e magazine
21/10/2020 15:30
Công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển từ vụ việc chìm tàu Vietship 01

21/10/2020 15:30

Từ hoạt động cứu hộ thuyền viên tàu Vietship 01 đầy nghẹt thở vừa qua cho thấy công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển và các vùng cảng biển còn nhiều khó khăn.
Công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển từ vụ việc chìm tàu Vietship 01

Từ hoạt động cứu hộ thuyền viên tàu Vietship 01 đầy nghẹt thở vừa qua cho thấy công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển còn nhiều khó khăn.

Công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển từ vụ việc chìm tàu Vietship 01

Dầm mình và nhịn đói trong ống khói của tàu Vietship 01 trong 4 ngày, bốn bề là sóng biển, anh Đặng Văn Nghị (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) không nghĩ mình còn có ngày trở về đất liền an toàn. Trong sáng 11/10, anh cùng 3 thuyền viên cuối cùng của tàu Vietship 01 được cứu nạn lên bờ, chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Trong số các thuyền viên có 2 người bị thương, 1 người tử vong do rơi xuống biển.

Nhớ lại giây phút kinh hoàng khi tàu Vietship 01 gặp sự cố, anh Đặng Văn Nghị cho biết: “Khoảng 3h sáng ngày 8/10, tàu bị cuốn trôi và mắc cạn ở vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị). Tàu chìm dần, ở đuôi tàu chỉ còn phần ống khói trồi lên trên mặt biển, còn phía đầu tàu chỉ còn thấy phần mui và lan can. Mọi người chỉ có quần áo trên người và mặc áo phao”.

Suốt 4 ngày đánh đu cùng sóng biển, bấu víu vào những phần nổi cuối cùng của con tàu, anh Nghị nghẹn ngào nhớ lại đồng nghiệp của mình rơi xuống biển, rồi tử vong. Trong số các thuyền viên có người bị thương do va đập trong quá trình tàu bị cuốn. Nhiều người kiệt sức tưởng chừng không chịu được. Chỉ đến khi, trực thăng thả dây, phao cứu sinh xuống, toàn bộ những thuyền viên cuối cùng về bờ cũng là lúc ai nấy đều biết là mình đã sống.

"Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn nên chúng tôi phải cử những phi công có trình độ tốt nhất (cấp 1, cấp cao nhất) cùng các nhân viên tìm kiếm cứu nạn đường không. Họ đã sử dụng kỹ thuật bay treo trên mặt biển với độ cao 7 - 10 m. Cộng với kinh nghiệm, họ đã thực hiện thành công các thao tác trong điều kiện sóng gió rất mạnh” - lãnh đạo Tổng Công ty Trực thăng miền Bắc chia sẻ.

Công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển từ vụ việc chìm tàu Vietship 01

3 ngày cứu hộ tàu Vietship 01 là 3 ngày căng thẳng và đầy hoang mang giữa những người trên đất liền và người trên con tàu Vietship 01. Tàu gặp nạn ở vị trí hiểm trở, lại trong điều kiện thời tiết mưa to kèm dông nên có lúc tưởng cuộc cứu hộ trở nên vô vọng. Tàu cá, thuyền viên nhiều kinh nghiệm và thông thạo luồng lạch cũng được huy động để ứng cứu nhưng nhiều lần thất bại. Việc giải cứu các thuyền viên chỉ thuận lợi khi có sự tham gia của trực thăng cứu hộ và 12 đặc công nước thuộc Lữ đoàn Đặc công 126 - Quân chủng Hải Quân từ Đà Nẵng.

Không chỉ có 12 thuyền viên tàu Vietship 01, trong đợt mưa lũ kéo dài tại miền Trung, tại các cảng biển đã xảy ra các vụ tai nạn chìm tàu, mắc kẹt trên biển đe dọa sức khỏe, tính mạng của thuyền viên. Tại tỉnh Quảng Trị, đã có 15 thuyền viên của tàu Thanh Thành Đạt 68 gặp nạn, trôi dạt vào bãi tắm Cửa Việt, Gio Linh (Quảng Trị) được lực lượng chức năng cứu hộ kịp thời. Tại vùng biển Quảng Nam, tàu QNa 90927-TS có 39 thuyền viên đang từ vùng biển quần đảo Trường Sa về bờ thì bị gãy trục láp và hỏng máy chính, kèm theo hiện tượng nước tràn vào tàu. Do mưa to, gió lớn, độ cao chân sóng tới 4m, thuyền viên trên tàu có dấu hiệu kiệt sức.

Tàu được Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng to, gió lớn, tàu SAR 27-01 đã tiếp cận được tàu cá QNa 90927-TS, hỗ trợ đưa toàn bộ 39 thuyền viên cùng tàu QNa 90927 TS về Cảng Nha Trang an toàn…

Công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển từ vụ việc chìm tàu Vietship 01
Đưa thuyền viên tàu Vietship 01 vào bờ. Ảnh: Quốc Nam

Công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển còn gặp nhiều khó khăn

Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển ban hành theo Quyết định 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ:

“Cứu nạn trên biển là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn” (Khoản 4). “Cứu hộ trên biển là hoạt động cứu tàu thuyền hoặc tài sản trên tàu thuyền thoát khỏi nguy hiểm hoặc hoạt động cứu trợ (bao gồm cả việc kéo, đẩy) tàu thuyền đang bị nguy hiểm trên biển, được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng cứu hộ giữa tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ với tổ chức, cá nhân đề nghị cứu hộ” (Khoản 5).

Điều 5 Quy chế quy định: Lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển nêu rõ: Lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thuộc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân. Lực lượng, phương tiện thuộc quyền quản lý, sử dụng của Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Ban quản lý Cảng cá; lực lượng, phương tiện của Công an, Quân đội, của các tổ chức, cá nhân tại địa phương và của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương. Lực lượng, phương tiện khác hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển. Lực lượng, phương tiện, thiết bị bảo đảm thông tin liên lạc, cấp cứu y tế và các bảo đảm khác cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, chiều dài bờ biển Việt Nam gần 3.200 km. Diện tích vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế biển của nước ta hơn 1 triệu km2 nhưng chỉ có chưa đầy chục tàu cứu nạn nhỏ, sức chịu sóng kém. Chỉ có 4 cơ sở hậu cần phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, không đáp ứng tiêu chí “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Việc tìm kiếm, cứu nạn trên biển còn gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển từ vụ việc chìm tàu Vietship 01

Trong khi đó, Biển Đông là vùng biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai do biến đổi khí hậu. Hàng năm có hàng chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đi vào Biển Đông, trong đó có 5 - 7 cơn bão, ATNĐ trực tiếp đổ bộ vào nước ta. Trên các vùng biển, các hoạt động hàng hải, nghề cá gia tăng tiềm ẩn các tai nạn, sự cố tàu thuyền. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, cứu hộ cứu nạn tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều tàu, thuyền tình trạng kỹ thuật đã xuống cấp, cũ hỏng nguy cơ mất an toàn cao.

Hiện nay, lực lượng chủ lực trong công tác phòng ngừa, ứng phó với các loại hình sự cố, thiên tai, cứu nạn cứu hộ vẫn là quân đội. Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đó là Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP về quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn… Đồng thời xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, sự cố, cứu hộ cứu nạn sát tình hình thực tế, địa bàn vùng miền…

Với trách nhiệm là thành viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), quân đội đã góp phần thực thi các công ước và nghị định thư liên quan của IMO. Trong 05 năm (năm 2015 đến tháng 8/2019) lực lượng quân đội đã chủ trì, phối hợp cứu được 205 vụ, 1.537 người, 98 phương tiện có yếu tố nước ngoài.

Trong bối cảnh hiện tại, khi công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển còn nhiều khó khăn về nguồn lực (con người, trang thiết bị và kỹ năng) thì để đảm bảo an toàn khi hành trình trên biển, đặc biệt trong mùa mưa bão, các tàu thuyền và thuyền viên cần thường xuyên nâng cao chủ động ứng phó thiên tai. Kịp thời thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất hoặc cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn và các phương tiện đang hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết đến tìm kiếm, cứu nạn…

Bài: Vân Hà
Ảnh: Quốc Nam, ST
Đồ họa: Vân Hà

Xem phiên bản di động