e magazine
11/11/2020 09:45
Công nhân và stress - Bài 2: Thách thức đối với mỗi doanh nghiệp

11/11/2020 09:45

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đánh giá các nghiên cứu gần đây nhất về stress tại nơi làm việc trên toàn thế giới bao gồm châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Úc và châu Âu, và kết luận rằng stress gây thiệt hại hàng tỷ đô-la mỗi năm, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xã hội. Con số đó còn chưa thể tính hết đến những cái giá mà con người phải trả khi chịu đựng đau khổ, buồn bã và thậm chí là tự sát.
sdkhsjkhddj

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đánh giá các nghiên cứu gần đây nhất về stress tại nơi làm việc trên toàn thế giới bao gồm châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Úc và châu Âu, và kết luận rằng stress gây thiệt hại hàng tỷ đô-la mỗi năm, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xã hội. Con số đó còn chưa thể tính hết đến những cái giá mà con người phải trả khi chịu đựng đau khổ, buồn bã và thậm chí là tự sát.

Tiến sĩ Tâm lý Đinh Phương Duy - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM nhận định: “Công nhân có mức độ làm việc cao, thu nhập thấp, chịu nhiều áp lực trong công việc và đời sống nên dễ dẫn đến nguy cơ bị stress. Nếu không có những hướng giải quyết kịp thời chuyện stress cho công nhân thì hệ quả không chỉ ảnh hưởng một người mà cả nhóm người, trở thành khuynh hướng và lan rộng thành chuyện nan giải của xã hội, làm suy giảm hiệu quả sản xuất của nền kinh tế".

Nguy hiểm là vậy nhưng các căn bệnh liên quan stress, rối loạn căng thẳng, trầm cảm lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức đến từ phía công nhân và lãnh đạo doanh nghiệp.

Thờ ơ đến từ phía người bệnh

Rất ít công nhân, người lao động ý thức được tầm quan trọng và để ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình. Hầu hết các bạn công nhân tham gia trả lời phỏng vấn đều không hề biết các căn bệnh này hay suy nghĩ đến việc đi khám sức khỏe tâm thần dù căng thẳng đến đâu.

sdkhsjkhddj
sdkhsjkhddj

Th.S Bùi Văn Lợi, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai trao đổi với bệnh nhân.

Cá biệt có trường hợp như anh H., 28 tuổi, công nhân tại Hà Nam, chúng tôi gặp tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tuy đã bắt đầu quan tâm đến sức khỏe tâm thần của mình nhưng trước đó anh cũng chỉ lên mạng tìm hiểu về các triệu chứng của mình rồi tự đặt thuốc... trên mạng để uống. Đến khi nhận thấy uống thuốc không hiệu quả thì anh mới tìm đến bệnh viện để khám.

Anh H. cũng chia sẻ, việc bản thân đi khám bệnh cũng phải giấu kín với toàn bộ người trong công ty vì anh sợ mọi người biết sẽ cho rằng mình bị điên.

sdkhsjkhddj

Người lao động e ngại việc đến các cơ sở sức khỏe tâm thần khám bệnh vì sợ định kiến (Ảnh minh họa - booking care).

Lý giải cho sự thờ ơ và e ngại của công nhân, Th.S Bùi Văn Lợi, công tác tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Trong thời gian công tác, tôi cũng đã tiếp xúc với khá nhiều bệnh nhân là công nhân và nhận thấy họ chưa có nhận thức đầy đủ về các loại bệnh này. Đây là một vấn đề tồn tại từ lâu không chỉ với tầng lớp công nhân mà với mọi tầng lớp nhân dân. Một bộ phận lớn người dân vẫn còn có suy nghĩ rằng các bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần phải có biểu hiện nặng nề về tư duy, hành vi và cảm xúc nhưng đó chỉ là một phần nhỏ, các loại rối loạn thường gặp là rối loạn lo âu, trầm cảm, stress, giấc ngủ… không có biểu hiện rõ ràng. Họ còn lo lắng, không chỉ sợ bị kỳ thị mà còn sợ nếu công ty biết sẽ bị đuổi việc do bản thân có vấn đề về tâm thần. Ngoài ra họ cũng ngại đến các bệnh viện do lo sợ chi phí khám chữa bệnh cao, không dám xin nghỉ làm để đi khám vì sợ mất tiền lương, ảnh hưởng đến kinh tế”.

sdkhsjkhddj

Bệnh viện Tâm thần Thái Bình phối hợp với Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi khám bệnh tại xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần - Ảnh: Hà My.

