e magazine
15/08/2022 15:48
Công nhân ở trọ trên... ruộng!

15/08/2022 15:48

Nhiều công nhân người dân tộc thiểu số lao động và ở trọ tại một số Khu Công nghiệp đang không nhận được đủ, đúng quyền lợi chính đáng theo chính sách, quy định của Nhà nước.
Công nhân thuê trọ trên... ruộng!công nhân

Liên quan tới chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, đến trung tuần tháng 8/2022 vẫn còn nhiều người lao động là người đồng bào thiểu số không chỉ chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà mà còn phát sinh nhiều ẩn khuất, rắc rối khác…

Công nhân thuê trọ trên... ruộng!

T

ình cờ khi ghi nhận thực tế đời sống của công nhân, tại một số khu trọ và khu công nghiệp hiện nay đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đã bắt gặp những câu chuyện buồn thương với những người lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã xa nhà hàng trăm cây số về ở trọ giữa lòng Thủ đô để đi làm công nhân với hy vọng đổi đời…

CÔNG NHÂN Ở TRỌ TRÊN ... RUỘNG!

Công ty CP Toàn Lực, nơi các công nhân làm việc. Ảnh: NGỌC TIẾN

Chỉ tại một phạm vi rất hẹp, ghi nhận của chúng tôi về 48 bộ hồ sơ công nhân đề nghị nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ theo Quyết định số 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã được gửi tới Phòng Lao động- Thương binh & Xã hội quận Bắc Từ Liêm – Thành phố Hà Nội. Tưởng rằng những người gặp khó khăn này sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch; tưởng rằng người sử dụng lao động cũng được dịp chứng tỏ mình là chủ thể quan tâm, chăm sóc tới chính sách dành cho người lao động. Ai ngờ…

Có tới 2/3 số hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà nói trên đã bị Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội quận Bắc Từ Liêm trả lại và yêu cầu Công ty phải hoàn thiện lại. Nguyên nhân: Người lao động của Công ty không có giấy đăng ký tạm trú. Dù sự thật họ là những người đang thuê ở trọ, đã làm việc lâu dài tại Công ty liên tục.

CÔNG NHÂN Ở TRỌ TRÊN ... RUỘNG!Con đường dẫn vào xóm trọ. Ảnh: NGỌC TIẾN

Vấn đề tưởng chừng sẽ chỉ dừng lại ở việc bổ sung hồ sơ, giấy tờ. Nhưng không phải vậy. Theo phía Công ty CP Toàn Lực, việc làm thế nào để đi xin giấy chứng nhận tạm trú cho những công nhân còn lại của Công ty mình xem ra bất khả thi.

Đại diện Công ty CP Toàn Lực nói: “Bây giờ thì bọn mình biết phải làm sao. Công an phường không cấp thì bọn mình biết hoàn thiện hồ sơ cho người lao động để nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng kiểu gì?”

Công nhân thuê trọ trên... ruộng!

K

hảo sát một vòng dọc theo hai bên đường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, đi dọc vào ngõ 288, đường Phú Diễn, những khu nhà trọ không có số nhà liên tiếp hiện ra. Những phòng trọ đã lấp đầy công nhân thuê (đa số là người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Phú Minh).

Ghi nhận phản ánh từ những lao động đang thuê trọ, Giàng A V. (SN 1998, dân tộc Mông ở bản Cà Lá Pá, Xã Leeng Su Sìn, Mường Nhé, Điện Biên, công nhân làm việc đã 3 năm tại Khu công nghiệp Phú Minh) cho biết, phòng trọ ở đây nắng thì nóng mà mỗi khi mưa là hay bị dột ướt. Phòng trọ đã xuống cấp nghiêm trọng trong thời gian dài, dù đã báo với chủ trọ.

CÔNG NHÂN Ở TRỌ TRÊN ... RUỘNG!Khu nhà trọ của các công nhân. Ảnh: NGỌC TIẾN

Liên lạc với bà Nguyễn Thị Hương – chủ khu nhà trọ để hỏi về tình hình xuống cấp trầm trọng của những phòng cho thuê, bà Hương cho biết, bà cũng rất muốn đầu tư để tu sửa phần mái nhà bằng tấm lợp Fibro xi măng nhằm giúp những công nhân thuê trọ bớt bị dột ướt mỗi khi trời mưa. Tuy nhiên, phần đất hiện tại của bà lại là đất trồng cây có thời hạn 50 năm. Vì thế, việc xây dựng, tu bổ gặp trở ngại do không thể xin được giấy phép xây dựng từ phía chính quyền sở tại.

Tình trạng xuống cấp, ọp ẹp cứ thế từ năm này qua năm khác không được cải thiện và ngày càng tiêu điều. Dẫu vậy, những người lao động thuê trọ ở đây cho biết mức giá thuê phòng hằng tháng khoảng 700 ngàn đồng/01 phòng.

