e magazine
16/09/2020 17:30
Công nhân nhiễm độc thiếc: Người cởi trần lang thang, người gào suốt đêm như “ma làm”

16/09/2020 17:30

Sau quãng thời gian cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, giờ đây 3 người đàn ông thôn Đồng Mỹ, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Thỉnh thoảng, họ vẫn nghe người làng kể về những ngày điên điên dại dại để rồi rùng mình kinh hãi. Nhưng dẫu sao họ vẫn may mắn còn sống để mà nghe…
Công nhân nhiễm độc thiếc: Người cởi trần lang thang, người gào suốt đêm như “ma làm”

Sau quãng thời gian cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, giờ đây 3 người đàn ông thôn Đồng Mỹ, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Thỉnh thoảng, họ vẫn nghe người làng kể về những ngày điên điên dại dại để rồi rùng mình kinh hãi. Nhưng dẫu sao họ vẫn may mắn còn sống để mà nghe…

***

Trở về nhà sau 36 ngày cấp cứu, điều trị do nhiễm độc thiếc tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, anh Bùi Trọng Ngũ (SN 1975) vẫn đều đặn mỗi tháng 2 lần trở lại bệnh viện để xét nghiệm máu, lấy mẫu nước tiểu. Cơ thể anh vẫn chưa bình phục hẳn, buổi sáng sau khi tỉnh dậy, đầu vẫn đau và choáng váng, chân tay run rẩy, chẳng thể làm được việc gì.

Trước đó, vào tháng 6/2020, anh Ngũ nộp hồ sơ xin việc vào Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) và được tiếp nhận vào làm việc tại bộ phận nghiền phế liệu. Buổi sáng hôm nộp hồ sơ, anh được ký hợp đồng và bắt tay ngay vào công việc.

Anh Ngũ cho biết, bộ phận nghiền phế liệu có 2 phòng được ngăn cách bởi lớp cửa kín. Có 4 máy nghiền phế phẩm nhựa thành các bột mịn màu trắng, mỗi máy được phụ trách bởi 2 công nhân. Máy nổ rất to, bụi nhựa bay mù mịt, trắng xoá nền nhà. Cứ khoảng 15 phút công nhân phải quét dọn sạch sẽ nền nhà một lần. Nhóm của anh Ngũ cũng trực tiếp đóng bao bột nhựa, sau đó xếp vào một đống, được 36 bao thì có xe cẩu vận chuyển lên tầng trên. Công việc của các công nhân tổ nghiền liệu như anh Ngũ lúc nào cũng luôn chân luôn tay, không ngừng nghỉ. Một ngày họ làm việc 12 tiếng, có khi còn phải ở lại thêm 30 phút để dọn dẹp nhà xưởng.

“Xưởng này làm suốt ngày đêm. Ca ngày nghỉ thì ca đêm lại làm”, anh Ngũ nói.

Công nhân nhiễm độc thiếc: Người cởi trần lang thang, người gào suốt đêm như “ma làm”

Theo miêu tả của anh: “Phòng làm việc cực kỳ bụi và nóng bức. Tôi có một người bạn xin vào làm cùng, nhưng anh ta chỉ làm 1 tiếng là về luôn, không làm nữa. Chúng tôi thì vẫn làm bình thường, khoảng chục hôm thì tôi thấy cơ thể xuống sức, người khô, hốc hác, da đen sạm đi và sút cân, đầu óc mông lung, nói năng nhảm nhí... Trước khi vào công ty, tôi nặng 70kg, sau chục ngày làm việc, đến lúc đi viện các bác sĩ cân chỉ còn 59kg”.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Kim Cương (SN 1978), làm việc tại xưởng nghiền liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam được 21,5 công thì nghỉ việc bởi xuất hiện các triệu chứng không bình thường. Tan giờ làm, anh Cương không nhớ đường về nhà. Đầu óc anh điên loạn, cứ thế phóng xe đi quanh xã. Rồi dựng xe máy chỗ nào anh cũng không nhớ, cứ cởi trần đi lang thang suốt đêm. Có khi anh lang thang vào nhà người dân và nằng nặc đòi tìm xe máy, điện thoại của mình. Người ta thấy anh có vấn đề về thần kinh nên đưa anh về nhà. Có người nghi ngờ anh sử dụng chất kích thích, ma tuý đá, có người lại bảo anh bị “ma làm” dẫn đến điên dại.

“Tôi làm được khoảng 15 ngày thì thấy sức khỏe giảm sút trông thấy, nhưng vẫn cố làm, cho đến khi được 21,5 công thì nghỉ việc. Nhưng ngay cả thời điểm tôi nghỉ việc tôi cũng không biết rằng mình nghỉ việc, tôi đã phát bệnh từ lúc nào không biết”, anh Cương cho hay.

Công nhân nhiễm độc thiếc: Người cởi trần lang thang, người gào suốt đêm như “ma làm”

Đến ngày 14/7, khi một đồng nghiệp cùng công ty, cũng là người trong xóm là anh Nguyễn Đức Hảo (SN 1985) tử vong, được bệnh viện trả về mai táng thì người nhà anh Cương mới cuống cuồng cho anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Lúc ấy, anh Cương không nhớ tên vợ, tâm thần bị rối loạn, cứ hò hét, lảm nhảm suốt 4 ngày sau.

