 tỷ của công nhân thì hai bên không có phương án xử lý. Công nhân nhiều lần ngừng việc yêu giải quyết nhưng không được chủ cũ lẫn mới trả lời thỏa đáng.

Đáng nói, không phải đến bây giờ tình trạng chủ doanh nghiệp để nợ lương, nợ BHXH của công nhân rồi chờ đến cuối năm âm thầm bán doanh nghiệp, “đánh bài chuồn” với quyền lợi công nhân như trường hợp Công ty TNHH Mỹ Tú mới diễn ra. Trước đó, nhiều vụ việc tương tự đã được thực hiện, công nhân sau nhiều lần kiến nghị, ngừng việc nhưng cuối cùng không được giải quyết, đành chấp nhận bỏ luôn quyền lợi của mình.

Đơn cử là trường hợp Công ty TNHH Diễn Viên (Thị xã Thuận An, Bình Dương). Vào tháng 8/2014 khi đang nợ hơn 18 tỷ đồng BHXH, BHYT của công nhân thì ông chủ người nước ngoài là Kim Jae Seon (Quốc tịch Hàn Quốc) đột ngột thông báo bán công ty và “treo” luôn hơn 1.800 sổ BHXH của công nhân, đến nay không ai nhắc đến nữa.

Cuối năm, giám đốc âm thầm bán doanh nghiệp, “đánh bài chuồn” với quyền lợi công nhân
Công nhân Công ty Diễn Viên từng túc trực nhiều ngày liền để đòi quyền lợi nhưng cuối cùng đành phải buông.

Tại TP.HCM, nhiều vụ việc mua bán doanh nghiệp cũng đã được thực hiện trót lọt và không nằm ngoài mục đích “xù” luôn khoản nợ BHXH của người lao động. Có thể kể đến vụ việc Công ty TNHH Đi Nô và Công ty TNHH Green Apparel (100% vốn Hàn Quốc, chuyên may xuất khẩu, trụ sở 554 Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM). Hai ông chủ ngoại mua bán doanh nghiệp nhưng khoản nợ BHXH, BHYT hơn 2,6 tỉ đồng của gần 300 công nhân lại bị… bỏ quên, không ông chủ nào nhận. Khoản nợ BHXH này đến nay đã gần 5 năm, cứ đùn qua đẩy lại mãi và chỉ công nhân là bên chịu thiệt hại.

Tương tự, một vụ mua bán khác tốn nhiều nước mắt của công nhân là trường hợp tại Công ty TNHH J-Tex Vina (quận 9, TP.HCM). Đang nợ BHXH hơn 3 tỉ đồng, ông chủ của công ty này đã âm thầm bán nhà xưởng cho một ông chủ khác cũng là người Hàn Quốc. Với khoản nợ đó, cả hai ông chủ đều hứa, cam kết thực hiện nghĩa vụ nhưng cuối cùng quyền lợi của công nhân cũng bị lãng quên. Hơn 5 năm trôi qua, các công nhân cũng chẳng còn sức để đi đòi.

Liên quan đến vụ việc của Công ty TNHH Mỹ Tú, bà Lê Minh Lý – Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, khi có thông tin chủ Công ty TNHH Mỹ Tú bán doanh nghiệp trong khi vẫn nợ BHXH hơn 9 tỷ đồng, cơ quan BHXH đã có văn bản gửi cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn việc mua bán này. Đến nay, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hơn 9 tỷ đồng vẫn chưa được phía chủ doanh nghiệp giải quyết.

Như vậy, với việc cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương có văn bản đề nghị cơ quan công an can thiệp, trước mắt có thể được xem là một tín hiệu tốt để không lặp lại tình trạng công nhân mất trắng quyền lợi như hàng ngàn công nhân ở Công ty Diễn Viên, J-Tex Vina, Đi Nô… Còn về lâu dài, theo ý kiến của các chuyên gia pháp lý thì cái gốc vẫn là cần xử lý quyết liệt hơn nữa đối với tình trạng các chủ doanh nghiệp cố tình chây ì các khoản nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bởi khi số nợ quá lớn, các ông chủ sẽ tìm cách trốn nợ và mua bán doanh nghiệp là một trong những cách đó.

Cuối năm, giám đốc âm thầm bán doanh nghiệp, “đánh bài chuồn” với quyền lợi công nhân

Công nhân Công ty J-Tex Vina cũng từng thức thâu đêm để đòi quyền lợi nhưng cũng không đi đến đâu

Thông tin từ BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến ngày 30/11, tổng số tiền doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ BHXH là 900 tỉ đồng, (chiếm 3,6% so với số phải thu, tăng 269 tỉ đồng so với số nợ cùng kỳ năm 2019). Trong đó, các đơn vị nợ trên 12 tháng còn hoạt động là 243 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền nợ bao gồm cả nợ lãi là 115 tỉ đồng. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 đã bị hủy đơn hàng hàng loạt, không tiêu thụ được hàng hóa, không có nguyên liệu sản xuất dẫn đến cắt giảm lao động hàng loạt.

Lê Tuyết

Đồ họa: Ngô Thụy

Xem phiên bản di động