Công nhân thiếu việc cuối năm - Bài 4: Tìm mọi cách giải quyết việc làm cho người lao động
Theo đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, sắp tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để trao đổi, chia sẻ tình hình và thống nhất triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, chế độ cho NLĐ trong dịp trước, trong và sau Tết. |
Chị Trần Thị Tuyết, công nhân Công ty TNHH Asahi Intecc Hà Nội lo lắng vì Công ty ít đơn hàng, ít việc làm. Ảnh: HOÀNG QUÂN |
tăng số NLĐ thiếu việc
Theo báo cáo của LĐLĐ 25 tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam thì ngoài Dệt may, Da giày, Gỗ, Điện tử còn có Thực phẩm, Dịch vụ, Du lịch… tiếp tục có NLĐ bị ảnh hưởng. Số doanh nghiệp (DN), NLĐ bị ảnh hưởng: 485 DN (352 DN có vốn đầu tư nước ngoài - FDI, chiếm 72,57%) với tổng số 631.329 lao động - tập trung ở khu vực phía Nam với 61,85% tổng số DN, 87,36% tổng số lao động bị ảnh hưởng. Trong đó có 569.589 NLĐ bị giảm giờ làm (chiếm 90,22%); 34.563 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,47%); 31.012 NLĐ nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc… (chiếm 4,31%). Có 2.949 NLĐ bị nợ lương với số tiền hơn 79,899 tỉ đồng. NLĐ bị giảm giờ làm hàng ngày; làm cách nhật (2, 4, 5 hoặc 3, 5, 7 hoặc từ 3 đến 5 ngày/tuần); nghỉ hưởng lương ngừng việc; nghỉ không hưởng lương; tạm hoãn hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động. |
NLĐ tại tỉnh Bình Dương chờ đón xe về quê sớm do mất việc làm. Ảnh: L.T |
Hiện tại, các DN đã ứng phó bằng nhiều giải pháp như có chính sách đảm bảo thu nhập, đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ. Ông Nguyễn Tiến Phương - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ cho biết: “Năm nay, Công ty tổ chức cho NLĐ nghỉ phép đan xen theo đúng quy định của pháp luật, nghỉ mà vẫn có lương. Tận dụng 3 tháng cuối năm ít đơn hàng, Công ty tổ chức đào tạo rất nhiều kỹ năng làm việc cho NLĐ nhằm xây dựng một thế hệ “công nhân mới”, có tri thức, kỹ năng, tác phong công nghiệp, trách nhiệm cao, yêu lao động…”. |
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh An Giang làm việc với DN nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu đơn hàng. Ảnh: CĐ |
Tập trung chăm lo Tết, giải quyết việc làm cho NLĐ
Hiện nay, các DN đang giữ chân NLĐ bằng các giải pháp giảm ngày công, tăng nghỉ phép… thay vì cho lao động nghỉ việc. Nhưng NLĐ đã kiệt quệ sau hơn hai năm dịch bệnh Covid-19, tết Nguyên đán sắp đến gần, họ cần có thu nhập để trang trải cuộc sống. “Nhiều DN đang cố gắng cắt giảm chi phí tối đa, cho công nhân giãn ca nhằm duy trì lao động. Nhưng nếu khủng hoảng kinh tế kéo dài qua mùa hè mới phục hồi thì nhiều DN khó gồng mình được nữa. Chỉ cần trả lương cơ bản cho NLĐ, họ đã rất khó khăn. Cần có sự hỗ trợ khẩn cấp cho công nhân thất nghiệp, có hoàn cảnh khó khăn và tăng cường hỗ trợ của DN khi phải cho công nhân nghỉ việc. Đồng thời giúp họ tìm việc làm mới để không bị “đứt bữa” khi đứt lương. Gia đình NLĐ đang rất khó khăn” – TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho biết. Hiện các cấp công đoàn đang làm rất tốt việc theo sát tình hình, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ ở các DN thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu. Như câu chuyện Công ty TNHH Tỷ Hùng vừa qua, khi có dấu hiệu công nhân phải nghỉ việc, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đã chủ động tham gia các biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và tạo được sự đồng cảm, thấu hiểu của NLĐ đối với DN. Các cấp công đoàn cũng trăn trở tìm giải pháp chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, nhất là dịp tết Nguyên đán sắp tới. Công đoàn cũng tham mưu với Tỉnh ủy, UBND, Tổng LĐLĐ Việt Nam giải pháp tháo gỡ tình thế khó khăn này trên nguyên tắc xã hội hóa, thương lượng, đối thoại với chủ DN, nhất là đảm bảo quyền của NLĐ trong quan hệ lao động. Tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ như: Tặng vé tàu hỏa khứ hồi cho NLĐ ở xa về quê đón Tết. Những lao động không có điều kiện về quê đón Tết thì được phần quà trị giá cao hơn năm trước… |
LĐLĐ TP Hồ Chí Minh tặng quà Tết cho NLĐ. Ảnh: THANH VŨ |
Theo đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, các các cấp công đoàn đã nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của DN để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Công đoàn tham gia, đối thoại, thương lượng với NSDLĐ xây dựng phương án lao động, duy trì nhiều nhất việc làm cho NLĐ, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động. Với những DN buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, CĐCS với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên đã tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của DN, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết. Đồng thời kết nối các CĐCS DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương nắm chắc tình hình các DN (sản xuất, kinh doanh, giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn), NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập; tăng cường các hoạt động giám sát, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ; tổ chức các hoạt động nhằm chăm lo cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu, mất việc làm, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ… Sắp tới, Tổng LĐLĐVN sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để trao đổi, chia sẻ tình hình và thống nhất triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ DN, đảm bảo việc làm, chế độ cho NLĐ trong dịp trước, trong và sau Tết. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình khó khăn, cắt giảm thời giờ làm việc, việc làm của NLĐ để có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời trên phạm vi cả nước, ở những ngành, địa phương khó khăn, có nhiều NLĐ bị ảnh hưởng. Tại Bình Dương, LĐLĐ tỉnh đang lấy ý kiến, vận động các DN trong cùng ngành hàng “bỏ cái tôi xuống”, đàm phán, thương lượng với nhau trên cơ sở hài hòa lợi ích để hợp tác, cùng giải quyết những khó khăn của chính mình (giữa DN thiếu nhân công với DN thiếu việc làm). Từ đó tạo việc làm, thu nhập cho NLĐ trong thời gian tạm hoãn hợp đồng. DN thiếu nhân công và DN thiếu việc làm đều giải quyết được khó khăn của mình; NLĐ thì có thu nhập. Bởi theo đánh giá, trong khó khăn vẫn có phân khúc thị trường mà DN duy trì được đơn hàng, việc làm. Do đó, Công đoàn cần phân loại DN khó khăn theo từng ngành để tìm kiếm việc làm cho NLĐ. “Tôi nghĩ đây là giải pháp hoàn toàn hợp lý trong thời điểm này nhằm đảm bảo nguồn lao động đã qua đào tạo duy trì được tay nghề, việc làm và ổn định đời sống. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó cần sự kết nối, trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các DN với nhau và có sự điều tiết của cơ quan quản lý; có sự thống nhất, trao đổi, tập huấn để đảm bảo thực thi. Đồng thời nâng cao năng lực tuân thủ của NSDLĐ và NLĐ đối với pháp luật lao động và pháp luật hiện hành có liên quan cũng như chia sẻ giữa hai bên để hạn chế thấp nhất rủi ro của sự đứt gãy chuỗi cung ứng…" - ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ. |
Đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn |