e magazine
06/10/2023 19:05
Cuộc ngừng việc của công nhân Công ty Viet Glory

06/10/2023 19:05

Sau 5 ngày ngừng việc, sáng nay (6/10) có khoảng 1.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (Diễn Châu, Nghệ An) trở lại nhà máy làm việc. “Tình hình đang có dấu hiệu được cải thiện”, theo lời lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu.
Cuộc ngừng việc của công nhân Công ty Viet Glory

Sau 5 ngày ngừng việc, hôm nay (6/10) có khoảng 1.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (Diễn Châu, Nghệ An) trở lại nhà máy làm việc. “Tình hình đang có dấu hiệu được cải thiện”, theo lời lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Diễn Châu.

Ngừng việc trong yên lặng

Cuộc ngừng việc bắt đầu từ chiều 2/10. Đây là lần thứ ba công nhân Công ty TNHH Viet Glory (Diễn Châu, Nghệ An) ngừng việc, kể từ khi doanh nghiệp này được thành lập (năm 2019).

Đồng chí Hà Huy Đồng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu nói rằng, trong cả ngày hôm nay và sáng mai, đơn vị tiếp tục phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo huyện ra tận cổng Công ty để tuyên truyền, vận động công nhân trở lại nhà máy.

“Đã là ngày thứ 5 họ ngừng việc. Hiện vẫn còn khoảng 5.000 công nhân chưa vào làm việc. Nếu sáng mai công nhân không vào làm việc, Công ty nhiều khả năng sẽ áp dụng theo luật, sẽ chấm dứt hợp đồng lao động”, Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu nói.

Vị lãnh đạo LĐLĐ huyện Diễn Châu nêu quan điểm, sẽ làm mọi cách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nhưng cũng phải dựa trên căn cứ pháp luật và đảm bảo mối quan hệ hài hòa với doanh nghiệp.

Phóng viên trao đổi với đồng chí Hà Huy Đồng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu.

Công ty TNHH Viet Glory thành lập ngày 19/11/2019 theo Giấy chứng nhận số 2902020657 do Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp.

Công ty có địa chỉ tại xóm 8, xã Diễn Trường huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Số công nhân lao động hiện tại là trên 6.500 người.

Cuộc ngừng việc của công nhân Công ty Viet Glory

Công nhân Công ty Viet Glory bắt đầu ngừng việc chiều 2/10/2023 - Ảnh: HUY ĐỒNG

Sáng sớm 2/10, đồng chí Hà Huy Đồng nhận được tin báo từ công đoàn cơ sở rằng có hiện tượng công nhân bàn nhau nghỉ việc đòi quyền lợi. 6 giờ 30 phút, cán bộ LĐLĐ huyện Diễn Châu cùng các ban, ngành của huyện đã có mặt tại Công ty để nắm tình hình. Đoàn làm việc với lãnh đạo Công ty trước khi mời đại diện các chuyền sản xuất ra khu vực riêng để nghe ý kiến.

Theo đó, công nhân yêu cầu lãnh đạo Công ty thực hiện 8 vấn đề, gồm: Tăng lương cơ bản; điều chỉnh lại sản lượng mục tiêu; cho công nhân mang thai ở tháng thứ 7 trở lên được về sớm 1 tiếng; lời nói và hành động của một số cán bộ cần giữ chuẩn mực; kiểm tra lại máy chấm công để đảm bảo không sai sót; điều chỉnh giờ họp trong thời gian làm việc, tránh họp sau giờ làm; thưởng tháng lương 13 theo thời gian làm việc thực tế, không trừ thời gian nghỉ phép của công nhân; tăng số lượng công nhân hưởng độc hại nặng nhọc và tăng mức phụ cấp độc hại nặng nhọc.

“Buổi sáng hôm đó, công nhân vào xưởng làm việc bình thường nhưng sau giờ ăn cơm trưa, họ tập trung ở nhà xe rồi đồng loạt ra về, không ồn ào, không băng rôn, không báo trước...”, đồng chí Hà Huy Đồng kể lại.

