e magazine
04/08/2021 13:45
Công nhân “ở đâu ở yên đấy”: Thêm một lần lỡ hẹn với quê hương

04/08/2021 13:45

Mẹ con Hậu ngồi bệt dưới sàn nhà nhặt mớ rau muống. Thằng bé 6 tuổi cười tít mắt vì được mẹ dạy đánh vần vài từ mới. Cô lăn tăn nghĩ ngợi số rau này tối nay sẽ luộc hay xào.
Công nhân “ở đâu ở yên đấy”: Thêm một lần lỡ hẹn với quê hương

Công nhân “ở đâu ở yên đấy”:

Thêm một lần lỡ hẹn với quê hương

Hậu và con trai ngồi bệt dưới sàn nhà nhặt mớ rau muống. Thằng bé 6 tuổi cười tít mắt vì được mẹ dạy đánh vần vài từ mới. Cô lăn tăn nghĩ ngợi số rau này tối nay sẽ luộc hay xào.

Hơn 2 tuần nay, gia đình Hậu đã quen với những bữa cơm mùa dịch “không có gì ngoài rau”. Hết rau luộc tới xào, có hôm nấu canh ăn qua bữa.

Cô vui vẻ nói: “Có thể được ăn no để chống Covid là quý lắm rồi, không dám đòi hỏi thêm nữa!”.

Khu nhà trọ của gia đình nữ công nhân ở ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hôm 15/7, một ngày sau khi nhà máy đóng cửa, Hậu ngưng việc, nơi này được chính quyền địa phương phong toả do khu vực lân cận có vài ca F0.

Không thể ra ngoài nhưng rau, củ, gạo, mì tôm và có đôi khi là một chút thịt, cá khô, được cán bộ công đoàn, các nhà hảo tâm chuyển vào tiếp tế. Riêng công đoàn công ty Hậu hỗ trợ mỗi công nhân 5 cân gạo, 1 hộp khẩu trang, 5 gói mì và 1 hộp cá khô.

Công nhân “ở đâu ở yên đấy”: Thêm một lần lỡ hẹn với quê hương

Hai mẹ con Hậu chuẩn bị bữa ăn trong phòng trọ

Những ngày “ai ở đâu ở yên đấy”, 12 phòng trong xóm trọ vẫn chưa ai bị thiếu đói nhưng nỗi lo lắng về dịch bệnh vẫn hằn trên từng gương mặt những lao động xa quê.

Hậu cũng vậy!

Tuần trước, lướt facebook, nhìn dòng người tất tả rời thành phố, Hậu nhấp nhổm muốn về. Buông điện thoại, cô quay sang hỏi chồng: “Hay mình về quê?”

“Về làm sao được. Cả ấp trong vùng dịch, người ta phong toả, kiểm tra dữ lắm! Huống hồ đường xa nguy hiểm, đi về tội cho thằng nhỏ. Rồi ngộ nhỡ làm liên luỵ cả nhà thì sao?”, chồng cô gạt đi.

Lòng Hậu nặng trĩu. Cô ngồi thừ một góc, lặng lẽ dõi theo hành trình của đồng nghiệp qua facebook, nhóm xuôi miền Tây, nhóm về Đắk Lắk...

Hậu dừng lại rất lâu trên màn hình điện thoại khi nhìn dòng người lầm lũi đi về miền Trung dưới cái nắng như thiêu như đốt. Cô nhớ nhà.

“Thấy người ta về mà lòng em cũng nao nao buồn. Em muốn được về theo với mọi người. Ở lại giữa miền đất khách trong lúc này tủi thân lắm! Nhưng cũng không thể nào về được”, nữ công nhân trải lòng.

Công nhân “ở đâu ở yên đấy”: Thêm một lần lỡ hẹn với quê hương

Dòng người hồi hương trong một hành trình dài thăm thẳm

Vợ chồng Hậu quê Gio Linh, Quảng Trị, nơi người dân sống bằng nghề trồng lúa và cây lương thực ngắn ngày. Cảnh quê vất vả, đồng tiền khó kiếm, con trai, con gái lớn lên hầu hết đều vào Nam lập nghiệp. Ruộng đồng để lại cho những người đứng tuổi làm “lai rai qua ngày”.

Năm 2018, vợ chồng cô quyết định ly hương sau nhiều lần bàn tính. Họ chọn Đồng Nai là nơi kiếm tiền, ôm theo đứa con trai khi ấy mới tròn 3 tuổi.

Hậu trúng tuyển tại Công ty TNHH Changshin, làm từ đó đến nay. Chồng cô là lao động tự do, làm cơ khí, tiền lương bập bõm.

Hơn chục triệu đồng là thu nhập bình quân hằng tháng của vợ chồng Hậu trong thời điểm suôn sẻ. Cô cân đối trang trải cho nhiều khoản: Tiền phòng trọ, tiền điện, nước, ăn uống, đóng học cho con trai và 2 triệu gửi về quê để ông bà chăm sóc đứa con gái út năm nay lên 4 tuổi.

“Cháu được 13 tháng thì vợ chồng em gửi lại ông bà để vào Đồng Nai. Từ đó đến giờ cả nhà mới về thăm con được một lần. Chính xác là 2 năm chưa về”, Hậu nói.

Công nhân “ở đâu ở yên đấy”: Thêm một lần lỡ hẹn với quê hương

Hậu trò chuyện với con gái ở Gio Linh, Quảng Trị

Những cuộc video call nối dài từ Đồng Nai ra Quảng Trị có thể nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ con nhưng câu hỏi của con trẻ và lời hứa “làm hết tháng mẹ về” luôn khiến cô trăn trở.

“Nó nhớ và lúc nào cũng ao ước: Bố mẹ về với con. Mình cứ hứa: Ờ thì đợi làm xong rồi bố mẹ về. Cứ vậy đó!”, Hậu kể.

“Tết vừa rồi kinh tế eo hẹp nên gia đình em cũng không về quê. Hai vợ chồng bàn tính năm nay cố gắng tích cóp, dư giả chút sẽ về nhưng tình hình này có lẽ lại thêm một cái Tết lỡ hẹn nữa rồi!”

Hai mẹ con Hậu trong những ngày "ai ở đâu ở yên đấy"

Covid-19 khiến vợ chồng Hậu phải ngừng việc từ hơn hai tuần trước. Tình trạng ấy có thể kéo dài khi Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội và dịch bệnh trở nên phức tạp với hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày.

“Trong thời điểm này, cuộc sống của chúng em gói gọn trong hai từ bế tắc”, cô nói thêm, bình thường các khoản thu nhập của gia đình vừa vặn chi tiêu qua ngày qua tháng.

Trông về những ngày sắp tới, Hậu không khỏi lo lắng: “Nếu tiếp tục tình trạng này, em e rằng không sống nổi. Công ty cho hưởng 70% lương nhưng số tiền đó không đủ đắp vào chi phí nhà trọ, tiền ăn”.

Sự hỗ trợ của công đoàn và các tổ chức từ thiện thời điểm hiện tại dù khiến Hậu và hàng chục công nhân trong xóm trọ nhỏ tạm yên tâm “ở đâu ở yên đấy” nhưng trong những ngày dài quanh quẩn trong phòng trọ, quê hương vẫn là nơi họ luôn hướng về.

“Quê nghèo mà bữa cháo, bữa rau cũng qua được dịch. Nhưng dù trở về hay ở lại thì điều em suy nghĩ tới đầu tiên vẫn là đảm bảo an toàn cho mình và mọi người”, Hậu nói trước khi tiếp tục dạy đứa con trai học đánh vần.

Ý YÊN

Xem phiên bản di động