Trong vài năm trở lại đây, nhờ sự phổ biến của Internet, người dân có thêm các nguồn tra cứu thông tin và cũng đã bắt đầu có xu hướng quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần của mình, số lượng người dân đến thăm khám tại khoa Tâm thần tại các bệnh viện cũng tăng lên trong các năm. Đây thật sự là dấu hiệu đáng mừng dù tỉ lệ người dân có đủ nhận thức tầm quan trọng về sức khỏe tâm thần vẫn còn rất là ít.

“Mặc dù lo sợ bị mọi người trong công ty biết chuyện mình đi khám tâm thần nhưng tôi quyết định đi khám để có thể thay đổi bản thân mình, sắp tới tôi được thăng chức lên làm quản lý, nếu cứ để stress gặm nhấm mình như vậy thì không ổn lắm, tôi cần thay đổi để có thể tiến về phía trước” - Anh H. nói với tôi bằng giọng hào hứng, dù đôi mắt vẫn có phần mệt mỏi nhưng vẻ mặt anh vẫn ánh lên sự quyết tâm bản thân để chiến thắng căn bệnh tâm lý của mình.

sdkhsjkhddj

Sức khỏe tâm thần rất quan trọng.

Cho đến việc chưa đánh giá đủ mức độ quan trọng từ công ty

Anh Hồ Sỹ Lĩnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh chia sẻ: “Về phía công ty luôn cố gắng hỗ trợ về mặt tinh thần cho các anh em bằng việc thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ để anh em công nhân có sân chơi vui vẻ, giải tỏa sau giờ làm, nếu có áp lực, căng thẳng thì chắc là đến từ môi trường bên ngoài giờ làm”.

Khi được hỏi ý kiến cá nhân về việc mỗi xí nghiệp, nhà máy, có nên có một phòng tâm sự, tham vấn tâm lý để giúp công nhân có thể nói ra được những áp lực của bản thân, có người lắng nghe họ chia sẻ, bước đầu vực dậy tinh thần cho những công nhân đang chán nản, anh Lĩnh cho hay:

“Đó là một ý tưởng hay, tuy nhiên hiện tại chúng tôi cảm thấy hơi khó để thực hiện vì chi phí chưa đủ và không cần thiết lắm, số lượng công nhân nhiều, mỗi nhà máy có hơn chục nghìn công nhân, rất khó để có thể hỗ trợ được. Thêm nữa anh em công nhân không mấy ai thể hiện mình đang chán hay trầm cảm cả nên chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Hiện tại công ty cũng cố gắng giảm áp lực cho công nhân bằng cách cứ 2 tiếng làm việc lại cho công nhân nghỉ giải lao 5 phút cho đỡ căng thẳng. Còn việc hỗ trợ tâm lý thì chắc chúng tôi sẽ xem xét”.

sdkhsjkhddj

Công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster trong buổi đối thoại cùng BLĐ và Công đoàn về các chính sách, vấn đề lao động - Ảnh: N.Thảo.

Hầu hết các doanh nghiệp đều nghĩ rằng chỉ cần tổ chức các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao, văn nghệ cho công nhân là có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến tinh thần. Tuy nhiên, đó là chưa đủ. Các hoạt động giải trí, thể thao chỉ có thể chữa trị được phần nổi của căn bệnh, còn phần chìm sâu hơn phía trong lại chưa được chữa trị tận gốc. Lâu nay người ta hay tưởng stress chỉ có ở giới lao động trí óc. Trên thực tế, công nhân, những người lao động chân tay, cũng stress nặng nề và do đời sống thấp, ít có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế nên căn bệnh của họ càng trở nên trầm trọng.

sdkhsjkhddj

Doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao giúp công nhân giải tỏa căng thẳng (Ảnh: Cuocsongantoan).

Trong nhiều năm qua, Quỹ hỗ trợ công nhân và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM cũng đã thường xuyên tổ chức các buổi tham vấn tâm lý và giải đáp tâm lý trực tiếp trên các diễn đàn cho công nhân tại các nhà máy xí nghiệp. Tuy chưa thể đáp ứng được hết các vấn đề của công nhân nhưng cũng phần nào cho thấy các tổ chức đã có sự quan tâm nhất định đến sức khỏe tâm thần của người lao động.