Cũng may, anh được các bác sĩ lọc máu ngay trong đêm nên mới có cơ hội sống. Hồ sơ bệnh án của anh cho thấy, nồng độ thiếc trong máu và nước tiểu cao hơn 50 lần ngưỡng cho phép. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy bị tổn thương chất trắng não. Cũng giống như 3 công nhân cùng làng với những biểu hiện tương tự, anh Cương được bác sĩ kết luận bị nhiễm độc thiếc.

“Hiện tại đầu óc vẫn còn đau và choáng váng. Đến kỳ là bác sĩ gọi đi khám lại. Tiền viện phí của tôi hết hơn 100 triệu. Bao năm nay vợ chồng tích cóp đổ dồn hết cho tôi chữa bệnh”, anh Cương chia sẻ.

Công nhân nhiễm độc thiếc: Người cởi trần lang thang, người gào suốt đêm như “ma làm”
Công nhân nhiễm độc thiếc: Người cởi trần lang thang, người gào suốt đêm như “ma làm”
Anh Nguyễn Kim Cương (SN 1978) và Đặng Kim Tùng (SN 1992) luôn ám ảnh về những ngày bị nhiễm độc thiếc - Ảnh: M.K

Trò chuyện với PV Cuộc sống an toàn, bà Nguyễn Thị Ngát - mẹ của anh Đỗ Kim Tùng (SN 1992) vẫn chưa hết bàng hoàng về những ngày chứng kiến con trai của mình ra điên ra dại. Bà cho biết, con trai mình sau khoảng 2 tuần làm việc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam thì có những biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, hoang tưởng, hai tay bị nổi mụn nước như bong bóng... Anh Tùng thường đi lang thang, không kiểm soát được hành vi, có khi nhảy cẫng lên tường rào rồi kêu gào có rắn, có ngóe... Một thời gian sau, chân tay anh co quắp, đi không vững, ngã xiêu ngã vẹo. Đêm đến anh hay nói năng lảm nhảm, có lúc gào rú suốt đêm.

Cũng giống như trường hợp của anh Cương, sau khi biết tin anh Hảo tử vong, người nhà của anh Tùng tức tốc đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Anh nằm viện 1 tháng 3 ngày.

“Lúc ấy mình không biết gì đâu, sau này thì nghe mọi người kể lại mới biết là mình có những hành động điên cuồng như vậy”, anh Tùng nói.

Ông Hoàng Công Vụ, trưởng thôn Đồng Mỹ, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết, toàn thôn có hơn 600 hộ với hơn 1000 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, nhiều năm trở lại đây hầu hết thanh niên và cả những người trung tuổi có xu hướng đi làm công nhân tại các công ty ở bên Hải Dương.

“Nhưng gần đây mới xảy ra trường hợp mấy anh em ở làng đi làm công nhân được một thời gian thì phát bệnh, sức khỏe yếu và có biểu hiện ngớ ngẩn. Đặc biệt có trường hợp tử vong, bệnh viện trả về. Chúng tôi cũng có động viên, thăm hỏi các gia đình có người gặp nạn bởi họ đều là trụ cột gia đình, có hoàn cảnh khó khăn, lại phải trải qua quá trình điều trị tốn kém. Đặc biệt, anh Tùng có bố mẹ đều tàn tật, người khoèo chân tay, người bị mù một mắt. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm điều tra, có những chính sách đền bù hợp lý dành cho họ”, ông Vụ nói.

Trao đổi với chúng tôi, cả 3 nạn nhân nhiễm độc thiếc cho hay, khi làm việc tại bộ phận nghiền phế liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam, họ chỉ được cấp cho đôi găng tay, 1 cặp nút chống ồn và 1 khẩu trang vải, ngoài ra không có dụng cụ bảo hộ nào khác. Sau khi phải nghỉ việc để đi điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các công nhân này không nhận được sự thăm hỏi, hỗ trợ nào từ phía công ty ngoại trừ khoản tiền lương trong thời gian làm việc. Được biết, họ chỉ mới được ký hợp đồng thử việc 1 tháng, chưa được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, làm chưa đủ thời gian 1 tháng thì tất cả đều bị nhiễm độc, không thể tiếp tục công việc được nữa.

Điều đáng nói, khi trả lời phỏng vấn của VTV, bà Lê Thị Dung - Trợ lý Giám đốc Công ty khẳng định: “Các bạn ấy nghỉ tự do, không thông báo gì với công ty, sau đó thì các bạn ấy đi khám bệnh. Khi mà có thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai và các ban, ngành về thì mình mới biết”.

Hiện tại khu vực xưởng nghiền phế liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam cũng đã tạm thời bị niêm phong. Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cũng đã tiến hành lấy mẫu quan trắc môi trường tại công ty.

Bài: Ý Yên

Xem phiên bản di động