Công nhân nhiễm độc thiếc sống lay lắt chờ bồi thường

Công nhân nhiễm độc thiếc sống lay lắt chờ bồi thường

Trong khi người lao động đang giành giật sự sống do bị nhiễm độc thiếc tại nhà máy, Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không lý do. Điều đáng nói, sau hơn một năm “trở về từ cõi chết”, người lao động vẫn chưa nhận được mức bồi thường thỏa đáng.

Năm 2020, Cuộc sống an toàn từng đăng tải loạt bài về vụ nhiễm độc thiếc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (Cụm công nghiệp Ngũ Hùng, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).

Cụ thể, người lao động sau một thời gian làm việc tại bộ phận Nghiền liệu của doanh nghiệp này có biểu hiện suy nhược cơ thể, mất trí, thần kinh hoang tưởng... Một công nhân đã tử vong và hơn chục người bị suy giảm sức khỏe sau vụ việc nghiêm trọng này.

Vụ việc tưởng chừng khép lại khi nhiều nạn nhân đã nhận bồi thường từ phía công ty. Vậy mà mới đây, Cuộc sống an toàn lại tiếp tục nhận được đơn kêu cứu của 04 nạn nhân đến nay vẫn chưa nhận được bồi thường thỏa đáng. Họ đồng thời gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan Trung ương và địa phương.

Mất việc vì nhiễm độc thiếc

Anh Vũ Đình Trượng (SN 1977, trú tại xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) làm việc tại bộ phận Nghiền liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam từ tháng 2/2020. Ngày 18/3/2020, anh được Tổng giám đốc công ty ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm.

Đầu tháng 5/2020, anh Trượng có dấu hiệu mệt mỏi, mất trí nhớ, đôi lúc điên loạn... nên xin tạm nghỉ việc để người nhà đưa đi chữa trị ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương.

Anh kể: “Tôi đi viện được vài hôm thì người trong công ty gọi điện hỏi: Anh có về làm được không, nếu không làm được thì sắp xếp người khác vào, cho anh nghỉ luôn. Lúc ấy tôi đang điều trị nhiễm độc thiếc, sức khoẻ còn rất yếu không đi làm được thế là họ cắt hợp đồng lao động. Suốt thời gian ốm đau công ty cũng không hề hỏi thăm”.

Công nhân nhiễm độc thiếc sống lay lắt chờ bồi thường

Anh Vũ Đình Trượng mất sức lao động sau khi bị nhiễm độc thiếc

Cùng bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động vì nhiễm độc thiếc, anh Nguyễn Đình Trung (SN 1983, ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miên, tỉnh Hải Dương) nói rằng khoảng hơn một tuần trước ngày nhập viện, khi còn làm việc tại bộ phận Nghiền liệu của công ty, anh đã có triệu chứng mệt mỏi, mất trí, thỉnh thoảng tay co quắp như bị chuột rút...

Buổi sáng ngày 15/5/2020, khi anh chuẩn bị đi làm thì gục ngã trước cửa nhà, được đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương. Lúc bấy giờ, các bác sĩ chẩn đoán anh bị suy thượng thận, sau này xác định anh bị nhiễm độc thiếc trong nhà máy.

Sau thời gian cấp cứu qua cơn nguy kịch, anh nhận được thông báo từ phía công ty rằng đã cho anh nghỉ việc nhưng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động mãi sau này anh mới được nhận.

gặp khó trong vấn đề bồi thường

Mặc dù người lao động suy giảm sức khoẻ nghiêm trọng sau khi bị nhiễm độc thiếc, hầu hết phải vay mượn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để trang trải chi phí điều trị, thuốc men nhưng đến thời điểm này vấn đề bồi thường vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.

Hơn một năm nay, sức khoẻ của anh Vũ Đình Trượng bị giảm sút, không còn khả năng lao động. Từ chỗ là “trụ cột” của gia đình, anh trở nên lặng lẽ thu mình, quanh quẩn ở nhà cơm nước, dọn dẹp. Nguồn sống cả gia đình hiện nay phụ thuộc vào những đồng lương công nhân ít ỏi của vợ. Trong khi đó, khoản nợ hơn 100 triệu gia đình vay mượn chạy chữa cho anh vẫn lơ lửng trên đầu.

Công nhân nhiễm độc thiếc sống lay lắt chờ bồi thường

Anh Nguyễn Đình Trung, nạn nhân bị nhiễm độc thiếc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam

Anh Nguyễn Đình Trung thì cho biết: “Từ hồi bị đi viện đến giờ tôi chưa làm được gì. Tôi có thử đi một, hai lần nhưng sức khoẻ yếu không thể làm gì được”.