Thiết nghĩ, các doanh nghiệp, công đoàn cần có sự chủ động quan tâm đến sức khỏe tinh thần, tâm thần của công nhân hơn nữa bởi cơ thể con người vốn được hình thành nên từ sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất, nếu bất kì yếu tố nào trong 2 yếu tố trên bị ảnh hưởng, trì trệ cũng đều khiến năng suất lao động của công nhân bị giảm sút.

Giải pháp cho vấn đề

Trong số công nhân trả lời phỏng vấn, kể cả những người chưa có quá nhiều kiến thức về sức khỏe tâm thần cũng đồng ý và mong muốn các xí nghiệp nhà máy quan tâm đến sức khỏe tâm thần người lao động hơn. “Tôi nghĩ việc mỗi công ty nếu có thể bố trí các buổi thăm khám, tham vấn tâm lý định kì, xây dựng các phòng giải đáp, tư vấn tâm lý cho công nhân chúng tôi để chúng tôi có thể chia sẻ những áp lực của bản thân” - Chị L, công nhân KCN Sài Đồng B, 25 tuổi chia sẻ ý kiến của mình.

sdkhsjkhddj

Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức buổi tư vấn tâm lý, nâng cao kiến thức nghề nghiệp cho công nhân (Ảnh: YEAC).

Theo Th.S Bùi Văn Lợi: “Trong những năm vừa qua, Nhà nước và Chính phủ đã có những cố gắng trong việc dự phòng các rối loạn liên quan đến stress ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các phòng tư vấn tâm lý ngay trong trường học được thành lập giúp san sẻ phần nào những áp lực căng thẳng mà học sinh gặp phải, làm giảm tỉ lệ bạo lực, trầm cảm học đường. Đối với công nhân, việc thành lập phòng khám sức khỏe tâm thần cho công nhân cũng sẽ đem lại những hiệu quả trong việc phòng chống các rối loạn liên quan đến stress, như trầm cảm, lo âu... cho công nhân và người lao động”.

sdkhsjkhddj

Phòng tâm lý học đường của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Ảnh: D.T.

“Tôi cho rằng các công đoàn, xí nghiệp cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho công nhân hơn nữa, có thể hỗ trợ thêm cho công nhân về chi phí thăm khám, chữa bệnh đồng thời cần có các buổi tuyên truyền vận động để công nhân có thể hiểu biết thêm về sức khỏe tâm thần, không còn thái độ kỳ thị và e ngại đối với các căn bệnh rối loạn tâm thần. Nếu như chưa thể thực hiện ngay phòng tư vấn tâm lý cố định, các công ty, xí nghiệp có thể phối hợp cùng với các phòng khám, trung tâm sức khỏe tâm thần tại các địa phương để mở thêm buổi tham vấn tâm lý định kỳ. Đó cũng là nơi để doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể lắng nghe ý kiến, tâm tư của công nhân mình, từ đó tìm cách “gỡ rối” phù hợp cho họ.

Tiếp theo, các công ty, khu công nghiệp cũng cần thay đổi môi trường lao động đảm bảo các yếu tố an toàn, thoải mái cho công nhân, linh hoạt trong việc phân chia ca, kíp, giờ làm việc, giảm bớt áp lực giữa các bộ phận, nghỉ ngơi, khen thưởng hợp lý để họ có thể phục hồi sức khỏe tâm thần của mình.

Về phía người công nhân cũng nên rèn luyện thêm cho bản thân khả năng chịu áp lực trong công việc và chủ động cải thiện mối quan hệ cá nhân giữa mình và đồng nghiệp, quản lý. Ngoài ra, thấu hiểu những khó khăn trong việc sắp xếp thời gian khám bệnh thì các bệnh viện hiện nay, ví dụ như Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi còn mở rộng thời gian khám sang cả thứ 7, chủ nhật giúp công nhân, người lao động có thể thăm khám bệnh thoải mái mà không sợ phải nghỉ ngày làm, mất ngày công”, Th.S Nguyễn Thị Phương Mai, công tác tại Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai bổ sung thêm.

Bài: Hạ An

Xem phiên bản di động