Cống hiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt trên cương vị người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam
Công đoàn

Cống hiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt trên cương vị người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Đồng chí Hoàng Quốc Việt (1905-1992) là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, kiêm nhiệm nhiều công việc của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vượt qua nhiều thử thách, gian khổ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Với thời gian dài tham gia và trực tiếp lãnh đạo hoạt động công đoàn, đồng chí đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.

Với những đóng góp quan trọng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giác ngộ công nhân, xây dựng nòng cốt cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Đảng giao nhiệm vụ cùng một số cán bộ công vận xúc tiến xây dựng tổ chức Công đoàn thống nhất trong toàn quốc.

Cống hiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt trên cương vị người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam
Đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 2, tại Hà Nội tháng 2/1961. Ảnh: Tư liệu.

Từ những nỗ lực của các đồng chí, ngày 20/7/1946, tại Hội nghị cán bộ công đoàn cứu quốc toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức được thành lập và ra mắt quần chúng lao động cả nước. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn là điều kiện hết sức cơ bản cho cuộc đấu tranh xây dựng, củng cố và bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Năm 1950, để gấp rút kiện toàn hệ thống tổ chức công đoàn các cấp, đáp ứng yêu cầu tăng cường tập hợp các tầng lớp trí thức và lao động chân tay phục vụ cho công cuộc kháng chiến, ngày 01/01/1950 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Đại hội đại biểu toàn quốc Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất được triệu tập. Tại đây, đồng chí Hoàng Quốc Việt được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tháng 2 năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, phụ trách công tác dân vận, mặt trận và làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Với vai trò cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt và Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã trực tiếp lãnh đạo giai cấp công nhân phát huy quyền làm chủ, phấn khởi, hăng hái thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đề ra.

Trên cương vị Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc chuyển hóa các chủ trương của Đảng vào công tác chỉ đạo, tổ chức hoạt động công đoàn trong nước và đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào công nhân và công đoàn quốc tế.

Thời kỳ này, phong trào thi đua lao động, sản xuất trong công nhân, lao động do Công đoàn tổ chức và chỉ đạo phát triển sâu rộng trong tất cả các ngành nghề. Công đoàn đã vận động, tổ chức để công nhân tham gia quản lý xí nghiệp. Qua đó góp phần đưa nền kinh tế kháng chiến phát triển về mọi mặt; dốc sức người, sức của phục vụ các chiến dịch, góp phần vào các chiến thắng quân sự to lớn của đất nước.

Từ năm 1956, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan nhà nước nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách như cải cách tiền lương, ban hành chế độ tiền thưởng, nghỉ lễ hàng năm… đem lại những quyền lợi thiết thực cho công nhân và nhân dân lao động.

Để phát huy tối đa vai trò của tổ chức Công đoàn, ngày 5/11/1957, lần đầu tiên Luật Công đoàn được Quốc hội ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn đẩy mạnh mọi hoạt động, bước đầu mở rộng dân chủ trong việc quản lý xí nghiệp, thúc đẩy sản xuất, khắc phục tệ quan liêu, lãng phí, tham ô, đề cao kỉ luật lao động xã hội, đảm bảo thi hành các chế độ lao động, củng cố vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân nhằm hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Tính đến năm 1960, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã 3 lần đề nghị với Chính phủ cải tiến chế độ tiền lương cho công nhân, viên chức trên nguyên tắc phân phối lao động. Ngoài ra, Công đoàn đã tham gia xây dựng chính sách giải quyết tình trạng thất nghiệp và chính sách nhà ở; giám sát và tham gia với lãnh đạo các xí nghiệp sử dụng hợp lý quỹ phúc lợi xí nghiệp vào việc xây dựng thêm nhà giữ trẻ, nhà ở, nhà ăn, các câu lạc bộ cho công nhân, viên chức.

Tháng 4/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành “Nghị quyết về việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1960”. Theo đó, tiếp tục cải tiến chế độ lương và tăng lương, nhằm quán triệt thêm một bước nguyên tắc phân phối theo lao động. Đi đôi với việc cải tiến chế độ lương là ban hành các chính sách cụ thể về bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho công nhân, viên chức và quân đội.

Cống hiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt trên cương vị người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam
Đồng chí Hoàng Quốc Việt (thứ 2, từ trái sang) với công nhân ngành Xây dựng Hà Nội. Ảnh: TL.

Sang năm 1961-1962, chế độ trả lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng được Nhà nước triển khai rộng rãi, gồm có thưởng năng suất, thưởng tiết kiệm, thưởng sáng kiến, thưởng hoàn thành kế hoạch, thưởng lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua… Chế độ trả lương, thưởng theo sản phẩm đã có tác dụng vừa khuyến khích sản xuất, vừa tăng thu nhập cho người công nhân, từ đó cải thiện đời sống sinh hoạt.