Cuộc ngừng việc của công nhân Công ty Viet Glory

Công nhân tập trung ở các con đường quanh khu vực nhà máy - Ảnh: HUY ĐỒNG

Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu cho biết thêm: “Các cuộc ngừng việc trước có biểu hiện rõ nét. Công nhân khi không ưng nội dung gì thì họ sẽ có đơn, hoặc đề nghị tổ chức Công đoàn đứng ra đấu tranh đòi quyền lợi, khi không được đáp ứng thì tổ chức ngừng việc. Nhưng đợt này thì không rõ nét. Trước khi ngừng việc họ không có ý kiến gì, không có đơn, cũng không có cuộc thương lượng nào”.

Chiều cùng ngày, trong buổi làm việc với ban lãnh đạo Công ty Viet Glory, LĐLĐ huyện Diễn Châu đề nghị phía Công ty bằng mọi biện pháp phải ban hành thông báo, trả lời dứt điểm các kiến nghị của công nhân.

Phía Công ty thực hiện theo đề nghị đó, lập tức đưa ra thông báo vào tối 2/10. Cụ thể, sẽ điều chỉnh thái độ làm việc của tất cả cán bộ nước ngoài và người Việt, cá nhân nào vi phạm sẽ bị kỷ luật. Công nhân mang thai tháng thứ 7 được về sớm trước 1 tiếng và hiện tại Công ty đang thực hiện đúng với quy định của pháp luật.

Cuộc ngừng việc của công nhân Công ty Viet Glory

Cán bộ công đoàn làm việc với đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory - Ảnh: HUY ĐỒNG

Thông báo cho biết: Công ty sẽ kiểm tra lại thiết bị máy chấm công và khắc phục ngay nếu có vấn đề. Để đảm bảo quyền lợi, công nhân không chấm công được phải thông báo cho phòng nhân sự.

Ngoài ra, Công ty sẽ điều chỉnh lại thời gian họp, nếu phải họp ngoài giờ sẽ tính là tăng ca theo quy định. Thông báo cho biết, Công ty cũng đã tăng mức thưởng sản lượng cho toàn bộ người lao động nhà máy từ cuối tháng 9/2023 để động viên tinh thần làm việc.

Tuy nhiên, về đề xuất tăng số lượng công nhân hưởng phụ cấp độc hại nặng nhọc và thưởng tháng lương 13 sẽ được phía Công ty xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Thông báo cũng nhấn mạnh, nếu công nhân nào làm trong môi trường độc hại nặng nhọc sẽ có phụ cấp.

Công đoàn tích cực vào cuộc

“Công nhân không đồng thuận với thông báo giải quyết kiến nghị từ phía Công ty. Họ muốn được trả lời rõ ràng, cụ thể và cải thiện ngay, thay vì để Công ty xem xét giải quyết trong thời gian tới”, đồng chí Hà Huy Đồng nói.

Đó cũng là lý do họ tiếp tục ngừng việc vào ngày 3/10 và những ngày tiếp theo. Mặc dù công nhân có đến Công ty nhưng đứng tụ tập ngoài cổng và các con đường xung quanh nhà máy khoảng 1 tiếng rồi ra về. Báo cáo của LĐLĐ huyện Diễn Châu cho biết, công nhân không gây ách tắc giao thông, không gây rối...

Voice phỏng vấn đồng chí Hà Huy Đồng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu.

Sáng ngày 04/10/2023, LĐLĐ tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, ngành và chính quyền địa phương trực tiếp đối thoại, tuyên truyền cho công nhân lao động tại Công ty. Đồng thời, đoàn làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory.

“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Cái gì chưa phù hợp pháp luật, Công ty sẽ phải sửa đổi cho phù hợp. Còn đối với những yêu cầu của người lao động, cũng cần phải cân đối, chia sẻ với Công ty bởi các chế độ còn phải phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty họ cũng đồng tình”, đồng chí Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Cuộc ngừng việc của công nhân Công ty Viet Glory

Cán bộ Công đoàn tỉnh Nghệ An tuyên truyền, vận động công nhân trở lại làm việc - Ảnh: HỮU ĐỒNG

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho biết, sau buổi làm việc, Công ty cam kết thêm một số nội dung có lợi hơn cho người lao động. Chẳng hạn, về định mức sản lượng áp dụng cho công nhân lao động, với mỗi đơn hàng, bộ phận kỹ thuật sẽ cho một nhóm công nhân lao động thử làm để tính toán định mức lao động phù hợp. Công ty cũng sẽ tuyên truyền đến công nhân về quy trình, cách tính định mức lao động để người lao động hiểu và thực hiện.