Trong đơn cầu cứu, nhóm công nhân trình bày: “Cuộc sống của chúng tôi vô cùng vất vả và bế tắc, trong khi đó Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam vẫn từ chối hợp tác và giải quyết quyền lợi chưa thoả đáng cho chúng tôi”.

Video anh Vũ Đình Trượng chia sẻ về hoàn cảnh hiện tại

Để làm rõ vấn đề này, PV đã liên hệ với bà Vũ Thị Minh, Phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam, người phụ trách giải quyết bồi thường cho nạn nhân vụ nhiễm độc thiếc.

Bà Minh cho biết, công ty đang cố gắng giải quyết bồi thường cho công nhân: “Công ty sẽ căn cứ vào các giấy tờ mà các anh ấy nộp lên để chi trả các chi phí điều trị, thuốc men. Các anh ấy cung cấp được giấy tờ gì thì công ty chi trả theo đúng giấy tờ đấy. Ngoài giấy tờ khám chữa bệnh, đơn thuốc của bệnh viện thì tất cả hoá đơn mua thuốc của hiệu thuốc có đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại của hiệu thuốc, người bán hàng và bên công ty xác minh được đúng thông tin, sẽ được chấp nhận”.

Công nhân nhiễm độc thiếc sống lay lắt chờ bồi thường

Anh Trượng và anh Trung chờ giám định thương tật tại Viện Pháp y Quốc gia, tháng 12/2020.

Trái với khẳng định của bà Minh, các công nhân nói rằng nhiều hoá đơn mua thuốc dù có đầy đủ các thông tin vẫn không được phía công ty chấp nhận thanh toán.

Chẳng hạn như các hoá đơn bán lẻ tại Nhà thuốc Trung tâm huyện Thanh Miện (Hải Dương) do anh Vũ Văn Quảng (nạn nhân nhiễm độc thiếc) mua các ngày 9/6/2020; 1/7/2020; 9/8/2020. Các hoá đơn này dù đều được đóng dấu của nhà thuốc và tên dược sĩ, thậm chí có cả chữ ký và số điện thoại người bán hàng nhưng công ty chỉ chấp nhận thanh toán một tờ với số tiền 1,2 triệu đồng. Hai tờ hoá đơn còn lại với tổng số tiền 2,5 triệu đồng không được công ty thanh toán.

undefined
Chỉ có 1 hoá đơn được công ty coi là hợp lệ để thanh toán dù tất cả được mua ở 1 địa chỉ, có đầy đủ thông tin.

Hệ quả của việc chậm trễ bồi thường là người lao động chịu nhiều thiệt thòi về sức khoẻ, tiền bạc. Những người như anh Trượng, anh Trung hay anh Quảng, dù điều trị, thuốc men cả năm trời tốn kém cả trăm triệu đồng cũng chỉ được công ty chấp nhận bồi thường từ 14 – 30 triệu đồng. Với tỷ lệ thương tật lên đến 21 - 33%, số tiền bồi thường đó không đủ để người lao động chữa chạy để vơi đi gánh nặng bệnh.

công ty vi phạm quy định của pháp luật

Luật sư Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, trách nhiệm của công ty đối với trường hợp người lao động bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp được quy định trong Điều 38, Luật An toàn vệ sinh lao động.

Theo đó, công ty phải có trách nhiệm trả toàn bộ tiền lương trong thời gian điều trị, trả toàn bộ tiền thuốc men, viện phí và chi phí y tế. Đồng thời, giới thiệu người lao động đi giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để làm cơ sở cho việc chi trả chế độ. Trong trường hợp có kết quả giám định, công ty phải chi trả cho người lao động thêm 1 khoản bồi thường hoặc hỗ trợ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tùy theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

Vị luật sư nói thêm: “Về nguyên tắc sau khi người lao động bị tai nạn lao động, điều trị ổn định thương tật thì sẽ được công ty giới thiệu đi giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Công ty không làm là có lỗi, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Người lao động có thể khởi kiện về việc này”.

Ngoài ra, theo ông Vũ Ngọc Hà, sau khi người lao động bị tai nạn lao động (nhiễm độc thiếc) phải đi điều trị, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với họ khi hợp đồng lao động còn thời hạn là vi phạm quy định của pháp luật.

Ông Hà đưa ra lời khuyên: “Người lao động phải làm đơn khởi kiện ra tòa để buộc công ty hủy quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc, bồi thường 2 tháng lương do cho người lao động nghỉ trái pháp luật. Sau đó người lao động yêu cầu phía công ty lập biên bản điều tra tai nạn lao động, giới thiệu đi giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động và trả phần tiền lương từ khi xảy ra tai nạn lao động đến khi giám định”.

Tuy nhiên, vị luật sư lưu ý, theo quy định người lao động chỉ được lấy một khoản lương của một trong hai trường hợp trên mà thôi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Bài viết: Ý YÊN