Bên cạnh đó, Công đoàn phối hợp với cơ quan Nhà nước xây dựng các định mức lao động, đơn giá sản phẩm, nội quy trả lương sản phẩm và các loại tiền thưởng; tham gia các hội đồng xét duyệt định mức, xét duyệt khen thưởng sáng kiến…

Đồng chí Hoàng Quốc Việt và Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam xác định: “Mọi người phải phấn đấu không ngừng nâng cao năng suất lao động để từng bước nâng cao mức hưởng thụ về tiền lương…”, “Thực hiện việc nâng cấp, bậc cho công nhân, viên chức thường xuyên, kịp thời và đúng chính sách, bảo đảm người công nhân trình độ thợ ở bậc nào thì xếp bậc đó và hưởng lương bậc đó”.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục được Đảng tin tưởng giao trọng trách trụ cột lãnh đạo phong trào công nhân và Công đoàn.

Tháng 8/1961, Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam và đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục tái đắc cử làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Thời gian này, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III: “Nâng cao vị trí của tổ chức Công đoàn trong mọi mặt hoạt động xã hội theo đúng Luật Công đoàn, làm cho Công đoàn thật sự trở thành trường học quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, trường học của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt và Ban Chấp hành Tổng Công đoàn, công tác tổ chức của hệ thống công đoàn được chấn chỉnh.

Việc xây dựng công đoàn cơ sở được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Kế hoạch đào tạo, bồi đưỡng cán bộ công đoàn được ban hành. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ công đoàn thời kỳ này được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua của công nhân, viên chức, góp phần hoàn thành thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Với sự sát sao trong công tác bảo vệ quyền lợi, xây dựng chế độ chính sách cho công nhân, viên chức và kịp thời động viên, tổ chức thi đua của các cấp công đoàn, trong giai đoạn 1965-1968, phong trào công nhân, viên chức và hoạt động công đoàn đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến; vừa sản xuất, bảo vệ sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Thắng lợi của phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn giai đoạn này đã khẳng định đường lối chuyển hướng kinh tế đúng đắn của Đảng và tinh thần anh dũng, lao động quên mình của giai cấp công nhân.

Cống hiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt trên cương vị người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam duyệt số Tạp chí Công đoàn (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn) tháng 1/1970 trước khi phát hành. Ảnh: T.L

Do hậu quả của chiến tranh, đời sống của công nhân, viên chức vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác chăm lo cho công nhân tiếp tục được tổ chức Công đoàn chú trọng. Năm 1973, Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam mà đồng chí Hoàng Quốc Việt là người đứng đầu đã ra nghị quyết chỉ đạo các cấp công đoàn cần chú trọng khắc phục hậu quả chiến tranh và chăm lo đời sống cấp thiết của công nhân, viên chức. Phải giúp đỡ các cơ quan Nhà nước thực hiện mau chóng các chế độ, chính sách thời chiến và kịp thời kiểm tra, phát hiện những thiếu sót để thực hiện cho đúng…

Tháng 2/1974, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục được tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn. Đây là nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu giữ trọng trách người đứng đầu tổ chức Công đoàn.

Để công nhân, viên chức được hưởng tiền lương xứng đáng với công sức lao động, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với Ban Thư kí Tổng Công đoàn tích cực phối hợp với các cơ quan Nhà nước xây dựng một số chế độ, chính sách bổ sung và sửa đổi về lao động, tiền lương, tiền thưởng. Liên hiệp Công đoàn các tỉnh, thành phố kí kết nghị quyết liên tịch với cơ quan chính quyền đồng cấp về việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức. Một số công đoàn ngành và Liên hiệp Công đoàn địa phương phối hợp với cơ quan quản lý hướng dẫn cơ sở thi hành chế độ trích lợi nhuận, lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.

Không chỉ trực tiếp chỉ đạo, tổ chức hoạt động, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn dành thời gian nghiên cứu, thường xuyên tổng kết, đúc rút từ thực tiễn thành các công trình nghiên cứu về giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn. Một số công trình nghiên cứu của đồng chí Hoàng Quốc Việt được xuất bản thời gian này đã đóng góp quan trọng vào công tác lý luận về giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn như: Giai cấp công nhân với chủ nghĩa cộng sản (Nxb Lao động,1968); Vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (Nxb Lao động, 1969); Giai cấp công nhân và nhân dân ta nhất định đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (Nxb Lao động,1969); Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam (Nxb Lao động,1970)…

Với 26 năm liên tục ở cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam và hơn mười năm là Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp quan trọng, trực tiếp đối với sự trưởng thành, lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, khẳng định vai trò đại diện và chăm lo đời sống công nhân, viên chức, tham gia quản lý nhà nước, động viên công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng. Di sản đồng chí Hoàng Quốc Việt để lại sẽ mãi là những bài học quý báu, là ngọn đuốc sáng soi đường cho lớp lớp cán bộ công đoàn Việt Nam hôm nay và mai sau.