Công ty cũng tiếp thu và sửa đổi nội quy lao động trong thời gian tới, cụ thể là xem xét lại mức độ cảnh cáo lỗi của người lao động, ban hành quy định xử phạt hợp lý hơn.

Công ty cũng sẽ đảm bảo thời gian làm việc của công nhân đúng quy định pháp luật, bằng cách rà soát, kiểm tra lại thời gian làm việc, tổ chức họp phù hợp.

Cuộc ngừng việc của công nhân Công ty Viet Glory

Cán bộ Công đoàn đối thoại với công nhân lao động - Ảnh: HUY ĐỒNG

Về các chế độ phúc lợi cho người lao động, mặc dù không thuộc quy định bắt buộc của pháp luật nhưng trong thời gian tới, căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty hứa sẽ tiếp tục quan tâm hơn (như tiền xăng xe, chuyên cần...).

Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nghệ An Nguyễn Chí Công, có một số chế độ đã được tổ chức Công đoàn thương lượng tăng vào đầu năm ngoái, khi công nhân ngừng việc tập thể.

Trước tình hình nhiều công nhân vẫn ngừng việc, LĐLĐ huyện Diễn Châu nắm bắt tình hình, phối hợp với LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai tích cực tuyên truyền vận động công nhân đi làm.

LĐLĐ huyện Diễn Châu còn thành lập đường dây nóng, hộp thư góp ý đặt tại Công ty để nắm bắt tình hình công nhân thường xuyên tại tất cả các doanh nghiệp có đông công nhân.

“Chiều nay, sáng mai chúng tôi tiếp tục vận động, kêu gọi công nhân đi làm trở lại. Hy vọng sáng mai họ sẽ vào làm việc”, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An nói, đồng thời cho biết trong quá trình nắm bắt vụ việc, Công an ghi nhận có một số đối tượng kích động, ngăn cản công nhân quay trở lại làm việc.

“Vấn đề này đang được điều tra, làm rõ”, đồng chí Nguyễn Chí Công cho hay.

Phóng viên phỏng vấn đồng chí Hà Huy Đồng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là cuộc ngừng việc lần thứ ba tại Công ty TNHH Viet Glory (Diễn Châu, Nghệ An). Lần gần nhất xảy ra từ ngày 7 đến 14/2/2022, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với gần 4.000 công nhân ngừng việc.

Cuộc ngừng việc của công nhân khi đó với mục đích yêu cầu Công ty tăng lương cơ bản, phụ cấp thâm niên và các quyền lợi khác.

Vào ngày 12/2/2022, đoàn công tác của LĐLĐ tỉnh Nghệ An trực tiếp làm việc, thương lượng, đàm phán với lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory về 2 vấn đề trọng tâm mà công nhân lao động kiến nghị là nâng lương cơ bản và phụ cấp thâm niên.

Sau quá trình Công đoàn Nghệ An thương lượng, doanh nghiệp đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đoàn công tác, đồng ý nâng lương cơ bản cho công nhân lao động lên 6%, thời gian áp dụng bắt đầu từ tháng 2/2022; bổ sung phụ cấp thâm niên cho công nhân từ ngày 01/2/2022, áp dụng với công nhân làm việc từ 01 năm trở lên; những ngày công nhân đình công, Công ty sẽ tính theo chế độ nghỉ phép. Công ty thông báo rộng rãi đến toàn thể đoàn viên, người lao động và công nhân đã trở lại làm việc.

Theo Điều 200 Bộ luật Lao động 2019 thì trình tự đình công bao gồm 03 bước:

(1) Lấy ý kiến về đình công;

(2) Ra quyết định đình công và thông báo đình công;

(3) Tiến hành đình công.

LĐLĐ huyện Diễn Châu đánh giá, việc đình công tại Công ty TNHH Viet Glory là đình công tự phát, không đúng theo trình tự của pháp luật.

MINH KHÔI

Xem phiên bản di động