|
“Tôi tin là nó biết mẹ sẽ đứng chờ và có động lực làm bài tốt hơn. Cuộc thi này rất quan trọng, chỉ đồng hành với nó thêm được lần này nữa thôi, chứ mai mốt nó lớn rồi”, lời chia sẻ của chị Bích (công nhân Công ty Cổ phần SX-TM Hữu Nghị, KCN An Đồn, Sơn Trà, Đà Nẵng) khi nghỉ việc đồng hành cùng con ở hội đồng thi dành cho F1, F2 tại Đà Nẵng. |
Thí sinh đặc biệt của điểm thi đặc biệt |
Khác với các nơi đang bị dịch, Đà Nẵng quyết định cho các thí sinh diện F1, F2 và khu phong tỏa tham gia thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2021 cùng đợt 1. Thành phố đã chuẩn bị một địa điểm thi riêng biệt tại THPT Võ Chí Công (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nằm cách xa trung tâm thành phố. Có 41 thí sinh tham gia thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia tại điểm thi này. Cũng bởi là địa điểm thi đặc biệt nên hầu hết các thí sinh được đưa đón bằng xe riêng biệt. Trong số các thí sinh đó Nguyễn Thùy Phương Mai (học sinh lớp 12, Trường THPT Ngô Quyền) lại đặc biệt hơn cả. Em không đến trường thi trong những chiếc xe được đưa đón từ các khu cách ly, hay phong tỏa. Phương Mai và gia đình là F2 thực hiện cách ly tại nhà ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Trong suốt thời gian thực hiện cách ly, em luôn tuân thủ tốt các yêu cầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng. Qua 3 lần thực hiện xét nghiệm âm tính và hoàn thành thời gian cách ly, Phương Mai đã có thể trở về cuộc sống bình thường. |
Đáng lẽ, em sẽ tham gia kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2021 tại những địa điểm khác. Tuy nhiên, vì công văn về muộn hơn dự tính, Phương Mai vẫn là thí sinh tại điểm thi dành cho các đối tượng F1, F2. Em trở thành thí sinh đặc biệt của điểm thi đặc biệt. Nhận được thông báo về việc không được đổi địa điểm thi, nỗi lo của cô gái 18 tuổi trước kỳ thi quan trọng của bản thân càng nhiều hơn. “Em lo lắm, không tưởng tượng được mình sẽ tham gia phòng thi như thế nào, tham gia cùng các bạn F1, F2 khác thi cùng một phòng hay sẽ ra sao? Giám thị coi thi có khó không?,…”, Mai chia sẻ. Ngay ngày đầu tiên tham gia kỳ thi, Mai được sắp xếp một phòng thi khác với những thí sinh F1, F2. Em được bố trí ba giám thị coi thi trên một tầng riêng biệt để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Khi tiếng trống kết thúc buổi thi, các sĩ tử hoàn thành các thủ tục nộp bài, Phương Mai cũng sẽ là thí sinh phải bước ra khỏi hội đồng thi đầu tiên. |
“Khi bước chân vào hội đồng thi trong ngày đầu tiên, em rất áp lực, nhưng nhận được sự động viên của các thầy cô giáo coi thi và hơn hết em biết mẹ luôn đứng đợi, tiếp thêm động lực cho em để hoàn thành tốt bài thi của mình”, Mai tâm sự. |
Con cứ yên tâm có mẹ đây |
Trong 2 ngày diễn ra kỳ thi, chị Lê Thị Bích (công nhân Công ty Cổ phần SX-TM Hữu Nghị, KCN An Đồn, Sơn Trà, Đà Nẵng), mẹ của Phương Mai theo con không rời nửa bước. Cũng từng là F2, thực hiện cách ly tại nhà, chị Bích vừa quay trở lại công việc không bao lâu. Ngày gia đình nhận thông tin Phương Mai sẽ vẫn thi tại điểm dành cho các thí sinh F1, F2, chị Bích đã không giấu được sự lo lắng. Để con yên tâm tham gia kỳ thi, chị đã viết đơn trình bày hoàn cảnh để xin nghỉ phép đưa đón con và may mắn được công ty thông cảm, chấp nhận. “Tôi lo một thì con còn lo mười, tôi biết nó (Phương Mai - PV) áp lực lắm, 12 năm đèn sách của con chỉ còn mấy ngày để quyết định. Vì dịch bệnh nên nó và các thí sinh trong kia phải tham gia hội đồng thi tại đây, làm cha mẹ, tôi chỉ biết đồng hành, cỗ vũ con lúc này”, chị Bích tâm sự. |
Hành trình đi thi của hai mẹ con được bắt đầu từ 5h sáng dậy chuẩn bị. Từ nhà ở Sơn Trà đến điểm thi là khá xa, đường đi lại không thông thuộc nên chị Bích luôn tranh thủ cùng con đến địa điểm thi sớm để con ổn định tâm lý. Nhìn dáng hình nhỏ nhắn của con khuất dần sau cánh cổng hội đồng thi, chị Bích mới yên tâm tìm tạm một bóng mát gần đó để đứng đợi. Trong suốt thời gian nghe tiếng hiệu lệnh trống phát đề, tính giờ làm bài, rồi kết thúc bài thi, người mẹ không thôi đưa ánh mắt xa xăm nhìn vào các dãy phòng nơi có các giám thị trong bộ đồ bảo hộ xanh di chuyển khắp hành lang. “Sao chị không về, đợi đây vừa lâu vừa nắng, bao giờ sắp xong thì chị quay lại đón cháu thôi?”, tôi vừa hỏi vừa động viên chị Bích và nhận lại cái lắc đầu quả quyết. “Nó trong phòng thi chắc chắn là áp lực lắm, trước khi vào phòng tôi có nói con là mẹ sẽ đứng ở ngoài chờ con. Tôi tin là nó biết mẹ sẽ đứng chờ và có động lực làm bài tốt hơn. Cuộc thi này rất quan trọng, chỉ đồng hành với nó thêm được lần này nữa thôi, chứ mai mốt nó lớn rồi”, chị Bích tâm sự. |
Kết thúc buổi thi sáng, chị Bích lại đưa con về tận nhà để nghỉ ngơi, rồi chiều chị lại chở con ra mà không ăn tạm “cơm hàng, cháo chợ”. Chị tâm sự muốn con về nhà ăn cơm gia đình để yên tâm hơn cũng như có được giấc nghỉ trưa trọn vẹn. Vất vả vì đoạn đường đưa đón xa xôi hơn, nhưng chị Bích luôn cảm thấy vui khi được nghe những câu đáp hoàn thành bài thi tốt của con. Trong suốt 12 năm đèn sách, Phương Mai luôn là động lực cho những buổi tăng ca của chị. Chị tâm sự khi biết ước mơ của con là trở thành một giáo viên đứng trên bục giảng, chị Bích đã luôn động viên con cố gắng học tập để hoàn thành mong muốn. “Đời mình làm công nhân cực khổ rồi, chỉ mong đời nó có con chữ được tươi sáng hơn, hoàn thành được giấc mơ làm cô giáo”, chị Bích chia sẻ. Kết thúc bài thi cuối cùng, bước qua cánh cổng hội đồng thi, Phương Mai chạy ùa về hướng mẹ để khoe mình làm bài tốt. Nỗi nhọc nhằn và thời gian chờ đợi của chị Bích như được đền đáp xứng đáng. Người mẹ công nhân rưng rưng trong niềm vui, cơn đau lưng trước đó cũng được xua tan nhanh chóng. Chặng đường về nhà của hai mẹ con lại đầy ắp những tiếng cười. |