e magazine
21/09/2020 11:10
Công nhân vừa làm vừa lo mất việc

21/09/2020 11:10

Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động đặc biệt là vấn đề việc làm. Khi đợt dịch tái bùng phát, trong khi một số công ty đã tìm ra cách để ổn định công việc cho công nhân thì một số khác vẫn đang loay hoay khi không có đơn hàng mới, hàng cũ tồn đọng không xuất được,… Điều này đã dẫn đến thực trạng nhiều công nhân lao động vừa làm vừa lo thất nghiệp.
Công nhân vừa làm vừa lo mất việc

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, đặc biệt là vấn đề việc làm. Khi đợt dịch tái bùng phát, trong khi một số công ty đã tìm ra cách để ổn định công việc cho công nhân thì một số khác vẫn đang loay hoay khi không có đơn hàng mới, hàng cũ tồn đọng không xuất được,… Điều này đã dẫn đến thực trạng nhiều công nhân lao động vừa làm vừa lo thất nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Hải làm công nhân tại Công ty TNHH Thời trang Star (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Hà Nội) được gần 1 năm. Giữa thời điểm ảnh hưởng bởi Covid-19, chị Hải luôn ám ảnh chuyện thất nghiệp. Bởi một phần do hiện tại phía công ty chị đang không có nhiều đơn hàng nên thời gian gần đây thường xuyên cho công nhân nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, không tăng ca, giảm phụ cấp, thậm chí cho nghỉ việc…

“Công nhân làm lâu năm người ta cũng lo lắng sợ bị mất việc, mình mới đi làm lại bụng mang dạ chửa còn căng thẳng hơn nhiều. Mấy tháng gần đây không tháng nào mình đi làm đủ số buổi, công việc ngày có ngày không vì thế mà thu nhập giảm nhiều so với trước. Mình chỉ lo thời gian tới, tình trạng nghỉ luân phiên cũng không còn nữa mà thay vào đó là cho nghỉ hẳn thì không biết xoay xở ra sao”, chị Hải chia sẻ.

Công nhân vừa làm vừa lo mất việc

Công ty TNHH Thời trang Star (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Hà Nội) là nơi chị Hải gắn bó được gần 1 năm.

Công nhân vừa làm vừa lo mất việc

Được biết, chị quê ở Hòa Bình, do muốn đi làm công nhân nên chị quyết tâm nộp đơn vào Công ty TNHH Thời trang Star. Hỏi về lý do tại sao không thuê trọ gần công ty để việc đi lại đỡ vất vả hơn, chị Hải nói: “Thuê nhà trên Hà Nội đắt lắm, vậy nên lương công nhân như mình lo tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt hàng tháng thì hết, chẳng bỏ ra được đồng nào cả. Chồng mình làm lao động tự do ở quê, không thể cùng mình lên đây sinh sống được. Với hiện tại con cái đang học hành ổn định ở quê, tiền học lại rẻ hơn trên thành phố, mình không còn cách nào khác. Đường tới công ty dài hơn 30 cây số nhưng những công nhân đi làm xa như mình cũng được công ty hỗ trợ có xe bus đưa đón nên mình cũng không nề hà gì”.

Công nhân vừa làm vừa lo mất việc

Hiện tại, để duy trì được cuộc sống với đồng lương ít ỏi, gia đình chị Hải phải cắt giảm chi tiêu hơn so với trước. Tưởng rằng mức sống ở quê sẽ đỡ hơn nhiều ở phố thị vì có thể tự cung tự cấp miếng rau, con gà… Tuy nhiên, chị Hải vẫn phải chắt bóp ngay cả trong bữa cơm hằng ngày. “Trước kia, bữa cơm nào cũng đầy đủ dinh dưỡng cho con trẻ nhưng hiện tại, vợ chồng mình phải tằn tiện đủ thứ, cân đong đo đếm từng bát gạo, bó rau mà vẫn không có dư. Bữa cơm hằng ngày cũng thưa dần những món thịt, cá mà thay vào đó là trứng, đậu phụ hoặc vừng, lạc. Nhà có gì thì ăn nấy”, chị Hải kể.

Không chỉ vậy, dù đang mang bầu ở tháng thứ 7, chị vẫn chăm chỉ đi làm, thậm chí mong muốn có thêm nhiều việc hơn nữa. Ngày ngày “vác” chiếc bụng bầu đi hàng chục cây số, chị Hải vẫn chẳng nề hà. Chỉ luôn canh cánh một nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, nỗi lo mất việc. Bởi chị sợ rằng giữa thời điểm khó khăn do Covid-19, sau khi hết chế độ thai sản, chị sẽ không được quay trở lại làm việc nữa. “Vì Covid-19, nhiều công nhân đã bị dừng hợp đồng, mình lại nghỉ đúng đợt dịch như vậy liệu khi quay lại có được nhận vào làm tiếp hay không?”, chị Hải đắn đo.

Trong cơn bão dịch bệnh, đời sống của người lao động vô cùng bấp bênh khiến cho họ luôn canh cánh nỗi lo mất việc và tìm việc mỗi ngày. Dù rất nỗ lực để ổn định cuộc sống nhưng trong thời điểm hiện tại họ chỉ biết chờ đợi.

Nếu trong tình huống xấu nhất, sau khi sinh mình không thể quay trở lại làm việc thì mình sẽ vay mượn họ hàng, gia đình để mua một chiếc máy may. Như vậy mình có thể ở nhà khâu vá quần áo kiếm tiền nuôi con ăn học, đỡ được phần nào gánh nặng cho ông xã.

Công nhân vừa làm vừa lo mất việc

Bài: Hoàng Nhung
Đồ họa: Hoàng Nhung

Xem phiên bản di động