Công nhân khó khăn được hỗ trợ khẩn cấp |
Chiều 10/8, nghe chính quyền địa phương thông báo sẽ tạm phong toả cả thôn để điều tra, truy vết, Thảo thấp thỏm không yên. Tiếng loa phát thanh từ xa vọng lại khu nhà ở công nhân suốt từ chiều đến tối, cô nghe lõm bõm, câu được câu chăng. Nhưng thông tin thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) – nơi gia đình cô đang ở, tạm thời bị phong toả để chính quyền truy vết, khử khuẩn là chính xác. Yêu cầu phong toả 2 thôn (Bầu, Hậu Dưỡng) thuộc xã Kim Chung được đưa ra trong văn bản hoả tốc của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ người dân, sau khi địa phương này phát hiện chùm ca bệnh liên quan đến F0 cách ly tập trung trở về. Đây là địa bàn có rất đông công nhân KCN Bắc Thăng Long cư trú, hầu hết là lao động ngoại tỉnh. Việc truy vết, điều tra dịch tễ được siết chặt trên diện rộng từ đêm 8/8. Người dân và công nhân toàn xã được yêu cầu tạm thời ở nhà trong 3 ngày (9 – 12/8). Hàng nghìn công nhân được lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm. “Vợ chồng tôi vừa có kết quả xét nghiệm. Rất mừng là cả hai đều âm tính”, nữ công nhân thở phào nhẹ nhõm và cho biết có thể yên tâm “ở đâu ở yên đấy” theo yêu cầu phòng, chống dịch bởi “thức ăn còn nhiều, gạo đủ cho cả tháng”. Công nhân KCN Bắc Thăng Long đi "Siêu thị 0 đồng" Chủ nhật vừa rồi, Thảo nhận được phiếu đi “Siêu thị 0 đồng” của Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. Siêu thị tổ chức tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung trong 2 ngày cuối tuần, cung cấp nhu yếu phẩm miễn phí cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Nữ công nhân vui vẻ nhận 5 cân gạo xi dẻo, một hộp khẩu trang, 3 gói bột canh và nước mắm, dầu ăn từ cán bộ công đoàn. Cô nói: “Trong lúc dịch bệnh như thế này, những nhu yếu phẩm được công đoàn hỗ trợ rất kịp thời, giảm bớt được phần nào chi phí của gia đình”. Quà từ "Siêu thị 0 đồng" do Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức Dịch Covid-19 quay trở lại khiến cuộc sống gia đình cô bị xáo trộn. Nhà trẻ đóng cửa, hơn 1 tháng nay, vợ chồng cô phải đưa bà nội từ Hà Nam lên trông cháu. Công việc, thu nhập của hai vợ chồng bị ảnh hưởng. Sau gần chục năm làm việc tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, KCN Bắc Thăng Long, Thảo đúc kết: “Mỗi lúc khó khăn đều nhận được sự giúp đỡ của các cấp công đoàn”. Anh Tú (quê Thái Nguyên), một đồng nghiệp với Thảo cũng nhận được sự hỗ trợ của Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội từ cuối tuần trước. Anh chia sẻ, trước kia thường đi và về theo xe đưa đón của công ty. 3 tuần nay, Hà Nội giãn cách xã hội, anh phải ở lại ký túc xá cùng 5 anh em công nhân. Nhận đồ hỗ trợ từ cán bộ công đoàn, mấy anh em dùng chung, ai cũng phấn khởi. Công nhân đi "Siêu thị 0 đồng" hôm 6/8 - Ảnh: Đinh Luyện Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, từ những ngày đầu của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, đơn vị này tổ chức nhiều đợt trao hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt là lao động phải thực hiện cách ly. “Dựa trên đề xuất của công nhân lao động tại các khu cách ly và công đoàn cơ sở, chúng tôi đã hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết như: Chăn đắp, bánh ngọt, sữa, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn rửa mặt, muối tinh…”, ông Toản nói và cho biết, tính đến ngày 5/8, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã hỗ trợ được 4.158 công nhân lao động thuộc diện cách ly phong tỏa, nữ công nhân nuôi con nhỏ. Ngày 9/8 , LĐLĐ TP Hà Nội yêu cầu mỗi LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức ít nhất 1 “Siêu thị 0 đồng” tại những nơi tập trung đông công nhân. “Chúng tôi đã phát 2.000 phiếu “Siêu thị 0 đồng” cho các công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Do đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP, chúng tôi thực hiện trao hỗ trợ giãn cách. Trong đó, trao 500 suất quà hỗ trợ trực tiếp tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung, số còn lại được chuyển và trao tại các điểm cách ly, doanh nghiệp có công nhân hoàn cảnh khó khăn…”, ông Toản cho hay. Vừa qua, LĐLĐ TP Hà Nội cũng ban hành Công văn về việc hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm để họ yên tâm "ai ở đâu ở đấy". Trong đó chú trọng hỗ trợ người lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp tập trung, công nhân lao động ở các khu nhà trọ đang phải nghỉ việc do doanh nghiệp dừng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19. Video: Mô hình "Siêu thị xe buýt 0 đồng" phục vụ công nhân khó khăn do Covid-19 LĐLĐ TP Hà Nội công bố đường dây nóng hỗ trợ khẩn cấp công nhân lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường yêu cầu các cấp công đoàn rà soát công nhân có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp hỗ trợ các “Túi an sinh Công đoàn” gồm: Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu. Hiện LĐLĐ TP Hà Nội đã công bố đường dây nóng 24/24/7 của các LĐLĐ quận, huyện, ngành, Tổng công ty để tiếp nhận thông tin yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của người lao động và công đoàn cơ sở... |
Ý YÊN |
Tấm lòng của người Quảng Nam chung sức cùng Đà Nẵng chống dịch
Gần một tuần qua, những mớ rau, quả bí, quả bầu được người dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cẩn thận lựa chọn để ... |
Hà Nội: Hỗ trợ khẩn cấp người lao động khó khăn do Covid-19
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn Thủ đô tăng cường các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp bằng kinh ... |
Nữ công nhân lỡ hẹn về quê: “Chưa bao giờ tôi gặp khó khăn thế này”
Rời Đắk Lắk lên TP HCM để làm công nhân ngót nghét đã gần 6 năm, chị Mó Nga (26 tuổi, người dân tộc Vân ... |