e magazine
06/10/2020 18:26
Công nhân lao động nỗ lực tìm kiếm việc làm mùa dịch

06/10/2020 18:26

Bị thất nghiệp do Covid-19, nhiều công nhân phải từ bỏ công việc vốn đã gắn bó nhiều năm để bươn chải, làm lao động tự do lo miếng cơm manh áo sống qua ngày.
Công nhân lao động chuyển việc vì Covid 19

Bị thất nghiệp do Covid-19, nhiều công nhân phải từ bỏ công việc vốn đã gắn bó nhiều năm để bươn chải, làm lao động tự do lo miếng cơm manh áo sống qua ngày.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 7 năm nay đã có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, thất nghiệp... Tình trạng công nhân lao động tìm cách xoay xở chuyển nghề là điều dễ nhận thấy.

Là một trong số những công nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, vợ chồng chị Vũ Thị Hằng (từng làm công nhân tại Công ty CP May Vietdaz, Thanh Hóa) phải lên Hà Nội bươn chải kiếm tiền nuôi con nhỏ ăn học. Công ty của chồng chị Hằng trong đợt dịch Covid-19 không xuất được hàng gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu. Chính vì thế công ty phải cắt giảm nhân sự, rất nhiều công nhân rơi vào tình cảnh bị thất nghiệp. Chồng bị mất việc làm, một mình chị Hằng không thể gồng gánh cả gia đình bởi công ty chị cũng không khấm khá hơn, bị cắt giảm giờ làm, không tăng ca, thu nhập hàng tháng giảm nhiều so với trước.

Công nhân lao động chuyển việc vì Covid 19
Chị Vũ Thị Hằng, từng làm công nhân tại Công ty CP May Vietdaz, Thanh Hóa.

Trước tình thế khó khăn trước mắt, vợ chồng chị Hằng quyết định đi làm thợ xây. Mặc dù công việc có nhiều vất vả nhưng đối với hoàn cảnh gia đình chị Hằng, chỉ cần kiếm được tiền để trang trải chi phí sinh hoạt ở quê cho gia đình thì khó khăn mấy vợ chồng chị cũng gắng gượng. “Gia đình ở quê cũng không mấy khá giả, hiện tại hai đứa con đang ở nhà cùng với ông bà nội. Trước đây, hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, chi tiêu hàng tháng của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào quỹ lương eo hẹp. Do dịch bệnh, thu nhập lại càng giảm, vì vậy hai vợ chồng cùng hai đứa con gặp nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống trong khi dịch bệnh vẫn đang phức tạp”, chị Hằng chia sẻ.

Gắn bó với công việc tại Công ty CP May Vietdaz đã được nhiều năm, chị Hằng không nghĩ sẽ có ngày dừng công việc may của mình. Chị cho biết: “Làm nghề đã được hơn 3 năm, đã quen với môi trường làm việc tại công ty, vì thế khi nghỉ việc tôi thấy rất buồn. Mặc dù lương công nhân không quá cao nhưng so với trước khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thu nhập hằng tháng của tôi cũng được khoảng 7 triệu. Ngoài ra, làm công nhân cũng ổn định hơn nhiều so với các nghề khác”.

Công nhân lao động chuyển việc vì Covid 19
Công nhân lao động chuyển việc vì Covid 19
Công nhân lao động ráo riết tìm việc làm.

Hiện tại, chị Hằng đang làm phụ bếp cùng nơi với chồng của chị. May mắn khi ở đây, anh chị không mất thêm chi phí thuê nhà nên mỗi tháng cả hai cũng dành dụm được một khoản để gửi về cho con cái ăn học. “Trong cái khó lại ló cái khôn. Phần lớn những anh em thợ xây đều là đồng hương với nhau, ai nấy đều vui vẻ, hòa đồng, thường xuyên giúp đỡ nhau. Hằng ngày tôi chuẩn bị cơm cho cả nhóm thợ xây khoảng gần 20 người. Ban đầu gặp một số khó khăn vì chưa nấu cho nhiều người ăn bao giờ cộng thêm việc mỗi người một khẩu vị, chỉ lo mình làm không tốt. Nhưng đến nay đã làm được vài tháng, tôi dần quen hơn và coi nó là công việc yêu thích của mình”, chị Hằng kể.

Công nhân lao động chuyển việc vì Covid 19
Anh Đào Văn Phong, công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Cũng giống như chị Hằng, anh Đào Văn Phong trước đây làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng chuyển sang làm tài xế xe ôm công nghệ. Anh Phong chia sẻ: “Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp cắt giảm nhân công là cách làm nhanh nhất để giảm chi phí trong khi chờ đợi hồi phục kinh tế. Xu hướng này khiến công nhân lao động như chúng tôi nhanh chóng phải đối diện với tình trạng thất nghiệp. Đứng trước tình hình này, bắt buộc chúng tôi phải tìm nghề khác để làm, dù lâu dài hay tạm bợ cũng phải kiếm sống”.

Công nhân lao động chuyển việc vì Covid 19

Được biết, thu nhập hiện tại của anh Phong cao hơn đợt làm công nhân. “Trung bình mỗi ngày được hơn 200 nghìn đồng, nếu chăm chỉ làm từ sáng đến tối muộn có thể được nhiều hơn. Khách cũng ổn định hơn so với lúc dịch tái bùng phát cách đây hơn một tháng. Mặc dù thu nhập hiện tại cao hơn khi làm công nhân nhưng làm Grab không ổn định và vất vả hơn, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Nếu được quay trở lại làm công nhân một lần nữa, mình vẫn muốn làm”, anh Phong cho hay.

Thực hiện: Hoàng Nhung

Xem phiên bản di động