Tài liệu tham khảo

1. Thân thế và sự nghiệp đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nxb Lao động, H2001

2. Công đoàn Việt Nam 95 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Lao động, H.2024

3. Điếu văn của Đảng và Nhà nước Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc tại lễ truy điệu và an táng đồng chí Hoàng Quốc Việt, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 31/12/1992.

4.https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-quyet-cai-tien-che-do-luong-va-tang-luong-nam-1960-58124.aspx

5.https://www.nxbctqg.org.vn/dong-chi-hoang-quoc-viet-tam-guong-dao-duc-sang-ngoi.html

6.https://nvsk.vnanet.vn/dong-chi-hoang-quoc-viet-nguoi-tiep-thu-va-thuc-hien-xuat-sac-tu-tuong-ho-chi-minh-1-124019.vna

7.https://laodongcongdoan.vn/dong-chi-hoang-quoc-viet-voi-cong-tac-cham-lo-doi-song-nguoi-lao-dong-104438.html

Tin mới hơn

Bình tĩnh và tin tưởng vào công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bình tĩnh và tin tưởng vào công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 7, khóa XIII diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang quyết liệt thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Không đơn thuần là một kỳ họp định kỳ, hội nghị lần này thực sự là điểm “bản lề” về tư duy, nhận thức và hành động của tổ chức Công đoàn.
Hướng dẫn mới về công đoàn xã và công đoàn đặc khu

Hướng dẫn mới về công đoàn xã và công đoàn đặc khu

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai về công đoàn xã, công đoàn đặc khu cụ thể như sau:
Truyền thông cho đoàn viên, người lao động là quá trình dẫn dắt cảm xúc và xây dựng niềm tin

Truyền thông cho đoàn viên, người lao động là quá trình dẫn dắt cảm xúc và xây dựng niềm tin

Bài nghiên cứu phân tích sự thay đổi trong hành vi tiếp cận thông tin của người lao động ngành Dệt May trong bối cảnh chuyển đổi số. Trên cơ sở phỏng vấn sâu, nhóm tác giả chỉ ra hiệu quả, rào cản và đề xuất giải pháp nâng cao truyền thông nội bộ. Truyền thông không chỉ là cung cấp thông tin, mà còn là quá trình tạo niềm tin và gắn kết người lao động với doanh nghiệp, công đoàn.

Tin tức khác

Đón đọc Tạp chí Lao động và Công đoàn số tháng 6/2025

Đón đọc Tạp chí Lao động và Công đoàn số tháng 6/2025

Tạp chí Lao động và Công đoàn tháng 6 với 100 trang, in màu trên giấy couche, xuất bản - phát hành ngày 10/6/2025 đến các cấp công đoàn trên toàn quốc.
Tháng Công nhân ở Huế: Lan tỏa trách nhiệm, đồng hành cùng người lao động

Tháng Công nhân ở Huế: Lan tỏa trách nhiệm, đồng hành cùng người lao động

Trong Tháng Công nhân 2025, các cấp công đoàn thành phố Huế đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, chia sẻ và đồng hành với đoàn viên, người lao động, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 5 khép lại bằng nhiều câu chuyện cảm động, thể hiện tinh thần nhân ái và sự gắn kết giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động được lan tỏa mạnh mẽ.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng nhân 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng nhân 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - gửi thư chúc mừng các cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đang công tác tại các cơ quan báo chí của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tạp chí Lao động và Công đoàn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Cuộc thi "Suy nghĩ hay, hành động đẹp": Khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Cuộc thi "Suy nghĩ hay, hành động đẹp": Khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Hơn 1.000 tác phẩm báo chí, video clip, ảnh nghệ thuật gửi về dự thi. Mỗi dòng chữ, mỗi khuôn hình, mỗi khuôn mặt hiện lên đều là một mảnh ghép sinh động cho bức tranh rộng lớn về công nhân lao động Thủ đô trong hành trình kiến tạo Hà Nội văn minh, hiện đại.
Tháng Công nhân ở Quảng Trị: Chia sẻ khó khăn, đồng hành vì người lao động

Tháng Công nhân ở Quảng Trị: Chia sẻ khó khăn, đồng hành vì người lao động

Tháng Công nhân năm 2025 ở Quảng Trị vừa khép lại với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Từ đó, nhiều đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn chăm lo chu đáo về vật chất cũng như tinh thần, tạo động lực để họ thi đua lao động sản xuất, góp sức xây dựng đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị dự toán cấp I trong hệ thống tài chính công đoàn

Giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị dự toán cấp I trong hệ thống tài chính công đoàn

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 7, khóa XIII, đồng chí Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công đoàn trong quản lý tài chính.
Xem thêm