e magazine
09/03/2022 18:54
Công nhân F1 vẫn đi làm tại nhà máy

09/03/2022 18:54

Trong bối cảnh thiếu hụt lao động do số ca F0 tăng cao, các doanh nghiệp cũng linh hoạt đưa ra quy định về việc F1 có đi làm hay không?
Công nhân F1 vẫn đi làm tại nhà máy

Trong bối cảnh thiếu hụt lao động do số ca F0 tăng cao, các doanh nghiệp cũng linh hoạt đưa ra quy định về việc F1 có đi làm hay không?

Chị Trương Minh Tâm (SN 1992), công nhân Công ty TNHH Sato Việt Nam cho biết: “Theo quy định của công ty, các trường hợp F1 lần đầu sẽ được nghỉ cách ly. Trường hợp họ sống cùng nhà với F0 thì sẽ nghỉ đến bao giờ người nhà âm tính mới đi làm. Bây giờ thì các F1 có người nhà bị F0 vẫn đi làm bình thường, cứ 3 ngày một lần sẽ được công ty test Covid-19 đến khi nào người nhà âm tính thì dừng test”.

Tương tự, tại Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội (KCN Quang Minh, Hà Nội), các công nhân F1 test nhanh âm tính vẫn đi làm bình thường. Ông Nguyễn Đức Nhân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cho biết, số ca F0 tăng chóng mặt, công ty đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Do đó, công ty ra quy định các F1 sống cùng nhà F0 vẫn đi làm.

“Đây là quy định mới nhất từ phía công ty. Theo đó, công nhân F1 test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính vẫn đi làm. Họ phải thực hiện nghiêm quy định 5K, hạn chế tiếp xúc. Riêng đối với trường hợp F1 sống cùng nhà F0 sẽ được test nhanh 2 ngày/lần”, chị Đào Thị Hồng Ngọc, Tổ trưởng Tổ An toàn Covid-19, Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội cho biết.

Tùy từng trường hợp, công nhân F1 vẫn đi làm

Chị Đào Thị Hồng Ngọc, Tổ trưởng Tổ An toàn Covid-19, Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội

Cũng theo chị Ngọc, trường hợp F1 tiếp xúc gần với F0 là công nhân trong nhà máy thì được rà soát, lập danh sách và test nhanh tại công ty trong ngày phát hiện F0. Sau đó 2 hôm sẽ được test lại lần nữa. Qua theo dõi, nếu phát hiện triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 thì tiếp tục cách ly để test.

Công ty này bố trí khu vực dành cho đội ngũ y tế thường xuyên túc trực để test sàng lọc cho công nhân có triệu chứng ho, sốt, rát họng...

“Công nhân âm tính thì tiếp tục làm việc, nếu dương tính thì về nhà khai báo và làm theo yêu cầu của địa phương. Bây giờ lượng F0, F1 quá nhiều, cho nên nếu F1 phải cách ly thì công ty sẽ không có đủ người làm. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở công nhân hạn chế tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm”, chị Ngọc nói.

Tùy từng trường hợp, công nhân F1 vẫn đi làm

Điểm khai báo F0, F1 tại Nhà văn hóa thôn Hậu Dưỡng mỗi ngày có hàng trăm công nhân đến làm thủ tục khai báo y tế - Ảnh: Ý Yên

Chị Lê Huyền Trang, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết mình mới trở thành F1 do một người bạn cùng phòng trọ là F0. Sau khi báo cáo lên công ty, chị được cho nghỉ cách ly 5 ngày. “Tuy nhiên, công ty cũng căn cứ theo mức độ tiếp xúc. Nếu là F1 trong công ty mà không tiếp xúc gần thì vẫn đi làm”, chị Trang nói thêm.

Đây cũng là quy định phổ biến tại nhiều công ty hiện nay, trong bối cảnh các ca F0 tăng cao, tình trạng thiếu công nhân sản xuất đang ở mức báo động.

Tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất, Hà Nội), các công nhân F1 vẫn đi làm nhưng trước khi vào nhà máy họ được test sàng lọc. Các công nhân được yêu cầu giữ khoảng cách trên 2 mét và hạn chế giao tiếp. Công ty dừng các cuộc họp trực tiếp, chỉ họp online. Ngoài ra, các trang thiết bị sử dụng chung thường xuyên được vệ sinh, diệt khuẩn...

Tùy từng trường hợp, công nhân F1 vẫn đi làm

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam - Ảnh: Thanh Hải

Bộ Y tế mới đây đưa ra đề xuất F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, trên tinh thần tự nguyện có thể làm việc trực tuyến; F1 được phép tham gia công việc trực tiếp và trực tuyến.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm đối với F1 thay vì cách ly. Người F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến, nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.

Tùy từng trường hợp, công nhân F1 vẫn đi làm

Công nhân F0 làm thủ tục xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH - Ảnh: Ý Yên

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng đề xuất trên là hoàn toàn hợp lý với tình hình thực tiễn bởi các F0 và F1 tăng cao khiến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối mặt với tình trạng không có người làm việc.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý các F0, F1 được đi làm cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm giảm bớt sự lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, nếu có dấu hiệu bất thường thì cần xét nghiệm ngay để có biện pháp điều trị.

Đối với các cơ quan, nhà máy cần xây dựng kịch bản trong trường hợp cho F0, F1 đi làm để vừa có nhân lực sản xuất, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Công nhân F1 vẫn đi làm tại nhà máy

Bài và ảnh: Ý YÊN

Đồ hoạ: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động