Một nữ công nhân dân tộc Mông nằng nặc bắt chúng tôi thề là “không được nêu tên tụi em lên báo, vì sợ bố mẹ ở nhà đọc báo thấy rồi thương con, "a lô" bắt tụi em bỏ việc trở về nhà”. Chúng tôi cười và giơ tay lên thề. Thấy tin tưởng, nữ công nhân người Mông tâm sự: "Ăn ở khổ lắm mấy bác nhà báo ạ. Phòng ở xuống cấp, hư hỏng khắp nơi, nằm ngủ cũng ngắm sao trời được, tắm chung và vệ sinh chung cho cả dãy phòng".

Công nhân thuê trọ trên... ruộng!

Trao đổi với đơn vị Công an phường Phú Diễn thì được biết, những dãy phòng trọ hiện nay trên địa bàn, cụ thể là dọc hai bên đường Phú Diễn thì hầu hết đều xây dựng trên nền đất nông nghiệp canh tác. Theo Luật Đất đai 2013 thì việc này là vi phạm.

Việc xây dựng, lấn chiếm trái phép này đã diễn ra từ cách đây nhiều năm, tới nay tuy đã giảm nhưng dấu tích hiện nay đã để lại hậu quả liên lụy tới cả những người lao động đi thuê ở trọ. Việc thống kê để đưa ra số lượng chính xác công nhân đang cư trú trên địa bàn phường Phú Diễn tới thời điểm này cũng đang là vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan chức năng sở tại. Khi còn đó một lượng lớn những công nhân đang phải ở trọ trên những xóm trọ xây dựng trái phép trên đất ruộng.

Chính vì thế, để cấp giấy tạm trú hợp pháp cho người lao động rất khó khăn. Vì lẽ đó, những bộ hồ sơ xin trợ cấp tiền thuê nhà đã bị Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội & quận Bắc Từ Liêm trả lại bởi lý do không có xác nhận công nhân thuê nhà, thuê trọ trong khoảng thời gian từ 01/02/2022 đến 30/06/2022 (dù rõ ràng họ đã và đang làm việc trong Công ty trước, trong và sau khoảng thời gian này cho tới tận hôm nay).

Những công nhân đã không thể biết mình đi thuê trọ trong những khu trọ xây dựng trái phép. Họ đã vô tình bị rơi vào hoàn cảnh là những người tạm trú… chưa hợp lệ.

Việc giúp đỡ người lao động, cụ thể là những công nhân lao động người dân tộc thiểu số có được giấy tạm trú hợp pháp cũng là điều khó khăn. Bởi theo Luật Cư trú sửa đổi năm 2020, công dân không được đăng ký tạm trú nếu chỗ ở nằm trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật (khu nhà trọ nằm trên đất trồng trọt).

Có điều, theo ghi nhận từ phía cơ quan công an cho biết, phía Công an phường Phú Diễn chưa từng tiếp nhận ý kiến từ phía Công ty chủ quản của những công nhân người dân tộc thiểu số đang thuê tại khu trọ này nhằm giúp họ xin giấy tạm trú hợp pháp!

Trong khi 15 công nhân, những người may mắn ở trọ trên những diện tích đất mà người chủ trọ có giấy sử dụng đất, nên đã được Công an phường Phú Diễn cấp cho giấy tạm trú, tạm vắng, những bộ hồ sơ xin nhận trợ cấp tiền thuê nhà đã được duyệt.

Công nhân thuê trọ trên... ruộng!Khu nhà trọ công nhân được xây trên đất ruộng. Ảnh: NGỌC TIẾN

Chúng tôi tiến hành khảo sát những công nhân lao động người dân tộc thiểu số đang thuê trọ xung quanh dọc tuyến đường Phú Diễn về việc: “Công ty nơi anh/chị làm việc có giúp đỡ, hỗ trợ, đưa ra những thông tin cần thiết, tuân thủ pháp luật cho những công nhân trong việc tìm nhà trọ để thuê hay không?”

Câu trả lời của những công nhân mà chúng tôi đã tiến hành khảo sát đã khiến chúng tôi giật mình. Chá A T. (SN 1998, Mường Lầm, Sông Mã, Sơn La, công nhân đã làm việc 3 năm tại một Khu công nghiệp ở Hà Nội) chia sẻ: “Không, chưa bao giờ!”. Những công nhân còn lại cũng có cùng câu trả lời.

Chia tay khu trọ, chia tay những người công nhân dân tộc thiểu số, chúng tôi không sao quên được những ánh mắt không vui, không buồn, và cả không mấy thiết tha về một việc mà chúng tôi rất lấy làm khẩn khoản, đó là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng, biết sao được khi nhiều công nhân dân tộc thiểu số cho đến lúc này (là ngày hạn cuối phát tiền hỗ trợ tiền thuê nhà) vẫn còn chưa từng được nghe các “ông chủ” phổ biến về chính sách này bao giờ!

Tôi biết sẽ còn nhiều câu chuyện mất ngủ nữa từ khu nhà trọ công nhân trên ruộng này. Nhưng chắc chắn, tôi sẽ còn trở lại.

Video: Xóm trọ công nhân.

Công nhân thuê trọ trên... ruộng!

NGỌC TIẾN

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động