Công nhân vui khoẻ vì có điểm sinh hoạt văn hoá, thể thao
Điểm sinh hoạt văn hoá - thể thao tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho các gia đình công nhân KCN Bắc Thăng Long.
Chiều nào cũng vậy, cứ sau giờ làm, chị Uông Duyên Chanh (23 tuổi, quê Thái Nguyên), công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam lại đưa con trai xuống sân chơi ngay phía dưới Khu nhà ở công nhân Kim Chung. Đó là một khoảng sân rộng rãi, thoáng mát, có sân bóng chuyền, cầu lông cho người lớn và các trò đu quay, xích đu… cho trẻ con. Bé Trung Hiếu (2 tuổi), con trai chị rất nhanh nhẹn, đi lại khắp sân để tham gia các trò chơi cùng các anh chị lớn, mồ hôi nhễ nhại.
Chia sẻ với PV Cuộc sống an toàn, chị Chanh cho biết, gia đình chị đã sống tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung được 2 năm và dự định sẽ ở đây lâu dài. “Giá thuê phòng cũng rẻ mà nhà ở rộng rãi, an ninh tốt. Hơn nữa, ở đây có sân chơi thể dục thể thao rất thoáng mát, giúp công nhân chúng tôi giảm căng thẳng sau mỗi ngày làm việc. Các cháu nhỏ cũng có một không gian lý tưởng để vui chơi, chạy nhảy và tham gia các hoạt động thể dục thể thao”, chị nói.
Cùng suy nghĩ như vậy, bà Giang Thị Nhưng (70 tuổi, quê Thái Bình) chia sẻ: “Không khí ở đây thoáng mát lắm! Nhà tôi ở ngay tầng 2, chiều nào tôi cũng cho cháu xuống sân chơi”. Gia đình bà Nhưng có 5 thành viên. Con trai và con dâu đều làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long. Trước đây, họ thuê trọ tại thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh), phòng trọ chật hẹp, chỉ kê vừa cái giường và trải thêm 1 chiếc chiếu dưới nền nhà. Không gian bí bách, lại cách xa nhà văn hoá thôn cho nên việc tham gia các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao của gia đình bà rất hạn chế. Bà Nhưng chỉ loanh quanh trong xóm trọ, thỉnh thoảng mới bế cháu ra đầu ngõ rồi lại quay trở về. “Từ khi chuyển đến đây, tôi thấy sức khoẻ tốt lên, tinh thần phấn khởi hơn hẳn so với quãng thời gian ở nhà trọ”, bà Nhưng nói.
Theo ghi nhận của PV, vào các buổi sáng sớm và sau 17h chiều, sân chơi thể dục thể thao tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung tập trung rất đông công nhân lao động và con em của họ tới vui chơi, tham gia các môn thể thao như: chạy bộ, đá bóng, bóng chuyền, cầu lông...
“Tôi thấy khu vui chơi, thể dục thể thao này rất tiện lợi cho cả người lớn và trẻ em sinh sống tại đây. Không gian rất xanh, sạch, đẹp. Sức khoẻ của chúng tôi cũng nhờ đó mà tăng lên”, anh Trần Anh Thắng (39 tuổi, quê ở Phú Thọ), công nhân Công ty TNHH ToTo Việt Nam chia sẻ.
Cạnh sân chơi thể dục thể thao là điểm sinh hoạt văn hoá công nhân, được đặt tại tầng 1, nhà A4, với diện tích 250m2. Địa điểm này được Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội bàn giao cho Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội vào tháng 4/2011. Điểm sinh hoạt có tủ sách pháp luật về các lĩnh vực của đời sống, tài liệu về công nhân - Công đoàn Việt Nam, các loại báo chí để phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức của công nhân lao động. Ngoài ra, điểm sinh hoạt có thiết bị loa, giàn karaoke, bàn ghế và sân khấu rộng rãi để phục vụ các hoạt động văn hoá, văn nghệ của anh chị em công nhân.
Có rất nhiều sự kiện được tổ chức trong không gian điểm sinh hoạt văn hoá công nhân, từ các buổi sinh hoạt văn nghệ, nhảy aerobic đến các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các sở, ban, ngành với công nhân. Cũng tại không gian này, trong năm 2020, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hồi tháng 4 và Phiên chợ 0 đồng hồi tháng 6/2020.
Anh Nguyễn Văn Thiện, cán bộ vận hành thuộc Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội - đơn vị trực tiếp quản lý Khu nhà ở xã hội Kim Chung cho biết: “Các ngày lễ, ngày kỷ niệm trong năm, tại đây luôn diễn ra các hội thi, hội diễn văn nghệ. Bên cạnh đó, các nhóm công nhân cũng thường xuyên tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục và tham gia rất hào hứng”.
Chị Nguyễn Thị Ngân Hoa (39 tuổi, quê Thái Nguyên), công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: “Tôi nhận thấy điểm sinh hoạt văn hoá này có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của công nhân ở đây. Trước kia, khi chưa có điện thoại thông minh, chúng tôi thường xuyên đến đây để đọc sách, báo cập nhật tin tức và tra cứu tài liệu liên quan đến pháp luật lao động… Bây giờ, thông tin dễ dàng tiếp cận trên chiếc điện thoại thông minh, việc đọc sách báo hạn chế hơn nhưng những chương trình ca nhạc, hội thi… tổ chức tại đây thì chúng tôi không bao giờ bỏ qua”.
Chị Hoa cũng như nhiều công nhân lao động khác đang sinh sống tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình nhà ở xã hội cho công nhân thuê với giá phù hợp và xây dựng thêm các điểm sinh hoạt văn hoá, khu vui chơi, thể dục thể thao để anh chị em công nhân có cuộc sống đảm bảo hơn.
Bài, ảnh: Ý Yên